Tài liệu Tọa đàm Lm. Đặng Đức Tuấn – 8. GIÁO XỨ GIA HỰU

GIÁO XỨ GIA HỰU

Lm. Gioan Võ Đình Đệ

          Căn cứ lời khai của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn về nơi sinh quán của mình “Quê tôi làng chính Qui Hòa…”, Qui Hòa nay là thôn Qui Thuận xã Hoài Châu Bắc. Nhà thờ Gia Hựu tọa lạc tại thôn Qui Hòa (Qui Thuận). Như vậy, Gia Hựu là nơi chốn nhau cắt rốn của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874). Nói đến Gia Hựu là nói đến một vùng đất mà cư dân Việt tộc đã định cư từ lâu đời. Nói đến Gia Hựu là nói đến một giáo xứ kỳ cựu, sầm uất một thời của giáo phận Qui Nhơn thuộc vùng cực Bắc tỉnh Bình Định. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Gia Hựu nay thuộc thôn Qui Thuận, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Quần thể khu trung tâm nầy có Nhà thờ, Nhà xứ, hang đá Đức Mẹ, nhà Mồ, Phước viện, Cô nhi viện, Trường học. Ngày nay nhà thờ, nhà xứ… không còn, chỉ còn một phần nhà Mồ và hang đá Đức Mẹ.

  1. LƯỢC SỬ MỘT VÙNG ĐẤT

Sau khi chinh phạt Chiêm Thành, tháng 7 năm 1471, vua Lê Thánh Tôn cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó, người Việt bắt đầu tiến dần vào lập làng sinh sống. Năm 1490, huyện Bồng Sơn có 7 tổng với 32 xã.[1]

Sau thời gian dài trong việc cải tổ các đơn vị hành chánh, năm 1899, huyện Hoài Ân (bao gồm phần đất huyện An Lão ngày nay) được thành lập từ phần đất được tách ra của huyện Bồng Sơn.[2] Cuộc cải cách hành chánh năm 1946, bãi bỏ cấp phủ, tổng để thành lập huyện, xã. Theo đó huyện Bồng Sơn được gọi là huyện Hoài Nhơn, ngày nay là thị xã Hoài Nhơn.

Vùng đất được gọi là huyện Bồng Sơn từ năm 1471, có núi, có sông và có biển.

“Thạch Tân có đèo Bình Đê

Có núi Đầu Rồng mặt ngoảnh vào Nam”

Dãy núi Trường Sơn chạy từ bắc vào nam đến cuối Quảng Ngãi đầu Bình Định thì phát sinh một nhánh lớn chạy từ tây xuống đông, khi gần đến biển thì núi quay vào nam cho đến cửa Kim Bồng (Tam Quan). Nhánh nầy là dãy Thạch Tân, tục gọi là Bến Đá.  Đây là ranh giới thiên nhiên giữa hai phủ Tư Nghĩa và Hoài Nhơn, nay là hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Tại ranh giới giữa hai phủ, hiện có di tích Miếu Đôi. Tục truyền rằng: Từ rất xa xưa, nghe tin dân làng bên phủ Tư Nghĩa chuẩn bị xây dựng miếu thờ thổ thần thì một số cư dân ở phủ Hoài Nhơn ngăn cản, tranh chấp vị trí xây miếu. Mâu thuẫn xảy ra và khiếu kiện lên quan trên. Ngày nọ, vị quan về làng gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của cư dân, ông đưa ra ý kiến quyết định: Dân mỗi làng được quyền xây dựng một ngôi miếu tại địa giới của mình. Mỗi ngôi miếu kích thước bằng nhau và chung tường rào bao quanh. Dân hai làng tuân lệnh quan, góp tiền của và công sức xây miếu thờ theo nguyện ước của mình. Do đó có tên gọi là Miếu Đôi. Miếu tọa lạc tại gò Vung, một bên là thôn Đồng Vân, xã Phổ Thạnh Đức Phổ, Quảng Ngãi, một bên là thôn Phú Nông, xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định. Hằng năm dân hai làng hòa thuận góp lễ cúng tế cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sự tích Miếu Đôi làm tăng thêm chút mặn mà cho tên gọi giáo xứ Gia Hựu mà trung tâm sinh hoạt là nhà thờ tại thôn Qui Hòa / Qui Thuận, một vùng đất mang dòng sửa tinh thần hòa thuận hun đúc các “kẻ sĩ” đạo và đời, trong đó có Cống Quận công Trần Đức Hòa, Khám lý Phủ Qui Nhơn; Linh mục Giuse Phạm Ẩn Sĩ [3] và Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn.

Từ năm 1672, huyện Bồng Sơn có đường thiên lý đi qua. Đường thiên lý nối hai phủ Tư Nghĩa và Hoài Nhơn qua đèo Bến Đá của núi Thạch Tân và đặt trạm dừng chân tại Bến Đá (Bình Đê), tại đây có bến đò nên còn được gọi là bến đò Bến Đá. Từ Bến Đá có đường thượng đạo lên tới Tây Sơn Thượng. Từ Bến Đá có các trạm đi vào phía nam. Cứ cách khoảng 30 dặm thì có một nhà trạm để bộ hành nghỉ ngơi, ăn uống sau một buổi đường, nên còn gọi là quán.[4] Đường thiên lý này ngày nay được chuyển từ trạm Bến Đá về hướng đông khoảng 02 km.

