Tài liệu Tọa đàm Lm. Đặng Đức Tuấn – 10. VỀ LAM GIANG NGUYỄN QUANG TRỨ

VỀ LAM GIANG NGUYỄN QUANG TRỨ

Võ Minh Hải

(Khoa KHXH & NV, Trường Đại học Quy Nhơn)

  1. Tiểu sử và xuất thân

          Lam Giang sinh năm 1919, mất năm 2009, tên khai sinh là Nguyễn Quang Trứ. Ông sinh tại Phù Mỹ, Bình Định, theo gia phả, ông thuộc dòng dõi ngài Cương quốc công Nguyễn Xí, một danh tướng thời Lê người xứ Thanh. Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, thân phụ là cụ Nguyễn Kim Thanh vốn là một Nho sĩ tham gia Cần Vương theo Phan Đình Phùng, khi phong trào không thành công, cụ đã trốn vào Bình Định, Phú Yên, lưu lạc đến miền Khánh Thuận và có lúc vào tận lục tỉnh Nam kỳ. Về sau, gia đình quay về lưu trú tại Bình Định lánh nạn, làm nghề thuốc. Có lẽ để ghi nhớ những năm tháng oanh liệt của cha bên dòng sông Lam nên ông đã lấy bút danh là Lam Giang.

          Vốn là người hay chữ có tiếng, cụ Nguyễn Kim Thanh đã đổi tên thành Nguyễn Quang Khải và tham gia khảo hạch tại trường thi Bình Định. Năm 51 tuổi mới sinh được một con trai duy nhất chính là Nguyễn Quang Trứ. Năm 1919, khi nền cựu học đã bị bãi bỏ, cụ đồ Kim Thanh vô cùng thất vọng nên đã chuyên tâm rèn chữ cho người con trai của mình là Quang Trứ (rỡ ràng hiển hách). Khi được 5, 6 tuổi, Nguyễn Quang Trứ đã được cha cưng chiều, đi làm thuốc ở đâu cũng dẫn theo và bắt đầu truyền dạy sở học về Hán văn thông qua một số bài thơ Đường và sáng tác chữ Hán trong dòng văn thơ cách mạng đầu thế kỉ XX.

Lam Giang Nguyễn Quang Trứ bắt đầu học chữ quốc ngữ vào năm 13, 14 tuổi. Ông học bậc tiểu học tại Phù Mỹ, Bình Định nhưng học bậc Trung học tại Trường Tư thục Phú Xuân (Huế). Khóa thi năm 1940, Nguyễn Quang Trứ thi đỗ Trung học và Tú tài I. Trong Thi ca miền Trung Việt Nam, nhà giáo Lương Trọng Minh đã cho biết: “Khởi thi từ ngày 02.9.1940 ở Huế, đến ngày 17.9.1940 thì thi vấn đáp Tú Tài I ở Hà Nội, Nguyễn Quang Trứ đã rất nổi danh trong đợt thi này… Trường Phú Xuân đã liệt kê ba học sinh xuất sắc trong ba năm liên tiếp của Trường gồm: Đinh Viết Hoàng (1938), Lê Hữu Hoàng (1939) và Nguyễn Quang Trứ (1940)…”[1]

Theo Mộng Bình Sơn và Đào Đức Chương, từ năm 1941 đến 1945, Lam Giang là biên tập viên của Quốc học thư xã; từ 1958 – 1975, ông là thành viên tu thư của nhà xuất bản Tân Việt (chuyên xuất bản sách giáo khoa Trung học). Là người thông thạo hai ngôn ngữ Pháp văn lẫn Hán văn, Lam Giang đã dịch khá nhiều tài liệu khảo cứu có giá trị[2]. Có thể nói, kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Quang Trứ đã tỏ ra là người rất ham mê văn chương và bắt đầu gửi bài đăng báo. Xét trong tiến trình lịch sử văn học Nam Trung bộ nói chung và Bình Định nói riêng, Nguyễn Quang Trứ là một nhà giáo, nhà trứ thuật, biên khảo có nhiều thành tựu và đóng góp lớn cho sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, xã hội và nhân văn của vùng địa văn hóa này.

  1. Lam Giang –  Nhà thơ, nhà giáo

          Lam Giang làm thơ ở Bình Định cùng thời với Chế Lan Viên, Yến Lan. Trong sinh hoạt, ông lại rất gần gũi Quách Tấn hơn, dù Quách Tấn hơn ông gần chục tuổi. Khi Quách Tấn còn ở Bình Định thì Lam Giang đã phiêu bạt vào Sài Gòn, do đó, ông đã có thơ tặng bạn vong niên “Bình Định thi hào quân thượng tráng, Sài Gòn cô lữ ngã do bần” (Trong các nhà thơ lớn Bình Định anh còn sung sức, Tôi sống lẻ loi quán trọ đất Sài Gòn). So với các nhà Thơ mới giai đoạn 1932 – 1945, dường như Lam Giang ít được nhắc đến. Đây là một thiệt thòi cho cá nhân ông cũng như thơ ca miền Trung Việt Nam giai đoạn này.

Năm 1938, ông xuất bản tập thơ đầu – Tập Mơ tưởng. Đây là tập thơ hỗn hợp, có một số thi phẩm lãng mạn, sầu tình và một số bài thơ bộc lộ tâm sự yêu nước một cách kín đáo. Bút hiệu lúc đó là Lam Giang, ông vẫn giữ bút hiệu đó cho đến cuối đời. Theo Lương Trọng Minh, vì tập thơ này mà ở miền Trung, những người học ở Huế còn truyền nhau hai câu thơ thú vị. Cũng như những thanh niên thi sĩ đa tình thời đó, Lam Giang cũng than thở đôi câu về sự vắng bóng của giai nhân trong mỗi mùa phượng nở: “Áo xanh người đẹp tìm đâu thấy, Thi tử Lam Giang luống ngậm ngùi”. Để bỡn cợt thi nhân và các bạn đồng học liền họa vận và gán cho nhà thơ này những câu chuyện khôi hài.

Vì tập Mơ tưởng có một số bài mang khuynh hướng yêu nước mà Lam Giang đã bị Sở Mật thám Huế lưu ý. Vân Hạc Lê Văn Hòe trong Thi thoại (Quốc học thi xã ấn hành) cũng lên tiếng phàn nàn về việc thơ Lam Giang không được trích tuyển trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân nên đã trích một số bài thơ yêu nước của ông giới thiệu trong tập thơ này. Sau đó, Việt Châu đã giới thiệu thơ Lam Giang đến tuần báo Mai. Năm 1940, Lam Giang đã xuất bản tập Thảo luận luật thơ mới[3] , một tập khảo cứu dự trên hai luận điểm chính là nguyên tắc nhạc luậtquân bình, ông hăng hái phổ biến Thơ mới trên tạp chí Tri Tân[4]. Có thể nói, “quan niệm phê bình của ông Lam Giang trong quyển Thảo luận luật thơ mới chính là một công trình đi tìm cái đẹp trong hai lãnh vực thơ cũ, thơ mới, để đúc kết một nền tảng nghệ thuật, hóa giả những thắc mắc trong cuộc tranh luận đương thời[5]. Ngoài ra, ông còn hai tập thơ Hán Việt rất hấp dẫn như: Tây tái vân sơn, Yên Triệu tân thanh.

Từ 1945 đến 1975, với tư cách là giáo sư Việt văn, Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đã tham gia giảng dạy tại các Trường tư thục Bồ Đề, Trường trung học Nghệ Tĩnh, Bình Phú trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa đến Sài Gòn. Trong thời gian từ năm 1956 – 1959, ông liên tục xuất bản các tài liệu, sách giáo khoa phục vụ học tập cho học sinh Trung học như Giảng luận về Cung oán ngâm khúc (Tân Việt, Sài Gòn, 1958), Giảng văn nghị luận (Tân Việt, Sài Gòn, 1959),…Cùng với Hà Như Chi, Phạm Thế Ngũ, Bùi Đức Tịnh, Phạm Văn Diêu,… các tài liệu giáo khoa do Lam Giang biên soạn và xuất bản đã được các thế hệ học sinh của thập niên 50, 60, 70 thế kỉ XX đón nhận một cách nồng nhiệt.

Quyển Giảng luận Cung oán ngâm khúc của ông bao gồm: Phần giảng luận (Thân thế và văn nghiệp tác giả Cung Oán), phần bài đọc (chú giải toàn thể cung oán ngâm khúc, phụ thêm 29 bài thơ của các danh sĩ), Phần thực tập (luận đề, gồm 5 bài văn mẫu). So với soạn giả cùng thời kì như Lê Tâm[6], Vân Bình Tôn Thất Lương[7] , tập giảng luận của Lam Giang không đơn thuần là những thông tin cơ bản của một quyển sách luyện thi Trung học đệ nhất, đệ nhị cấp mà còn là một tập biên khảo công phu về thân thế sự nghiệp của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều và sự lan tỏa của văn chương Cung oán trong đời sống văn nghệ thời bấy giờ.

Với tinh thần luận lý logic, trong Giảng văn nghị luận, soạn giả đã nâng cấp nó thành một loại sách luyện thi Trung học, mở rộng kiến thức thông qua việc rèn luyện và phát triển tư duy nghị luận văn học. Tập sách đã được biên soạn theo 03 cương lĩnh: Ôn cố tri tân; Thuyết minh phương pháp; Thấu triệt ý nghĩa[8] và đúng như tác giả tâm sự: “Chúng tôi có nguyện ước góp một phần công sức vào sự học vấn của thanh niên; Nguyện ước rồi nỗ lực thực hành; Giá trị của kết quả còn chờ lời phê phán, nghị luận của những bạn đọc Giảng văn nghị luận[9].

Thế hệ học giả trưởng thành sau năm 1945 phần lớn đều xuất thân từ thi sĩ, giáo sư Trung học, Lam Giang cũng không là ngoại lệ. Những đóng góp của ông trong lĩnh vực này là những nỗ lực đáng ghi nhận đối với một quá trình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thời bấy giờ. Điều ấn tượng là Lam Giang đã giảng dạy rất nhiều nơi, nhưng ở bất kì nơi nào ông cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ học trò.

  1. Lam Giang – Nhà biên khảo

Theo chúng tôi, có lẽ đóng góp lớn nhất của Lam Giang được thể hiện ở phương diện biên khảo. Mộng Bình Sơn và Đào Đức Chương đã xếp Lam Giang vào nhóm các nhà phê bình thế hệ 1932 – 1945[10]. Tuy nhiên, những đóng góp lớn của ông thì đươch ghi nhận ở thời kì sau năm 1945 và được thể hiện trên nhiều phương diện. Cụ thể có thể liệt kê qua một số tác phẩm như sau: Triết học đại cương (1943), Luận lý du thuyết yếu thuật (1944), Thế giới đại quan, Thiên hạ đại sự, Bình pháp tinh hoa, Đặng Đức Tuấn – Tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam (Tác giả tự xuất bản, soạn chung với Võ Ngọc Nhã, 1970), Trần Quí Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỉ XX (Đông A xuất bản, 1970), Hùng khí Tây Sơn (Cơ sở tạp chí Tây Sơn xuất bản, 1971),…

Phong cách biên khảo của Lam Giang đều dựa trên tính logic của vấn đề và nguồn tư liệu hiện có, ngoài ra ông luôn tham bác ý kiến của các học giả đời trước, đương thời và hậu học. Đặc biệt, Lam Giang rất coi trọng yếu tố địa văn hóa trong quá trình khảo sát đánh giá về nhân vật, sự kiện của từng địa phương. Điều này đã được ông thể hiện rất rõ trong các chuyên khảo Đặng Đức Tuấn – Tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam, Trần Quí Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỉ XXHùng khí Tây Sơn. Để có được tư liệu viết về linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn – một tác gia tiểu biểu của văn học công giáo, văn học Hán Nôm Bình Định, tác gia tiên khỏi cho phong trảo canh tân đất nước ở giai đoạn sau 1858, trên tinh thần cầu tiến, Lam Giang đã “cấp tốc thu thập di cảo, tài liệu, xếp đặt và bình luận, chú giải những tác phẩm mà chúng tôi cho là có liên quan nhiều đến văn học, quốc sử để cho những người muốn tìm hiểu một giai đoạn đa sự nhiễu nhương có thêm một số chứng tích cũng quí giá như những bút ký, hồi ký của các giáo sĩ, văn sĩ ngoại quốc[11].

Ở tập Hùng khí Tây Sơn, Lam Giang đã phân tích rất chặt chẽ những yếu tố thiên về địa văn hóa – lịch sử phát tích và quá trình hình thành, phát triển của tinh thần Tây Sơn, phong trào Tây Sơn, nhân vật Tây Sơn và những ảnh hưởng của nó đối với đời sống tinh thần và xã hội hiện thời. Ông đi từ đặc trưng văn hóa vùng Bình Phú, qua những con đường thượng đạo, các thắng tích, các danh nhân và những chiến công lẫy lừng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Tây Sơn hùng khí là tập biên khảo công phu nhất của Lam Giang, “đó là một chứng minh cho thuyết nhân kiệt, địa linh[12] mà Lam Giang đã luôn tuân thủ trong quá trình biên khảo về địa văn hóa vùng đất này.

Đối với việc khảo cứu các nhân vật lịch sử thế kỉ XIX, trong Trần Quí Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỉ XX, Lam Giang luôn ghi nhận những đóng góp của họ đối với lịch sử nước nhà. Ông đã tâm sự: “Đọc lịch sử cách mạng nước nhà, điều làm cho tôi uất hận nhất làg cái chết của cụ Trần Quí Cáp[13]. Ông khẳng định, “cụ học rộng, biết nhiều, sớm có tư tưởng cấp tiến, khuyếch trương thương mại, tìm đất khai hoang để kinh tài mà có tiền nuôi luyện quân lính, lén mua khí giới[14].  Tác giả muốn hướng đến việc khẳng định tinh thần bất khuất của nhà chí sĩ thông qua thơ văn cũng như ý chí tiết liệt của Trần Quí Cáp và các nhà chí sĩ đồng chí hướng với ông trong lịch sử phong trào yêu nước thế kỉ XIX.

Có thể nói, Lam Giang Nguyễn Quang Trứ là nhà giáo, nhà thơ, nhà biên khảo có những đóng góp cụ thể và to lớn đối với sự phát triển văn hóa và khoa học Nhân văn ở khu vực Nam Trung bộ và Bình Định. Từ ý thức, trách nhiệm của một nhân sĩ ái quốc, ông đã dùng ngòi bút của mình cống hiến cho đất nước những vần thơ, trang văn, tư tưởng biên khảo sâu sắc, góp phần định hướng cho thế hệ hậu học tham gia phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn mà tiền nhân của vùng đất này đã để lại.

Quy Thành, Hạ chí Quý Mão 2023

 

[1] Lương Trọng Minh (1968), Thi ca miền Trung Việt Nam, Cẩm Sa Sơn Châu, Qui Nhơn.

[2] Xin xem: Mộng Bình Sơn, Đào Đức Chương (1996), Nhà văn phê bình – Khảo cứu văn học Việt Nam 1932 – 1945, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.339.

[3] Tập sách này đã được tái bản sau năm 1975 với tên gọi Khảo luận về Thơ, do Nxb Đồng Nai ấn hành năm 1994.

[4] Xin xem: Lương Trọng Minh (1968), Sđd, tr.06-09.

[5] Mộng Bình Sơn, Đào Đức Chương (1996), Nhà văn phê bình – Khảo cứu văn học Việt Nam 1932 – 1945, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.344.

[6] Xin xem: Loại sách giáo khoa (1950), Thân thế và thi ca Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc, GS. Lê Tâm soạn, Nxb Cây Thông, Hà Nội.

[7] Xin xem: Ôn Như Hầu (1956), Cung oán ngâm khúc (Vân Bình Tôn Thất Lương, GS Trường Trung học Đồng Khánh, Khải Định Huế – Dẫn giải – chú thích, Sách giáo khoa Tân Việt, Sài Gòn.

[8] Lam Giang (1959), Giảng văn nghị luận, Tân Việt, Sài Gòn, tr. 05-06.

[9] Lam Giang (1959), Sđd, tr.06.

[10] Xin xem: Mộng Bình Sơn, Đào Đức Chương Chương (1996), Nhà văn phê bình – Khảo cứu văn học Việt Nam 1932 – 1945, Nxb Văn học, Hà Nội.

 

[11] Lam Giang – Võ Ngọc Nhã (1970), Đặng Đức Tuấn – Tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, tr.06.

[12] Lam Giang và nhóm văn hữu Tây Sơn (1971), Hùng khí Tây Sơn, Cơ sở Tạp chí Tây Sơn xuất bản, tr.46.

[13] Lam Giang (1970), Trần Quí Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỉ XX, Đông A xuất bản, Sài Gòn, tr.3.

[14] Lam Giang (1970), Trần Quí Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỉ XX, Sđd, tr.8.