6 BẢN ĐIỀU TRẦN
của Lm. GIOAKIM ĐẶNG ĐỨC TUẤN
Để bạn đọc có thể nắm bắt nhanh nội dung chung của các bnả điều trần, xin giới thiệu bản việt dịch của từng điều trần, xếp thứ tự theo thời gian biên soạn. [1]
ĐIỀU TRẦN 1
Sách lược bình định giặc Tây dâng lên từ nhà tranh của đạo trưởng Đặng Đức Tuấn ở làng Quy Thuận, tổng An Sơn, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định.
Kẻ ngu vốn nghe: ‘Cùng làm, cùng đi một hướng là chí gắng gỏi trung quân của thi sĩ; thề chóng hoàn thành trách nhiệm là mưu trí nỗ lực báo quốc của võ thần”. Thế nên, đối với kẻ thù của vua, của cha, quyết chẳng đội trời chung; tấc lòng trung hiếu của tôi, của con, đền đáp đến chết mới hết! Xét kỹ tình thế hiện tại, chính là buổi triều đình nhả cơm vén tóc cầu hiền; gặp hồi vận nước khó khăn, chính là lúc nghĩa sĩ nếm mật nằm gai, chịu đựng gian khổ. Hiện nay giặc Pháp hoành hành, trước đã vô cớ gây mối binh đao, sau lại ngang ngược không chút kiêng kỵ. Đến nỗi chiếm cứ thành trì, sát hại dân chúng, chẳng thiếu việc gì. Tướng lãnh đã kiêu ngạo bất nhân, quân sĩ lại dã man tàn bạo, phá hoại kỷ cương, mặc sức tung hoành. Hành động như thế, thật rất đáng ghét, đáng giết! Phàm người có bụng trung quân ái quốc, đều nổi giận thấu trời, dù gan não phơi bày lầy đất, cũng chẳng ân hận! Nay triều đình quyết không giảng hòa với giặc, thật là sách lược đúng đắn. Tuy nhiên hãy xét, nếu không giảng hòa mà bên ta quả có thế lực chế ngự, chiến thắng địch mới được, nếu không, dù nói có sách lược đúng đắn, cũng sẽ rất khó chi trì. Sau đây, xin được phép điều trần sách lược chế ngự, cơ mưu chiến thắng lũ mọi Tây. Thiết tưởng chẳng qua kẻ ngu suy nghĩ nghìn điều, may ra trúng được một chút mà thôi.
Khoản thứ nhất: Sách lược chế ngự bọn mọi Tây . Binh pháp nói rằng: “Biết rõ địch kia, biết rõ ta đây, chiến đấu trăm trận cũng chẳng hiểm nguy, mệt nhọc”. Bọn mọi biển vốn hết sức hung hăng, quân sĩ hết sức tinh nhuệ; bọn lính hết sức giỏi nghề bắn súng; thuốc súng của chúng hết sức mãnh liệt. Đánh thủy, đánh bộ đều rất giỏi giang; tàu chở lính, tàu chạy máy, chẳng ai cản nổi! Sở dĩ bọn giặc Tây hoành hành khắp thiên hạ, đến đâu đều chiến thắng, cũng chỉ nhờ vào sở trường này. Ngay các nước bên Tây như Á Ba Lị Á, An Giê Ri, A Mê Ri Ca; bên Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm La, Nhật Bản, bọn giặc ấy đến đâu cũng gây mối họa chiến tranh, chiếm thành giữ đất. Trước nay cứ quen thói cũ, tu hú chiếm tổ ác là, hoàn toàn không nghĩ nên chăng, không biết xấu hổ! Xét kỹ nguyên nhân, chẳng có gì lạ, chỉ ỷ thị vào tàu máy, súng lớn, quân sĩ hung hãn mà thôi. Thiết tưởng quân ta tuy đông, chưa chắc dũng mãnh tinh nhuệ như chúng nó; quân ta chưa chắc bắn giỏi bằng chúng nó; thuốc súng của ta chưa chắc nhạy nổ, mãnh liệt bằng của chúng nó. Thế nên, chúng nó mới dám đột nhập bờ cõi, xâm lăng đất vua, chiếm cứ thành trì. Nguyên do chẳng có gì khác, cũng chỉ ở mấy điều ấy, vì cớ quân ta không mạnh bằng quân chúng nó.
Nay muốn trục xuất chúng ra ngoài biển, thâu hồi lại Gia Định, trước tiên cần phải đặc biệt cải cách quân đội, không thể chần chờ noi theo lệ cũ. Đạo dùng binh vốn phải ứng biến theo tình thế địch, không thể cố chấp khư khư
Điều thứ nhất: Phải tuyển binh. Tuyển binh cần chọn lựa người tuổi trẻ, sức vóc đang mạnh sung vào. Nay xin ban sắc xuống các địa phương, chọn lựa người cường tráng, tuổi từ hai mươi trở lên, bốn mươi trở xuống, sung vào quân ngũ. Số còn lại, người nào già yếu, bệnh tật đều không được chọn. Lệ tại ngũ ra hạn năm năm. Hết hạn năm năm, kẻ không có công trạng, cho xuất ngũ về làm dân; người có công trạng được thăng quan, tưởng thưởng. Thời hạn tại ngũ ngắn thì mọi người sẽ vui lòng nhập ngũ, không sợ lo, khó xảy ra tệ nạn đào ngũ. Hơn nữa, đối với quân lính tại ngũ, hằng tháng tiền lương xin cung cấp nhiều thêm hơn trước. Phàm các công tác đào đất, chặt cây, khuân vác lặt vặt đều chấp thuận tha cho, khiến binh lính cường tráng càng tăng thêm sức dũng mãnh tinh nhuệ. Sau khi luyện tập thuần thục, mới có thể phô trương uy thế hùng hổ. Đem lực lượng tinh binh hùng mạnh này đối địch với quân Tây, có gì phải sợ?