Về đường thủy, huyện Bồng Sơn có nhiều sông suối như sông Lại Giang, phát nguyên từ vùng núi của huyện Bồng Sơn (bao gồm huyện Hoài Ân và An Lão ngày nay) đổ ra biển bằng 2 cửa An Dũ và Kim Bồng (Tam Quan).[5] Ngày nay nhánh sông Lại Giang phát xuất từ xã Hoài Xuân đổ ra cửa Kim Bồng đã bị bồi lấp rất nhiều, nhiều đoạn đã thành ruộng lúa. Một nhánh sông khác phát nguyên từ vùng núi xã Hoài Sơn, Hoài Châu và Hoài Châu Bắc, còn gọi là sông Bến Đá, chảy về hướng đông, đổ ra cửa Kim Bồng, ngày nay cũng đã bị bồi lấp ở vùng thượng nguồn.[6] Trên Quốc lộ I, có cầu Gia Hựu, một dấu tích của nhánh sông này.

Tận dụng nguồn sông suối để giao thương từ vùng biển với vùng núi, theo đó  các trạm thu thuế qua các thời được đặt ở các sông suối thường giao thương. Huyện Bồng Sơn có các nguồn để thu thuế như nguồn Trà Vân  còn gọi là Trà Văn, thủ sở thuộc thôn An Đỗ và An Hội xã Hoài Sơn),[7] nguồn Ô Kim hay Ô Liêm đặt tại cửa sông Lại Giang (cửa Ti-phu/Thầy Phú/An Giũ).[8]

            Nói huyện Bồng Sơn xưa, thị xã Hoài Nhơn ngày nay là nói đến xứ dừa, mà thủ phủ là Tam Quan.

Công đâu công uổng công thừa,
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan.
Công đâu công uổng công hoang
Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa.

~*~

Tam Quan ngọt nước dừa xiêm,
Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh.

~*~

Do đó:

Ai qua Bình Định đang trưa,
Dừng chân uống bát nước dừa Tam Quan.

  1. LƯỢC SỬ TRUYỀN GIÁO:

          Theo bước chân các nhà truyền giáo Dòng Tên, cuối mùa chay năm 1641, sau 18 ngày ở Bàu Gốc, cha Đắc Lộ đến Bến Đá,[9] một giáo điểm mà Tin Mừng đã được cắm rễ từ năm 1625.[10] Ông Philipphê, 60 tuổi, người đứng đầu giáo điểm Bến Đá ra đón cha Đức Lộ. Lúc bấy giờ tại Bến Đá đã có một nhà thờ do ông Philipphê xây dựng bằng tiền riêng của ông để tạ ơn Chúa vì đã ban cho ông một người con trai như lời ông khấn nguyện. Cha Đắc Lộ ở Bến Đá 10 ngày, cha rửa tội 100 người, trong đó có một phụ nữ bị quỷ ám thuộc gia tộc ông Philipphê. Cha  khai mạc Tuần Thánh tại Bến Đá. Thứ Sáu Tuần Thánh, 29.03.1641, cha lên đường đi Phú Yên.[11]

Như vậy chỉ 10 năm, sau khi các thừa sai Dòng Tên đặt chân đến Đàng Trong thì vùng đất thuộc giáo xứ Gia Hựu đã được đón nhận Tin Mừng. Năm 1615, các thừa sai Dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn. Năm 1618, các thừa sai Dòng Tên lập cư sở đầu tiên tại Nước Mặn, Qui Nhơn.[12] Năm 1619, cư sở Hội An được thành lập. Đầu năm 1620,[13] các thừa sai chia vùng truyền giáo: Các thừa sai ở cư sở Nước Mặn phụ trách Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên; Các thừa sai ở cư sở Hội An phụ trách từ Quảng Nam ra đến Sông Gianh.[14] Năm 1625, cư sở Dinh Chiêm được thành lập. Trên đường giao liên giữa hai cư sở Hội An và Nước Mặn, Bến Đá là điểm dừng chân của các thừa sai Dòng Tên, Bến Đá là nơi được diễm phúc đón nhận Tin Mừng sớm nhất trong vùng.

          Quán Bến Đá có vị trí thuận lợi trên đường giao thông, cả đường bộ và đường thủy. Bến Đá tiếp nhận nhiều người, trong đó có các thừa sai Dòng Tên, sau đó là các thừa sai hải ngoại Paris, thừa sai  Dòng Phanxicô.

Cha De Courtaulin đã viết trong tường thuật về hành trình của cha tại Đàng Trong vào những năm 1675-1676: “Tôi ghé thăm Bến Đá, số giáo dân trước đây khoảng 300 người, nay giảm còn khoảng 150”.[15]

Trong nhật ký truyền giáo năm 1683, cha Ausiès de Fonbone viết: “Tôi ghé thăm làng Bến Đá ở kề chân núi ranh giới giữa tỉnh Qui Nhơn và Quảng Nghĩa. Nhà thờ ở đây là nhà thờ cổ nhất trong vùng và có tiếng ngày xưa, tuy nhiên hiện chỉ còn khoảng trên dưới 30 tín hữu có thể lãnh nhận các bí tích. Ông thầy giảng đã lớn tuổi, một Kitô hữu đích danh đã nhiều lần mang gông cùm vì lợi ích cho đạo. Các quan lớn nể trọng ông vì từng chứng kiến lòng trung thành của ông. Chính vì thế, người ta chuyển nhà thờ vào nhà ông để tránh sự xách nhiễu của người ngoại giáo”. [16]

