Tài liệu hướng dẫn sáng tác 2 – Tản văn

Tản văn

Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc hoạ nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả… Tản văn là loại văn tự do, dài ngắn tuỳ ý, cách thể hiện đa dạng, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả” (Theo Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb GD, H, 2004, tr.293)
tản văn như một thể loại vừa đủ để giãi bày, truyền tải, và đương nhiên là vẫn phả chất thời sự đời sống đang diễn ra từng ngày. Hoặc đó là những nhà báo, từ những trải nghiệm đời sống, họ dấn thân vào văn chương thông qua thể loại tản văn. Nói điều đó không có nghĩa hạ thấp vị trí của thể loại tản văn, mà sự thực trong những nhộn nhịp của đời sống hiện nay, trong lúc con người ta đang hối hả chuyện miếng cơm manh áo, những trang tản văn là lúc lắng lòng lại để cùng nghĩ về từng giây phút con người bỏ quên hạnh phúc của mình, và bỏ quên nhau, hay ít nhất nghĩ về cuộc đời ở một tâm trạng thoải mái nhất…

Ví dụ:
                                      GIÁNG SINH AN LÀNH                                                          
Trời Sài Gòn bắt đầu trở lạnh. Cái lạnh hiếm hoi của vùng đất phương Nam oi bức nóng nực này. Lạnh! Đó là cơ hội “ngàn năm có một” cho người ta chưng diện những trang phục mùa đông, từ áo len đến áo gió, từ khăn đến mũ… đủ kiểu, đủ màu sắc. Giáng sinh! Một mùa Giáng sinh nữa lại về.
Ba năm! Khoảng thời gian không dài cũng không ngắn đối với tôi. Từ ngày tôi rời Tây nguyên đại ngàn về đây trọ học, chưa năm nào tôi có một Giáng sinh trọn vẹn, một bầu khí Giáng sinh thật sự như tôi mong muốn.
Thời tiết ở Sài thành phồn hoa này chẳng phù hợp với một không khí Giáng sinh. Trời nóng đổ mồ hôi. Trong nhà thờ máy quạt quay hết công suất. Ngoài đường người xe đông nghịt, không thể chen chân, đường phố đầy những dây đèn neon sáng trưng, khói bụi ngột ngạt. Thế mà mọi người vẫn hát bài ca muôn thuở: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”.
Đêm! Tôi rảo bước trên con đường phù hoa tráng lệ, thèm một chút lạnh của Tây nguyên. Tôi thèm không khí háo hức của những mùa Noel xưa. Ba tôi làm hang đá, còn tôi và thằng em trang trí cho cây thông.Một việc không thể thiếu đối với gia đình tôi mỗi khi Giáng sinh về.
Mắt tôi chợt dừng lại ở một bé trai lem luốc rách rưới đứng co ro ở một góc phố. Đôi tay em run run giơ ra đợi những đồng tiền lẻ bố thí. Nhưng có ai để ý đến? Họ đang lo cho cuộc vui của họ. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Cô bé bán diêm của văn hào Andersen. Cô bé trong câu chuyện đã chết vì đói, vì lạnh, vì sự hững hờ của người đời, dù đó là một đêm giáng sinh an lành.
Tôi chợt nhớ đến Kinh thánh, lễ Giáng sinh đầu tiên, Chúa sinh ra trong cảnh khó nghèo, không nhung lụa, không đèn hoa, không lâu đài nguy nga tráng lệ. Mẹ Maria phải ủ ấm Chúa hài đồng trong máng cỏ cho lừa ăn. Những người đầu tiên đến thăm Ngài cũng là những con người nghèo khó. Đó là một lễ Giáng sinh nghèo thật nghèo. Nhưng tôi thấy vẫn có gì đó thiêng liêng, đẹp đẽ.
Giờ đây, người ta đã quốc tế hóa thánh lễ này. Nó không còn riêng của người Công giáo, Tin lành, Cơ đốc giáo, mà của mọi người. Hầu như ai cũng ăn mừng thánh lễ này. Từ già đến trẻ, từ Âu sang Á, từ thành thị đến nơi đèo heo hút gió…, tất cả đều mừng Chúa giáng sinh.
Giáng sinh ngày nay là dịp để người ta chưng diện, người ta mua sắm, người ta tặng quà cho nhau, là dịp để người ta kinh doanh.
Trên đường phố thấp thoáng một “ông già Noel” chạy xe máy vụt qua. Tôi nghĩ ông già Noel râu trắng, áo đỏ, khuôn mặt phúc hậu, đi phát quà cho trẻ em trên cỗ xe tuần lộc chỉ còn trong cổ tích. Ông già Noel nay hiện đại hơn, ông cũng có áo đỏ, râu trắng nhưng ông đi… xe máy để  phát quà. Ông phát quà cho trẻ em theo sự sắp xếp của bố mẹ chúng, theo dịch vụ của các cửa hàng, siêu thị. Ông là… những sinh viên làm việc bán thời gian. Ông phải học thuộc những câu trống rỗng vô vị… Noel không còn ý nghĩa thật sự của nó, là ngày lễ của lòng yêu thương!
Tôi thèm một chút lạnh của quê hương, một chút ấm áp của những người thân thuộc. Ở đó có máng cỏ thô sơ, ở đó không có ông già Noel hoành tráng như phố thị, nhưng với tôi ở đó có một giáng sinh thật sự với Chúa hài đồng đang mỉm cười. “Chúc mọi ngưòi giáng sinh an lành”.
20/10/2010
TÂM NGỌC