Điều thứ hai: Phải diễn tập. Phép diễn tập không gì quan trọng hơn tập bắn súng. Quân mọi Tây hết sức thiện xạ. Bọn chúng thật là kẻ địch lớn trên thế gian, không thể so sánh với bọn tầm thường. Nay ta chống cự với bọn chúng mà chỉ sử dụng thuần võ nghệ, đao thương, côn dài, cung kiếm thì chẳng thích hợp. Những thứ vũ khí này chỉ dùng đối phó với bọn giặc khác thì được, nếu đem dùng với bọn cướp Tây thì chẳng thích hợp chút nào. Đến chừng quân ta tập bắn đã rành các loại súng đại bác, quá sơn, thần công, điểu thương thì mới đủ sức vậy. Nay xin ban sắc xuống các địa phương, phải đôn đốc nghiêm minh binh lính cường tráng, bắt phải siêng năng tập bắn. Ra hạn trong hai ba tháng, phải bắn chính xác thuần thục, ai nấy đều phải hết sức giỏi giang. Đem lực lượng binh sĩ thiện xạ này ra quét sạch bọn mọi Tây, thu phục lãnh thổ, có gì là khó?
Điều thứ ba: Phải luyện thuốc súng. Thuốc súng của mọi Tây sở dĩ mãnh liệt, nhạy nổ và bắn đi xa là do phép luyện chế không cốt ở nhiều mà cốt ở mạnh. Thuốc dùng để bắn, không dùng thứ cũ, chỉ dùng thứ mới. Phàm thuốc để lâu, quá ba bốn năm, đều bỏ không dùng. Nay xin ban sắc xuống các địa phương, phàm luyện chế thuốc, cốt ở mãnh liệt, nhạy nổ mới được phép đem dùng. Đến như các loại thuốc đã cũ, chấp thuận đem cấp cho binh lính thường trực ở tỉnh tập bắn, khiến ai nấy đều thật am tường. Nếu quân ta bắn trúng và đi xa như bọn giặc Tây, dẫu có thành đồng, giáp sắt, ai cũng phải run sợ, lạnh gáy!
Xét rằng bên ta một khi đã có quân dũng mãnh tinh nhuệ, có thêm lính bắn súng tinh tường, lại có thuốc súng mãnh liệt, nhạy nổ, đầy đủ các yếu tố ấy, mới gọi là thật sự có thế lực chế ngự được bọn giặc Tây. Phải biết bọn này giữ dạ kiêu căng, quen thói tàn bạo, nay đã chiếm cứ đất đai, mặc sức tung hoành. Nếu bên ta khôi phục được bờ cõi, bọn chúng chưa chắc đã khiếp sợ, nản chí rút lui, tất sẽ bỏ phía Nam, tấn công phía Bắc, bỏ chỗ này, chiếm cứ chỗ kia, dốc cạn sức để tranh giành, vì cớ tàu thuyền của chúng quen thuộc đường thủy, tới lui qua lại dễ dàng. Trong ba điều nói trên đây, nếu thiếu một, dẫu văn quan, võ tướng của triều đình có tài lạ ngang trời dọc đất, có chước hay tính toán vận trù, cũng không thể đem ra thi thố nổi với bọn giặc này được!
Khoản thứ hai: Sách lược chiến thắng bọn mọi Tây. Phép dùng binh, trước tiên phải biết rõ lý đúng sai, thế mạnh yếu. Đúng sai, mạnh yếu đã biết rõ, mới có thể nói đến chiến thắng. Quân Tây lý sai nhưng thế mạnh; quân ta lý đúng nhưng thế yếu. Luận về lý đúng sai thì chúng sai mà ta đúng. Ta vốn chẳng có thù hằn gì với chúng, chỉ tại chúng kiếm chuyện gây hấn mà thôi. Luận về thế mạnh yếu thì chúng mạnh mà ta yếu, nên dẫu quân ta đông, chưa chắc đã chiến thắng nổi bọn chúng ít ỏi, huống hồ bọn Tây có tàu máy, tàu binh qua lại châu lưu khắp bốn phương thiên hạ, nên quân lực của ta chưa thể dễ dàng chiến thắng nổi bọn chúng. Nay muốn định sách lược chiến thắng, trước tiên bên ta cần phải có chắc thế lực chế ngự bọn mọi Tây, sau đó lại cần có thủy binh cứu viện mới có thể chiến thắng nổi. Nay xin sai một người có tài giao thiệp mang quốc thư, đáp tàu buôn sang Hạ Châu cầu viện với quốc vương nước Anh Cát Lợi, trình bày cặn kẽ binh thuyền nước Phú Lãng Sa vô cớ xâm lăng nước Nam, chiếm đoạt thành trì, ra tay ngang ngược sát hại dân chúng hết sức tàn bạo, xin quốc vương nước Anh mau cho binh thuyền đánh dẹp quân Tây. Hai nước Anh Cát Lợi và Phú Lãng Sa ngoài vốn hòa thuận, trong lại chia rẽ, thường muốn kiếm chỗ sơ hở để lén công kích nhau. Nay nước Anh Cát Lợi tiếp được quốc thư của ta nói tàu binh nước Tây lộng hành như thế, nước Anh Cát Lợi tất sẽ cho tàu nước Tây kia có tội, vội vàng đem quân sang tiếp viện. Âu cũng là sự thế tất nhiên.
Phải biết rằng quân lực của nước Phú Lãng Sa tuy mạnh mẽ nhưng chỗ vốn kiêng sợ thì chỉ có quân lực của nước Anh Cát Lợi mà thôi. Ngoài nước này ra, các nước trong thiên hạ tuy nhiều, đều không thèm đếm xỉa đến. Quân chúng đến đâu, đều như vào chỗ không người. Trừ bờ cõi nước Anh Cát Lợi, bờ cõi các nước khác, quân ấy đến đâu cũng mặc sức tung hoành. Nay thủy chiến, nếu có quân Anh Cát Lợi tiếp viện, lục chiến đã có quân ta chế ngự, tàu binh kia dẫu có cánh xông trời, cũng khó trốn thoát! Vả lại, chế ngự giặc Tây là kế sách cần kíp trước mắt, chiến thắng giặc Tây là kế sách toan tính về sau.
Kẻ ngu vẫn biết rõ múa rìu trước cửa Lỗ Ban là tội tày trời, hết đường trốn thoát, nhưng nỗi căm phẫn giặc không thể nguôi ngoai. Đau lòng nhức óc, nhớ mãi đến hai hạt bị giặc xâm lăng; uống giận nuốt hờn, xin gắng gỏi điều trần kiến thức rơm rác. Đến như châm chước đem dùng hay bỏ, đều tùy thuộc vào quyết định tối cao của Hoàng thượng và sự nghiên cứu của triều đình mà thôi!
