Xin cùng góp sức truy tìm cổ bản Sấm Truyền Ca

* Lời tuyên bố khai mạc tọa đàm về “Di sản Sấm truyền ca (1670) của Linh mục Lữ Y Đoan (1608-1678)” tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn, ngày 22-9-2024 của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

 

Kính thưa quý giáo sư các trường đại học, quý nhà nghiên cứu, quý tác giả, quý thầy cô, quý vị khách quý. Kính thưa quý linh mục giáo phận, quý thầy phó tế, quý chủng sinh, quý thành viên các hội dòng.

Hôm nay có sự hiện diện của các thành phần dân Chúa trong giáo phận cùng với sự tham gia của rất nhiều quý vị khách quý đến từ nhiều nơi rất xa. Vì vậy, trước hết chúng ta cho một tràng pháo tay để hân hoan đón chào nhau.

Kính thưa quý vị, thật là hạnh phúc cho Giáo phận Qui Nhơn khi tổ chức một cuộc tọa đàm về linh mục Lữ Y Đoan với tác phẩm Sấm truyền ca rất đáng quan tâm trong lịch sử Giáo hội tại Việt Nam.

Cuộc tọa đàm hôm nay quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, là những người đã cống hiến rất nhiều tâm huyết với những khám phá và đóng góp vào việc nghiên cứu tác phẩm Sấm truyền ca của linh mục Lữ Y Đoan, viết xong vào năm 1670, cách chúng ta trên 350 năm. Một tác phẩm đã xuất hiện lâu đời như thế, nhưng hôm nay, với cuộc tọa đàm này đã trở thành một tác phẩm mang tính thời thượng, khi nó gợi lên nơi chúng ta rất nhiều cảm hứng trong việc tìm hiểu những công trình tiền nhân đã đóng góp vào kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng.

Qua tác phẩm Sấm truyền ca chúng ta thấy được sự đóng góp của người Công giáo vào kho tàng văn hóa.

Trước hết chúng tôi lấy làm vinh dự, bởi chính trên phần đất giáo phận Qui Nhơn này, chữ Quốc ngữ đã ra đời, cụ thể là tại Nước Mặn, chỉ cách đây 20 cây số. Đúc kết cuộc hội thảo năm 2016 về chủ đề “Bình Định với chữ Quốc ngữ”, giáo sư Phan Huy Lê đã xác định đó là cái nôi đầu tiên của chữ quốc ngữ.

Nhưng có lẽ người ta cũng đã quên mất một điều rất quan trọng là ngoài công lao của các vị thừa sai nước ngoài trong việc hình thành chữ quốc ngữ, còn có công sức của nhiều người Việt, bởi vì nếu không có những người Việt Nam uyên bác đã cùng sát cánh với các vị thừa sai, thì làm sao các vị thừa sai có thể vận dụng tiếng Việt đã có từ ngàn đời để lắp đặt những mẫu tự Latinh thành chữ quốc ngữ hiện nay.

Bên cạnh đó, các vị thừa sai cũng đã tìm mọi cách để tiếp cận văn hóa Việt Nam qua chữ viết, lúc bấy giờ là chữ Hán-Nôm. Trải qua ngàn năm, nước Việt Nam chúng ta chỉ có chữ Hán, nhưng sau đó với tinh thần tự lập, các tiền nhân của chúng ta đã tạo ra chữ Nôm. Tôi nghĩ có lẽ danh xưng này là để nói lên bản sắc riêng của đất nước mình.

Khi các vị thừa sai đến Việt Nam thì họ đã vận dụng chữ Nôm này để viết không những các bài giáo lý mà còn cả những tác phẩm thi ca. Trong số các vị thừa sai này có cha Majorica đã đến Đàng Trong, sau đó ra Đàng Ngoài và đã để lại nhiều kinh sách bằng chữ Nôm. Về phía các linh mục Việt Nam có cha Lữ Y Đoan đã để lại cho chúng ta một tác phẩm giá trị, đó là bộ Sấm truyền ca dưới hình thức thi ca bằng chữ Nôm để diễn tả những trang sách Kinh thánh của 5 quyển đầu gọi là Ngũ kinh.

Đọc 4 câu đầu của tác phẩm này, chúng ta liên tưởng tới 4 câu đầu Truyện Kiều của Nguyễn Du sau này, cũng theo một cách hành văn, lập luận và suy nghĩ tương tự, có vẻ như hồi ấy đó là một lề lối quen thuộc đã được người Việt chấp nhận và coi như khuôn mẫu để nhập đề cho các tác phẩm văn học Việt Nam cổ điển:

“Ngày ngày trước mắt chúng sinh

Chữ đời chữ đạo phân minh đôi đường

xưa nay trong kiếp vô thường,

Thấy điều vân cẩu mà thương nhân phàm”.

Cha Louis Đoan, quen gọi là Lữ Y Đoan, nguyên là một thầy giáo uyên bác về Nho học và văn chương Hán Nôm. Sau khi trở lại Công giáo, ngài đã đóng góp rất nhiều vào việc truyền bá Tin mừng và đồng thời để lại một tác phẩm văn chương rất được ưa chuộng là Sấm truyền ca. Cuộc đời của ngài thể hiện một nét tiêu biểu của giới trí thức Công giáo Việt Nam, không những trong lĩnh vực truyền giáo mang sứ điệp Tin mừng của Chúa đến cho dân tộc, mà còn tìm mọi cách để dùng sứ điệp Tin mừng này đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam.

Mấy chục năm qua, từ khi Sấm truyền ca được tìm thấy, tác phẩm này đã được một số nhà nghiên cứu đưa lên các trang báo. Hôm nay Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn muốn tổ chức cuộc tọa đàm này để tái khám phá công trình của tiền nhân nhằm tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và tri ân của lớp hậu sinh sống sau tác giả đến bốn thế kỷ. Tuy nhiên, chúng ta làm việc này không phải với sức riêng mình, mà với sự đóng góp tài năng và công sức của nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ nhiều thời giờ và tâm huyết.

Hy vọng cuộc tọa đàm này sẽ gợi hứng để có thêm nhiều người quan tâm tìm hiều và khám phá công trình đáng trân trọng của linh mục Lữ Y Đoan. Tất cả chúng ta đang cùng nhau thao thức và muốn làm sao để một ngày nào đó toàn bộ công trình này sẽ ra mắt mọi người.

Rất tiếc trong quá trình lịch sử, bản gốc bằng chữ Nôm và cả những bản đã chuyển sang chữ quốc ngữ của tác phẩm đã bị mai một hay còn được cất giấu ở một nơi nào đó. Với cuộc tọa đàm này chúng ta muốn đưa ra một lời nhắn gửi đến tất cả những người đang thao thức cho văn học Việt Nam cũng như văn học Công giáo: bằng mọi cách, xin cùng chung tay góp sức truy tìm các cổ bản của tác phẩm này. Nếu tìm lại được thì quả là một món quà hết sức quí giá cả về phương diện thi ca lẫn phương diện triết học và thần học Kitô giáo.

Tôi xin cầu chúc cho cuộc tọa đàm hôm nay đem lại thật nhiều kết quả và cho mọi người tham dự nhận ra những điều mới mẻ tốt đẹp mà tổ tiên chúng ta đã để lại.

Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi