Tài liệu hướng dẫn sáng tác 1 – Kinh nghiệm để viết văn hay

VÀI KINH NGHIỆM ĐỂ VIẾT VĂN HAY
Tađêô NGUYỄN THANH XUÂN

Nói đến chuyện hay dở trong văn chương, nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là chuyện nói không cùng, chẳng có một tiêu chuẩn nào cả. Có bài thơ anh thích mà tôi không thích. Một quyển sách có thể bị xem nhẹ ở đây vào lúc này, nhưng lại được đề cao ở nơi khác, tại một thời điểm khác. Thực ra đó chỉ là vấn đề thuộc phạm vi tiếp nhận. Một bài văn muốn được cho là hay phải có một số tiêu chuẩn nhất định. Bởi thế mà cần đến những tài năng văn chương và sự rèn luyện. Tất nhiên muốn viết văn hay và muốn trở thành nhà văn thực sự, mỗi người có cách phấn đấu riêng, với những điều kiện riêng không ai giống ai. Thế nhưng nếu đưa ra một vài kinh nghiệm đúc kết được từ những nhà văn đi trước, để rồi vận dụng nó làm những “bí quyết” của riêng mình, cũng không phải là vô ích. Vậy để viết văn hay, cần trang bị cho mình những gì? Theo tôi, có mấy điều cần thiết sau:
1. Làm giàu vốn ngôn ngữ:
Làm nghề gì cũng vậy, nếu không có một vốn liếng tối thiểu thì làm sao có thể khuếch trương được sự nghiệp? Ngôn ngữ chính là cái vốn căn bản cho những ai muốn đi vào văn học. Ngôn ngữ là phương tiện, là dụng cụ và là nguyên vật liệu cho nhà văn hình thành nên tác phẩm. Do đó, để viết văn hay trước hết phải làm sao có sẵn trong ta một vốn từ ngữ thật dồi dào.
Có một kho tàng từ ngữ ở ngay bên cạnh chúng ta, đó là: ca dao, tục ngữ, câu đối, truyện thơ… Đây là một kho tàng rất phong phú có thể giúp chúng ta diễn đạt tâm tình và tư tưởng bằng những cách so sánh, những lối nói gợi cảm mà sâu sắc. Hình như đa số các bạn học sinh ngày nay còn biết ít tục ngữ và ca dao lắm. Như thế thì bạn đã đi vào thế giới văn chương với một cái túi hành lý còn quá nhẹ! Bạn sẽ rất khó khăn trong việc tìm lời lẽ, hình ảnh để diễn đạt ý nghĩ của mình. Đừng nên cho rằng ngôn ngữ dân gian chỉ cho ta những câu văn theo vần, theo điệu cho dễ nhớ mà thôi đâu. Nhà văn Tô Hoài kể chuyện có lần ông muốn mô tả sự mệt nhọc của con người khi làm việc dưới trời nóng bức. Đã có nhiều cách diễn đạt về chuyện “đổ mồ hôi” này, nào là: mồ hôi nhễ nhại, mồ hôi ướt đầm, mồ hôi như tắm… Thế rồi một hôm, nhà văn nghe một bà nông dân thốt lên: “Nóng gì mà nóng khiếp! Mồ hôi mẹ mồ hôi con ở đâu mà tuôn ra lắm thế này!”. Ông mừng như bắt được vàng vì vừa tìm ra một hình ảnh mới thật hay và đầy ý nghĩa. Nhiều khi trong cuộc sống thường nhật, nếu để ý lắng nghe, chúng ta cũng có thể bắt gặp những chữ dùng sắc sảo. Nhà thơ Huy Cận kể rằng ông đã gặp may trong bài thơ Gánh xiếc. Bản thảo của ông vốn là: Gái lệ kiều đi với ngựa voi/ Về nhà đứa bé vẫn đùa chơi/ Nhưng lòng trẻ đã theo đoàn xiếc/ Xếp với màn to của rạp dời. Ông viết rạp dời để miêu tả rạp xiếc cuốn màn dời đi chỗ khác, chỉ cảnh trôi nổi của gánh xiếc rong. Nhưng đến khi sắp chữ, thợ nhà in đã sắp thành: Xếp với màn to của rạp đời. Ông giật mình: Hay quá! Chỉ thay một chữ mà cảm xúc lớn hẳn lên. Ông thầm cảm ơn người công nhân sắp chữ đã cho ông một chữ bằng vàng!
