Làm vườn nho cho Chúa: 19-V08 – CÔNG VIỆC NÀO HƠN

MÃ SỐ: 19-V08

Công việc nào hơn?

Tôi- một người đầy tham vọng, mê tiền, ham việc và ưa cái đẹp.  Với tôi, có việc sẽ có tiền, mà có tiền ắt có tất cả, thế nên tôi chẳng nề hà công việc nào cả, miễn là tôi sẽ giàu vì ước mơ của tôi đơn giản lắm, chỉ 3 điều: 1 nhà cao sang xịn, 1 con xe Toyota Camry 2.0G sang ngầu, và 1 anh chàng hotboy sang chảnh.

Có câu: “Không gì mệt mỏi hơn cho bằng cứ mãi lơ lửng với một công việc chưa hoàn thành”. Tốt nghiệp xong, tôi gói gém ước mơ vồn vã bước vào nhịp sống của xã hội với bao nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ…

      Từng là một tay lái lụa hạng A, tôi trở thành một nhân viên shipper đẳng cấp, thuộc lòng hết mọi con hẻm, háo hức băng qua những đường phố đầy người chỉ để giao hàng cho những vị khách hàng sớm đã trở nên quen thuộc và thân thiết. Đội nắng mặc mưa trên chiếc xe máy kém xịn trong ít năm, rất phiêu diêu và thoải mái nhưng số tiền tôi kiếm được quá bèo, nếu làm tiếp thì đến già ước mơ vẫn còn xa. Quyết định đổi nghề nhưng bằng cấp thì không cao lại còn sở hữu một chiếc Honda hơi phèn nên tôi chỉ xin làm được trong một tiệm bánh bao. Nhiệm vụ lần này cũng là đi giao hàng nhưng thời gian là vào sáng sớm của tiết đông, khi trẻ con còn chưa thức giấc và chỉ có thấp thoáng mấy ánh điện mới bật hắt ra từ cửa sổ lờ mờ phủ đầy sương lạnh, thỉnh thoảng có vài chiếc xe của những người đi làm sớm lao vụt như bay như thể muốn né cái rét của buổi sáng sớm. Cũng trong lần này, tôi không thể lái lụa như trước được vì cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông cứ len lỏi qua từng kẽ tay khiến tôi tê cứng cả người, lắm khi phải dừng lại để ủ ấm cho 2 bàn tay bằng hơi thở rồi lại thích thú ngửa mặt lên, phả hơi thật mạnh vào khoảng không để hà ra những vệt khói sáng dưới ánh đèn đường, trông giống như mấy bác nông dân đang phun phun khói thuốc lào. Ngoài đường thật vắng, chỉ có hàng cây rung nhẹ rủ xuống hàng ghế đá lạnh ngắt và những cột đèn đường ướt nhem đứng chơ vơ như đang chờ ai đi qua. Công việc trở nên khó khăn và buồn chán vì không chịu được cái lạnh, tôi gắng làm thêm ít tháng rồi xin nghỉ việc. Ước mơ vẫn còn rạo rực trong lòng nhưng tiền làm ra thì khó mà tiêu cái vèo là trở nên nghèo liền, thế nên tôi đành gác lại những mộng mơ cao siêu kia để làm việc khác, đó chính là làm đẹp, làm những gì mình thích và bắt đầu yêu đương. Tôi học cách makeup để trở nên xinh đẹp hơn, phối đồ thật ngầu để không thua kém ai khi tụ tập bạn bè, tôi từng chơi quán bar và hát la cà cùng nhóm bạn nhậu chí cốt thâu đêm, tôi cũng đã yêu một người rất say đắm, rất sâu nặng đến độ quên cả nhà cao và xe xịn. Anh ta là một hotboy sang chảnh đúng như tôi mơ tưởng, nhà giàu, hát hay và cực kỳ ấm áp. Nhưng anh cũng thật tệ, anh xé toạc tim tôi bằng một lời chia tay không cảm xúc. Anh gieo những hạt mầm hạnh phúc và tươi đẹp trên một mảnh đất nhỏ rồi cố tình lấy đi những tia nắng ấm ban mai dành tặng cho người con gái khác, để rồi nó chết khô giữa khung trời vô tâm và hờ hững của anh. Tệ thật, tôi cũng tốt, cũng chân thành, cũng chưa từng làm tổn thương anh nhưng anh đã lỡ quên hết, để lại mình tôi lưng chừng, ấm ức và nhớ mong. Người ta thường nói: “Bỏ đi thì không nỡ, quan tâm hóa dư thừa, không có cớ để nhớ, cũng chẳng có cách để quên”. Đúng thật, thời gian để yêu thì rất ngắn nhưng lại dùng cả một đời để quên, giống như câu hát “một khắc đã nhớ tên, vạn kỷ để cố quên.”

     Cuộc sống nơi này dần trở nên nhạt nhẽo, vô vị, tôi mệt nhoài với những cuộc ăn chơi và hát hò vô bổ kia, ước mơ vẫn nằm im ở một vùng tương lai thật xa vời. Tôi không theo đuổi nữa, cũng chẳng màng tìm cách thực hiện. Tôi muốn về quê nhà, nơi có những tiếng cười giòn giã của mấy đứa em, nơi có tiếng mẹ gọi thức giấc mỗi sáng sớm và có tiếng ba ngáy êm êm mỗi đêm khuya. Quê nhà, nơi tôi từng siêng sắng tham dự Thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần, nhưng lại chưa một lần tham gia vào các hoạt động của Giáo xứ, của Hội đoàn. Lạ thật, lần này tôi lại hào hứng muốn tham gia, muốn làm mấy việc giống các bạn nhỏ mới lớn phục vụ trong nhà thờ. Tôi xin gia nhập Hội đoàn giới trẻ Legio Mariæ Junior để được đi quét nhà thờ, dọn cung thánh, và sinh hoạt cùng các bạn. Cũng đã lâu không gặp gỡ mọi người ở quê, cách nói chuyện trở nên gượng gạo, không mấy hợp tần số. Mới đầu tôi như thấy lạc loài nhưng sau nhiều lần làm việc chung, tôi nhận ra bầu nhiệt huyết nơi các bạn thật lớn, thật mạnh, thật đoàn kết. Tuy nhìn thì thấy mỗi người làm một nhiệm vụ riêng, mỗi nhóm mỗi công tác khác nhau nhưng thực ra việc này bổ túc cho việc kia, nhóm lớn hỗ trợ nhóm nhỏ, rất ăn ý và hoàn hảo. Con trai có bổn phận xách nước, kéo vòi tưới cây; con gái quét lá, nhặt nhỏ quoanh khuôn viên; anh lớn tài ba xung phong cắt tỉa cây cảnh hàng tháng; chị lớn khéo tay đảm nhận cắm hoa bàn thánh hàng tuần,… mọi thứ như một sợi dây chuyền và nút thắt là tượng thánh giá. Dần dần tôi trở nên quen việc, quen người.

     Rồi một ngày bình thường trong tuần, tôi đang loay hoay quét vài chiếc lá khô trước thềm nhà thờ, bỗng nghe thấy ai vừa kêu tên mình từ phía dưới xa xa, rất to, vang cả sân trời “Mèo em…”. Giọng điệu này quen lắm, dường như đã nghe như vậy hàng nghìn lần rồi, và chỉ có một vài người duy nhất mới gọi cái tên này một cách thành thạo và thân thuộc như vậy. Ngoảnh đầu lên để xem cao nhân nào mà láo toét dám gọi cái tên khác người này một cách to tát như vậy. Thì ra là con bạn chí thân chí cốt chảnh chọe của tôi, người mà khi còn tuổi hoa phượng, tôi đã ngây ngô hứa là sẽ làm phù dâu cho chú rể của nàng khi nàng mặc váy cưới. Vẫn như ngày nào, cô bạn này vẫn tính cách phóng khoáng, hoạt bát và cứ hay cười ha hả vô duyên, được cái thánh thiện hơn tôi nhiều. Gặp lại nhau sau mấy năm tốt nghiệp, chúng tôi tíu tít kéo nhau đi tám chuyện liền, ôn hết kỷ niệm này, kể hết mọi chuyện kia rồi lại cười một cách sảng khoái như thời còn đi học. Cười tới nói lui hết một buổi sáng, cuối cùng cũng phải nhà ai nấy về, trước khi về cô nàng còn rủ tôi tham gia buổi tĩnh tâm cho giới trẻ tại một giáo xứ gần đây, tôi lưỡng lự không muốn nhưng cô cứ cà kê nài nỉ nên đành phải gật đầu ok với điều kiện: 1 ly trà sữa.

