Tài liệu Tọa đàm Lm. Đặng Đức Tuấn – 12. THUẬT TÍCH VIỆC NƯỚC NAM, NGUỒN CHỮ NÔM VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM

THUẬT TÍCH VIỆC NƯỚC NAM

CHA ĐẶNG ĐỨC TUẤN

NGUỒN CHỮ NÔM VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM

THẾ KỶ XIX

Wynn Wilcox
Western Connecticut State University, USA
Hội thảo quốc tế lần thứ hai về chữ Nôm
Ngày 01-02/6/2006, Huế

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

Khu lăng mộ Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn

  1. Dẫn nhập

Ta nên làm gì với các Kitô hữu Việt Nam vào thế kỷ XIX? Trên 35 năm qua, các học giả nghiên cứu về Kitô giáo Việt Nam vào thế kỷ XIX, cả Tây lẫn Ta, đã nói rất rõ những gì không nên làm. Chẳng hạn, giới học giả Việt Nam thường nhắc nhớ chúng ta không nên vơ đũa cả nắm rằng người Công Giáo Việt Nam đều là những cộng tác viên của người Pháp. Họ nêu lên những người Công Giáo Việt Nam tham gia vào công cuộc chống xâm lăng của quân Pháp trong cả hai thế kỷ 18 và 19.[1] Đàng khác, bắt đầu với bài biên khảo vào năm 1970 của Milton Osborne về Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản, được nối tiếp bằng bài viết của Mark McLeond về Nguyễn Trường Tộ, các sử gia Tây Phương cũng nhắc nhớ rằng không nên xếp những người Công giáo Việt Nam theo cái nhìn lịch sử của chủ trương quốc gia. Đồng thời cũng không nên khái quát cho họ là những người máy phò-người Pháp, thiếu suy nghĩ và cộng tác yếu hèn với kẻ thù để huỷ hoại đất nước mình.[2] Những năm gần đây, các học giả người Úc Nola Cooke và Jacob Ramsay đã nghiên cứu tỉ mỉ về vai trò của những người Công giáo trong mối tương quan chính trị vùng miền phức tạp ẩn bên dưới những vấn đề như là cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi ở miền Nam (1833-1835), và tiếng nói của những người Công giáo Việt Nam trong những bài viết được xuất bản trong các cuốn Annales de la Propagation de la Foi[3] của người Pháp. Trong bài viết của mình, Cooke nhắc chúng ta rằng không nên lập lại những giả định đang có vấn đề của lịch sử về người Công giáo Việt Nam thế kỷ thứ 19 khi ta “xem những người Công giáo địa phương này như một chú thích bên lề cho sự bành trướng chính trị và kinh tế rộng lớn hơn của người Châu Âu” hoặc trong các câu chuyện kể của các thừa sai muốn biến câu chuyện của họ thành những dụ ngôn cho “cuộc đấu tranh vì chân lý và khai hoá chống lại sự giả dối và man di”.[4]

Các công trình này đã làm một việc xuất sắc là chứng minh được sự phức tạp của cuộc đấu tranh giữ gìn bản sắc và lòng trung thành của những người Công giáo Việt Nam thế kỷ 19 và cũng cho thấy những giới hạn quan trọng trong những lối giải thích thời thuộc địa và hậu thuộc địa về những người Công giáo Việt Nam. Tuy nhiên, khi chú trọng đến những điều không nên nói này cũng như sự phức tạp vô cùng của giới trí thức Công giáo thế kỷ 19, các học giả cũng thấy bối rối và thiếu tự tin chẳng biết nói về họ như thế nào. Vấn đề này trở nên khó khăn hơn khi cái nhìn của các học giả Việt Nam dường như trái ngược với cái nhìn của các học giả Tây phương. Hầu hết giới học giả Việt Nam có khuynh hướng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của một vài người Công giáo Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp, trong khi giới học giả Tây phương nói họ có ý định đầu hàng Pháp hoặc ngay cả chống đối nhà Nguyễn vì người Pháp. Song có điều chắc chắn là người Công giáo Việt Nam thế kỷ 19 không thể vừa chống đế quốc Pháp vừa ủng hộ người Pháp.

