Trăng Thập Tự: để có những Trần Duy Nhiên mới

15 NĂM GS. FX. TRẦN DUY NHIÊN TỪ GIÃ CÕI ĐỜI

MỜI BẠN TÌM ĐỌC

2 TẬP SÁCH CỦA ÔNG

– MƯỜI BA NGƯỜI THAY ĐỔI THẾ GIỚI

– CUỐN PHÚC ÂM THỨ NĂM

TỦ SÁCH NƯỚC MẶN PHÁT HÀNH

Nhân dịp này, xin được ghi lại bút ký ngắn của Lm. Trăng Thập Tự viết khi Thầy Trần Duy Nhiên ra đi.

Mẹ Têrêsa Calcutta và Giáo sư Trần Duy Nhiên

 

 

ĐỂ CÓ NHỮNG TRẦN DUY NHIÊN MỚI

 

Sáng ngày 11-02-2009, thánh lễ an táng giáo sư Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên được cử hành tại nhà nguyện Dòng Nữ Tử Bác Ái, quận 3, do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc chủ lễ cùng với 25 linh mục đồng tế.

69 tuổi, anh là một giáo dân trí thức nổi bật đã đóng góp nhiều cho Hội Thánh – 15 năm sau ngày đất nước thống nhất với các sinh hoạt trẻ Công Giáo tại Thành phố Đà Lạt và 15 năm vừa qua với những sinh hoạt trí thức tại Sài Gòn: Trung tâm Nguyễn Trường Tộ, tạp chí điện tử Maranatha, Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình. Là người cầm bút, anh để lại nhiều bài viết giá trị, quyển sách đáng đọc “Mười ba người thay đổi thế giới” (Ngài đã gọi họ, Ngài đã gọi tôi) và trên 20 kịch bản, mở đầu với vở “Cuốn Phúc Âm thứ năm” đã được diễn trên 200 lần tại nhiều giáo xứ và giáo phận.

Chúng tôi quen nhau từ 1975. Anh là một giáo dân ảnh hưởng khá nhiều trên sứ vụ linh mục của tôi. Thụ phong linh mục đã 28 tuổi, tôi vẫn còn nhiều lúng túng trong cách ứng xử và chưa đủ tự tin trong việc phục vụ Lời Chúa. Tôi vui mừng bắt gặp cách chia sẻ hấp dẫn và thuyết phục của người giáo dân hơn tôi 6 tuổi. Mấy năm dầu, mỗi lần giảng lễ hoặc hướng dẫn tĩnh tâm cho bạn trẻ, tôi đều hẹn gặp anh để trao đổi trước và sửa lại bài soạn theo những góp ý của anh. Loạt bài “Tin Mừng cho người muốn nghe” (1982), viết tới đâu tôi nhờ anh đọc tới đó. Năm 1997, để hoàn thành quyển giáo lý cho lớp Vào Đời 3, “Giữa lòng Hội Thánh và Thế Giới” dành cho các em 18 tuổi, tôi đã gởi bản thảo cho anh xem trước và trao đổi kỹ trên những chủ đề sở trường của anh.

Chúng tôi gợi hứng lẫn cho nhau. Từ quyển “Mười ba người thay đổi thế giới” (1977), tôi viết một loạt 20 ca từ và một số anh em dệt thành tập nhạc “Rabbôni, tôi hát về Ngài” (1978). Đến lượt anh lại từ những bài hát ấy mà viết nên “Cuốn Phúc Âm thứ năm” (1979).

Anh nằm xuống, tôi mới chợt nhớ ra tên anh có nghĩa là “nhen lên”. Từ những bạn trẻ 15-17 tuổi cho đến trung niên và trí thức, rất nhiều người đã nhờ anh gợi hứng mà dấn thân nhiệt tình. Chính qua anh mà tôi được quen biết một số giáo chức ngoài Công Giáo để mày mò kinh nghiệm làm tông đồ cho giới trí thức.

Anh không cao niên như những bậc thầy tôi ngưỡng mộ, thế nhưng giờ đây nằm xuống anh cũng đã ngót 70. Trong thánh lễ an táng, tôi đã suy nghĩ và cầu nguyện để làm sao có được thêm nhiều giáo dân như anh. Trẻ hơn anh, trong hàng ngũ giáo dân dưới 69 tuổi, bây giờ có được những ai đang nổi bật trong những đóng góp tích cực về văn hóa và suy tư cho Hội Thánh? Chắc bạn đọc đang đếm trên những đầu ngón tay…

Làm sao để gia tăng cho Giáo Hội Việt Nam một số lượng đáng kể những giáo dân say mê Chúa Kitô, Lời Ngài và Hội Thánh Ngài? Những giáo dân theo dõi tận tường các sinh hoạt Hội Thánh khắp nơi, hăm hở đào sâu thần học, biết và dám lên tiếng bênh vực Hội Thánh cũng như lên tiếng đóng góp suy tư với Hội Thánh cách khiêm nhường?

Nhìn lại ơn Chúa trên tâm hồn người tín hữu này, tôi thấy lóe lên hy vọng. Anh Trần Duy Nhiên đã không xuất thân từ nhà dòng hay chủng viện, không đi qua những trường lớp chính quy của Hội Thánh. Anh chỉ tham dự một số khóa học Cursillos, Công Lý và Hòa Bình, Pour Le Monde Meilleur… Còn nữa thì tự học là chính. Tuy nhiên điều đem lại hy vọng nhiều nhất là cái mở đầu nơi kinh nghiệm của anh. Anh gần như đã mất đức tin nhưng rồi đã được ơn trở lại. Chính cuộc trở lại đầy ý thức sau thời đại học đã đem lại cho anh những xác tín, để từ đó anh vận dụng những tài năng Chúa ban mà phục vụ cho công cuộc của Ngài. Xin đính kèm đây chứng từ trở lại anh viết năm 1978.

Trong tang lễ anh, tôi nghĩ đến con đường tắt để cống hiến cho Thiên Chúa và Hội Thánh những trí thức nhiệt thành: Truyền giáo cho giới trí thức. Tôi có được quen một Mục sư đã trao quyển “Sống Theo Đúng Mục Đích” vào tay nhiều ngàn trí thức. Tôi cũng thân với một Linh mục trẻ đã tặng quyển “Ngôn ngữ của Chúa” cho hầu hết trí thức tại khu vực của anh, và nay bắt đầu tặng quyển thứ hai, “Sống Theo Đúng Mục Đích”. Chắc hẳn ngày sẽ càng có thêm nhiều người làm công việc ấy. Tuy nhiên, muốn cho những trí thức độc giả ấy có được đức tin còn phải có sự hỗ trợ của hy sinh và kinh nguyện. Càng nhiều người cầu xin ơn đức tin cho các trí thức, sẽ càng có nhiều trí thức đến với Chúa, cống hiến tài năng, sức lực và kinh nghiệm mình cho Thiên Chúa và Hội Thánh.

Tôi ước mong mỗi độc giả đang đọc bài này sẽ âm thầm cam kết với Chúa một giao ước nhỏ: Dâng hy sinh và kinh nguyện của mình để cầu cho một trí thức nào đó đang đọc hai quyển sách trên đây được ơn nhận biết Chúa thật sâu xa. Chỉ cần mỗi người hy sinh và cầu nguyện cho một người, mùa gặt sẽ không ít. Mong rằng ngay hôm nay, chính bạn, người đang đọc bài này, sẽ bắt đầu giao ước ấy! Tại sao không?

Nhà Tĩnh Tâm Đamianô, Quận 9, 13-02-2009

Linh mục Trăng Thập Tự VÕ TÁ KHÁNH