QUYỂN SÁCH CỦA MỘT NGÔN SỨ
Quyển sách này là hoa quả từ một đời dấn thân cho sứ vụ của tác giả, Lm. Piô Ngô Phúc Hậu, từ cực nam tới cực bắc của đất nước, từ Năm Căn và Cái Rắn của giáo phận Cần Thơ đến Hiền Quan và Sơn Tây của giáo phận Hưng Hóa. Nó ghi lại những câu chuyện ý nhị, cả những chuyện cười ra nước mắt, đọc rất hấp dẫn nhưng không phải để mua vui, giải trí. Đây là cả một cánh đồng mênh mông với đủ thứ vấn đề cụ thể, những nỗ lực, sáng kiến, bế tắc và hy vọng của việc loan báo Tin mừng giữa một hoàn cảnh văn hóa và dân sinh đầy khó khăn. Nhà truyền giáo của chúng ta đi từ những nỗ lực giải quyết cuộc sống cho người nghèo. Thật không đơn giản, vì không thể giải quyết được tận gốc những khó khăn của người dân nếu chưa giúp họ có được phương tiện để thoát nghèo. Rồi còn phải giúp họ thấy, hiểu rõ vấn đề và có được quyết tâm để vươn dậy.
Sách gồm những trích đoạn từ nhật ký của tác giả, được chọn lọc và sắp xếp lại theo các chủ đề nhưng vẫn giúp ta cảm nhận được từng bước đi của những trải nghiệm chín dần theo thời gian. Đoạn sớm nhất viết tại Ô Môn, năm 1963, ghi lại kỷ niệm của tác giả ngày còn là một chủng sinh trên đường thực tập (x. Chương 13). Sau từng quả chín hiếm hoi lác đác còn có những vụ mùa bội thu bát ngát, tuy nhiên sách không nhắc đến, không hề báo cáo thành tích. Những đoạn muộn nhất trong sách viết vào đầu năm 1999. Sau đó, tác giả còn tiếp tục tất bật hơn 20 năm trên đường truyền giáo, tuy nhiên không cần phải kể nữa. Những nét chấm phá ở cuối thế kỷ trước đủ cho thấy những bất cập và những thái quá còn đầy dẫy của Giáo hội lữ hành trên đất nước này, mãi cho đến nay.
Những trang đầu đã vẽ ra viễn ảnh đổi mới dân sinh, dân trí để hướng tới dân đạo là đức tin của người dân. Mấy trang chót của nhật ký còn cho thấy một giải đáp đích thật đòi ta phải về lại với câu mở đầu của bài giảng trên núi: Tinh thần nghèo khó. Chỉ có lòng yêu mến người nghèo mới biến người tông đồ thành nhà truyền giáo, chỉ có tinh thần nghèo khó của Tin mừng mới giúp người nghèo biết cách chia sẻ kinh nghiệm tâm linh cho nhau, biết vươn lên từ cảnh nghèo và đạt được hạnh phúc thật trong tâm hồn. Đổi mới dân sinh và dân trí thôi chưa đủ, còn phải đổi mới được dân tâm, trang bị cho họ một tấm lòng mới. Thật khó! Ai có thể giúp ta khởi đi từ điểm mà ta đang còn hướng tới? Người truyền giáo nghiệm ra rằng loan báo Tin mừng không hề là nỗ lực nhân loại của riêng họ nhưng trước hết phải là sự hưởng ứng ơn thúc giục và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
Tác giả mạnh mẽ cất lên tiếng nói của một ngôn sứ, ngỏ lời với anh chị em đồng đạo, với các mục tử cùng thời, những mục tử sẽ đến sau và cả những mục tử cấp cao, nêu rõ điều Chúa đang mong đợi…
Là quyển sách của một ngôn sứ, Nhật ký truyền giáo làm đắng miệng tác giả. Có lắm người vỗ tay, thế nhưng đã có bao nhiêu người thực sự lắng nghe. Tuy nhiên, giờ đây, phải chăng Thiên Chúa đang cho ông nếm được chút ngọt ngào khi trông thấy một vài môn sinh bắt đầu cặm cụi chép lại quyển sách của thầy mình để lưu truyền cho hậu thế.
Vâng, thưa vị ngôn sứ, người có thể ra đi bình an vì Nhật ký của người sẽ gợi hứng cho nhiều bạn trẻ say mê tinh thần nghèo khó, say mê tự do nội tâm, rủ nhau lên đường và khởi sự viết phiên bản Nhật ký truyền giáo riêng của chính họ.
Tp Quy Nhơn, 14-12-2023
Tủ sách Nước Mặn