Theo sử liệu của Tỉnh Dòng Phanxicô San Grégorio Tây Ban Nha, hai vị thừa sai của Tỉnh Dòng là cha Jéronimo de la Santissima Trinidad và cha José de la Concepción  đã đến Đàng Trong và gặp được Đức cha Pérez, Đại Diện Tông Toà Đàng Trong vào ngày 21.5.1720. Sau một chuyến kinh lý mục vụ với Đức cha Pérez, cha Jeronimo đã đến Phuoc-So (Phú Sanh – Thành Sơn nay thuộc thôn Thành Sơn, xã Hoài Châu)  xây dựng một nhà thờ mới dâng kính Thánh Giuse, và rửa tội cho gia đình một ông quan. Giáo điểm nầy năm sau được giao lại cho cha Filipe de la Concepción.[17] Trong thời gian làm việc trong vùng đất nầy, cha Filipe de la Concepción đã xây dựng các nhà thờ : năm 1726, xây nhà thờ Thánh Antôn ở Bau-gieng (nay thuộc thôn Bàu Giêng, xã Hoài Sơn), cũng trong năm nầy Đức cha Pérez trao cho ngài nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Lên Trời ở Lay-duong (Lại Giang) và nhà thờ dâng kính Tổng lãnh Thiên thần Micae ở Duo-hau (Đồng Hâu, nay thuộc thôn Tân Thành, xã Ân Tường Tây); năm 1732, xây dựng nhà thờ dâng kính Thánh Pedro de Alcantara ở Sao-huinh (Sa Huỳnh). [18]

Trong thống kê năm 1747, do Cha Filipe de la Concepción ghi phần thừa sai Dòng Phanxicô phụ trách các điểm có nhà thờ cận ranh Bến Đá, về sau thuộc phần đất Giáo xứ Gia Hựu : Phuoc-so (Phú Sanh – Thành Sơn) 50 giáo hữu; Ben-da (Bến Đá) 70 giáo hữu; Bau-gieng (Bàu Giêng) 300 giáo hữu; Gia-huu ( Gia Hựu ) 400 Giáo hữu.[19]

Bến Đá, Gia Hựu là những nơi mà Đức cha Cuénot, Giám mục Đại diện Tông Tòa Đàng Trong đã chọn làm chỗ ẩn trú trong những năm tháng đầu tiên cũng như trong những khi cấm đạo gắt gao trong thời Tự Đức.[20] Trong thời gian ẩn trú tại Gia Hựu, Đức cha Cuénot đã truyền chức Linh mục cho nhiều Thầy trong những thời điểm khác nhau: Năm 1840, Thầy Lợi, Thầy An; năm 1846, Thầy Philipphê Phan Văn Minh; [21]  năm 1851, Thầy Tư, Thầy Hân, Thầy Bảo, Thầy Điều, Thầy Mão; năm 1855, Thầy Khâm, Thầy Chung.[22]

Trong thống kê Đức cha Cuénot Thể gởi về Hội thừa sai Balê năm 1850, vùng Bắc Bình Định, từ đèo Phú Cũ trở ra tức là địa bàn nguyên thủy của địa sở Gia Hựu, được chia làm 02 miền :

–    Bồng Sơn miền núi có 15 giáo điểm  : Dông-hâu-dông 354 (Đồng Hâu); Dông-hâu-tây 246; Dông-dô 213; Ngai-diên 139 (Ngãi Điền); Dông-qua-nam 103 (Đồng Quả); Dông-qua-tây 81; Dông-qua-bác 64; Dông-qua-dông 60; Dông-qua-ha 50; Truông-ôi 69 (Truông Ổi); Dông-dài 233 (Đồng Dài); Dai-bình 84 (Đại Bình); Thác-dá 331; Bình-phú 212; Tây-phú 134.

–    Bồng Sơn miền biển có 14 giáo điểm: Kim Bồng 155 tín hữu; Tân Quan 114; Xoài 544; Dông Chu 99; Cà Vàn 15; Phú Sanh 80; Gia Hựu 824; Bến Đá 345; Gò Lót 75; Cây Sô 70; Bàu Giêng 228; Suối Cả 52; Thiết Tràng 134; Tân An 127.[23]

Căn cứ vào con số giáo dân Gia Hựu trổi vượt hơn các nơi khác trong vùng Bắc Bình Định theo thống kê năm 1747 và năm 1850, cũng như sự kiện Đức cha Cuénot chọn Gia Hựu làm nơi ẩn trú trong nhiều thời điểm, và Đức cha Charbonnier đã đặt Toà Giám Mục, Sở Quản Lý tại Gia Hựu, ít nhất cho tới thời điểm năm 1871,[24] những điều đó cho thấy vùng Gia Hựu là một chỗ ‘đất lành’ của hạt giống Tin Mừng.

Thời gian truyền giáo ban đầu, số linh mục còn ít ỏi, các ngài rày đây mai đó để phục vụ cho các cộng đoàn tín hữu, không có một chỗ ở ổn định. Trong các sử liệu truyền giáo hiện biết được, chưa tìm thấy vị Thừa sai hay Linh mục Việt Nam nào đã cư trú tại Gia Hựu trước năm 1839, thời điểm Đức cha Cuénot tạm ẩn trú tại đây trước khi đến Gò Thị. Vị Thừa sai đã cư trú tại Gia Hựu sau thời điểm năm 1853 là cha Charles Ferdinand Herrengt Nhơn.

