Tài liệu Tọa đàm Lm. Đặng Đức Tuấn – 4. VỀ TỰ TÍCH ĐỨC CHA THỂ VÃN CỦA LINH MỤC GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN

VỀ TỰ TÍCH ĐỨC CHA THỂ VÃN CỦA LINH MỤC GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN

 

Thánh Stêphanô Cuénot Thể, Giám mục Thừa sai, Tử đạo

(1820-1861)

 

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn – hay còn gọi Cha Khâm (1806-1874) là một người Việt Nam yêu nước, một nhà văn hóa tài năng đã để lại cho Quê hương và Giáo hội Công giáo nhiều tác phẩm có giá trị, không chỉ đối với thời đại ông đang sống, mà ngày càng được khám phá thêm, làm sáng tỏ thêm vẻ đẹp của chính con người và tác phẩm của vị linh mục này cho đến ngày nay.

Như chúng ta đều biết, một phần di thảo chính yếu của Cha Đặng Đức Tuấn đã được linh mục Giuse Vũ Ngọc Nhã và nhà giáo Lam Giang sưu tập, phiên âm, dịch nghĩa và chú giải trong cuốn sách Đặng Đức Tuấn, tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, xuất bản năm 1970. Tiếp nối là những đóng góp của linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết và nhóm Hán Nôm Công giáo đã sưu tầm bổ sung các bản điều trần và các tác phẩm khác của tác giả [1]; hay cuốn sách Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn, do Nguyễn Văn Thoa biên soạn năm 2017. Tủ sách Nước Mặn Giáo phận Qui Nhơn cũng đã cố gắng tìm hiểu sâu thêm và biên tập lại những công trình văn hóa của cha Đặng Đức Tuấn…

Tuy nhiên, vẫn còn một số tác phẩm của cha Khâm bị thất lạc hoặc nằm đâu đó trong các gia đình, cộng đoàn, tủ sách, thư viện…mà lâu nay chưa được biết đến, chưa được giới thiệu đến với đông đảo bạn đọc.

Trước đây, chúng tôi đã có dịp giới thiệu tác phẩm Tân Cựu Sấm Truyền lục bát kinh văn của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn, được cha Phaolô Lê Đình Ban dịch ra quốc ngữ từ sách chữ Nôm, và được in trong tạp chí Chức dịch thơ tín, địa phận Kontum, số 06, tháng 10/1933 [2].

Mới đây, chúng tôi sưu tầm được tác phẩm Tự tích Đức Cha Thể vãn, gồm 498 câu lục bát và song thất lục bát [3]. Thi phẩm này được in chung với bài Vãn Đức Cha Thể trong cùng một tập sách nhỏ, đã bị mất bìa. (Riêng bài Vãn Đức Cha Thể đã có trong sách sưu tập của Vũ Ngọc Nhã và Lam Giang đề cập trên).

Về sách Tự tích Đức Cha Thể vãn, trong Catalogue Mai 1934, Imprimerie de Quinhon đã ghi danh mục sách này ở Mục 2- Thi ca (Poésies), ghi rõ bằng song ngữ như sau: “Tự tích Đức Cha Thể vãn: Vãn dón tắt tự tích Đức Cha Thể, của cha Khâm đã đặt ra (Poésie du P. Khâm relatant les principaux épisodes de la vie du Bienheureux Mgr Cuénot). Giá bán: Broché 0$50; franco 0$08” [4].

Tác phẩm này cùng với Vãn Đức Cha Thể chắc hẳn đã gợi lên mối đồng cảm và có tiếng vang mạnh mẽ trong lòng tín hữu khắp nơi. Cha Phaolồ Ban trong tác phẩm Mở đạo Kontum nổi tiếng, khởi đăng trong báo Lời Thăm, giáo phận Qui Nhơn từ số ngày 01/01/1923, và in thành sách chung với cha S. Thiệt, Nhà in Qui Nhơn vào tháng 05/1933, khi kể về giai đoạn đầu công cuộc truyền giáo Tây Nguyên với Đức Cha Thể, đã trích dẫn hai câu trong Tự tích Đức Cha Thể vãn của cha Khâm:

Đất mọi rợ nước trời chưa thấu,

Sai Vận, Do hai cậu mở đàng. [5]

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Tự tích Đức Cha Thể vãn của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn đến quý độc giả và mời xem/ hoặc tải về bản PDF.

 

Lê Minh Sơn

Kon Tum, ngày 15/06/2023

 

__________________________

 

[1] x. https://tgpsaigon.net/bai-viet/linh-muc-dang-duc-tuan-nguoi-that-viec-that-34603

[2] x. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-tan-cuu-sam-truyen-luc-bat-kinh-van-cua-linh-muc-gioakim-dang-duc-tuan-42969

[3] Trong tập sách được đánh số là 503 câu, nhưng trên thực tế chỉ có 498 câu, do đánh số nhầm một khổ 5 câu thơ.

[4] Catalogue Mai 1934, Imprimerie de Quinhon – (Annam), tr. 28.

[5] P. Ban và S. Thiệt, Mở đạo Kontum, nhà in Quinhơn 05/1933, tr. 80. Trong sách của cha Ban và cha Thiệt năm 1933 chép là: Đất mọi rợ đè miền thẳng tới,/ Sai Vận, Do hai cậu mở đàng.

Đức Cha Cuénot Thể sai phái thầy Do, thầy Vận từ Bình Định theo các ngả khác nhau lên truyền giáo Tây Nguyên từ những năm 1846-1848. Về sau 2 thầy đều trở thành linh mục.