Một kinh nghiệm cụ thể cho những người mới tập viết văn là nên cố gắng tích luỹ một cái vốn tương đối khá về những tính từ, những hình dung từ. Loại từ này khá tiêu biểu cho khả năng diễn đạt những ý tứ của bài văn. Nhiều người rất thích những câu thơ của Xuân Diệu khi muốn thể hiện lòng yêu đời của mình bằng những cảm giác: Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và mây, và cỏ rạng/ Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng/ Cho no nê thanh sắc của trời tươi… Những hình dung từ: chếnh choáng, đã đầy, no nê… là những từ chứng tỏ cái vốn từ ngữ của Xuân Diệu rất dồi dào, mà toàn dồi dào về mặt cảm xúc. Trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, khá nhiều trường hợp nhà văn đã cho ta thấy cái công phu chọn chữ, đặt câu. Cái vốn từ ngữ giàu có của các nhà văn, nhà thơ đã được thể hiện rõ nét ở khía cạnh này.
2. Chăm đọc sách:
Chăm đọc sách là một trong những biện pháp hiệu nghiệm để giúp cho mình được giỏi văn. Có những người rất lười đọc sách, và kết quả cụ thể đến với họ là kiến thức bị hạn chế, rất dễ lúng túng khi diễn đạt câu văn. Cần phải đọc nhiều, đọc thật nhiều, đọc những gì liên quan với sở trường của mình, và đọc rộng ra các phạm vi khác nữa. Bởi nếu kiến thức bị hẫng hụt, khi gặp trường hợp liên quan thì không biết lấy gì mà viết, hoặc viết sai. Tất nhiên không phải tất cả những gì chúng ta đọc được đều có thể dễ nhớ, dễ lưu lại trong trí não cách lâu dài. Thế nhưng nếu biết cách đọc một cách hợp lý, tất cả các tri thức ấy sẽ không mất đi đâu cả, khi gặp cơ hội nó sẽ hiện ra trong dòng suy tư của chúng ta. Vì thế, nói phải đọc nhiều không có nghĩa là cứ gặp gì đọc nấy, đọc không có ý thức, không có kế hoạch. Người xưa đã vạch ra mấy căn bệnh của việc đọc sách mà ta nên tránh:
+ Đọc loạn sách: Người đọc loạn sách là người không biết chọn lọc tác phẩm và tác giả, không định được mục đích đọc sách để làm gì. Họ đọc cả những loại sách độc hại, những loại tiểu thuyết ba xu, những bài thơ con cóc, những bài báo lá cải… Đọc sách là để kiếm thêm những người thầy, người bạn, lẽ nào ta lại bằng lòng nhận những kẻ xấu làm thầy, làm bạn của mình?
+ Đọc lồng sách: Là đọc một cách lụp chụp, nhảy cóc, không cần chú ý đến chủ đề tư tưởng, hoặc những đoạn văn hay, những phân tích, miêu tả đáng chú ý. Những người này đọc lung tung hoặc chỉ lướt qua. Đọc như vậy thì cũng chẳng có ích gì cho việc học văn cả.
+ Đọc vứt sách: Đây là kiểu đọc qua rồi thôi, chẳng rút ra được một bài học nào, chẳng thu thập được chút kiến thức gì, không gợi ra được một điều suy tư hay cảm xúc nào cả. Đối với những người này, đọc sách chỉ là một trò tiêu khiển cho qua thời giờ, hoặc chỉ để làm dáng, khoe khoang với thiên hạ.
Hiểu như vậy, công việc đọc sách là cả một cuộc hành trình đi tìm mình và đi tìm tri kỷ. Đọc sách, gặp một tư tưởng, một nhân vật trong sách hợp ý mình, ta có thể tự tin ở mình hơn. Có nhiều ý, nhiều quan niệm ta cũng đã từng nghĩ đến, nay ta thấy nó đã được trình bày rất khúc chiết trong sách. Như thế, rõ ràng sách đã trở thành người bạn tri âm của ta và giúp ta rất nhiều trong cách hành văn và diễn đạt ý tưởng khi viết.