  1. Cha Charles Ferdinand Herrengt Nhơn (1853-1861)

Sau khi đến Giáo phận, Đức cha Cuénot đã đưa cha đến ẩn trú tại Gia Hựu cùng với Đức cha. Cha Herrengt đã ở tại Gia Hựu cho đến năm 1861. Trong phần phía Nam Gia Hựu, có Cha Jean Claude Roy đến làm việc tại Thác Đá vào năm 1856 –1861. Theo lệnh Đức Cha Cuénot, ngày 21.8.1861, cha Herrengt, cha Roy, hai cha Việt Nam và mười hai chủng sinh xuống thuyền tại cửa biển Kim Bồng đi vào Sài Gòn để tránh thiệt hại nhân sự trong lúc chiếu chỉ phân sáp được thi hành quá gắt gao.[25]

Ngày 14.7.1865, Đức cha Charbonnier Trí, Đại Diện Tông Toà Giáo phận Đông Đàng Trong đã lên cửa biển Kim Bồng đến với Giáo phận, thay cho Đức cha Cuénot đã chết rũ tù tại nhà giam Bình Định từ ngày 14.11.1861. Thời điểm Đức cha Charbonnier đến nhận giáo phận, trong giáo phận hiện có 04 Linh mục thừa sai, 22 Linh mục Việt Nam, 01 Chủng viện với 22 chủng sinh, 08 Phước viện với khoảng 300 Nữ tu, và khoảng 26.000 giáo dân. [26]

Từ lúc cha Herrengt rời khỏi Gia Hựu cho đến khi Đức cha Charbonnier đến nhận giáo phận (1861-1865), vẫn chưa tìm thấy có Linh mục nào đã đến ở tại Gia Hựu. Mặc dù vua Tự Đức đã hạ chỉ phân sáp, tuy nhiên đây đó vẫn còn những nghi kỵ bắt bớ, do đó, có thể các Linh mục vẫn còn dè dặt, ẩn trú rày đây mai đó để bảo tồn.

  1. Cha Phanxicô Xaviê Van Camelbeke Hân (1865-1878).

Năm 1865, cha Phanxicô Xaviê Van Camelbeke đến nhận sở Gia Hựu. Lúc bấy giờ, Gia Hựu gặp dịch tả, đói khát và hậu quả của chiếu chỉ phân sáp là các trẻ mồ côi, ruộng vườn, nhà cửa, đất đai của những người công giáo đã bị tịch thu. Cha Phanxicô Xaviê Van Camelbeke đã ra sức cáng đáng khắc phục hậu quả, từng bước ổn định cuộc sống cho giáo dân. Năm 1870, cha xây dựng nhà thờ Gia Hựu. Tái lập Phước Viện và Cô Nhi Viện.

  1. Cha Gioan Martin Lý

Cha Gioan Martin Lý được bổ nhiệm đến Gia Hựu thay cho cha Van Camelbeke  Hân. Cha làm việc tại Gia Hựu trong thời gian ngắn, khoảng 3 hay 4 tháng đầu năm 1878.

  1. Cha Constan Julien Fourmond Thủ (1878 –1879 )

Cha Fourmond được cử đến Gia Hựu thay thế cho cha Gioan Martin Lý. Cha Fourmond đã từng quen biết con người và đất Gia Hựu. Cuối năm 1869, cha Fourmond được gởi đến Gia Hựu để học tiếng Việt, đồng thời giúp mục vụ cho cha Phanxicô Xaviê Van Camelbeke cho đến năm 1873. Tháng 8 năm 1878, cha được bổ nhiệm về Gia Hựu. Đã quen cảnh cũ người xưa, nhưng cha được làm việc ở đây chỉ có 08 tháng. Sau đó, cha về làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Nước Nhỉ.

  1. Cha Phanxicô Marie Geffroy Bửu (1879-1918)

Trước khi được bổ nhiệm về Gia Hựu, cha François Marie Geffroy đã quen biết Gia Hựu, cha học tiếng Việt tại Xoài, một giáo họ của Gia Hựu. Trong khi chờ nhận nhiệm sở, cha ở tại Gia Hựu khoảng 02 tháng dưới sự hướng dẫn hằng ngày của Đức cha Charbonnier.

Cuối năm 1879, cha Phanxicô Marie Geffroy được bổ nhiệm về Gia Hựu. Việc đầu tiên khi về Gia Hựu, cha đối diện với nạn đói do hậu quả những trận lụt năm 1878. Cha viết: “ Mỗi sáng, dưới những tán me trên đường từ nhà thờ đến Phước viện có ba, bốn, năm em bé được đặt nằm ở đó từ trong đêm, trong tình trạng lâm tử ”.[27]

Đức thương người đã thúc bách cha. Cha củng cố Cô Nhi Viện, phân lập nhà cho trẻ nam, nhà cho trẻ nữ. Cha tổ chức khai khẩn đất sản xuất, tạo nghề cho các em làm ăn sinh sống. Các em nam lo việc trồng trọt, nhất là dừa, mía đường, dâu tằm, đào và lúa ruộng. Bên cạnh đó, các em nữ lo việc nuôi tằm, dệt vải, nhuộm, may vá. Thời điểm năm 1884, Cô Nhi Viện nầy có khoảng 200 em cả nam và nữ. Ngoài việc chăm sóc trẻ mồ côi, cha Geffroy còn lập nhà tế bần khoảng 20 giường. [28]

Cha Phanxicô Marie Geffroy cùng với giáo hữu Gia Hựu đã được chung phần thánh giá với Chúa Kitô qua cuộc bách hại khốc liệt của phong trào Văn Thân năm 1885.

