Tài liệu Tọa đàm Lm. Đặng Đức Tuấn – 9. GIÁO XỨ NƯỚC NHỈ

GIÁO XỨ NƯỚC NHỈ

Lm. Gioan Võ Đình Đệ

          Giáo xứ Nước Nhỉ, nơi cha Gioakim Đặng Đức Tuấn đã từng sống đời Linh mục của mình trong những năm cuối đời (1865 -1874). Lòng đất Nước Nhỉ đã cưu mang thân xác của cha. Nước Nhỉ, nơi có nhiều duyên nợ với cha Gioakim. Nước Nhỉ, nơi cha Gioakim đã gởi lại cả khối tình.

  1. ĐỊA LÝ & THIÊN NHIÊN :

Nguyên giáo xứ Nước Nhỉ trước năm 1975 bao gồm các xã phía Bắc huyện Phù Mỹ: Mỹ Lợi, Mỹ An, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Phong, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Nước Nhỉ, tọa lạc tại thôn Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi, cách thị trấn Bình Dương khoảng 03 km về hướng Đông. [1]

Vùng đất thuộc giáo xứ Nước Nhỉ  nhiều đồi núi khô cằn, ít ruộng lúa tốt nhưng nhiều thổ sản như khoai lang, khoai mì, đậu phộng và rất nhiều chủng loại cây ăn trái như mít, dừa…Đặc biệt có đầm Trà Ô [2] rộng khoảng 13 km². Đầm có nhiều cá, tôm, tép, chình như ca dao diễn tả:

Rủ nhau mua tép Trà Ô,

                               Sẳn bờ cát trắng phơi khô đem về”.

Bao quanh đầm là các xã: Mỹ Đức, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng và Mỹ Châu. Đầm thông ra biển qua cửa Hà Ra thuộc xã Mỹ Đức. Dòng chảy nầy có tên gọi là sông Châu Trúc. Thời triều Nguyễn, có trạm thu thuế Đầm hằng năm. Nước Đầm thường đầy quanh năm. Những năm gần đây, có năm bị hạn, khô nước. Trải qua thời gian, mặt nước Đầm đã bị bồi lấp bởi những biến động dân cư, dòng chảy của sông Châu Trúc cũng bị thiên nhiên bồi lấp, có chỗ chỉ còn một con lạch nhỏ.

Ngoài Đầm Trà Ổ, các nông sản như nếp, bí đao, dưa, mướp…nói chung là các nông sản tại thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ sở hữu riêng nét đặc thù mà những nơi khác không thể có. Chẳng hạn, độ dẻo và mùi thơm của nếp; bí đao chẳng những nổi tiếng thơm, ngọt mà còn vì độ “to con lớn xác” của nó. Mỗi trái có thể vài mươi ký, có thể lên cả tạ.

Giải thích tính đặc thù của nông sản ở thôn Chánh Trạch, dân gian trong vùng truyền tụng rằng: Do thổ nhưỡng Chánh Trạch tiếp nhận được nguồn nước và phù sa từ núi Ô Phi, một ngon núi có hình thế hiểm trở, lởm chởm đá.[3] Và câu chuyện truyền thuyết: Núi Ô Phi là con quạ đen vẫy cánh bay lên án ngự ở ngọn núi phía Tây, phía Đông có con rồng nằm canh giấc ở một ngọn núi. Có một người khổng lồ gánh hai hòn núi xuống lấp biển để ngăn dòng thủy quái, chẳng may ông bị té, hai hòn núi rớt xuống thành núi Ô Phi (Quạ bay) ở thôn Chánh Trạch và Mũi Vi Rồng ở thôn Tân Phụng.

