Tài liệu Tọa đàm Lm. Đặng Đức Tuấn – 2. ĐẶNG ĐỨC TUẤN, MỘT TRÍ THỨC CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC TIÊU BIỂU

ĐẶNG ĐỨC TUẤN
MỘT TRÍ THỨC CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC TIÊU BIỂU

Nguyễn Thanh Quang

            Giữa thế kỷ XIX, Pháp đẩy mạnh kế hoạch xâm chiếm thuộc địa ở Viễn Đông. Ngày 31.8.1858, Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, chính thức mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong lúc, triều đình Huế suy nhược cao độ, những trí thức nhận lấy nhiệm vụ cứu dân, cứu nước. Lịch sử đã ghi nhận những trí thức ấy như tấm gương về lòng yêu nước, trong đó linh mục Đặng Đức Tuấn nổi lên là một trong những trí thức dấn thân tiêu biểu nhất.

 

Đặng Đức Tuấn sinh năm 1806 tại làng Qui Hòa, tổng An Sơn, huyện Bồng Sơn (ngày nay là thôn Qui Thuận, xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn). Cha ông là Đặng Đức Lành – một ẩn sĩ làm Câu trưởng địa sở Gia Hựu, anh là Đặng Đức Hóa, em là Đặng Đức Bình. Theo Lam Giang và Vũ Ngọc Nhã: ông nội Đặng Đức Tuấn là Đặng Đức Chiêm – Tổng đốc Hải Dương, ông cố là Đặng Đức Siêu – Thượng thư Bộ Lễ đầu tiên của triều Nguyễn (!). Đặng Đức Siêu ở làng Phụng Cang, nay là phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn (mộ của ông ở phường Hoài Xuân), cách làng Qui Hòa, Hoài Châu Bắc khoảng 20km. Tính theo cách biệt năm, Đặng Đức Siêu (1751-1810) có thể là ông cố của Đặng Đức Tuấn. Tuy nhiên, chưa tìm thấy bằng chứng khẳng định là họ Đặng Đức ở Qui Hòa, Hoài Châu là hậu duệ của Đặng Đức Siêu.

Đặng Đức Tuấn tư chất thông minh, tỏ ra xuất sắc hơn anh em trong gia đình và bạn bè đồng song ở học đường. Năm Ất Dậu (1825), Đặng Đức Tuấn dự khoa thi Hương, ở trường nhất (kinh nghĩa) và trường nhì (chiếu, biểu, luật, dụ) ông đậu thủ khoa, nhưng vào trường ba (thơ, phú, văn sách) ông bị trượt vì chép đề thi sai sót, lạc đề (Thi Hương gồm 4 trường, đậu 3 trường là Tú tài, đậu 4 trường là Cử nhân). Ông về quê làm giáo làng và là giáo dân của địa sở Gia Hựu.

Khoảng đầu đời vua Thiệu Trị (1841-1847), nhân Chủng viện Penang, Malaysia cần thầy giáo dạy Hán văn cho các chủng sinh Việt Nam đang học ở đây, thầy giáo Tuấn được cử sang giúp. Sau 7 năm ở Penang, tiếp cận văn hóa Đông Tây, ngoài vốn Hán – Nôm và Quốc ngữ sẵn có, ông đã học và sử  dụng được tiếng Latin, tiếng Pháp, hiểu biết Thần học, Triết lý, Lịch sử giáo hội, Giáo luật… thầy Đặng Đức Tuấn được thụ phong Phó tế. Sau khi về nước, ông được thụ phong linh mục tại Tòa Giám mục Gò Thị (Phước Sơn, Tuy Phước) và bổ nhiệm địa sở Châu Me, Trung Tín, tỉnh Quảng Ngãi. Linh mục Đặng Đức Tuấn còn được gọi là Cha Khâm.