Để phòng thủ tự vệ, đối phó với Văn Thân, cha Geffroy cho làm bờ rào bao quanh nhà thờ, phước viện và cô nhi viện. Tuy nhiên, cha thấy không đủ an toàn. Cha lên đường đi Đà Nẵng, rồi đi Huế để xin được trợ giúp. Tuy nhiên cha không nhận được sự trợ giúp nào.

Trong cơn nguy biến, rạng sáng ngày 03.8.1885, lúc cha Geffroy không có ở nhà, cha Honoré Marie Dupont Minh và cha Nhứt là hai cha phụ tá của cha Geffroy, đã dẫn khoảng 2.000 tín hữu Gia Hựu đi vào Qui Nhơn. Khoảng 04 giờ chiều ngày 05.8.1885, quân Văn Thân đã chặn đường và giết chết hai cha cùng đoàn tín hữu tại cánh đồng Phú Trăng,[29] cách Gia Hựu khoảng 20km về hướng Nam. [30]

Sau 30 năm, cha Geffroy xót xa ghi lại : “ Về đến Bồng Sơn, tôi nhìn thấy Giáo xứ Gia Hựu của tôi đã chìm trong biển lửa! Tôi quá tiếc xót cho cuộc ra đi cầu viện của tôi vì không thể cứu được đoàn chiên của tôi, tôi đã khóc.  Ôi đoàn tín hữu đáng thương ! Tại sao tôi không được chết giữa họ để được cứu độ. Trong khi 30 năm sau tôi còn sống, nhưng không chắc cho phần rỗi của tôi. Những sự việc đau thương của năm bất hạnh nầy luôn đọng lại trong đáy lòng tôi, cho dù nó đã xảy ra gần 30 năm. Nếu tôi được sống cả trăm năm đi nữa, tôi cũng không thể nào quên từng chi tiết nhỏ nhặt ”.[31]

Tại Bàu Giêng (nay thộc xã Hoài Sơn), một giáo họ thuộc địa sở Gia Hựu, các tín hữu bị Văn Thân thiêu sống tại nhà thờ và tại Vườn Tre.[32] Trong số các tín hữu bị thiêu hôm ấy, có một người mẹ đã gởi đứa con trai của mình chưa đầy một năm tuổi cho một người bạn lương dân. Bé trai ấy được thoát chết và được ông Trùm Quyên nhận làm con nuôi. [33] Bé trai ấy tên là Phêrô Lê Chỉ. Phêrô Lê Chỉ được ông Trùm đổi tên là Phêrô Lê Châu, để nhớ rằng Châu là hạt ngọc kết tinh từ nước mắt và máu đào của cha mẹ họ Lê đã bị sát tả ở Bàu Giêng. Phêrô Lê Châu lớn lên và đi tu, thụ phong Linh mục năm 1913.

Sau những biến cố bi thương ấy, cha Geffroy trở về và từng bước tái thiết Gia Hựu. Trước biến cố Văn Thân, Gia Hựu có khoảng 3.000 giáo dân, sau biến cố Văn Thân chỉ còn lại khoảng 800 người. Khi đúc quả chuông lớn cho Gia Hựu vào năm 1905, cha Geffroy cho khắc ghi trên vành ngoài quả chuông với hàng chữ  La tinh, có nghĩa là “ khi đi 3.000 lúc về 800” để ghi nhớ sự kiện nầy.

Một trong những công việc mà Cha Geffroy chú trọng sau biến cố Văn Thân là thu gom hài cốt các tín hữu bị Văn Thân giết hại. Ông Phạm Thuần là người được cha Geffroy giao phó trọng trách nầy. Cha Geffroy cho lập nhà Mồ tại Gia Hựu, Thác Đá, Đồng Quả, Nước Nhỉ để đặt hài cốt các vị được gom về. Việc nầy có sự đóng góp nhiều công sức của cha Durand.

Làm việc lành chỉ vì Chúa; Chỉ yêu mến duy một mình Chúa; Chỉ tìm kiếm và thực thi ý muốn của Chúa thôi ”. Với châm ngôn sống đó, sau 39 năm cha François Marie Geffroy đồng hành, ôm ấp, yêu thương phục vụ đoàn chiên của Chúa tại Gia Hựu, hồi 11 giờ 30 tối ngày 25 tháng 01 năm 1918, sau khi cử hành thánh lễ, ăn trưa, đọc giờ kinh nhỏ, bố thí cho một người nghèo, cha François Marie Geffroy lịm dần và trút hơi thở cuối cùng ở giữa đàn chiên. Cha đã về với Chúa sau 48 năm làm việc tông đồ, không một lần trở về Pháp, không một ngày đi dưỡng bệnh. Thân xác Cha được yên nghỉ đợi ngày phục sinh tại chân nhà mồ Gia Hựu mà cha đã xây dựng.

  1. Cha Phêrô Marie Le Darré Châu (1918-1928)

Tháng 3 năm 1918, cha Phêrô Marie Le Darré được bổ nhiệm làm cha sở Gia Hựu. Trận bão ngày 23 tháng 10 năm 1923 đã thổi bay các cửa lớn và cửa sổ của nhà thờ Gia Hựu. Cha Le Darré khắc phục hậu quả trận bão đồng thời thiết dựng các cơ sở vật chất: nhà xứ khang trang, rộng rãi, thoáng mát ; nhà thờ uy nghi với những kính màu lộng lẫy có in hình các thánh. Cột trụ, bàn thờ, cửa ra vào bằng gỗ đều được chạm trổ công phu. Công việc chạm trổ nầy do ông Võ Trước (câu Nên) thực hiện. Ngày 25.8.1926, Đức Giám mục giáo phận long trọng làm phép nhà thờ.[34] Cha cũng xây dựng các nhà nguyện cho các họ nhánh.