Một truyền thuyết khác về Mũi Vi Rồng: Mũi Vi Rồng xưa kia nguyên là một khối, hình giống vi cá chép, dân địa phương gọi là “Đá Vảy Rồng”. Cao Biền, một thầy địa lý đời nhà Đường chuyên tìm những nơi có long mạch để yếm và ông đã tìm đến Mũi Rồng này. Cao Biền thấy Mũi Rồng có linh khí kết tụ bèn phù phép chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ đọng lại tạo thành những hòn đá son nhỏ nằm lẫn trong cát. Loại đá son này rất cứng, khi mài với nước thì cho ra màu đỏ thắm, cầm không dính tay nên được truyền tụng loại son trời cho. Xưa kia, học trò khắp nơi thường hay về đây để lấy loại đá này về làm son cho thầy chấm bài.

Về thăm thắng cảnh Vi Rồng

Uống rượu Mỹ Thọ thơm nồng tình quê [4]

  1. LƯỢC SỬ TRUYỀN GIÁO:

Vùng đất giáo xứ Nước Nhỉ như thế tuy không đem lại sự giàu có cho cư dân nhưng dễ sống. Theo thống kê năm 1747 do cha Félipe de la Concepcion Dòng Phanxicô thống kê vùng truyền giáo do các thừa sai của Dòng phụ trách phía Bắc Bình Định gồm 14 giáo điểm, trong đó Nước Nhỉ có 70 giáo dân. [5]

Vùng truyền giáo Bắc Bình Định được các thừa sai Dòng Phanxicô phụ trách gần 90 năm (1723-1810). Thời điểm 1813, vùng truyền giáo nầy được các thừa sai Hội Truyền Giáo Ba Lê đảm nhận. Theo thống kê năm 1850 của Đức Cha Cuénot Thể, vùng đất thuộc Giáo xứ Nước Nhỉ ngày nay có : Suối Lâm 78 tín hữu; Nước Nhỉ 132 tín hữu.[6]

Hiện nay chưa tìm thấy có Linh mục nào ở thường xuyên tại Nước Nhỉ trước thời điểm năm 1865. Trước tháng 08 năm 1862, các chiếu chỉ cấm đạo của triều đình, đặc biệt chiếu chỉ phân sáp [7] đã làm cho chủ chiên và đàn chiên tan tác.

Năm 1864, Đức cha Eugène Charbonnier Trí được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa Đông Đàng Trong thay thế Đức cha Cuénot Thể đã tử đạo ngày 14.11.1861. Ngày 14.07.1865, Đức cha Eugène Charbonnier đã đến với đoàn chiên. Đức cha đặt Tòa Giám Mục tại Gia Hựu, cách Nước Nhỉ khoảng 45 km về hướng Bắc.

CÁC LINH MỤC  LÀM VIỆC  TẠI NƯỚC NHỈ

TRONG GIAI ĐOẠN 1865 -1885

  1. Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn ( 1865 -1874 )

Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn sinh năm 1806 tại Gia Hựu. Thụ phong Linh mục năm 1848.

Năm 1865, Đức cha Eugène Charbonnier bổ nhiệm cha Gioakim Đặng Đức Tuấn, một Linh mục mẫn tuệ, tài đức làm cha sở Nước Nhỉ. Trong thời điểm chiếu chỉ phân sáp được thi hành gắt gao, cha Gioakim Đặng Đức Tuấn đang làm cha sở Trung Tín, Quảng Ngãi,  phải lên đường lánh nạn. Đầu năm 1862, trên đường lánh nạn, cha Gioakim Tuấn bị bắt tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ cha đang mang theo hai bản điều trần nhằm đoàn kết dân tâm, tìm phương kế bảo vệ đất nước. Triều đình Tự Đức đã trọng dụng cha. Trong khi cha làm cha sở Nước Nhỉ, Triều đình Tự Đức còn mời cha về kinh thành Huế hai lần để tham hỏi ý kiến về quốc sự. Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn qua đời tại Nước Nhỉ vào ngày 11 tháng 6 năm 1874,[8] an táng tại vườn nhà thờ Nước Nhỉ. [9]

Với kiến thức uyên bác cùng với những vui buồn cha đã cảm nếm qua những diễn biến lịch sử của đất nước và của Hội Thánh Việt Nam, cha đã để lại nhiều tác phẩm qua nhiều thể loại văn chương cho hậu thế : Điều trần, thi phú, trường ca, văn tế…

Năm 1877, Chủng viện Nước Nhỉ [10] được thành lập để huấn luyện các lớp đã mãn Chủng viện Làng Sông. [11] Khi chủng viện được thành lập, các cha ở chủng viện vừa dạy học vừa chia nhau làm việc mục vụ tại Nước Nhỉ.