Kẻ ngu vốn quê mùa dốt nát, không chút kiêng dè, cả gan dám mạo phạm đến uy nghiêm của Hoàng thượng, vô cùng sợ sệt, run rẩy, kính dâng sách lược ở chốn nhà tranh.
ĐIỀU TRẦN 2
Tập điều trần kính tâu lý do chiến thắng, xét theo thế giặc hiện nay của đạo trưởng Đặng Đức Tuấn ở thôn Quy Thuận, xã An Sơn, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định.
Dân ngu trộm thấy từ khi Hoàng thượng lên ngôi đến nay, hằng quan tâm đến thiên hạ, luôn để chí đến dân nghèo. Chính sách mệnh lệnh thi hành đều rất nhân từ, chiếu cầu nói thẳng, cầu hiền tài lần lượt ban bố, riêng mối họa loạn ở biên thùy lại càng để ý sâu sắc. Gần đây, lời nói thẳng, kẻ hiền tài được đặc cách đề bạt, tưởng thưởng rất đúng người; các nghĩa sĩ, trung thần hăng hái quyết chí lập công càng tận tâm lực. Tuy nhiên, thế giặc hiện chưa dẹp nổi, dân đen chưa được an lành, nên chưa đáp ứng tấm lòng trông mong của Hoàng thượng, hẳn nhiên phải có lý do. Dân ngu xin phép điều trần cặn kẽ. Dẫu núi Thái Sơn, biển cả không cần đến hạt bụi nhỏ mới cao hơn, sâu thêm, nhưng chút lòng son sắt xin ngưỡng mong độ lượng vòi vọi của trời cao bao hàm không nỡ bỏ!
Hiện tại, lũ giặc Tây ngang dọc khắp biên thùy, người trong thiên hạ đều nghiến răng nhe móng muốn đánh dẹp chúng thật mau, nhưng chưa có sách lược bình định đúng đắn. Hơn nữa, bọn chúng kiêu dũng tuyệt vời, tài trí xuất chúng, hơn hẳn các rợ Hiểm Doãn đời Chu; Hung Nô đời Hán; Đột Quyết, Hiệt Lợi đời Đường; Tây Hạ, Kim Liêu đời Tống. Nay kẻ chống với lũ giặc mạnh ấy đều là binh lính thừa hưởng thái bình lâu năm, không quen chiến trận đến nay đã hơn năm sáu thập kỷ. Nếu có một vài tin vui thắng trận, chỉ nhờ quỷ kế phục kích bất ngờ mà bắt được địch, chứ chẳng phải quân ta thật sự có thế lực chiến thắng nổi giặc. Nhà đương quyền không nghĩ quân ta yếu, quân địch mạnh, thế khó chống đỡ, tất phải thất bại, lại đổ lỗi cho người theo đạo Da Tô cùng làm nội ứng giúp lũ giặc kia biết rõ quân tình hư thật, địa thế hiểm trở, khiến cho lũ giặc dễ bề chiếm đoạt. Một người nói ra, mười người theo đó thổi phồng, đến nỗi tất cả giáo dân đều bị nhốt vào ngục tù oan ức. Họ bảo rằng làm thế sẽ trừ tuyệt nội phản, dẹp sạch ngoại xâm, hoàn toàn chẳng biết đám dân đen bị tội oan cũng đủ tổn thương đến hòa khí của trời đất. Ấy chính là cách trong gây rối loạn, khiến ngoài càng thêm nhiễu nhương, nên chưa sớm có sách lược bình định giặc đúng đắn.
Xưa, đức Thế Tổ Cao hoàng đế, vì biến loạn của Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn, phải ẩn mình trong dân chúng, may gặp người Tây phương là Giám mục Bá Đa Lộc từng đi về giúp đỡ, chịu đựng gian nan ngoài hải đảo, tính kế sớm chiều, mưu đồ phục quốc cũng đã nhiều năm, phò đức Cao hoàng ta, trước thu hồi Gia Định làm căn cứ, sau lần lượt lấy lại các tỉnh. Đến khi thu phục Quy Nhơn, Giám mục Bá Đa Lộc nhuốm bệnh từ trần, còn để lại bốn tướng Long, Phụng, Tín, Bằng theo đòi chinh chiến, cuối cùng góp sức bình định được thiên hạ. Như thế, vào buổi đầu mở nước, người trong đạo chưa từng phản bội hoàng triều, gặp vận hội trung hưng đấy, đều có công phù trì đức Thế Tổ. Há rằng đạo ấy lúc đầu yêu nước trung vua, nay lại hóa ra phản nghịch? Chắc chắn không có lẽ nầy! Bởi thế, vào thời đức Thế Tổ ta còn tại vị, đã cho phép đạo ấy hoạt động, trước nay không hề cấm đoán. Tại các phường ấp xã thôn, đều cho xây cất nhà đạo, giáo đường rao giảng đạo Thánh. Ấy chính là trời mở vận hội văn minh, đổi loạn thành trị, giúp vua tính kế, xếp đặt mọi chuyện, xây dựng rỡ ràng, xứng đáng lưu truyền đến muôn đời, không hề gây ra tệ hại. Thuở ấy, sông trong biển lặng, đức vua chắp tay rủ áo, ngự trên chín bệ tột vời. Muôn vật phồn vinh, nhân dân an lạc. Cảnh tượng thái bình đến mức không thể kể xiết!
Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhân có kẻ ghét người trong đạo, mới đầu chẳng qua do vụ lợi để thỏa mãn tư thù, sau rốt gây thành vạ lớn, nên mới có lịnh cấm đạo. Chiếu vua ban xuống, thiên hạ xúm lại gọi giáo dân là bọn không vua không cha, rồi những kẻ thừa cơ hội, động việc gì cũng mượn cớ đó để tha hồ vơ vét của người đem về làm giàu, đến nỗi người có đạo không ngớt bị hình phạt tù đày, đành phải bó tay, không biết kêu oan vào đâu nữa! Thật sự, đám dân lành vốn an phận giữ phép phải chịu nỗi hàm oan giữa thời buổi thái bình thịnh trị của hoàng triều! Xưa kia, chỉ một phụ nữ nước Tề bị oan khiên, trời còn giáng xuống ba năm biến động, huống gì ngày nay số người chịu oan khiên còn nhiều hơn nữa! Nếu bảo người theo đạo có tội, tại sao đám dân lành chuyên cày sâu cuốc bẫm dưới đời vua Gia Long nay lại biến thành bọn tù phạm đáng chém đầu, đáng thắt cổ, đáng đày biệt xứ, đáng phạt khổ sai? Thật ra, đạo ấy vốn chẳng phải xưa chính nay tà, mà người giữ đạo ấy lại chịu sự đối xử khác biệt một trời một vực! Hơn nữa, các khoản lính tráng, sưu thuế của người có đạo cũng đóng bằng dân thường, không khác chút nào. Nay triều đình đối xử với họ như thế, há chẳng tổn thương đến lòng nhân đức yêu thương muôn dân như một, khiến khắp chỗ xóm làng đông đúc chưa thỏa đáng tình nghĩa bình đẳng giữa người người?