3. Nghệ thuật bắt chước người khác
Ta không thể chấp nhận được những người đọc văn kẻ khác, rồi ăn cắp lời, ăn cắp ý, lấy đó làm văn của mình. Tuy nhiên như thế không có nghĩa là không tán thành sự bắt chước. Sự bắt chước là cần, chỉ có điều là phải biết cách bắt chước. Bắt chước đúng cách thực ra là một sự học hỏi. Sỡ dĩ nói bắt chước là cần, vì tất cả mọi thành tựu trên đời này xét cho cùng chỉ là một sự tiếp nối. Cái mới của ngày hôm nay là một bước tiến của ngày hôm qua. Những người đi trước đã có những sáng kiến, những thành tựu nhất định, ta phải tìm lại những kinh nghiệm, thu thập những phát hiện, những cái hay của họ, nhất là những cái mà ta chưa có. Có trường hợp chỉ bắt chước vài ba nét đặc sắc của người khác mà ta thấy tâm đắc, dân gian hay gọi cách đó là học lóm. Học lóm cũng rất cần thiết, nhưng tất nhiên phải biết học một cách thông minh, hay nói cách khác, học phải có sáng tạo. Những trò chơi dân gian của trẻ em thường mô phỏng theo những sinh hoạt của người lớn như: đi cày, giã gạo, đi chợ… hoặc tổ chức lễ bái, tế tự… Nhưng các em đã bắt chước rất sáng tạo. Người lớn đi cày phải có trâu, còn với trẻ em thì: “Tuổi thơ bắt dế đi cày/ Nhà không trâu, dế một bầy thay trâu”. Các em có mô phỏng một cách vụng về ngớ ngẩn đâu! Bắt chước nhưng đã chuyển sự việc cho phù hợp với tâm lý, sinh lý của lứa tuổi mình. Bởi thế, người ta nói bắt chước là cả một nghệ thuật. Phải có một điều kiện nào đó mới có thể bắt chước, nếu không sẽ trở thành ngô nghê, khó chịu, buồn cười. Khi ta có một trình độ nhất định, thì mới có khả năng nắm bắt được cái hay của người khác, để lấy cái hay ấy đặt vào đúng chỗ của mình, và làm cho văn mình hay hơn. Người tập viết văn nên nắm chắc kinh nghiệm này. Bản thân mình phải khá văn, rồi phải biết chọn lọc cái tinh tuý của người khác để biến thành cái riêng của mình thì mới là biết học hỏi, biết cách bắt chước.
4. Ba yêu cầu khi viết văn
* Quan sát tinh tế:  Muốn viết văn hay việc đầu tiên là phải tập quan sát. Phải biết nhìn nhận những sự việc diễn ra quanh mình để mô tả thật đúng và thật sinh động. Gọi là văn, chính là ở chỗ nhìn nhận được các đối tượng miêu tả: Nhìn được từ những đường nét, màu sắc cho đến những cử chỉ, động tác và cả sự diễn biến, phát triển của những động tác ấy. Thiếu quan sát, nhà văn dù có ý thức mô tả hiện thực bằng tấm lòng nhân ái của mình, cũng sẽ xây dựng nên những đoạn văn không có sức thuyết phục bởi những tình tiết không hợp lý. Ý định tốt vì thế mà trở thành giả dối, đó là điều rất kỵ đối với người viết văn.
Nói quan sát, không phải chỉ có quan sát cảnh vật, hiện tượng mà thôi, còn cả việc tìm hiểu tâm lý nữa. Nhà văn phải hiểu được tâm lý của từng hạng người, nhìn nhận tâm trạng của họ cho đúng. Chỉ chú ý đến màu sắc, hình ảnh, vóc dáng của sự vật chưa đủ, phải biết đi sâu vào cuộc đời thâm trầm, bí ẩn của từng con người, ở từng trường hợp nhất định. Có như vậy bài văn mới tỏ ra tinh tế và thấu đáo. Về mặt này, có thể nói nhà văn Thạch Lam rất có sở trường. Tập truyện ngắn Sợi tóc của ông cho thấy ông có tài tả được cả sự rung động của giác quan, ngay trong một cảnh sinh hoạt cụ thể: “Chợ mỗi lúc một ồn ào. Người đến họp đã đông. Cái đông đúc và ồn ào ấy khiến cho Tâm như lịm đi. Tiếng cười nói, tiếng cười đùa, chửi rủa tràn đầy cả mấy gian hàng. Sự hoạt động rực rỡ và nhiều màu. Các hàng quà bánh, các thức hàng rẻ tiền và vụn vặt ở thôn quê, những hoa quả chua chát hái xanh trong vườn nhà – và bên kia đường, mùi thơm nồi cháo nóng của chị Tư bay ra ngào ngạt…”. Ta nhận thấy tác giả cũng tả những tiếng động ồn ào, những hàng hoá nhiều màu sắc như bất kỳ một đoạn văn tả cảnh nào khác, nhưng ta cần chú ý là tác giả đã khá thiên về cảm giác trong cách miêu tả. Tác giả không chỉ thiên về cảnh, mà đã gợi những cảm giác do cảnh đưa đến, làm cho sự tiếp nhận của người đọc có một ý vị riêng. Đó là một dạng quan sát đi sâu vào tâm lý thông qua những cảm giác rất chinh xác.