Khoảng cuối thập niên 1850, khi có sự thù nghịch giữa nhà Nguyễn và các lực lượng Pháp, Tây Ba Nha, triều đình Huế nghi kỵ người Công giáo theo giặc, vua Tự Đức liên tiếp ra các sắc dụ cấm đạo. Cuối năm 1861, linh mục Đặng Đức Tuấn bị các quan chức nhà Nguyễn tống giam tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Phát hiện ông mang trong người hai bản điều trần nói về phương lược bình Tây: Hoành mao hiến bình Tây sách (Hiến kế sách dẹp giặc Tây của một kẻ sĩ ở nhà tranh) và Minh đạo bình Tây sách (Làm sáng rõ đạo, dẹp yên giặc Tây), các quan triều đình lệnh truyền giải ông về Huế. Tại đây, ông viết tiếp bốn bản điều trần, nội dung xin tha cho giáo dân, về vấn đề cấm đạo, hiến kế làm cho dân giàu quân mạnh và kế sách giảng hòa với Pháp. Triều đình phát hiện tài năng của Đặng Đức Tuấn, vua Tự Đức cử làm tùy viên trong phái đoàn nghị hòa Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị với Pháp ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Sau cuộc “phụng quốc hành”, linh mục Đặng Đức Tuấn được triều đình hậu đãi và được giáo dân gọi là Cha Khâm (Khâm sứ); với biệt danh này, cha có thể giải vây và giải oan cho nhiều bổn đạo bị cầm tù hay phân sáp trên đường cha về quê hoặc đi nhiệm sở mới.

Sau Hòa ước Nhâm Tuất, triều đình Huế cho ông về quê, được Bề trên địa phận bổ nhiệm về xứ đạo Tân Lộc (Quảng Ngãi), rồi chuyển vào xứ Mương Lở – Hòa Mục (Cát Tài, Phù Cát, Bình Định). Năm 1865, ông được bổ nhiệm làm Cha sở Nước Nhỉ – xứ đạo bên đầm Trà Ổ (Phù Mỹ). Trong thời gian ở Nước Nhỉ, vua Tự Đức triệu mời ông về kinh đô Huế hai lần để tham vấn việc nước. Ngày 24.7.1874, linh mục Đặng Đức Tuấn mất tại nhà thờ Nước Nhỉ, mộ ông được an táng tại đây.

Những đóng góp của Đặng Đức Tuấn đối với quốc gia, dân tộc đã được các thế hệ sau ghi nhận. Chí sĩ Phan Bội Châu đánh giá: “Đặng Đức Tuấn là một trong những người đầu tiên thắp sáng lên những mầm văn minh trên đất nước ta”.

Hai tác giả: Lam Giang và Võ Ngọc Nhã cho rằng: Đặng Đức Tuấn “Một mặt biểu lộ tấm lòng của người phải gánh chịu vận rủi bất công của người Công giáo nhưng đàng khác là người nói lên sức mạnh đoàn kết của một dân tộc trong việc bảo vệ tổ quốc”. Những tính chất này được tìm thấy trong cuốn Thuật tích việc Nước Nam (Đặng Đức Tuấn – Tinh hoa Công giáo ái quốc Việt nam. xuất bản tại Sài Gòn, 1970).

Thông báo Hán Nôm học năm 2003 (tr. 210-222), hai tác giả Vũ Thu Hà – Phạm Ngọc Quỳnh (Viện nghiên cứu tôn giáo) đã viết: Lm. Đặng Đức Tuấn (1806-1874) là một trí thức Công giáo tiêu biểu thời cận hiện đại. Đặng Đức Tuấn trước tác khá nhiều, được các bậc thức giả thời bấy giờ coi ông là người có kiến văn, là một trang quốc sĩ. Những di thảo của Đặng Đức Tuấn để lại cho thấy tinh thần yêu nước của một người công giáo Việt Nam, biết kết hợp hai lý tưởng: Thiên Chúa và Tổ quốc. Bên cạnh những tác phẩm như: Nguyên Đạo, Minh Đạo là những tác phẩm trình bày bản chất, giáo lý đạo Công giáo nhằm giải tỏa những sự ngộ nhận, hiểu lầm của các nhà Nho đối với đạo, là những sách bàn về kế sách đánh giặc như: Hoành mao hiến bình Tây sách, Minh đạo bình Tây sách… Ngoài ra, Đặng Đức Tuấn còn để lại nhiều bài thơ văn chữ Hán, Nôm liên quan đến vấn đề quốc sử và giáo sử như: Thuật tích việc nước Nam, Nguyễn vương phục quốc, Gia Long thống nhất, Kim thạch giải sầu ca, Cách ngôn liên bích, Những ngày truyền giáo đầu tiên, Việc cấm đạo thời Minh Mạng, Thiệu Trị… và các bài văn tế kể về hoạn nạn của ông: Trên đường lâm nạn, Phụng chỉ lai kinh điều trần việc nước, việc đạo, các bài văn tế khóc giáo dân tử nạn…