Vào tháng 03/1882, Đức cha Luy Galibert bổ nhiệm cha Théodule Joseph Hamon (cố Lựu) đến ở tại Truông Dốc với nhiệm vụ như một cha sở (comme curé). Từ thời điểm nầy, Nước Nhỉ thuộc quyền của cha sở Truông Dốc, tuy nhiên việc mục vụ tại Nước Nhỉ được giao cho các cha ở chủng viện đảm trách.

Sau đây là danh sách các cha ở chủng viện phụ trách mục vụ tại Nước Nhỉ:

– Cha August Macé  Sĩ    (1877-1885)

– Cha Louis Marie Galibert Lợi (1877-1879)

– Cha Constant Foumond Thủ (1879 -1884)

– Cha Etienne Vivier Huệ (1881-1883)

Các cha làm việc tại Chủng viện, thời gian các cha chia nhau làm mục vụ trong giáo xứ Nước Nhỉ đan xen, khó phân định rõ ràng. Do đó, ở đây chỉ cố gắng nêu lên một số sự kiện của giáo xứ có liên quan đến mỗi cha khi làm mục vụ tại giáo xứ.

  1. Cha August Macé Sĩ (1877-1885)

Cha Macé sinh ngày 19.06.1844. Thụ phong Linh mục ngày 19.12.1868. Ngày 23.09.1875, cha rời Pháp, lên đường đến Đông Đàng Trong.

Năm 1877, cha August Macé được bổ nhiệm làm Giáo sư Chủng viện và chăm sóc mục vụ giáo xứ Nước Nhỉ. Cha Macé tinh thông nhiều ngôn ngữ : Anh, Đức, Ý, Nga, Tây Ban Nha. Ngoài những công việc bận rộn hằng ngày, cha còn dịch nhiều đầu sách sang tiếng Việt , những bản dịch nầy còn lưu lại bằng những bản viết tay.

Trong 13 năm làm việc tại Nước Nhỉ, cha Macé cùng với cha Constant Julien Foumond đã thành lập các giáo họ : Mỹ Trang, Hà Ra, Bàu Dàn. Các thống kê sau đây cho thấy sự phát triển :

Đầu năm 1885, cha Macé được Đức cha Van Camelbeke Hân bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu và Đại Chủng Viện Nước Nhỉ. Lúc bây giờ, cha Fourmond Thủ đi an dưỡng ở Hồng Kông, nên thời điểm nầy chỉ một mình cha Macé là Linh mục  ở tại Nước Nhỉ.

Ngày 02.08.1885, cha Macé bị Văn Thân sát hại tại Nước Nhỉ. Cha Théodule  Hamon Lựu [12] lượt kể lại sự kiện xót xa nầy : “ Sau  khi nhận lệnh của Đức cha Van Camelbeke, tất cả các tín hữu phải lánh nạn về Qui Nhơn. Cha Macé đã chuẩn bị ra đi. Ngài chia các tín hữu thành những nhóm nhỏ để ra đi nhằm tránh sự theo dõi của những người ngoại giáo. Tuy nhiên, ngay từ lúc khởi đầu, đã gặp phải những đau thương. Người ngoại giáo đã biết việc chuẩn bị ra đi và tức khắc bao vây cộng đoàn và Chủng viện. Lập tức cha Macé thông báo cho các trưởng làng rằng ngài sẽ ra đi vào lúc 4 giờ sáng. Nếu gặp chống đối, ngài sẽ dùng vũ khí để mở đường. Các trưởng làng hòa hoãn và rút lui. Tuy nhiên, ban đêm một cựu tổng làng phái những mật thám đến kích động người ngoại liên kết với nhau để cùng bao vây Chủng Viện và để có thể chiến thắng trong trường hợp giáo dân kháng cự.