Câu trả lời đơn giản là không phải tất cả mọi người Công giáo thế kỷ 19 đều hành động giống nhau. Điều dễ nhận thấy là thói quen gộp lại tất cả những nhân vật như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ và Đặng Đức Tuấn dưới tấm áo choàng Công giáo Việt Nam thế kỷ 19. Hơn nữa, khi tôn trọng những điều không nên nói về người Công giáo Việt Nam, thì cũng đừng quên rằng những nhân vật này đôi lúc đã thay đổi ý kiến của mình, họ bị dằn vặt bên trong về cả người Pháp lẫn vị trí của nhà Nguyễn, đã có những cảm xúc lẫn lộn không biết làm thế nào để hoà giải bản sắc tôn giáo và dân tộc, không biết sự hòa giải như vậy có cần thiết không, không biết có sự mâu thuẫn giữa các bản sắc này hay không. Từ quan điểm thuận lợi này, ta có thể thấy rằng đối với nhiều người Công giáo Việt Nam thế kỷ 19, khi gặp phải những vấn đề trong thời đại mình, từ cuộc xâm lược của người Pháp đến những cuộc bách hại của nhà Nguyễn, họ vướng vào một cuộc giằng co cá nhân phức tạp, một cuộc dàn xếp để giữ gìn căn tính mà trong đó quan điểm của mình nhiều khi phải thay đổi mạnh mẽ hoặc có những mâu thuẫn dường như khó giải quyết.

Thi sĩ, nhà ngoại giao, văn sĩ và sử gia Đặng Đức Tuấn (1806-1874) tiêu biểu cho khuynh hướng này. Ở mỗi thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời, hậu duệ của các vị quan thần rất nổi tiếng của nhà Nguyễn, ngài đã từng bị nhà Nguyễn bắt vì là một linh mục phản kháng, đã phục vụ nhà Nguyễn như là người thông ngôn và là trung gian cho Hoà Ước Sàigòn, rồi trở thành người phê phán chính sách của người Pháp mặc dầu ngài là học trò của các thừa sai Pháp là những người đã trở nên công cụ cho chính sách này của người Pháp.

Cha Đặng Đức Tuấn là một nhân vật phức tạp đã để lại cho chúng ta vài bản văn hấp dẫn bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát. Những bài thơ này nói về lịch sử Công giáo Việt Nam, lịch sử Việt Nam thế kỷ 19, và tường thuật lại sự liên hệ của mình trong những cuộc thương thuyết Hòa Ước Sàigòn 1862. Bài này phân tích và chú thích những đoạn thơ được chọn lọc trong bản văn duy nhất viết bằng chữ Nôm hiện có tại Kho lưu trữ Hán Nôm ở Hà Nội: cuốn Thuật tích việc nước Nam.[5] Bản văn này nói lên cái nhìn phức tạp chống thực dân nhưng phò Kitô giáo của Cha Đặng Đức Tuấn. Phần đầu, cha đánh giá cao hoạt động truyền giáo của người Âu nhưng phần kết cha lại lên án đế quốc Pháp là phản Kitô giáo. Bài này sẽ lập luận rằng Cha Tuấn dùng câu chuyện lịch sử Việt Nam để biện minh cho lập trường của mình là ủng hộ mạnh mẽ công cuộc truyền giáo tại Việt Nam nhưng chống đối cuộc xâm lược của Pháp. Ngài phác họa ra những nhà truyền giáo Công giáo thực tâm nhất và những vị vua Việt Nam có ảnh hưởng nhất như là những người cùng được thôi thúc bởi những giá trị căn bản như nhau: kiến tạo những cộng đồng hòa bình và trật tự cũng như nuôi dưỡng sự yên bình và ổn định. Khi dùng những giá trị này là chủ đề trong câu chuyện của mình, Cha Tuấn có thể phác hoạ ra rằng Công giáo là một điều gì đó tích cực cho đất nước Việt Nam và đồng thời cũng có thể kết án cuộc viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha như là nguyên do của hỗn loạn và chiến tranh.