     Một tuần sau, đến ngày dự buổi tĩnh tâm, tôi không chuẩn bị hay đem theo bút vở gì cả, chỉ khoác lên bộ đồ giản dị rồi đi thẳng tới nơi đã hẹn. Vừa thấy tôi, cô nàng hớn hở chạy tới, vẫn không quên gọi bô bô cái tên khác người của tôi, dáng dấp nhỏ nhắn xinh xinh trong chiếc áo sơ mi trắng của cô nàng hiện rõ nét trong sáng và đáng yêu. Miệng thì cười cười nói nói, tay thì kéo tôi như thể thúc giục nhanh chân. Giờ tĩnh tâm bắt đầu với bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần và đọc Tin Mừng. Bài Tin Mừng nói về việc đi làm vườn nho. Hồi trước tôi chỉ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, còn các ngày thường thì cực kỳ hiếm khi, chỉ nghe đâu ít đoạn Tin Mừng nói về Cuộc khổ nạn của Chúa Giê- su, về việc Chúa làm phép lạ, hay về việc Chúa hiện ra với các Tông đồ. Lần này nghe về việc đi làm nho thấy lạ quá, tôi chưa hiểu ý nghĩa của bài Tin Mừng cho lắm. Tôi nhủ thầm trong lòng phải thật chăm chú nghe giảng, không chểnh mảng như trước đây nữa. Vì là giảng cho các bạn trẻ nên cha dẫn dắt nhiều câu chuyện, nhiều chủ đề để thêm phần hài hước cho buổi gặp gỡ này. Khi cha nói đến chủ đề yêu đương đôi lứa, trong lòng như chạm đáy nỗi đau. Ký ức đổ vỡ ùa về khiến tâm trí tôi bấn loạn cả lên, mơ hồ và bàng hoàng. Tôi không thể nghe thêm câu từ gì tiếp theo, mọi tiếng nói xung quanh cứ nhấp nhoáng, lùng bùng trong tai tôi. Hít một hơi thật sâu, cố gắng xua đi những suy nghĩ không hạnh phúc kia, tôi tiếp tục theo giõi bài giảng. Không biết cha nói đến phân đoạn nào rồi, gì mà “Làm vườn nho…”, “Làm thợ gặt…”, “Làm nghề bắt cá…”. Tôi tự hỏi “Sao cha lại hướng nghiệp trong giờ này nhỉ? Mấy nghề này chắc các bạn không làm đâu.” Tôi lại bắt đầu nhớ đến ước mơ siêu đỉnh ngày trước của tôi, một thời ước mơ dồn chân đến ham công tiếc việc, kiếm cho được nhiều tiền để mua xe, xây nhà. Mải mê quyến cố và hoài niệm, tôi giật cả mình khi mọi người đứng dậy hát bài kết thúc. Tiếc ngẩn tiếc ngơ khi chưa nghe được ý nghĩa của việc làm vườn nho, tôi muốn dáng cho mình vài cú trên đầu thiệt đau cho chừa cái tật mất tập trung. Đang trách móc bản thân thì cô bạn tốt lành của tôi đến thúc mạnh vào hông một cái điếng cả người

  • “Muốn làm vườn nho hay thợ gặt? Hay thích đi đánh cá?”

Tôi thầm nghĩ “lại hâm dở hướng nghiệp, bắt chước cha giảng phòng, thời đại này ai mà đi làm mấy cái việc đó.”

