MÃ SỐ: 117-V39
TRẠM DỪNG CHÂN
Ngày còn mặc quần đùi chạy lon ton cùng lũ bạn trong xóm, thì mong cho mình mau lớn. Đến khi bắt đầu biết “rung rinh” thì lại mong cho mau đủ tuổi trưởng thành để được đi xa, để được rời khỏi vòng tay bao bọc của ba mẹ. Thế rồi, 10 năm đã qua, nhưng tôi vẫn níu không nổi độ thanh xuân. Rồi 20 năm nữa lại vụt qua, bánh xe thời gian không phanh cứ thế trôi.
“Ngày đi, tháng chạy, năm bay,
Thời gian nước chảy, chẳng quay về nguồn.”
Rồi năm tháng trôi qua, mỗi năm sau dịp nghỉ phép tết tại gia đình, tôi lại bắt đầu nhìn vào cuốn lịch, vào những con số, bỗng thấy lòng trống vắng. Cuốn lịch cứ vơi dần đi, chẳng màng đến sự vơi đầy của những con số. Thì bên cạnh đó, thời gian đời người cũng thu ngắn lại, thời gian được ở bên cạnh người thân cũng dần ngắn đi, chẳng hay đến sự chất chồng của tuổi tác. Có tờ sầu héo ủ dột, có tờ rộn ràng hân hoan. Có tờ được được nâng niu ghi nhớ, có tờ bị dứt khoát xé phăng, tồn tại trong ký ức như những vết sẹo. Quả thực là chẳng ai biết được ngày mai rồi sẽ ra sao, nhưng lòng người vẫn khắc khoải, mong mỏi những khoảnh khắc được bên nhau thêm dài lâu.
Khi những ngày đương đầu với thanh xuân, máu huyết còn nóng trong trái tim, cánh tay và đôi chân vẫn xanh ngời, tôi đã dựng nên không ít thành tựu lớn lao, đẹp đẽ, đáng tự hào. “Tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời,” có biết bao lần tôi được đẩy lên tận đỉnh cao của uy quyền. Và tôi đã làm tất cả một cách tốt nhất trong sự bất toàn của bản thân. Rồi Chúa đặt vào bản nhạc cuộc đời của mỗi người một nốt lặng, có khi đó là nỗi bàng hoàng khi gánh đời tuổi tác còn đương sức, hay có khi là một lẽ hiển nhiên phải đến trên con người một ngày “xuân” tàn. Mọi sự đều có thời và mọi việc dưới bầu trời đều có lúc của nó (x. Gv 3,1). Đó là một biến cố không may, một cơn bạo bệnh,… để rồi vĩnh viễn gác lại những dự tính, bầu bạn với bốn bức tường kín kẽ, hay thụ động với những nhu cầu cá nhân, vô tư dễ thương với những ký ức nhớ nhớ quên quên… Thành tựu càng lớn lao, lúc trả lại càng nhiều luyến lưu. Ôi dễ gì quen được với một mình, nỗi bất lực, khi đôi mắt đã quen gặp gỡ, tiếng nói đã quen gửi đi, và trái tim đã quen xúc cảm. Cỏ cây cũng có ngày úa tàn, huống chi kiếp con người mong manh như hơi thở (x. Tv 144,4).
Không biết vô tình hay hữu ý, Học Viện Têrêxa Avila lại được chung một cổng với nhà hưu dưỡng. Có thể tạm gọi Học viện là giai đoạn khởi đầu, giai đoạn của thanh xuân đương sức, bao hăng say nhiệt huyết cho đời mục vụ, bao dự tính chương trình ý tưởng của tuổi thanh xuân. Còn Hưu dưỡng, trạm dừng chân cuối cùng, chuẩn bị bước đến cuối cùng của điểm đích, trạm dừng chân sau bao mệt mỏi của bao lo toan cho sứ vụ, trạm dừng chân để nói lời tạ ơn sau bao nỗi nhọc nhằn và niềm vui của tuổi trẻ. Giờ đây, dừng chân tạm nghỉ nơi này để bước tiếp đoạn dốc bên kia cuộc đời dương thế. Như câu tục ngữ: “Con chim bay mỏi cánh cũng về tổ,” cuối cùng rồi ai cũng khao khát tìm về nơi an nghỉ, tìm lại sự bình yên trong tâm hồn.