Trộm nghĩ, kế cơn sấm sét sẽ có mưa rào, đó là định luật chí công của tạo hóa; sau hình phạt uy nghiêm, sẽ ban bố khoan hồng để bảo toàn, nuôi dưỡng trăm họ. Cúi xin Hoàng thượng mở lượng nhân từ chở che của trời đất, kế thừa đức hiếu sinh của các đấng tiên vương, phàm người có đạo bị đày ải giam cầm đều xin phóng thích về, để thoát khỏi cảnh lầm than đói rét, thì nhân sự sẽ an hòa, phước trời sẽ đầy dẫy, mọi nhiễu nhương rắc rối sẽ tiêu tan như băng tuyết.
Đến như chuyện giặc Pháp xâm lăng ngang ngược, xin ra lịnh cho người có đạo giúp nước lập công. Ai phản nghịch, sẽ bị giết hết cả họ. Kẻ có đạo dù thịt nát xương tan cũng cố báo đền ơn nước, quyết chẳng hai lòng. Kẻ có tài năng, cống hiến tài năng; kẻ có sức lực, cống hiến sức lực, ắt sẽ gắng gỏi bình định được giặc mới thôi. Người có đạo lấy gì bình định giặc? Lấy trí chăng? Lấy sức chăng? Chẳng lấy trí, chẳng lấy sức, chỉ lấy lý đúng sai, đạo thuận nghịch ra quyết thắng mà thôi. Nếu bọn giặc nói vì đạo mà sang, thì hành động của chúng thật hết sức vô đạo. Trước cứ đem lý, đem đạo này ra cật vấn chúng nó để phanh phui lòng xấu hỗ, vô liêm sỉ của chúng, kế đó đưa người có đạo ra chống trả, để chế ngự thói ngang tàng bạo ngược của chúng.
Kẻ đánh cờ kia hoang mang bí thế, nhưng người đứng xem bên cạnh lại thấy rõ ràng. Thiết tưởng sách lược này thật là sách lược rất hay để bình định giặc Tây, chỉ còn tuỳ thuộc vào quyết định tối cao của Hoàng thượng. Hoạ loạn ở biên cương nếu bình định được, thì dân chúng mới cảm thấy an lành. Chỉ có sách lược hữu hiệu đem lại cảnh tượng thái bình mới không phụ tấm lòng mong mỏi đất nước sớm yên vui của Hoàng thượng mà thôi!
Kẻ ngu vốn quê mùa dốt nát, kiến thức nông nổi, khôn xiết run rẩy sợ sệt kính điều trần.
ĐIỀU TRẦN 3 VÀ 4
Một khoản thỉnh cầu này là trước khi quyết chiến với giặc Tây, xin đem lý lẽ cật vấn lũ mọi Tây. Nếu bọn kia nhận ra lẽ phải và bãi binh thì có thể không nhọc đến binh đao. Ấy gọi là cách đánh vào lòng là hay nhất. Nếu bọn kia không chịu nhận lẽ phải để bãi binh, sau đó hãy dùng đến binh lính khác quyết chiến với chúng nó. Lý lẽ cật vấn lũ mọi Tây có năm điều như sau:
Vẫn biết chiến trường binh khí giao tranh không phải là nơi luận bàn đạo lý, nhưng hãy xét lúc tàu binh nước Phú Lãng Sa mới đến, dã dùng danh hòa hiếu giao thông, lại mượn cớ bỏ lịnh cấm đạo, kế đó xâm lăng biên cảnh, chiếm đoạt thành trì. Nói năng hành động như thế, có vẻ mâu thuẫn, gây nỗi thắc mắc đầy lòng, khó giải thích minh bạch, khiến xảy ra trận chiến lớn lao, ngọc đá đều cháy nát. Đáng thương người có đạo khắp nước Nam phải chịu cảnh hình phạt tù đày, tiếng kêu oan vang dậy khắp trong ngoài. Do đó, cần lấy lời lẽ biện luận, cật vấn mấy điều. Mong hãy cấp tốc trả lời, xin đừng trách móc.
Câu hỏi thứ nhất: Nước Tây muốn cùng nước Nam ngoại giao hòa hiếu để tiện mua bán lại qua, trước hết phải lấy trung hậu cùng đối đãi, lấy thành tín cùng giao lưu. Ấy là thông lệ hữu nghị xưa nay. Cớ sao một mực ích kỷ không nghĩ thiệt người, tự đem quân mạnh muốn mưu đồ chiếm đoạt? Thử xem khi binh thuyền quý quốc mới đến, khí thế cảnh tượng ra sao? Đồn lũy ở Đà Nẵng đều bắn phá tan hoang, tất cả thành trì trong Nam đều biến thành gò nát. Trước tiên đã gây mối bất hòa; sau rốt cũng chỉ ỷ thế ngạo ngược. Ngoại giao hòa hiếu như thế, suốt hết xưa nay, chưa từng nghe thấy!
Câu hỏi thứ hai: Lâu nay, vẫn nghe quý quốc là nước vốn theo đạo Thiên Chúa, giáo lý của Đức Da Tô dạy sự việc phải lấy ôn hòa khiêm nhường làm đầu, hành động phải lấy nhẫn nhục làm trước. Nay quý quốc vô căn cớ gây rối binh đao, không nguyên do tàn sát nhân mạng, mở mối chiến tranh, gây nên thù hận. Hành động như thế, lời dạy khiêm hòa nhẫn nhục ở tại chỗ nào?
Câu hỏi thứ ba: Xuất quân không có chính nghĩa, giết oan người vô tội, xâm lược đất người, chiếm đoạt của người, cướp bắt phụ nữ. Mấy chuyện này là những điều răn lớn trong đạo Thiên Chúa. Quý quốc đã lấy đạo Da Tô làm cớ, sao lại hủy hoại sạch các điều răn ấy? Thế mà muốn người bỏ lịnh cấm đạo, muốn người theo ý mính, khác nào trèo lên cây để bắt cá!