Hưởng ứng lời kêu gọi mở trường Quốc ngữ của Đức cha Grangeon, cha Darré Châu mở tại Gia Hựu Trường tiểu học với tên gọi Trường Đặng Đức Tuấn. Trường nầy sau là Trường Trung tiểu học Đặng Đức Tuấn. Năm 1927, hai thầy giáo Nguyễn Chánh Đậu và Trần Đạt phụ trách trường nam; Hai cô Trần Thị Sứ và Đặng Thị Kỳ phụ trách trường nữ. Tại Bàu Giêng cũng có một trường do thầy Nguyễn Văn Vị phụ trách. [35]

Sau 10 năm dày công chăm sóc Gia Hựu, tháng 08-1928, cha Pierre Marie Le Darré được bổ nhiệm làm cha sở Dinh Thủy, Phan Rang. Trong thời gian ở Dinh Thủy, cha còn gởi về cho nhà thờ Gia Hựu tòa giảng được chạm trổ công phu, bốn mặt có phù điêu chân dung bốn Thánh sử với bốn con vật biểu tượng có nguồn gốc trong Kinh Thánh.

Tưởng nhớ công ơn cha Phanxicô Marie Geffroy Bửu và cha Phêrô Marie Le Darré Châu, giáo dân Gia Hựu khắc hai câu đối cẩn xà cừ trên nền gỗ mun, đặt tại phòng khách nhà xứ  với nội dung :

Cột thờ Châu chói lói chốn nam Gia

      Nền thánh Bửu lẫy lừng an cảnh Hựu.

  1. Cha Phanxicô Marie Jamet Kiệt (1928 – 1945)

Các cơ sở vật chất tại Gia Hựu đã được hai cha sở tiền nhiệm kiến thiết tương đối ổn định. Cha Phanxicô Marie Jamet  chú tâm xây dựng đền thờ tâm hồn cho tín hữu Gia Hựu. Cha Jamet rất chừng mực và mẫu mực trong mọi công việc. Đều đặn hằng tháng một lần cha về Qui Nhơn để thăm và trao đổi kinh nghiệm với các cha bạn, đặc biệt cha Marius Julien Jean Gioan.

Tháng 04-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, cha Jamet cũng như các Linh mục, Tu sĩ  gốc Châu Âu được tập trung quản chế tại Toà Giám Mục Qui Nhơn. Tháng 08-1945, Việt Minh giành chính quyền, Nhật rút quân. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thuộc quyền Việt Minh nên tất cả thừa sai bị trục xuất. Trong khi cha Jamet bị trục xuất khỏi Gia Hựu, cha Phêrô Nguyễn Đức Mân , cha phó Gia Hựu xử lý công việc Địa sở.

  1. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu (1945-1951)

Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu là Linh mục Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Cha sở Gia Hựu. Khi về Gia Hựu, cha lo ổn định tinh thần và các sinh hoạt đạo đức bị xáo trộn do những chính biến vừa xảy ra. Cha Lưu mở trường Đặng Đức Tuấn thu nhận học sinh trong vùng. Cha đóng một số bàn ghế cho nhà thờ, trước đó nhà thờ chưa có bàn ghế, giáo dân ngồi trên chiếu. Theo sổ rửa tội, bút ký ngày 21.5.1951 là bút ký cuối cùng của cha Lưu tại Gia Hựu.

  1. Cha Đôminicô Châu Phận (1951-1953)

Bút ký trong sổ rửa tội ngày 29.5.1951 là bút ký đầu tiên của cha Đôminicô Châu Phận tại Gia Hựu. Trước khi được bổ nhiệm làm cha sở Gia Hựu, cha Phận đã làm Cha phó Gia Hựu trong thời điểm năm 1933-1934. Trong thời gian cha Phận làm cha sở Gia Hựu, nhà trường Đặng Đức Tuấn phải đóng cửa vì không có kinh phí trang trải, mọi nguồn thu của Địa sở phải dành để nộp thuế nông nghiệp. Năm 1953, cha Phận được bổ nhiệm làm cha sở Hoa Châu, Phú Yên.

  1. Cha Giuse Nguyễn Khắc Miễn (1954-1956)

Cha Giuse Miễn đã an dưỡng tại Gò Xoài từ năm 1946. Theo sổ rửa tội của Gia Hựu, bút ký đầu tiên của cha Miễn khi rửa tội cho một em tên F.X. An tại nhà thờ Gò Xoài vào ngày 06.02.1946. Cũng theo sổ rửa tội nầy, hầu hết những lần ban bí tích Rửa tội tại nhà thờ Gò Xoài đều do cha Miễn cử hành. Năm 1954, cha Miễn về Gia Hựu thay thế cha Phận.