Trong bài viết: Sự thống nhất giữa “kính chúa” và “yêu nước” trong tư tưởng Đặng Đức Tuấn (Tạp chí Triết Học số 2 (112), tháng 4.2000, tr. 29-32) của Đỗ Lan Hiền (Viện Triết học) nhận xét: Ở Đặng Đức Tuấn tư tưởng “Minh Đạo” đi liền với “Bảo Quốc”. Những tư tưởng của ông về “nội trị” và “ngoại trị” chiếm khá nhiều trong tư tưởng của ông. Theo ông, để trị quốc, trước hết, “Việc chính trị sự sắp xếp phải an hòa” (Minh đạo bình Tây sách). Trong ba yếu tố – thiên thời, địa lợi, nhân hòa – thì cái đạo giữ nước, theo ông, phải lấy “nhân hòa” làm đầu, bởi dân là gốc của nước, có dân tâm, sĩ khí ắt có thể xoay chuyển thời cuộc.

Wynn Wilcox – Western Connecticut State University, USA, tác giả tham luận: Thuật tích việc Nước Nam của Đặng Đức Tuấn: Nguồn chữ Nôm về lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX, tại Hội thảo quốc tế lần thứ hai về chữ Nôm, ngày 01.6.2006 – Huế. Ông đã viết: giới học giả Việt Nam thường nhắc nhở không nên vơ đũa cả nắm rằng người Công giáo Việt Nam đều là những cộng tác viên của người Pháp. Họ nêu lên những người Công giáo tham gia vào công cuộc chống xâm lăng của quân Pháp trong cả hai thế kỷ XVIII- XIX (Phan Khắc Từ: Nhìn lại tổ chức và phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản, số 86, 2005; Hữu Hợp và Tố Thanh: Công giáo Việt Nam trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Nghiên cứu lịch sử, số 238,1988).

Linh mục Đặng Đức Tuấn, sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất, ông trở về với bổn phận là linh mục tại nhiều địa sở khác nhau, hầu hết trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, ông không rút lui khỏi triều chính. Thỉnh thoảng, ông vẫn đệ trình lên triều đình vài canh tân và biện hộ cho những nhà cải cách khác như Nguyễn Tường Tộ (1828-1871), viết lịch sử, thơ và các tác phẩm khác.

Cũng theo Đỗ Lan Hiền (Viện Triết học), mặc dù, tư tưởng “Minh Đạo” của Đặng Đức Tuấn không đạt được mục đích như mong muốn, bởi nó đã không ngăn nổi phong trào “sát tả” thời bấy giờ, những điểm sáng trong tư tưởng “Bảo Quốc” của ông không thắng được lực cản của tính chính thống cứng nhắc trong tư tưởng Nho giáo. Nhưng tư tưởng của ông đã mở ra một con đường cần lựa chọn. Đó là con đường thống nhất giữa “kính Chúa” và “yêu Nước” mà sau này Giáo hội Việt Nam đã đi theo: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, gắn bó thực sự với dân tộc. Có thể nói, những điểm sáng trong sách lược “Bảo Quốc” của linh mục Đặng Đức Tuấn cho đến nay vẫn còn giá trị, vẫn là một bài học quí giá cho chúng ta về đoàn kết nội bộ dân tộc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã đúc kết trong Tiểu sử cha Khâm – Đặng Đức Tuấn (nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 25): Cho đến hơi thở cuối cùng, Đặng Đức Tuấn đã sống và đấu tranh cho đạo hiếu tam phụ của truyền thống đức tin Công giáo ở Việt Nam – mà nay chúng ta có thể mệnh danh đó là một nền thần học phát sinh từ lòng mẹ dân tộc. Linh mục Đặng Đức Tuấn xứng đáng là một trong những tấm gương sáng chói của tinh thần: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, ở một giai đoạn lịch sử khó khăn nhất của Dân tộc và Giáo hội Việt Nam.

Thi sĩ, văn sĩ, sử gia, nhà ngoại giao Đặng Đức Tuấn là ngôi sao sáng trong nền văn học Việt Nam, một công dân Công giáo yêu nước có tư tưởng cách tân đầu tiên tiêu biểu nửa cuối thế kỷ XIX (trước cải cách của Nguyễn Tường Tộ 1 năm). Năm 2011, tên ông được chọn đặt cho một con đường ở thành phố Huế thơ mộng, cổ kính.

NTQ