Thấy tôi không trả lời, cô tiếp

  • “Đắn đo gì nữa, mấy công việc này không phải ai cũng làm được đâu, “ông chủ” sàng lọc lắm mới tiếp nhận nhân viên á. Bà thuộc tuýp người siêng sắng, nhanh nhẹn, chắc chắn ông chủ duyệt liền.”
  • “Gớm, nịnh nọt. Thế làm lương có cao không?”
  • “Việc nhẹ lương cao, thưa cô. Đủ một ngày 3 bữa trà sữa cho bà”

Tôi cười khì khì, lén nhìn mặt cô nàng, mặt cô nhìn kiểu gian manh và điêu toa lắm, sau này tôi mới nhận ra “Việc nhẹ lương cao, 3 bữa trà sữa” là cô nàng nói giỡn, hùa theo câu hỏi tiền lương của tôi mà thôi. Thế mà tôi tin thật, về nhà suy nghĩ thâu đêm. Làm thợ gặt thì nắng nhọc lắm, đen da mất; đánh cá thì không biết chèo thuyền gỡ lưới; còn nho thì chưa trồng bao giờ, nhưng 3 từ “Làm vườn nho” nghe cũng sang, cũng lạ, chắc nhiều tiền lắm đây. Tôi cất công gõ Google tìm hiểu về công việc trồng nho, cách chăm bón, cách thu hoạch,… để lỡ khi ông chủ có “phỏng vấn thử việc” thì trả lời được. Thế là quyết định đi làm vườn nho, tôi gọi ngay cho cô bạn “yêu dấu” của tôi nhờ liên lạc với ông chủ cho tôi vào làm, đầu dây bên kia vang lên tiếng cười khoái chí giống những người vừa câu được một con cá vậy

  • “Vậy là làm vườn nho nhé! Ngày mai gặp nhau ở nhà thờ, mình cho xem cái này.”
  • “Ok”

      Sáng hôm sau, tôi hồ hởi muốn biết “cái này” là cái gì, hóa ra là một loạt lời tư vấn từ cô nàng. Cô lần lượt giải thích ý nghĩa của 3 cái nghề mà cô hỏi tôi từ hôm qua. Tôi thiết nghĩ 3 việc sẽ mang 3 hoạt động khác nhau, 3 mùa vụ khác nhau, 3 mức lương khác nhau, và 3 ông chủ khác nhau, ai ngờ cả 3 đều như một. Những lời cô nàng nói ra đều hướng về Thiên Chúa, về Giáo hội, về đời sống dâng hiến. Nàng nói rất hay, như thể nàng đã suy ngẫm Kinh thánh hàng nghìn lần rồi. Tôi chăm chú nghe từng lời cô nói và nghĩ bụng “Sao nó thánh thiện thế”, “Mình chẳng hiểu gì về Kinh thánh, mình tệ thật…”. Nghe nàng nói câu “Cùng nhau đi làm vườn nho cho Chúa”, tôi nghe thoang thoáng đâu mấy lần rồi, nhưng lần này nghe sống động hơn, rõ ràng hơn. “Làm cho Chúa”, từ trước tới nay, tôi chưa làm điều gì cho Chúa cả, cũng chưa hề nghĩ tới việc Chúa cần gì nơi một người tín hữu khô khan như tôi, chỉ biết vun vén cho cuộc sống riêng mình, ích kỷ vô cùng . Được cô bạn thánh thiện của tôi “thuyết trình” về đời sống tu trì, tôi nghiệm ra rằng, đúng, đời sống dâng hiến là nơi chuyên làm vườn nho cho Chúa nhất, là nơi dạy cách “thả lưới bắt cá”, cách trở thành một “thợ gặt” lành nghề.

     Giờ thì không chần chừ nữa, đi làm cho Chúa, trồng nho hay gặt lúa gì đều được miễn là bù đắp mọi thiếu sót của tôi bấy lâu nay.

      Thật tình cờ, tôi được biết đến Hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giê-su Tình Thương. Hội dòng mang tên mới lạ và mang nhiều ý nghĩa. Tôi sẽ sống và học tập ở đây. Cũng không nhớ rõ bằng cách nào mà tôi được mời gọi vào Hội dòng, và cũng không biết xe chạy được bao nhiêu tiếng rồi mà giờ đây, trước mặt tôi là một cánh cửa mới – Tiểu Chủng Viện Làng Sông – đang dần mở ra, có nhiều điều chờ tôi khám phá…

     Vườn nho của Chúa thật rộng lớn, thật lạ kỳ. Vườn của Người có rất nhiều tá điền, người nào cũng dấn thân, làm cùng nhau không biết mỏi mệt, không có thay ca, cũng không có tăng ca, nhưng hoa trái vẫn dồi dào. Hoa của tình bác ái và trái của lòng yêu thương, điều này xuất phát từ “Ông chủ” vườn nho và các tá điền của Người.