Nhà văn biết quan sát sẽ phát hiện ra được một số nét đặc sắc trong quá trình mô tả. Họ không trình bày cụ thể, tỉ mỉ nhưng họ biết nhìn vào một khung cảnh bao quát, rồi chọn trong khung cảnh ấy những nét tiêu biểu nhất, tô đậm những nét ấy một cách đúng đắn và sinh động. Chẳng hạn Đoàn Văn Cừ chú ý đến “những tia nắng nhảy hoài trên ruộng lúa”, hoặc Bàng Bà Lân quan sát cổng làng vào một buổi sớm: “Cổng làng rộng mở, ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai”… Công phu quan sát cộng với việc biết đặt những chi tiết quan sát vào một mối liên hệ hoà hợp, đó chính là nghệ thuật tinh vi của người viết.
* Tưởng tượng dồi dào:  Khi kể chuyện mà những sự việc, những con người trong câu chuyện không xảy ra trước mắt mình, có thể là câu chuyện trong quá khứ, có thể là câu chuyện ở một nơi khác, thì phải hình dung cho sự việc sống lại. Không có óc tưởng tượng sẽ rất khó làm được việc ấy. Có nhiều cách để phát huy khả năng tưởng tượng trong một bài văn hay một cuốn sách, nhưng điều cần thiết trước nhất là phải biết hình dung ra đầu đuôi câu chuyện. Sự việc đã diễn ra như thế nào, mở đầu, phát triển rồi kết thúc ra sao… cần được dựng lại một cách sống động và hợp lý. Nhiều người trình bày câu chuyện thật rối rắm lộn xộn, đặc biệt các nhân vật chính, sự kiện chính không hiện ra cách cụ thể rõ ràng. Ấy là bởi khi tường thuật tác giả đã không xác định cho rành mạch chủ đề của câu chuyện. Trong một cốt truyện, thế nào cũng phải có nhân vật chính, có những tình tiết cần thiết để làm nổi bật được nhân vật ấy, qua đó mà nêu bật được ý mình muốn nói. Nếu khi kể chuyện mà sa đà vào người phụ, việc phụ  thì cả câu chuyện sẽ bị rời rạc, lỏng lẻo. Cái tài tưởng tượng như thế đáng lẽ phục vụ cho câu chuyện, lại hoá ra làm cho câu chuyện bị hỏng.
Trong nghệ thuật viết văn, vấn đề quan trọng nhất của khả năng tưởng tượng là sự tạo ra cốt truyện. Phải biết đặt ra “chuyện”. Những tác phẩm lớn của nhân loại đều là những tác phẩm có “chuyện”. Đó là những kho chuyện dồi dào, liên tiếp sự việc nọ dẫn dắt đến sự việc kia, rất hợp lý, rất khêu gợi sự tò mò mà không bao giờ nhàm chán. Xecvăngtet có cả một tập Đông Kisôt bất hủ, kể hàng trăm sự việc của anh chàng hiệp sĩ dở người với những hành động kỳ lạ. Bộ sách Thuỷ hử của Thi Nại Am sở dĩ sống được với thời gian vì tác giả kể được về 108 vị anh hùng hảo hán. Hơn trăm người đi vào Lương Sơn Bạc bằng trăm con đường khác nhau, không ai giống ai. Mỗi người là một mảnh đời của cả cuộc đời rộng lớn, bên cạnh họ là những mẩu đời khác của bao nhiêu là tầng lớp. Có như vậy mới thành cuộc sống và mới hấp dẫn được người đọc. Khả năng tưởng tượng giúp nhà văn bịa ra được (tất nhiên là bịa như thực) những câu chuyện để người đọc thấy nhiều sự biến hoá qua những hành động của nhân vật. Khả năng tưởng tượng của nhà văn còn có thể tạo nên những thế giới vô hình, những nhân vật huyền thoại với những pháp thuật linh nghiệm, mà vẫn rất sống động, rất gần gũi với con người. Một tập sách Tây Du Ký có bao nhiêu là chuyện hoang đường, thầy trò Đường Tăng gặp hết nạn nọ đến nạn kia, rồi đầy dẫy những phép thần thông biến hoá… nếu mà nghèo trí tưởng tượng thì không thể nghĩ ra được. Như thế chẳng phải cái tài tưởng tượng đã giúp nhà văn cho ta  những trang viết tuyệt vời hay sao?