Khi chuẩn bị cho bài viết này, tôi khám phá ra rằng cuốn Thuật tích việc nước Nam có vẻ như là bản có trước của một tác phẩm được gán cho Cha Đặng Đức Tuấn mang tựa đề Việt Nam giáo sử diễn ca, một trong vài bản thảo của Cha Đặng Đức Tuấn hiển nhiên được khám phá tại miền Nam Việt Nam vào thập niên 1960.[6] Theo như tôi biết thì bản văn này hiện không có dưới hình thức chữ Nôm và cũng không được liệt kê trong cuốn Di sản Hán Nôm, Giáo sư Lam Giang và Cha Võ Ngọc Nhã đã dịch bản văn này sang quốc ngữ và chú thích ý nghĩa trong cuốn Đặng Đức Tuấn: Tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, xuất bản năm 1970. Bản Việt Nam giáo sử diễn ca chỉ khác một vài chỗ với Thuật tích việc nước Nam, nhưng những khác biệt này rất nhỏ gồm những đảo vị trí vài từ và thay đổi một vài ngữ vựng.[7] Vì khám phá ra nguồn tài liệu muộn màng này cho nên bài viết này chỉ giải thích tổng thể bản văn hơn là những chú trọng đến chú thích những từ chuyên biệt hoặc từ hiếm, vì những ai quan tâm đến yếu tố này có thể tham khảo bản văn trong cuốn sách của Giáo sư Lam Giang. Tuy nhiên, trước khi xem xét bản văn chúng ta nhìn lại một chút về cuộc đời và bối cảnh lịch sử hấp dẫn của Cha Đặng Đức Tuấn.

  1. Tiểu sử Đặng Đức Tuấn

Đặng Đức Tuấn không phải là hình ảnh nổi bật nhất trong lịch sử dòng họ Đặng Đức. Vinh dự này được dành cho ông cố của ngài là Đặng Đức Siêu (1750-1810), người huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, đã làm quan ở viện Hàn Lâm tại Phú Xuân dưới triều Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777).[8] Vào cuối thập niên 1780, sau khi Nguyễn Phúc Ánh tái lập tại Gia Định, Đặng Đức Siêu trốn vào miền Nam để phục vụ ông, đem theo những hiểu biết về chiến thuật quân sự của Tây Sơn. Sau đó, ông được chỉ định làm ở Bộ Lễ, làm Thượng Thư biên chép những chiếu chỉ cho Nguyễn Phúc Ánh. Đặng Đức Siêu cũng là người phụ đạo cho Đông Cung Thái Tử Nguyễn Phúc Cảnh (1779-1801).[9] Có thể với tư cách này mà ông trở nên quen biết với Giám mục Adran, Pierre Pigneaux de Béhaine (1740-1799), người mà vào những năm 1790 vẫn còn được nhìn nhận như là “Thượng sư” cho vị hoàng tử trẻ tuổi[10], và khi ngài chết thì ông đã viết một trong ba bài văn tế nổi tiếng.[11]

Đặng Đức Siêu đã trở thành một gương mẫu đáng khâm phục cho hậu duệ của mình, nhiều người đã trở thành những quan chức ở các cấp bậc khác nhau. Nằm trong danh sách này là người cháu của Đặng Đức Siêu: ông Đặng Đức Lành, một viên quan địa phương ở tỉnh Bình Định đã sinh ra người con trai là Đặng Đức Tuấn vào năm 1806. Đặng Đức Tuấn và hai người anh em đã được huấn luyện từ nhỏ để không chỉ học kinh điển của Khổng Tử là Tứ Thư và Ngũ Kinh nhưng quan trọng không kém là các sách Kitô giáo, như vậy họ có một nền giáo dục cao và kiến thức rộng.[12] Đặng Đức Tuấn đặc biệt nổi tiếng trong vùng về tài làm thơ. Không nao núng trước những sắc chỉ cấm đạo của vua Minh Mạng vào năm 1825 cũng như những hình phạt khắt khe và đôi khi tuỳ tiện nhằm vào những người Công giáo Việt Nam trong và sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835). Đặng Đức Tuấn và người anh là Đặng Đức Hoá đã đậu kỳ thi tú tài.[13]