  1. Cha Phêrô Trần Anh Tước (1956-1958)

Sau gần hai năm chăm sóc mục vụ tại Gia Hựu, Ngày 30.01.1958, cha Phêrô Trần Anh Tước và giáo dân Gia Hựu vui mừng đón nhận Quyết định của Đức Giám mục giáo phận công bố các nơi sau đây là giáo xứ bán chính thức (Quasi Paroisse) : Gia Hựu, Nhà Đá, Gò Thị, Qui Nhơn, Mằng Lăng, Cù Và, Trà kiệu, Đà Nẵng. Kể từ đây, các cha sở và các ciáo xứ nầy có quyền lợi và nghĩa vụ riêng như đã chỉ trong Giáo luật. [36]

Trong bầu khí vui mừng nầy, cha Tước đã thành lập giáo họ Tấn Châu và rửa tội cho 52 tân tòng. Tấn Châu là tên ghép từ hai xóm Tấn Lộc và xóm Châu Me, ngày nay thuộc xã Phổ Châu, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 8.1958, cha Tước được bổ nhiệm làm cha sở Xuân Thạnh (Bà Rén), Quảng Nam.

  1. Cha Gioakim Nguyễn Du (1958-1964)

Song song với việc hướng dẫn giáo dân Gia Hựu sống đức tin và đức ái, cha Gioakim Nguyễn Du đã thành lập giáo họ Lương Thọ (thuộc xã Hoài Phú), chỉnh trang nhà thờ, xây dựng hang đá Đức Mẹ, mở lại trường Đặng Đức Tuấn. Học sinh trung tiểu học trong vùng đến trường rất đông. Theo bảng thông kê học vụ giáo phận Qui Nhơn niên khoá 1963-1964, tại Gia Hựu có 520 học sinh tiểu học trong 16 lớp; 149 học sinh trung học đệ nhất cấp trong 03 lớp.[37]

Ngày 06.02.1961, Gia Hựu được chính thức là giáo xứ theo giáo luật cùng với 48 giáo xứ khác trong Giáo phận. Lúc bấy giờ giáo xứ Gia Hựu đã có 3.586 giáo dân trong 12 giáo họ: Gia Hựu, Thành Sơn, Bàu Giêng, Hy Thế, Hy Văn, Kim Bồng, Gò Xoài, Tấn Châu, Cự Tài. Lương Thọ, Cẩn Hậu, Phú Mỹ.

Theo thống kê tất niên hằng năm trong lịch Công giáo Địa phận Qui Nhơn và Đà Nẵng, năm 1966 là năm cuối cùng giáo xứ Gia Hựu có tên trong bảng thông kê với số giáo dân 4.714 người. Thực ra, từ tháng 10 năm 1964, giáo dân Gia Hựu đã ồ ạt di cư vì chiến tranh đã bùng nổ trên vùng đất nầy. Hầu hết giáo dân di cư tập trung tại các xứ thuộc thị xã Qui Nhơn, phần lớn ở trại tiếp cư Khu Sáu. Năm 1967, cha Gioakim Nguyễn Du và một số giáo dân đã về thăm lại Gia Hựu. Cha đã bàn định việc hồi cư nhưng không thể thực hiện được vì cường độ chiến tranh ngày càng ác liệt. Từ năm 1968-1972, bom đạn cày xéo, tàn phá tất cả cơ sở vật chất của Gia Hựu. Những lũy tre làng, rừng dừa cao xanh bạt ngàn, nhà thờ, nhà vuông, trường học, cô nhi viện, phước viện, nhà cửa cư dân… tất cả đều bình địa.

Sau ngày 30.4.1975, một vài giáo dân hồi cư. Số giáo dân ít ỏi nầy được các cha sở Đại Bình chăm sóc mục vụ cho đến ngày 11.8.2017, ngày Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn ban hành quyết định tái thành lập giáo xứ Thác Đá với tên gọi giáo xứ Thác Đá Hạ và bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Bá Thành làm cha sở. Với Quyết định nầy, phần đất giáo xứ Gia Hựu xưa là giáo họ thuộc giáo xứ Thác Đá Hạ hôm nay.

III. ĐOẠN KẾT

Sau 10 năm chiến tranh quá nghiệt ngã, giáo dân Gia Hựu đã ly hương. Sau gần 50 năm chiến tranh đã chấm dứt,  những lũy tre làng và rừng dừa nay đã cao xanh, tiếng xào xạc của lá dừa và tiếng cót két của lũy tre đang thay cho tiếng chuông, tiếng trống nhà thờ. Trong khi di cư, giáo dân Gia Hựu đã ổn định đời sống nơi vùng đất mới. Hiện nay tại Gia Hựu chỉ có 22 giáo dân trong 07 gia đình Công giáo, như đóm lửa giữa bao gió ngàn.

Một phần hang đá Đức Mẹ và phần lõi Nhà Mồ đã cố bám víu chịu đựng với đạn bom, với bão giông, với mưa nắng, với thời đại lịch sử, như tiếng nói của cha ông cho các thế hệ con cháu biết cha ông mình đã từng sống chết vì đức tin trên vùng đất Gia Hựu nầy.

Trong ý hướng nhiệm mầu của Thiên Chúa, Gia Hựu có mất mát, âu cũng là để cho một phần Nhiệm Thể nào đó của Hội Thánh được phong phú. Gia Hựu có hồi sinh được, đó là việc của Thánh Thần.

Giáo dân Gia Hựu sống tha hương, Hội Đồng Hương Gia Hựu đã ra đời. Ngày 15.08.1995, Hội Đồng Hương Gia Hựu họp mặt đầu tiên tại nhà thờ Hòa Nghĩa, giáo phận Nha Trang. Cho đến nay, vào ngày 15/08 hằng năm là ngày đoàn tụ truyền thống của con cháu giáo dân gốc Gia Hựu sống tha hương.