Trong khi người ngoại giáo kín đáo bao vây, nhưng giáo dân tập trung ở Chủng viện không nhận biết điều nầy. Giáo dân cùng nhau dâng thánh lễ và rước lễ rất đông để chuẩn bị lên đường.

Cùng một lúc, giáo dân thấy lửa bốc cháy trên mái nhà và nghe tiếng la hét to lớn xung quanh lũy tre. Cha Macé nổ một phát súng lớn, với 4 hoặc 5 khẩu súng trường và một khẩu ‘canon’ nhỏ của ngài, ngài đã có thể cầm chân sức tấn công của hàng ngàn đối phương từ 4 giờ sáng cho đến 1 giờ chiều.

Hết đạn, giáo dân hoảng loạn trốn chạy tứ phía, cha Macé đang núp trong nhà nguyện Chủng Viện, quân Văn thân tiến vào Nhà Phước và sát hại khoảng gần 500 người đang tập trung ở đó. Cha Macé quỳ dưới chân bàn thờ dâng mạng sống cho Chúa. Bổng chốc quân Văn thân chất rơm, củi, gai khô… xung quanh tường nhà nguyện và châm lửa đốt. Bức tường bằng đất của nhà nguyện đã nứt nẻ không ngăn cản được lửa và khói. Trong đau đớn vô vọng, cha Macé ra lệnh cho chú giúp chạy trốn, còn cha tiếp tục cầu nguyện.

Ngay từ lúc đầu, một giáo dân đã leo lên cây dừa, ẩn mình trong tán lá,  cách nơi diễn ra biến cố nầy hơi xa một chút. Cây dừa nầy đã tránh khỏi lưỡi rìu của những người tàn phá cây cối và vườn tược trù phú của cha Macé. Chính từ độ cao quan sát được, người giáo dân nầy chứng kiến những cảnh rùng rợn diễn ra nơi Chủng Viện, Nhà Phước và cái chết của cha Macé.

Từ trong nhà thờ, cha nhảy qua cửa sổ đang rực lửa. Cha chạy theo mé vườn bên cạnh và không gặp thấy một ai. Tuy nhiên, cha đã bị Văn thân phát hiện. Họ rượt theo cha. Một người trong họ đã phóng cây mác có cán dài bằng tre đâm trúng cha. Họ đánh đập cha từ trên vai cho đến đầu cổ tay chân. Một cựu tổng làng cũng chạy lại và la to từ xa : “ chặt đầu nó ! chặt đầu nó”.

Cha Macé đã hiến dâng mạng sống mình cho Chúa vào khoảng  giữa 2 đến 4 giờ chiều Chúa nhật ngày 02.8.1885 ”.[13]

Trước khi sự kiện nầy xảy ra tại Nước Nhỉ, vào đêm 29 rạng ngày 30.7.1885, tại Hà Ra, Văn Thân đã sát hại 23 giáo dân, mở màn cho cuộc sát hại trong toàn tỉnh Bình Định. [14]

  1. Cha Louis Marie Galibert Lợi ( 1877 -1879 )

Cha Louis Marie Galibert Lợi sinh ngày 09 tháng 4 năm 1845. Thụ phong Linh mục ngày 06.6.1868. Ngày 16.8.1868, cha lên đường đến Giáo phận Đông Đàng Trong.

Năm 1877, cha Louis Marie Galibert  được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Nước Nhỉ.

Ngày 23.05.1879, cha Louis Marie Galibert  được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Đại Diện Tông Tòa Đông Đàng Trong.

Ngày 26.10.1879, cha Louis Marie Galibert  được Đức cha Isidore Colombert, Đại Diện Tông Tòa Bắc Đàng Trong  tấn phong Giám mục tại Gò Thị.