Năm 1841, Đại Diện Tông Toà Đàng Trong là Đức Cha Etienne Théodore Cuénot (1802-1861), hoạch định một số chương trình nhằm thúc đẩy con số linh mục bản xứ ở Việt Nam, bao gồm cả việc tuyển sinh những người Công giáo tài năng đi học tại Chủng Viện dành cho người bản xứ tại Penang.[14] Vì thế, Đức Cha đề nghị Đặng Đức Tuấn đi Penang và ông đã nhận lời. Trong khoảng gần chục năm, ông học tiếng Latinh, Anh và Pháp, trở thành thầy chuyên dạy văn chương đạo đời bằng chữ Hán, giáo luật và lịch sử Giáo Hội …

Khoảng cuối thập niên 1850, khi có sự thù nghịch giữa nhà Nguyễn và các lực lượng Pháp – Tây Ban Nha thì những cuộc bách hại những người Công giáo Việt Nam bắt đầu đạt đến một cao điểm mới. Nhà thờ bị phá huỷ và các cộng đoàn Công giáo phải trốn chạy và phân tán khắp Việt Nam.[15] Cha Tuấn buộc phải ẩn trốn trong nhà những người Công giáo khác và thay đổi chỗ ở để khỏi bị bắt. Cuối cùng, khoảng đầu năm 1862, Cha Tuấn bị các quan chức nhà Nguyễn tống giam tại huyện Mộ Đức (phía Đông Nam tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên, vì người ta tìm thấy ngài mang trong mình hai bản điều trần, các quan triều đình truyền giải ngài ra Huế, tại đây họ khám phá ra tài năng và dòng dõi khoa cử của ngài nên cho ngài làm tuỳ viên trong phái bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định để điều đình hoà ước Nhâm Tuất (Hoà ước Sàigòn).[16] Sau khi ký kết hoà uớc Nhâm Tuất, Cha Đặng Đức Tuấn trở về với bổn phận là linh mục tại nhiều họ đạo khác nhau, hầu hết trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên ngài không rút lui khỏi việc triều chính. Thỉnh thoảng, ngài vẫn đệ trình lên triều đình vài canh tân và biện hộ cho những nhà cải cách khác như Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) và viết lịch sử, thơ và các tác phẩm khác. Ngài qua đời tại làng Chánh Khoan, tỉnh Bình Định.[17]

Theo lời của Lam Giang, những tác phẩm của Cha Tuấn “một mặt biểu lộ tấm lòng của người phải gánh chịu vận rủi bất công của người Công giáo nhưng đàng khác là người nói lên sức mạnh đoàn kết của một dân tộc trong việc bảo vệ tổ quốc”.[18] Những tính chất này được tìm thấy trong cuốn Thuật tích việc Nước Nam.

  • Kitô giáo, Trật Tự và Hòa Bình: Thuật tích việc Nước Nam

Cha Tuấn bắt đầu câu chuyện lịch sử Việt Nam bằng cách kể lại lúc khởi đầu đầy triển vọng của Kitô giáo tại Việt Nam. Ngài nhấn mạnh rằng Kitô giáo đến Việt Nam trong thời điểm hoà bình và trật tự, và khi cải đạo làng An Vực ở Thanh Hoá, các thừa sai đã mang lại ánh sáng Tin Mừng, làm cho vùng này nên thịnh vượng và yên bình hơn. Đây là những lời của ngài:

Đạo Thiên Chúa giảng truyền Nam thổ,
Lê Hoàng triều Vĩnh Tộ cửu niên.
Thái hoà ngôi báu đặt yên,
Hồng nhạn vẳng tiếng viễn biên khôn trần.
Nửa nghìn gặp hội phong vân,
Nước nhà thịnh trị muôn dân an hoà.
Các thầy nước Bút Tu Ga,
Vâng lệnh Toà Thánh trải qua Đàng Ngoài.[19]
Giảng truyền Đạo Chúa thiên thai,
Vẹt mây lên ngút, phát gai tìm đàng.
Đội ơn Chúa Cả nghìn vạn,
Kiếm tìm chiên lạc mở mang đạo lành.
Làng An Vực[20] trước đành thọ giáo,
Đầu hết đà hướng đạo hồi tâm.
Từ xưa nẻo lạc đường lầm,
Điều răn dạ tạc, Phúc Âm ghi lòng.
Non cao biển thẳm mấy trùng,
Ngửa minh yến sáng khắp trong bầu trời.
An Vực sáng trước mỗi nơi
Rày còn bia tạc để đời hậu lai.[21]

Trong đoạn này, Cha Tuấn đã dùng chiến thuật đồng hoá những quan niệm trật tự, thịnh vượng và hoà bình của Khổng Tử với niềm tin về tầm quan trọng của hoà bình và công bình của Kitô giáo. Chiến thuật tìm kiếm những điểm tương đồng giữa nền văn hoá với Kitô giáo đã là một chiến thuật thường được các cha Dòng Tên sử dụng tại Trung Hoa để cải đạo giới trí thức, và được các thừa sai tại Việt Nam dùng để “hội nhập văn hoá” những niềm tin Kitô giáo.[22] Như các sĩ tử của Khổng Tử đã đỗ kỳ thi Tiến Sĩ hoặc đã làm quan có thể được khắc bia đá mang tên họ và thành tựu của mình, các tấm bia được dựng lên tại An Vực cũng ghi lại việc các thừa sai đến nơi và đem cả làng về với Kitô giáo. Như Khổng Tử đem Trung Hoa quay trở về thời Xuân Thu với hòa bình, thịnh vượng, thạnh trị và yên bình dưới triều vua Nghiêu và vua Thuấn, các thừa sai Kitô giáo cũng đánh giá cao nền hoà bình và sự bình yên, và chỉ phát triển thêm lên nhờ ánh sáng Tin Mừng được chiếu giãi vào Việt Nam.

Đối với Cha Tuấn, sự thành công của kế hoạch duy trì hoà bình và yên bình này, có sự hỗ tương giữa quan niệm của Khổng Tử và Kitô giáo, đã được chứng minh bằng sự kiện sau hai thế kỷ đem Kitô giáo vào, Việt Nam vẫn hưởng một nền hoà bình tương đối (bản văn đã hoàn toàn bỏ qua sự kiện phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài). Hơn nữa, khi hỗn loạn bùng phát, những kẻ gây ra sự xáo trộn là nhà Tây Sơn đã bách hại Kitô giáo. Lúc ấy, các lực lượng hoà bình và thạnh trị là nhà Nguyễn đã hợp sức với người Công giáo để duy trì trật tự, như thế minh chứng rằng cả nhà Nguyễn và người Công giáo đều đúng. Trước hết, ngài xác minh rằng Kitô giáo đang phát triển tốt:

Ơn thầy, nghĩa Chúa nào phai,
           Lần hồi mở đạo trong ngoài khắp nơi.[23]

Nhưng nhà Tây Sơn đã làm đảo lộn sự bình yên và cả người Kitô giáo:

Hai trăm năm đã có hơn,

Chiêu Thống kế vị Tây Sơn dấy loàn.

Cho hay thiên vận tuần hườn,

Thạnh suy, biến diệc, nguy an đổi đời.[24]

Ở đây, Cha Tuấn đã dùng nghĩa kép của tên hiệu triều đại vua Lê cuối cùng, Chiêu Thống (1787-1789) để nhấn mạnh rằng thái bình thạnh trị thực tế đã là chuẩn mực tại Việt Nam suốt hơn hai trăm năm. Khoảng thời gian mà Cha Tuấn đưa ra cho thấy sự hoà hợp giữa Kitô giáo và thái bình thạnh trị, vì thời gian hơn hai trăm năm cũng trùng hợp với việc thiết lập Kitô giáo tại Việt Nam. Sự liên kết trở nên rõ ràng hơn nữa khi Cha Tuấn nhấn mạnh rằng một thừa sai Kitô giáo, Đức Cha Pigneaux de Béhaine, có trách nhiệm cứu nước và phục hồi sự thống nhất và trật tự:

Đạo truyền có chúa gầy nên,

Lang sa nội giảng khắp miền Việt Nam.

Bá Đa Lộc làm giám mục,

Chăn chiên lành dưỡng dục khi song.[25]

Như Cha Tuấn giải thích vắn gọn, không chỉ người Công giáo Việt Nam được hưởng sự dưỡng dục của Đức Cha, nhưng “khắp các miền Nam Việt khóc than”. Lại nữa, nhà Nguyễn cũng đón nhận sự dưỡng dục văn chương qua vai trò của vị Giám Mục là cha tinh thần của Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, “Đông cung thái tử” đã đi với vị Giám Mục đến Pháp và Ấn Độ để tuyển mộ những người Tây phương đến giúp nhà Nguyễn.[26] Đối với Cha Tuấn, những hành động của Đức Cha Pigneaux mang lại sự thống nhất và hoà bình tại Việt Nam. Mặc dầu Đức Giám Mục qua đời năm 1799, ba năm trước khi nhà Nguyễn có thể đánh bại hẳn nhà Tây Sơn, ngài vẫn là người có trách nhiệm thống nhất và đem lại hoà bình cho Việt Nam, như Cha Tuấn đã giải thích khi kể lại câu chuyện về cái chết của vị Giám Mục:

Lòng giúp nước cứu dân đã mỏi,

Việc giảng truyền mọi nỗi chưa an.

Nào hay biến cuộc sương tang,

Cõi trần từ tạ Thiên đường nghỉ ngơi.

Đức vua thương tiếc rụng rời,

Mất tay tả hữu, mất người phúc tâm.[27]

Như vậy, khi Nguyễn Ánh thành công trong việc thống nhất đất nước với sự giúp đỡ của những người tình nguyện Pháp, đó là nhờ những nỗ lực của Giám mục Pigneaux.[28] Một lần nữa, nỗ lực của những người Công giáo tốt và những quan quyền chính trực đều như nhau: tái lập trật tự và thăng tiến hoà bình, yên bình và thái bình thạnh trị trong đất nước.

Khoảng thập niên 1830, khi những cuộc bách hại Kitô giáo trở nên phổ biến, con đường dẫn đến hoà bình và yên tĩnh đã mất đi, thì điều này sẽ mang đến những hậu quả thê thảm cho cả những người cai trị chính đáng là nhà Nguyễn và những thần dân Kitô giáo của họ. Như một người phải nhọc công để chứng minh sự trung thành của mình với nhà Nguyễn, Cha Tuấn phải khéo léo bàn về những cuộc bách hại mà không xúc phạm đến vua Minh Mạng (1820-1840) là người đang bách hại. Ngài cho rằng nguồn gốc của những cuộc bách hại là do cuộc tranh chấp ở Dương Sơn vào năm 1831. Một miếng đất tranh chấp giữa làng Dương Sơn, hầu như toàn tòng nằm cách Huế khoảng vài chục cây số về hướng tây bắc, và làng Cổ Lão đã dẫn đến cuộc đụng độ có vũ trang, cuối cùng triều đình đã đổ lỗi cho những người Công giáo và kết án tống giam họ.[29] Triều đình cũng đổ lỗi cho thừa sai Pháp là Cha Francois Jaccard (1799-1838) vì tội bạo lực và kết án tử, mặc dầu người ta không thi hành án và thực tế là ngài bị điều về nhà giam ở Huế.[30] Lý luận rằng những cuộc tranh chấp địa phương thiếu thận trọng như vậy đã là nguyên do cho những cuộc bách hại tại Việt Nam vào thế kỷ 19, Cha Tuấn tiếp tục giải thích mà không bị cho là bất trung rằng những tác động rối ren và hỗn loạn ấy đã làm cho cả người Công giáo lẫn nhà Nguyễn không nhìn thấy con đường đúng:

 

Máy thiêng tạo hoá xoay vần,

Khôn lường ý nhiệm, khôn phân lý màu.

Dương sơn, Cổ Lão cơ cầu

Kiện nhau giới hạn, tranh nhau đất làng.[31]

Những hành động “gây rối” và thiếu khôn ngoan đã khiến cho con đường dẫn đến Kitô giáo bị khuất lấp và xảy ra những cuộc bách hại các thừa sai cũng như người Công giáo Viêt Nam suốt thập niên 1850, cuối cùng dẫn đến cuộc xâm lăng Việt Nam của lực lượng hỗn hợp Pháp – Tây Ban Nha. Mặc dầu đội quân Pháp – Tây Ban Nha này có sự bảo hộ của Đức Giáo Hoàng nhằm bảo vệ cho người Công giáo Việt Nam khỏi bị bách hại, Cha Tuấn vẫn không đồng ý với điều đó:

Ít ngày nghe chuyện rõ ràng

Tây Dương tàu sứ Cửa Hàn dạo chơi.

Trước đà bày chuyện báo đời,

Rày còn tái lại, trời ơi là trời![32]

Xem người Pháp là quân đế quốc hơn là chào đón họ như những vị cứu tinh, Cha Tuấn nhìn thấy cuộc xâm lăng như là đỉnh điểm của chu kỳ bách hại, bạo lực và chiến tranh.

Kết luận

Những nhà trí thức Công giáo cuối thế kỷ 19 như Cha Tuấn bị đặt trong một tình thế rất khó xử. Nhiều người trong số họ vẫn trung thành ở mức độ nào đó với nhà Nguyễn, dù rằng lòng trung thành này đã bị nhào luyện qua nhiều thập kỷ các vua chúa nhà Nguyễn bách hại tôn giáo của họ hoặc thậm chí đã bỏ tù họ như trường hợp Cha Tuấn. Nhưng đàng khác, Cha Tuấn cũng nhận ra rằng việc mất lãnh thổ vào tay người Pháp không phải là giải pháp mong muốn cho vấn đề bách hại người Công giáo tại Việt Nam. Mang lấy những tình cảm phức tạp này, Cha Tuấn cố nói lên quan điểm của mình nhờ vào câu chuyện kể về lịch sử Việt Nam dựa vào những lý tưởng hoà bình, trật tự, và hài hoà mà ngài thấy vốn có nơi truyền thống Khổng Tử và Kitô giáo. Khi có những người trị vì tốt và người Công giáo tốt chi phối đến đất nước Việt Nam thì trật tự chiếm ưu thế, bằng không thì chỉ có hỗn loạn. Đối với Cha Tuấn, trước căn tính của một người Công giáo chống đế quốc phức tạp của riêng mình, lịch sử trở thành như một phương tiện để ngài có thể giải bày hết mọi nỗi khó khăn.

 

[1] Phan Khắc Từ, “Nhìn lại tổ chức và phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản 86, (2005); Hữu Hợp và Tố Thanh, “Công giáo Việt Nam trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)”, Nghiên cứu lịch sử 238 (1988), tr. 61- 65.

[2] Milton E. Osborne, “Truong Vinh Ky and Phan Thanh Gian: The Problem of a Nationalist Interpretation of Nineteenth Century Vietnammese History”, Journal of Southeast Asian Studies 30,1 (Nov. 1970); tr. 81-93; Mark W. McLeond, “Nguyen Truong To: A Catholic Reformer at Emperor Tu-Duc’s court”, Journal of Southeast Asian Studies 25,2 (Sept. 1994), 313-331.

[3] Jacob Ramsay, “Extorsion and Explotation in the Nguyen Campain against Catholicism in 1830s-1840s Vietnam”, Journal of Southeast Asian Studies 35,2 (June 2004); tr. 311-329; Nola Cooke, “Early Nineteenth Century Catholics and Others in the Pages of the Annales de la Propagation de la Foi”, Journal of Southeast Asian Studies 35,2 (June 2004); tr. 261-286.

[4] Cooke, “Early Nineteenth Century Catholics …”, 261.

[5] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích việc nước Nam, (Viện Hán Nôm), ms. AB 196; cũng xem Trần Nghĩa và Francois Gros, Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu, quyển III (Khoa học xã hội, 1993), 278.

[6] Lam Giang và Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn: Tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam (Sàigòn: tác giả tự xuất bản, 1970), 5. Các tác giả không cho biết chi tiết về hoàn cảnh khám phá ra bản thảo của Đặng Đức Tuấn.

[7] Chỉ đưa ra hai ví dụ ở phần đầu của bản văn để tiêu biểu cho những khác biệt nhỏ giữa hai văn bản: cuốn Thuật tích việc nước Nam chép là : “Nước nhà thạnh trị muôn dân an hoà” trong khi Việt Nam giáo sử diễn ca chép: “Thái bình thạnh trị nhân dân an hoà”, loại bỏ đề cập trực tiếp đến nước nhà. Cũng vậy, Thuật tích việc nước Nam chép là: “Đổi ơn Chúa Cả nghìn vạn” thì Việt Nam giáo sử diễn ca chép “Đội ơn Chúa cả cao quang”.

[8] Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam danh nhân từ điển (Saigon, Khai Trí, 1967), 56; Nguyễn Quang Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, (Hanoi, Văn Hoá, 1997), 132.

[9] Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 11

[10] Bằng chứng về vai trò “Thượng sư” này của vị giám mục, xin xem Charles B. Maybon, Histoire modern du pays d’Annam (Paris, Plon-Nourrit, 1919), 314. Mặc dầu không có chứng cứ trực tiếp, nhưng chúng tôi suy luận rằng qua sự quen biết này mà dòng họ Đặng Đức đã tin theo Kitô giáo.

[11] Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 13; Nguyễn Quang Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, 132.

[12] Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 13; Nguyễn Quang Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển tác gia văn hoá Việt Nam, (Hanoi, Văn Hoá Thông Tin, 173.

[13] Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 13.

[14] “Notice Biographique: Cuénot, Etienne-Théodore”, AMEP Vol 365; cũng xem Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 13. Chủng viện của Hội thừa sai Hải ngoại Paris.

[15] Ibid.

[16] Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 15.

[17] Ibid., 16.

[18] Ibid., 15

[19] Xem Peter C. Phan, Mission and catechesis, (Maryknoll, NY, Orbis Books, 1998)

[20] Huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

[21] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích, I. Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 31.

[22] Lionel Jensen, Manufacturing Confucianism: Chinese Tradition and Universal Civilization (Durham, NC, MD: Rowman and Littlefield, 2005), 20-67; Peter Phan, Mission and catechesis.

[23] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích, II. Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 38.

[24] Ibid.

[25] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích, IV. Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 50-51.

[26] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích, IV-V. Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 50-53.

[27] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích, VII. Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 59.

[28] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích, IX. Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 67-68.

[29] Jacob Ramsay, “Extortion and Exploitation”, 315

[30] “Notice Bibliographique: Francois Jaccard”, AMEP Vol. 348

[31] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích, XI. Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 73.

[32] Đặng Đức Tuấn, Thuật tích, XVI. Lam Giang, Đặng Đức Tuấn, 83.