 

 

[1] LÊ QUÝ ĐÔN, Phủ Biên Tạp Lục, nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977, trang 44.

[2] UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH, Địa chí Bình Định, Tập Thiên nhiên-Dân cư-Hành chánh, nxb. Tổng hợp Tp. HCM, trang 300.

[3] Trong thời gian cấm đạo thời Tự Đức, cha làm việc mục vụ tại Phú Yên. Cha bị bắt tại Gò Mỹ – Hòa Đa (nay thuộc huyện Tuy An). Cha bị lưu đày ở Thái Nguyên và qua đời tại nơi lưu đày vào năm 1862. Xem Mémorial Mission de Quinhon,  No.62/1910, trang 12.

[4] LÊ QUÝ ĐÔN, sđd, trang 117.

[5] Xem Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, nxb. Thuận Hóa, Huế 2006, trang 37.

[6] Xem Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Bình Định, dịch giả Nguyễn Tạo, Văn Hóa Tùng Thư, 1964, trang 39.

[7] Xem Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, nxb. Thuận Hóa, Huế 2006, trang 44.

[8] Xem LÊ QUÝ ĐÔN, Sđd, trang 214

[9] Theo ‘An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ ’ năm 1838, Quán Bến Đá thuộc vùng cực Bắc trấn Bình Định. Ngày nay, Bến Đá thuộc xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

[10] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ. Dòng Tên  trong xã hội Đại Việt,  An Tôn & Đuốc Sáng, 2006, trang 90.

[11] FRANÇOIS CARDIM, Relation de ce qui s’est passé depuis quelques année jusques à l’an 1644, Paris 1646, trang 107-109

[12] Cư sở là một cộng đoàn được thành lập theo Hiến pháp của Dòng.

[13] DANIELLO  BARTOLI, Dell’ Istoria della Compagnia di Gesù, Seconda parte, Vol. 9, Torino 1832, trang 316-317.

[14] DANIELLO  BARTOLI, sđd, Terza parte Dell’Asia, Vol. 18, Torino 1825, trang 60

[15] ADRIEN LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Tom. I, Paris 2000, tr. 193.

[16] ADRIEN LAUNAY, sđd, Tom. I, Paris 2000,  tr. 309.

[17] Vị thừa sai đến sau hai vị kia.

[18] MARIE ANTOINE TRẦN PHỔ Ofm, Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam Lược khảo lịch sử, tr. 90-92.

[19] ADRIEN LAUNAY, sđd. Documents historiques II, 1728-1771, P. Téqui, Paris 1924, trang 189. Theo bảng thống kê nầy, cho tới thời điểm năm 1747, phần đất của tỉnh Qui-ning (Qui Nhơn) do hai  nhóm thừa sai phụ trách : Phía Bắc thuộc thừa sai Phanxicô; phía Nam thuộc thừa sai MEP.

[20] R.P. TARDIEU, Hạnh Đức Cha Thể, Imp. Làng Sông, 1907, trang 28.

[21] R.P. TARDIEU, sđd, Imp. Làng Sông, 1907, trang 52

[22] R.P. TARDIEU, sđd, Imp. Làng Sông,1907, trang 64-65.

[23] Mémorial Mission de Qui Nhơn. No.58, 31 Oct 1909, trang 151

[24] MEP. Archives, Notice biographique 1062, François Marie Geffroy.

[25] R.P. Tardieu, sđd, Imp. Làng Sông, 1907, trang 78.

MEP. Archives, Notice biographique 0642, Herrengt Charles Ferdinand.

[26] MEP. Archives, Notice biographique 0570, Charbonnier Eugène Etienne.

[27] MEP. Archives, Notice biographique 1062.

[28] Mgr. Van Camelbeke, Rapport de 1884.

[29] Thuộc thôn Đệ Đức III, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn. Cánh đồng nầy toạ lạc giữa trụ cây số Km 1141 cách Hà Nội 969 km, cách thành phố HCM 750 km và trụ cây số  km 1142 cách thị trấn Bồng Sơn 03 km, cách Quảng Ngãi 85 km.

[30] MEP. Archives, Notice nécrologique François Marie Geffroy.

[31] MEP. Archives, Notice nécrologique François Marie Geffroy

[32] Vườn Tre là một mảnh vườn có tre bao chung quanh thuộc thôn An Đổ.

[33] Trùm Quyên tên thật là Trịnh Xuyến. Ông Trùm tháp tùng Cha Geffroy đi Huế. Vợ và hai con gái ở nhà bị sát hại tại cánh đồng Phú Trăng. Ông tái hôn và sinh được được 05 người con. 02 người con trai làm Linh mục là Linh mục Matthêô Trịnh Hoà Đại và Linh mục Phêrô Trịnh Hoài Ân. Để tôn trọng người con nuôi, ông không cho các con ông gọi người con nuôi Phêrô Lê Châu bằng anh mà là gọi bằng Cậu. Ông cũng không đổi họ người con nuôi mà giữ nguyên họ Lê, giọt máu họ Lê còn sống sót trong phong trào Văn Thân.

[34] Mémorial Mission de Qui Nhơn, 08/1926, trang 39.

[35] Mémorial Mission de Qui Nhơn, 02/1927, trang 06.

[36] Thông tin địa phận số 03/1958, trang 03.

[37] Thông tin địa phận số 43, tháng 7/1964, trang 10-11.