  1. Cha Constant Fourmond Thủ ( 1879 -1884 )

Cha Constant Foumond Thủ sinh ngày 01.03.1847. Thụ phong Linh mục ngày 22.05.1869. Ngày 06.07.1869, lên đường đến Giáo phận Đông Đàng Trong.

Năm 1879, cha Fourmond được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiểu Chủng Viện Nước Nhỉ. Năm  1884, cha Fourmond được bổ nhiệm làm Tổng Đại Diện, nhưng vẫn ở tại Chủng Viện. Ngoài công việc thường ngày, cha còn dạy giáo lý cho các dự tòng. Năm 1884, cha ban Bí tích Rửa tội cho 52 tân tòng tại Mỹ Trang. Đầu năm 1885, cha bị suy nhược, phải đi Hồng Kông an dưỡng.

  1. Cha Etienne Vivier Huệ ( 1881-1883 )

Cha Etienne Vivier Huệ sinh ngày 22 tháng 01 năm 1842. Thụ phong Linh mục  ngày 06.06.1868. Ngày 16.08.1868, cha lên đường đến Giáo phận Đông Đàng Trong.

Lúc bấy giờ, việc gởi các Đại Chủng sinh của Giáo phận đi học ở Pi-năng được tạm hoãn. Đại Chủng Viện Nước Nhỉ được thành lập. Cha Etienne Vivier được bổ nhiệm làm Giám đốc Đại Chủng Viện Nước Nhỉ, và các cha giáo Đại Chủng viện : Joseph Lacasagne Xuân[15], Pierre Dourisboure Ân, August  Macé Sĩ. Tiểu Chủng Viện Nước Nhỉ vẫn sinh hoạt bình thường, do cha Fourmond làm Giám Đốc. [16]

Cuối  năm 1883, cha Vivier được bổ nhiệm làm cha sở Xóm Nam (Nam Bình ngày nay), cha Foumond làm Giám Đốc cả Đại và Tiểu Chủng Viện Nước Nhỉ.

CÁC CHA SỞ NƯỚC NHỈ

SAU PHONG TRÀO VĂN THÂN

Hạ niên năm 1887, bầu khí tuơng đối bình yên, một số giáo dân Nước Nhỉ sống sót trong cuộc tàn sát của Văn Thân đã trở về quê quán. Số giáo dân trở về Nước Nhỉ không quá 80 người. Lúc bấy giờ giáo xứ Nước Nhỉ, Nhà Phước và Chủng Viện  chỉ là cảnh hoang tàn, đổ nát và đầy hài cốt đã bị thiêu cháy từng đống hoặc rải rác chỗ nầy chỗ kia.

Lúc bấy giờ, phía Bắc Nước Nhỉ có cha Geffroy Bửu ở Bồng Sơn lo cáng đáng ổn định mục vụ cho giáo dân trên một vùng rộng lớn. Phía Nam Nước Nhỉ có cha Hamon, cha sở Truông Dốc và nhóm giáo dân Truông Dốc vào Vĩnh Long lánh nạn Văn Thân đã trở về. Ngoài việc ổn định mục vụ tại Truông Dốc, cha Hamon còn đảm nhiệm chăm sóc giáo dân Nước Nhỉ.

Một trong những việc ưu tiên cần làm trước hết là qui tập hài cốt bà con đã bị Văn Thân sát hại. Hài cốt qui tập được chôn trong một nấm mồ chung, gọi là Lăng Tử Đạo.[17]

  1. Cha Gioan Guéno Nghiêm ( 1895 -1909 )

Sau một thời gian dài vắng Linh mục thường xuyên ở tại Nước Nhỉ, tháng 07/1895, cha Gioan Guéno được bổ nhiệm làm cha sở Nước Nhỉ.

Năm 1905, cha Guéno chuyển dời nhà thờ cũ, thiết dựng nhà thờ mới trên nền đất cao tại vị trí hiện nay.[18] Mái ngói Nhà thờ mới nầy được chống đỡ bằng 16 cột gỗ với 08 vì kèo xiên trính bắt giây. Trần nhà thờ được làm bằng ván mít, một loại cây ăn trái được trồng rất nhiều trên vùng đất nầy.