Câu hỏi thứ tư: Đất nước riêng biệt, phong tục khác nhau, chính thể các đời vốn có độc lập. Đạo giáo Thiên Chúa, cấm hay không cấm, tha hay không tha, đều bởi quyền vua. Nước Tây há có thể đem quân uy hiếp, ép buộc phải bỏ lịnh cấm đạo được chăng? Bắt ép không được, lại có thể chiếm đoạt thành trì đất đai được chăng? Đức Chúa Da Tô giáng sinh, dùng lời nói, hành động làm giáo lý, nêu rõ ở Thánh Kinh. Thờ kính Thiên Chúa, yêu mến mọi người, ai nấy đều chu toàn bổn phận; trung với Đức vua, hiếu với cha mẹ, người người thảy phải như thế. Từng nghe lấy nghĩa lý Đức hạnh ra giảng đạo, chưa từng nghe dùng gươm dao, tàu thuyền súng đạn ra giảng đạo bao giờ! Xin hỏi quý quốc hành động như thế là theo loại đạo lý nào?
Câu hỏi thứ năm: Nay có đòi hỏi đất đai, vàng bạc của nước Nam để bồi thường phí tổn rồi mới chịu giảng hòa bãi binh. Như thế, sinh mạng mấy nghìn liệt sĩ nước Nam, ai sẽ bồi thường? Chỗ tổn thất vô số vàng bạc, liệu ai sẽ bồi thường? Như người có đạo nước Nam, vì nước Phú Lãng Sa xâm lăng lãnh thổ, khiến nam nữ trẻ già đều bị tù đày hình phạt; gia tài sản nghiệp tan nát chẳng còn. Chỗ tổn thất ấy, liệu ai sẽ bồi thường? Nếu quý quốc chỉ vì đạo nghĩa mà đến, cần gì phải khư khư đòi hỏi vàng bạc đất đai? Nếu chỉ vì vàng bạc đất đai mà đến, chẳng qua chỉ là một lũ tham lam của cải lợi lộc mà thôi! Tham lam của cải lợi lộc, thật sự là tội trọng muôn đời trong đạo Thiên Chúa chân chính. Xin hỏi quý quốc từ xa xôi đến đây, đã lấy cớ vì đạo Da Tô, sao lại còn đòi hỏi vàng bạc đất đai? Sao lại lấy cớ vì đạo Da Tô, khiến người có đạo trong nước Nam phải chịu nỗi oan khiên oán hận không thể giải bày? Chỉ một người đàn bà, một người đàn ông chịu nỗi oan khiên cũng đủ khiến đất trời cảm động, huống hồ đến mấy nghìn vạn nhân mạng chịu đựng oan khiên?
Có mấy điều thắc mắc, lại nhân sự việc liên quan đến đạo nghĩa cần chất vấn biện minh, xin cấp tốc trả lời để biết rõ thật giả, để tẩy rửa nỗi oan khiên của mấy nghìn vạn nhân mạng nước Nam. Nếu quý quốc biết thay lòng đổi dạ, chuộng tình hòa hiếu chịu bãi binh, chẳng những người có đạo trong nước Nam được an cư lạc nghiệp, binh lính nước Tây cũng được xếp giáo nghỉ ngơi, cùng hưởng thái bình vô sự. Há chẳng tốt lành? Nếu quý quốc chỉ biết có mình, chẳng biết đến người, một mực đòi hỏi vàng bạc đất đai mới chịu bãi binh thì chỉ là một lũ bất nhân bất nghĩa, khư khư danh lợi mà thôi! Người có đạo nước Nam tuy ít ỏi yếu đuối, cũng tình nguyện chiến đấu trước với quân Tây. Chiến đấu không thắng nổi, dù chết cũng cam lòng! Vì nước chịu gian lao, hy sinh cho đại nghĩa, một là để chứng tỏ người theo đạo Thiên Chúa không có mưu đồ tham lam tài lợi, hai là để chứng tỏ người theo đạo Thiên Chúa thật có lòng ái quốc trung quân, ba là để chứng tỏ người theo đạo Thiên Chúa vốn chẳng đồng lòng với bọn giặc Tây âm mưu phản quốc.
Trên đây là dùng lý lẽ cật vấn lũ mọi Tây để quyết thắng. Triều đình không cần nghi ngờ kẻ ngu dùng lời cật vấn để làm kế thoát thân. Vạn phần không thể có điều đó! Nếu quả thật có lòng ấy, kẻ ngu cần gì phải điều trần mưu kế, chờ đời các quan ở kinh đô tiến dâng sách lược bình Tây? Nếu kẻ ngu muốn thoát thân cầu an tạm bợ, ba bốn năm trước đã trốn ra Trà Sơn, hoặc trốn vào Gia Định, nào có khó gì?
Lâu nay, kẻ ngu đã biết rõ hành động của lũ giặc ấy chỉ rặt tham tàn, chẳng kể liêm sỉ. Không phải chỉ đối với nước Nam như thế, đối với các nước khắp bốn phương cũng đều như thế cả. Bởi vậy, đầu này có thể bị chặt, nhất quyết không thể chạy theo giặc ấy. Thiết tưởng người có đạo khắp nước, phàm có ý thật sự thờ phượng Thiên Chúa, tất nhiên đều có lòng trung thành với đức vua. Tâm can trước nay của họ cũng tương tự ý nghĩ của kẻ ngu, mười người thật đã hết chín, không hẹn mà cùng như nhau. Còn như việc không chịu bỏ đạo, vì là đạo thật của đấng chủ tể muôn vật, chứ không phải vì lũ giặc nước Phú Lãng Sa.
Một khoản thỉnh cầu nữa là xin ban sắc xuống quan các tỉnh, dạy rõ chủ ý nhân đức của triều đình, ban ơn cho người có đạo còn bị giam giữ, từ hai mươi tuổi trở lên, bốn mươi tuổi trở xuống, đều được chấp thuận làm lính tuyển mộ, kết hợp thành đội ngũ, chiếu lệ luyện tập thuần thục. Nếu có giao tranh với giặc Tây, xin lấy lính theo đạo Da Tô này làm tiên phong, vì nước gắng sức quyết chiến, để chứng tỏ họ có ý kính Chúa trung quân, để làm sáng tỏ họ không có lòng thông mưu với giặc Pháp. Những người già yếu, phụ nữ, trẻ con đều được thả về, sinh sống làm ăn để thoát khỏi thảm cảnh đói rét. Nếu triều đình còn có ý nghi ngờ, xin sức xuống làng tổng đia phương, ra hạn kiểm điểm, cũng đủ tỏ rõ sách lược đề phòng và đức độ hiếu sinh của triều đình vậy.