Tuy nhiên có vấn đề cần phải lưu ý: Không nên để cho cái đà tưởng tượng đi quá mức. Tưởng tượng phải đi với khái quát của hiện thực cuộc sống, phải có ý tưởng chỉ đạo, nếu không thì chỉ gieo rắc những huyễn hoặc mơ hồ rất có hại. Tưởng tượng cũng  phải hợp tình hợp lý, gây được khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc, chứ không phải là những bịa đặt vô căn cứ.
* Công phu gọt giũa:  Khâu cuối cùng của người làm văn là khâu sửa chữa. Để hoàn thành tốt bài văn hay một quyển sách, ta phải gia công sửa chữa, sửa chữa ngay từ lúc lập đề cương, ngay khi viết từng đoạn. Viết ra rồi, phải xem lại, phải tự phê phán mình một cách nghiêm khắc, và nếu thấy chưa vừa ý thì… viết lại. Phải sửa chữa, gọt giũa cả ý tứ, cả câu văn và phải can đảm gạch bỏ, xoá đi những chỗ không vừa ý. Một nhà văn đã nói: “Ai biết cách và đủ sức xoá đi cái dở của mình, người đó sẽ thành công lớn”. Cũng giống như tạc một gương mặt trên đá, có nghĩa là gạt bỏ khỏi phiến đá ấy những gì không phải là khuôn mặt.
Về cách thức sửa chữa, cũng có nhiều biện pháp. Có người tự mình sửa lấy theo khả năng của bản thân. Thường thì một khi đã viết ra thì mình đã tự thoả mãn với mình rồi, nên liền khi ấy đọc lại không dễ gì phát hiện ra được sai sót. Phải để một thời gian nhất định, có thể là sau vài ba ngày hoặc vài ba tuần, đọc kỹ lại sẽ thấy có chỗ nên sửa. Cũng có người sửa chữa bằng cách đưa cho người khác đọc. Nếu đem bản thảo trao đổi trước với những người đi trước hoặc với bạn bè, thì cũng có khả năng nhận được những lời khuyên bảo cần thiết. Cũng cần nói thêm rằng, sửa chữa chỉnh đốn là cần, nhưng nếu trau chuốt quá thì nhiều khi lại mất đi tính chân thực.
Nhà văn Tô Hoài tâm sự: “Sửa chữa với tôi là một cái thú. Tôi viết nhiều lần một truyện, hoặc tự chép lại, thông thường là 3-4 lần… Khi sửa, tôi lục lọi, rà soát lại từng chữ từng câu. Tôi hay đọc nhỏ thành tiếng, làm cho tai nghe được câu văn hoạt động, biết được nó sống sượng hay ý nhị, nó sắc sảo hay quen tai… Câu ấy thừa chỗ nào? Đã trong sáng và rõ ràng chưa?…”. Còn nhà văn Nguyễn Công Hoan cho ta một kinh nghiệm rất thiết thực: “Khi đọc lại bản thảo, ít nhất tôi cũng phải khách quan như người khác đọc mình, như vậy mới nhìn rõ ở truyện ấy tình tiết có hợp lý không, đâu là thừa đâu là thiếu, cách trình bày có làm bật được ý truyện hay không… Người viết truyện là người biết trước câu chuyện, rất dễ không nhận thấy những cái gì là đột ngột, không hợp lý, không hợp lẽ tự nhiên. Cho nên cần phải đọc lại cách thong thả, đọc với sự xét nét của một độc giả khó tính…”. Có lẽ ta nên lấy ý kiến của hai nhà văn làm lời nhắc nhở cho khâu sửa chữa, hoàn thành tác phẩm của mình.
*  *  *
Trên đây là một vài kinh nghiệm trong quá trình viết văn và được đúc kết từ một số nhà văn đã thành danh, dĩ nhiên không phải là “sách giáo khoa dạy viết văn”. Bởi rất khó có thể bày vẽ hay đào tạo một người nào đó trở thành nhà văn. Ai đó sẽ bảo văn chương là câu chuyện thuộc về năng khiếu của mỗi người. Đúng vậy, nhưng năng khiếu cũng chỉ là “nén bạc” mà Thiên Chúa đã trao ban cho ta, nếu ta không biết tìm cách để “sinh lợi” bằng sự rèn luyện, trau dồi của bản thân, thì rồi năng khiếu ấy cũng trở nên vô dụng mà thôi! Hy vọng những “bài học” trên đây sẽ không trở nên vô ích cho những người mong muốn viết được những bài văn hay.
Tađêô NGUYỄN THANH XUÂN