Từ năm 1889 đến năm 1906, tình hình chung trong vùng Bắc Bình Định có rất nhiều người gia nhập Đạo. Từ khi được bổ nhiệm về Nước Nhỉ cho đến năm 1906, cha Guéno đã lập được 20 giáo họ với số giáo dân lên đến 2.600 người. Tuy nhiên sự cố năm 1906 và năm 1908,[19] nhiều tân tòng đức tin còn non yếu đã xin bỏ Đạo hàng loạt. Trong vòng hai năm gặp sự cố ấy, số giáo dân Nước Nhỉ chỉ còn 600 người, chủ yếu còn trong hai giáo họ Nước Nhỉ và Vạn Định.[20]

Các Cha phụ tá :

– Cha Phanxicô Xaviê Hương  (1898…       )

– Cha Antôn Cẩm  (1908-1911)

  1. Cha Philipphê Khiêm (1909-1913)
  2. Cha Phaolô Phan Văn Thoàn (1914-1921)

Sau 07 năm chăm sóc mục vụ tại Nước Nhỉ trong tuổi già sức yếu, cha Thoàn đã trút hơi thở cuối cùng giữa đoàn chiên và được an táng tại Lăng Tử Đạo.

  1. Cha Giuse Nguyễn Tý (1922-1924)
  2. Cha Tôma Nguyễn Thiện (1924-1931)
  3. Cha Phêrô Sanctuaire Khánh (1931-1936)

Năm 1932, một trận bão lớn đã làm hư hại nhà thờ và nhà vuông. Cha Sanctuaire tạm khắc phục những hư hại do trận bão gây nên. Cha rất đặc biệt chú trọng đến đời sống tinh thần của giáo dân. Cha lập Nghĩa Binh Thánh Thể, đào tạo các em trở thành những tông đồ truyền giáo bằng đời sống cầu nguyện và hiệp thông Thánh Thể mỗi ngày.

  1. Cha Antôn Phùng Văn Linh (1936-1937)
  2. Cha Justinô Etcheberry Ân (1937-1943)

Khi về Nước Nhỉ, những đổ nát do trận bão năm 1932 vẫn còn đó. Cha cho dọn dẹp và xây lại nhà thờ bằng vật liệu rắn chắc, bên trong không có cột. Nhà thờ nầy tồn tại cho đến lúc tản cư  và bị sụp đổ trong chiến tranh.

Năm 1941, Giáo xứ Nước Nhỉ có 520 giáo dân, trong đó : họ Nước Nhỉ 377; An Hội 19; Mỹ Trang 17; Vạn Định 75; Vạn An 11; Lộc Thái 18.[21]

  1. Cha Giacôbê Nguyễn Đình Thuận (1943-1944)
  2. Cha Simon Võ Thọ (1944-1948)

Một lần nữa, giáo dân Nước Nhỉ đón nhận đại tang cha sở đương nhiệm, cha Simon Thọ. Cha qua đời tại Nước Nhỉ vào năm 1948,  và được an táng tại Lăng Tử Đạo.

  1. Cha Augustinô Nguyễn Cao Thìn (1949-1952)
  2. Cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch (1952-1954)

Cha sở Nước Nhỉ, kiêm nhiệm mục vụ giáo xứ Đại Bình. Mùa Hè năm 1954, cha được bổ nhiệm làm Đại Diện Thừa Ủy, thay thế cha Phêrô Đặng Quyền Huy vừa mới qua đời. Khi Cha Tịch rời khỏi Nước Nhỉ, cha Giuse Tô Đình Sơn đang tạm làm việc mục vụ tại Đại Bình kiêm nhiệm Nước Nhỉ trong vài tháng, trước khi cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn  được bổ nhiệm đến Nước Nhỉ.

  1. Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (1954-1955)
  2. Cha Phêrô Trịnh Hoài Ân (1955-1961)

Cha Phêrô Trịnh Hoài Ân đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, tổ chức những buổi gặp mặt, trò chuyện, trao đổi, giải đáp thắc mắc và những cuộc tiếp xúc thân mật riêng tư, nhiều người đã gia nhập Đạo. Cha đã gầy dựng trung tâm truyền giáo Mỹ Thọ nhằm truyền giáo cho đồng bào các xã : Mỹ Thọ, Mỹ Chánh, Mỹ An, Mỹ Thành, Mỹ Cát thuộc huyện Phù Mỹ và xã Cát Minh thuộc huyện Phù Cát. Ngày 28.10.1957, khu truyền giáo nầy được trao cho các Tu sĩ Dòng Đồng Công (nay là Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc) đảm nhiệm. Các Tu sĩ Đồng Công dời trụ sở về Mỹ Chánh. Ngày 23.08.1958, trụ sở Trung Tâm truyền giáo Mỹ Chánh được khánh thành. Trong bầu khí vui mừng của ngày khánh thành, Cha Giuse Phạm Châu Diên đã thuyết trình đề tài “ Sự nghiệp Văn Hóa và Bác Ái của Công Giáo tại Việt Nam” được bà con nhiệt tình lắng nghe.[22] Không tính Khu truyền giáo nầy, thống kê lịch Địa phận năm 1960, Nước Nhỉ có 12 giáo họ, 1.816 giáo dân, 2.002 dự tòng.

  1. Cha Martinô Nguyễn Hộ (22.06.1962- 08.12.1964)

Tháng 10 năm 1964, chiến tranh xảy ra, tiếng chuông nhà thờ không thể kiềm chế được tiếng súng đạn. Cha Martinô Hộ đã cùng với đoàn chiên khăn gói lên đường vào Qui Nhơn. Cha Martinô Hộ và phần lớn giáo dân đã đến tạm cư tại Ghềnh Ráng. Sau thời gian tạm cư, một số nhỏ đã đi nơi khác tìm nơi sinh sống.

III. GIÁO XỨ NƯỚC NHỈ TỪ 30.04.1975 ĐẾN  NAY

Trong chiến tranh giáo dân Nước Nhỉ ly tán. Sau khi hòa bình vãn hồi, nhiều gia đình đã ổn định đời sống nơi vùng đất mới, một số ít giáo dân hồi cư về Nước Nhỉ. Lúc bấy giờ, Linh mục rất khan hiếm, ở phía Bắc Nước Nhỉ có Cha sở Đại Bình, phía Nam có Cha sở Phù Cát. Từ Nước Nhỉ đi Đại Bình gần hơn, giáo dân Nước Nhỉ được Cha sở Đại Bình chăm sóc mục vụ cho đến ngày 24 tháng 5 năm 2008, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn quyết định sáp nhập Nước Nhỉ vào giáo xứ Phù Mỹ và giao cho cha sở Phù Mỹ chăm sóc mục vụ cho đến hôm nay.

Hiện nay Nước Nhỉ chưa có nhà thờ. Giáo dân xúm xít đọc kinh chung với nhau trong các dịp giỗ của các gia đình, đặc biệt trong tháng Mân Côi. Hiện nay, một mái che tiền chế tại Lăng Tử Đạo được dùng làm nơi tập trung kinh lễ của bà con giáo dân. Ước mong có được ngôi nhà thờ để sinh hoạt là nỗi trăn trở của chủ chiên cũng như đoàn chiên.

Lạy Mẹ Mân Côi ! xin thương giúp chúng con.

[1] Khu đất nhà thờ nay nhà nước làm trường học.

[2] Còn gọi là Trà Ổ , Bàu Bàn, Châu Trúc.

[3] Xem Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Bình Định, Văn Hóa Tùng Thư, 1964, trang 36.

[4] Rượu được sản xuất từ những hạt gạo nếp thơm, dẻo của làng Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ.

[5] Lm. Đỗ Quang Chính SJ,  Sống Trong Xã Hội Con Rồng Cháu Tiên 1615 – 1773, trang 302.

[6] Mm. No. 58, 31- Oct- 1909, p. 152.