Triều đình không cần nghi ngờ người theo đạo Da Tô trở mặt chống phá, cũng như không cần nghi ngờ người theo đạo cầu viện quân ấy kéo sang, để trong ngoài hợp sức, ngấm ngầm thông tin, kiếm cách xâm lược. Vạn phần chẳng có lẽ này! Nếu quả thật người theo đạo Da Tô có bụng dạ này, khi quân ấy mới sang, tại địa phương các tỉnh chưa thi hành lịnh giam giữ, xăm chữ, phân sáp hơn một năm trước, bấy giờ người có đạo đã đồng loạt đưa hết vợ con thân thích chạy theo giặc ấy, nào ai có thể cấm ngăn? Tuy nhiên, vốn chẳng có bụng dạ này, chỉ biết ở trên đất vua, làm dân của vua, giữ đúng phép nước, chẳng khác mọi người. Binh lính, sưu dịch, thuế má đều đóng y hệt người khác. Từ trước đến nay, nhất loạt như thế, là điều mắt thấy tai nghe. Chẳng những họ không chịu theo giặc Tây mà còn oán hận giặc Tây ngang ngược đến tận xương tủy.
Xét kỹ nguyên nhân khiến triều đình đâm ra nghi ngờ, đến nỗi bị lâm vào cảnh hình phạt tù đày, đều do một bọn du thủ du thực, côn đồ phóng đãng, nửa bạc nửa đồng, chẳng biết mùi đạo, có danh không thật, chuyên sống nổi trôi, hoặc bởi lêu lổng ngông cuồng, hoặc bởi nghèo khổ bức bách, đến nỗi chạy theo giặc Pháp. Thật cũng do hoàn cảnh xô đẩy không thể cưỡng lại. Chẳng những người có đạo, ngay đến kẻ gọi là dân thường, thật cũng không phải số ít. Vốn do tình thế khiến nên như vậy. Phàm những người biết thờ phượng Thiên Chúa chân chính, tất nhiên đều trung thành với Đức vua, thảo kính với cha mẹ, an phận giữ phép làm dân, vạn phần chẳng có lẽ nào trở mặt để chạy theo giặc.
Kẻ ngu vốn dân quê mùa dốt nát, kiến thức nông nổi, kính vâng lời sức ban xuống, dám đem các ý nghĩ cúi rạp dâng lên, cậy trông triều đình thương tình cứu xét. Thật là may mắn vạn phần!
Niên hiệu Tự Đức thứ 14, ngày 21 tháng 11 năm Tân Dậu, 1861 (tức ngày 22/12/1861)
ĐIỀU TRẦN 5
Đạo trưởng Đặng Đức Tuấn kính vâng chất vấn của đại nhân thượng thư bộ Binh về tình thế giặc, xin theo đúng sự thật trần tình và hiến kế như sau :
Bọn Pháp sang nước ta, trước lấy bang giao làm danh nghĩa và xin bỏ lịnh cấm đạo làm tuyên ngôn. Bọn giặc ấy chẳng qua mượn hai cớ này để che đậy sự chê cười phê phán sau lưng của các nước khắp bốn phương mà thôi. Bọn giặc ấy phô trương hai cớ này làm chiêu bài hoa mỹ, loan truyền khắp các nước ở Viễn Tây, để bên trong lợi dụng chuyện này, hòng giở trò hung hăng chiếm đoạt, cốt thỏa chí bạo ngược tham tàn, nào ai cản nổi ! Quân Tây hành động như thế, chẳng những lừa dối tai mắt của dân nước Nam ta, mà còn lừa dối sự quan sát của các nước Viễn Tây. Mấy lời này tưởng đã vạch rõ dã tâm của quân Pháp. Do đó, diệu sách để chế ngự ngày nay, không gì bằng trước tiên đem đạo lý Da Tô ra cật vấn bọn mọi Tây. Nếu chúng chịu bãi binh thì thôi, nếu không chịu bãi binh, phải lên tiếng triều đình đã ra lịnh cho quân sĩ theo đạo Da Tô lên trước quyết chiến với quân Tây, vì nước dốc lòng trung. Kẻ có công sẽ được tưởng thưởng, nếu ai theo giặc Tây, sẽ bị giết hết thân thuộc vợ con. Trước tiên, phải tuyên truyền với bọn chúng như thế, sau đó, phàm các đồn bót kề cận với lính Tây đều cắm cờ quân sĩ Da Tô, trên viết lớn chữ Tây : «Người theo đạo nước Nam vâng mệnh triều đình, tình nguyện quyết chiến cùng quân Pháp». Đem việc này tỏ rõ âm mưu xảo trá của nước ấy và chiêm nghiệm hành động của giặc ấy. Nếu giặc ấy có lòng âm mưu này, tất nhiên sẽ không giao chiến. Không phải vì người có đạo ở nước Nam, chẳng qua vì sợ sự chê cười phê phán của các nước phía sau lưng mà không giao chiến đó thôi. Vốn dĩ hiện nay, ngoài biển ở Nam Kỳ sẵn có thương thuyền của các nước Tây phương qua lại, như thương thuyền của nước Ý, Anh, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Người các nước ấy thấy quân lính nước ta có cờ lính đạo Da Tô, chắc chắn sẽ đăng báo bán gấp, loan truyền tin tức này cho các nước khắp bốn phương, để họ chê cười phê phán nước Pháp hoành hành vô đạo. Nước Nam không chịu giảng hòa và nay có người theo đạo Da Tô tình nguyện tử chiến. Tây phương vốn có phong tục, phàm nước nào có hành động ra sao, dù đúng sai, xấu tốt, nếu nước khác hay được, liền đăng báo bán ra, lưu hành khắp các nước, khiến cùng hay biết chuyện ấy, hoặc đúng sai, hoặc chê khen, đều cùng loan báo đến tận tai mắt mọi người.