[7] Vua Tự Đức ban hành ngày 17 – 01- 1860. Chiếu chỉ được thi hành triệt để trong toàn quốc trong  thời điểm 1861 -1862. Ngày  25-08-1862, Vua Tự Đức hạ chỉ ân xá.

[8] Âm lịch.

[9] Vườn nhà thờ cũ.  Khi dời nhà thờ về vị trí hiện nay đã được làm trường học, mộ phần của cha được cải táng đưa về Lăng tử đạo. Hiện nay Lăng tử đạo đã được tu sửa. Hiện nay vườn nhà thờ cũ thời cha Gioakim Đặng Đức Tuấn không còn dấu tích.

[10] Chủng viện Nước Nhỉ được thành lập ngay trên bờ đầm Trà Ô, thuộc thôn Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi.  Ngày nay người địa phương gọi nơi đây là Vườn Trường. Khu vườn nầy đã được phân lô cho cư dân làm nhà ở.

[11] Chủng Viện Làng Sông huấn luyện các chú nhỏ.

[12] Cha sở Truông Dốc  ( 1881 – 1885 ; 1887 – 1908 ). Truông Dốc còn  gọi là Nhà Đá. Nhà thờ Truông Dốc tọa lạc tại thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, cách nhà thờ Nước Nhỉ khoảng 22 km.

[13] Adrien Launay, Nos Missionaires Précédés, Paris  1886 , p. 238-241.

[14] Mission de Qui Nhon,  Compte-Rendu 9/1940-9/1941, p.28.

[15]  Cha giáo Đại Chủng Viện Nước Nhỉ  ( 1881 -1885 ). Lúc Văn Thân tàn phá Nước Nhỉ. Cha Joseph Lacasagne  đang ở Qui Nhơn.

[16]  Mgr. Van Camelbeke. Rapport de 1884.

[17] Nguyên thủy Lăng Tử Đạo nầy khoảng 100 m² , có tường bao bằng đá ong. Năm 1997 được phép Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, một nhóm giáo dân gốc Nước Nhỉ ở xa về phối hợp với giáo dân Nước Nhỉ hiện tại tu sửa lần I. Cuối năm 2006, Cha Giuse Võ Tuấn trùng tu và nới rộng thêm. Hiện tại trong khu vực Lăng có các mộ phần theo thứ tự từ trái sang phải (từ cổng Lăng nhìn vô : Cha Simon Võ Thọ, cha Phaolô Phan Văn Thoàn, Mộ tử đạo trong đó có cha Auguste-Henri Macé và cha Gioakim Đặng Đức Tuấn.

[18] Sau năm 1975 khu vườn nhà thờ nầy đã được trưng dụng làm Trường Tiểu học Số 2 xã Mỹ Lợi. Thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi.

[19] Ngày 09.12.1905, luật Séparation Des Églises et De L’État (phân biệt quyền bính Giáo hội và Nhà nước) được ban hành tại Pháp. Các quan chức Pháp ở Việt Nam không thiện cảm với Giáo Hội đã dựa vào luật nầy ngầm xui giục các tín hữu bỏ đạo. Một số thân hào nhân sĩ và quan chức Việt Nam cũng đồng tình ủng hộ các quan chức Pháp. Tiếp theo sự kiện nầy, đầu năm 1908, một phong trào quần chúng được gọi là ‘loạn đồng bào’ do các sĩ phu yêu nước khơi dậy, biểu tình ôn hòa đòi chính quyền đô hộ phải giảm thuế. Các tín hữu tân tòng lo ngại phong trào nầy có thể sẽ trở thành ‘phong trào Văn thân thứ 2’. Từ hai sự kiện đó, từ năm 1906 đến 1908 nhiều tân tòng đã bỏ đạo.

[20] Mission de Qui Nhon, Compte Rendu 09/1940 – 09/1941, p. 29-30.

[21] Mission de Qui Nhon, Compte Rendu  1941, p. 27.

[22] Thông Tin Địa Phận Qui Nhơn, Số 6, trang 07.