– Ngu ý thiết nghĩ, sở dĩ nói bọn Pháp không dám giao chiến với người có đạo, chỉ vì lo sợ điều ấy, chứ không phải vì bọn họ có ý mong cầu, lo sợ gì nơi người có đạo nước Nam cả. Nếu triều đình thi hành kế này, âm mưu quỷ quyệt của giặc Tây tất nhiên sẽ bộc lộ rõ. Bọn nó vốn không thể lấy danh suông lừa dối mọi người, lại cũng không thể dùng quân mạnh để chiến thắng. Lâm vào cảnh tiến thoái đều khó, lại sợ người Tây phương sỉ nhục, chắc chắn sẽ xin giảng hòa hoặc bãi binh, không dám ỷ mạnh mà chiếm đoạt nữa. Bọn nó vốn lấy việc đạo làm danh suông để sang xâm lăng, ta cũng đem đạo làm danh suông để đối phó. Cầm cán búa đẽo ra cán búa, sử dụng mưu để trị lại mưu, đây chính là chỗ tuyệt diệu của phép dùng binh. Chước quỷ bị phá tan, khiến giặc Tây lạnh gáy; cao tay cùng gặp gỡ, khiến quân Pháp sẽ rút lui. Lấy chuyện này để buộc bọn ấy giảng hòa bãi binh, tất cả đều do triều đình chủ trương, không gì không thể làm được. Đây chính là kế sách chống đỡ hữu hiệu của Cơ mật viện ngày nay vậy.
Hoặc có người bảo: «Đây không phải là kế phản gián, chắc là hiệu lệnh để làm nội ứng». Người nói thế, thật không xét rõ việc trước mắt, không hiểu rõ thế giặc hiện hành. Sức hung hăng tinh nhuệ của giặc Tây là điều quân ta không chống nổi, đến quân nhà Thanh còn không thể đương đầu, huống gì quân ta ? Nơi họ, nào cần đến kế phản gián và làm nội ứng; nơi ta, chỉ có danh suông cờ hiệu, thật chẳng có binh tướng Da Tô, sao làm phản gián, nội ứng được? Nếu chỉ cứ hoài nghi, làm theo lối cũ, một mặt giam cầm nghiêm ngặt, canh giữ người có đạo, một mặt chia quân công chiến với giặc Tây, chẳng những mất hẳn sách lược chống ngăn, trái lại còn trúng mưu kế ly gián của giặc ấy. Bọn đó vốn có chiêu bài đáng tin, chẳng những gây mầm mống tai hại, trái lạị, ta còn tự mình tước bỏ mỡ màng. Trong nước có tiếng kêu oan than thở, ngoài biên thùy có giặc mạnh lấn xâm, khiến thế giặc hung tàn càng mạnh dữ hơn nữa. Kế sách này thi hành đã ba bốn năm qua, không bổ ích gì cho việc nước, vốn đã rõ ràng, không đợi nói nữa.
Kẻ ngu muội trước sau đã điều trần các khoản bình định giặc Tây, chẳng phải vì tham sống sợ chết, lại chẳng phải vì muốn tìm dịp may mắn tiến thân, chỉ do nhiệt tâm vì đại nghĩa, thù ghét thói tàn bạo của bọn giặc Tây, muốn tỏ bày mối căm phẫn tột độ mà thôi. Thành thật mong mỏi tâu lên, xin Thánh thượng châm chước thi hành, lựa chọn thích đáng, lần lượt áp dụng. Đối ngoại, có thể chận đứng sự bạo ngược của quân Tây ; đối nội, có thể đem lại an cư lạc nghiệp cho dân chúng và nỗi sớm khuya thao thức của thánh tâm có thể vơi bớt phần nào.
Kẻ ngu muội vốn quê mùa, không hiểu biết, kiến thức nông nổi hủ lậu, kính dâng lời chất vấn, theo đúng sự thật trình bày, vô cùng run rẩy sợ sệt.
Niên hiệu Tự Đức năm thứ 14, ngày mồng 5 tháng chạp năm Tân Dậu (1861), (tức ngày 4/1/1862).
ĐIỀU TRẦN 6
Một khoản này là kính điều trần các chất vấn của đại nhân thượng thư bộ Binh: “Giáo lý đạo Da Tô dạy thế nào, khiến cho đa số người trong đạo ấy không sợ bị tử hình, can đảm chịu chết?” – Ngu ý thiển nghĩ, giáo lý đạo Thiên Chúa vốn rất nhiều, chỉ xin đề cử những điều chính yếu cho dễ hiểu. Trong đạo, có năm điều răn phải tin và mười điều răn phải giữ
Năm điều răn phải tin: Một: phải tin Thiên Chúa là nhất vị tam thể, hằng sống hằng hữu, cực sáng cực linh. Ấy là nguồn gốc tạo dựng trời đất, thánh thần và muôn vật. Hai: Phải tin Thiên Chúa ngôi hai Giê-su giáng thế, chịu chết chịu nạn để cứu chuộc muôn dân. Ba: Phải tin mọi người đều có linh hồn hằng sống bất diệt. Bốn: Phải tin mọi người sau khi chết, chắc chắn sẽ đến trước tòa Thiên Chúa để chịu sự phán xét về mọi việc tốt xấu đã làm suốt đời. Năm: Phải tin sau khi chịu sự phán xét, linh hồn người tốt được thưởng lên thiên đàng hưởng thiện báo vô cùng; linh hồn người xấu bị phạt xuống địa ngục để chịu ác báo vô tận.
Mười điều răn phải giữ là mười điều răn của Đức Chúa Giê-su: Một: Thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự. Hai: Chớ kêu tên cực thánh của Thiên Chúa để phát lời thề bậy. Ba: Giữ xem lễ ngày Chúa Nhật. Bốn: Thảo kính cha mẹ. Cha mẹ có ba đấng: một là quân vương, hai là triều đình, ba là cha mẹ sinh ra. Năm: Chớ giết người. Sáu: Chớ làm chuyện tà dâm. Bảy: Chớ lấy của người. Tám: Chớ làm chứng dối. Chín: Chớ muốn vợ chồng người. Mười: Chớ tham của người.
Trên đây là những điều đại lược.
Một khoản này là kính điều trần các chất vấn của đại nhân thượng thư bộ Binh: “- Lâu nay thường nghe người ta nói người theo đạo Da Tô học đạo Tây phương, chắc chắn đồng lòng cùng người Tây phương. Nay giặc Tây sang xâm lăng bờ cõi, triều đình nghi ngờ, đem giam cầm canh giữ nghiêm nhặt để phòng ngừa làm nội ứng. Việc này liệu có oan ức gì không?” – Ngu ý trộm nghĩ, đạo Thiên Chúa tuy được truyền bá từ Tây phương, nhưng không phải là đạo của Tây phương, mà chính là đạo của đấng chủ tể muôn vật. Tây phương vốn là danh từ chung chỉ cõi Tây phương. Trong đó, các nước đều có lãnh thổ riêng, thư tịch sách vở đều khác tiếng khác chữ. Nguồn gốc đạo Thiên Chúa do nước Judea truyền bá đầu tiên, sau đó chỉ nước La Mã được chính truyền và chủ trương, đạo này thì chỉ có Đức Giáo hoàng của nước này mà thôi. Về sau, các nước khắp bốn phương, hễ ai học đạo Thiên Chúa, tất nhiên phải lấy mối đạo truyền từ nước này làm chính thức, các nước khác không được tham dự vào.
Xưa, thầy Tử Hạ hỏi Đức Khổng phu tử: “Phương nào có bậc thánh nhân?”. Đức Khổng Tử đáp rằng: “Phương tây có bậc thánh nhân không nói mà dân có tín nghĩa, không ra lịnh mà dân thi hành, không làm gì mà dân thịnh trị, không nổi giận mà dân kính nể uy nghi”. Lời đáp ấy phải chăng chỉ về đạo này? Bởi thếđạo người trong nước ta học là đạo do đấng tạo hóa chủ tể lập ra, chứ không phải là đạo của nước Phú Lãng Sa. Nay bọn giặc này đến xâm lược nước ta, bèn mượn cớ xin bỏ lịnh cấm đạo làm danh nghĩa. Chẳng qua, mượn cớ ấy để lừa dối dư luận của mọi người mà thôi. Xét hành động của bọn chúng thì đều hung hăng ngang ngược, há có thể gọi là đồng đạo đồng lòng? Đáng ra, phải xem là thù địch, đau đớn ruột gan, sửa soạn giáo mác, thề chẳng đội trời chung. Ước mong lũ giặc dẹp yên thì mối hận của kẻ anh hùng mới tiêu tan hết, sao có thể phản bội đất nước mà làm nội ứng được? Trên trần thế đã có tội với triều đình, trong cõi u linh lại mắc tội với Thiên Chúa nữa. Người thật lòng thờ phượng đạo nhất quyết chẳng có chuyện này. Tuy nhiên, triều đình sở dĩ nghi ngờ người có đạo mà bắt bớ giam cầm nghiêm ngặt, chỉ vì bọn côn đồ du đãng, có danh không thật, xằng bậy làm càn, một mực tham tàn, kiếm cớ bày đặt, thêu dệt thành chuyện, khiến gây nên thảm cảnh hiện tại. Song le, cửa trời vòi vọi muôn trùng, mấy ai có thể kêu thấu ngọn ngành nỗi oan của đám dân cỏn con nơi thôn dã!
Một khoản này là kính điều trần chất vấn của đại nhân thượng thư bộ Binh: “Nếu triều đình tha tội cho người có đạo, chấp thuận cho họ làm lính chiêu mộ, tình nguyện chiến đấu với giặc Tây, vì nước dốc lòng trung, con số ước được bao nhiêu, nay thử chiêu mộ ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định được bao nhiêu thì các hạt khác cũng có thể suy ra đại khái?” – Ngu ý trộm nghĩ, quân lính dốc lòng trung ứng nghĩa, chọn từ hai mươi tuổi trở lên, bốn mươi tuổi trở xuống, số lượng được bao nhiêu, khó mà đoán trước. Chỉ lấy đạo lý suy luận, kẻ không trung thành với nhà vua thì cũng giống kẻ không kính tin Thiên Chúa vậy. Bởi thế, kẻ biết thờ phượng Thiên Chúa chắc chắn thật sự trung quân ái quốc. Kẻ tham sống sợ chết, cùng kẻ đã bỏ đạo, bọn này vốn khó đoán được lòng. Nếu người có thực tâm thờ phượng đạo Thiên Chúa, chắc chắn sẽ dốc lòng trung vì nước. Như người có đạo trong ba tỉnh ước được 200, thì người có đạo khắp nước ước được chừng 3000, hoặc trên con số này, hoặc không đủ con số này, khó xác định được. Nhưng có những binh lính đem mình giúp nước, bỏ mạng vì đại nghĩa cũng đủ chứng tỏ người có đạo không cùng lòng với giặc Tây. Nếu triều đình chưa hết nghi ngờ, hễ ai đầu quân, cứ đem vợ con thân thuộc của họ giao cho làng tổng địa phương quản thúc. Một là để phòng ngừa đào ngũ, một là để được lạc nghiệp an cư. Hơn nữa, hiện nay người có đạo ở huyện phủ nào, tỉnh nào, trên mặt họ cũng đều xăm chữ rõ ràng, chắc chắn họ cũng không dám bỏ trốn. Giả sử binh lính ứng nghĩa xuất chiến mà phản quốc, dù triều đình tru lục sạch cả gia tộc, họ cũng cam lòng. Hơn nữa, người có đạo vốn là con đỏ của triều đình, từ trước đến nay, mọi việc cầu đường công công không hề sợ sệt trốn sau, các chuyện binh đinh thuế khóa đều theo phép đóng trước, vốn chẳng có việc gì quá đáng, nay một sớm chiều bị đem giam cầm nghiêm ngặt đến chết giữa buổi thái bình thịnh trị, là điều triều đình cũng chẳng nỡ nào!
Kính dâng chất vấn, xin theo sự thật trình bày.
Phủ phục dâng lên, vô cùng trông ngóng!
Niên hiệu Tự Đức năm thứ 14, ngày mồng 8 tháng chạp năm Tân Dậu (1861), (tức ngày 7/1/1862)
Kính vâng điều trần các khoản chất vấn đã xong.
[1] Trích Nguyễn Văn Thoa, Cuộc đời và tác phẩm của linh mục Đặng Đức Tuấn, Nxb Tổng Hợp Tp HCM, 2017, trang 58-61 (mở đầu), 93-99 (điều trần 1), 104-108 (điều trần 2), 115-121 (điều trần 3 và 4), 124-127 (điều trần 5) và 132-136 (điều trần 6).