Nhưng làm sao biết từng nỗi đời riêng, vì mỗi người sẽ có cho mình một tâm thế đón nhận. Có người sẽ không đòi buộc đời phải như một cuộc chơi sòng phẳng, nhưng hoan hỉ đón nhận mọi “logic” của Ơn Trên. “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23,1), sự an ủi lớn nhất là biết rằng cuộc đời này không phải là chuỗi ngày vô nghĩa, mà là sự chuẩn bị cho một hành trình vĩnh cửu. Không phải trở về, để thụ động và an phận, để buồn sầu, lo lắng nhưng là một chút nghỉ dưỡng và soạn sửa, không để tiếp tục cho một cuộc chuyển dịch xác thân nào khác cho bằng dồn hết cho một điểm đến của linh hồn. Như câu ca dao: “Ai ơi giữ chí cho bền, dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai,” mỗi tâm hồn đều cần sự kiên định và hy vọng khi đối diện với giai đoạn cuối của cuộc đời.
Chúa đặt ta vào một khoảng lặng để nhìn lại mảng đời mình, một chữ “mình” bấy lâu thất lạc, méo mó hình dạng trong “đấu trường” thế gian. Ấy có khi là những cái “có” mà “không” của bọt bèo phù du vật chất, khi là thứ uy quyền hão huyền mà ta cứ đong mãi cho đầy gánh cuộc đời. Người giàu sang khi chết cũng chẳng mang theo được gì, bao vinh quang đã có nào đi theo xuống mộ phần (x. Tv 49,18). Những giây phút hồi tưởng ấy không phải là để tiếc nuối, mà là để nhận ra giá trị thật của cuộc đời, để tâm hồn hướng về những gì vĩnh cửu hơn.
Đứng trên lầu bốn, nhìn xuống sảnh quý bà nơi lầu hai vào mỗi buổi chiều của mùa hè, tôi hiểu rằng sau bao “chinh chiến” nơi dòng đời giờ này, đôi chân tê cứng, cặp mắt mờ đục, cánh tay mỏi rũ, với những lần xuất hiện thưa dần đi, chầm chậm nắm níu, chắt chiu những khoảnh khắc đẹp nhất của ngày sống nơi Chúa và tha nhân: một thánh lễ, một giờ kinh, giờ cầu nguyện, phút gặp gỡ, một cuộc hạnh ngộ. Như câu tục ngữ: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no,” từng giây phút ý nghĩa ấy mới thật sự là kho báu của cuộc đời, là phần thưởng tinh thần cuối cùng trước khi trao linh hồn lại cho Đấng Tạo Hóa. Vậy ta hãy sống như đầy tớ trung tín và khôn ngoan để ngày kia sẽ được vào hưởng niềm vui trên Nước Trời (x. Mt 25,23).
Thời gian cuộc đời mỗi người khác nhau, nhưng chiều dài đó phải mang đủ cái “chất” của một cuộc đời, mà cái chất đó phải đo bằng chuẩn mực của Chúa, rằng: con đã sống ra sao, đã cho đi những gì và cho như thế nào…. Thánh Phaolô đã từng nói: “Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin” (2 Tm 4,7). Câu nói này nhắc nhớ con rằng mỗi chặng đường trong cuộc lữ hành trần thế của con là một phần không thể thiếu trong đích đến đang đợi con phía trước. Mỗi sáng sớm mai, soi mình trước gương, thấy thời gian lại gieo nhẹ thêm một chút phong trần, một chút mỏi mệt. “Người trần gian ai không già, ai trẻ mãi bao giờ” – tục ngữ Việt Nam thật sâu sắc khi nói về sự thật tất yếu của nhân sinh. Nhưng hy vọng đó là những vệt hằn đáng hân hoan vì đã trôi qua thật xứng đáng. Những yếu tố phản ánh gần như chân thực nhất tâm hồn con người – nụ cười không tắt, đáy mắt vẫn hân hoan và vòng tay vẫn ôm lấy, đủ để lan tỏa hơi ấm.
Khi tờ lịch cuối cùng buông xuống. Tờ lịch mãn nguyện chịu cháy tan hóa bụi, vì đã băng qua 365 ngày đẹp đẽ. Thân phận con người chỉ như tro bụi, chỉ một thoáng trên cõi đời rồi sẽ trở về tro bụi mà thôi (x. St 3,19). Cuộc đời ngày kia sẽ hài lòng và nhẹ nhàng mà rời đi, vì đã vẹn đủ để khép lại một cuộc đời đáng giá… Và hạt bụi nhỏ bé về lại tay Người nặn. Vậy ngày nào con còn sống, con sẽ ca tụng Chúa không ngừng (x. Tv 146,2). Thời gian hưu dưỡng, thời gian mà không ít người trong chúng ta ít là một lần ngại nhắc đến, thời gian mà người ta nói đến với những tính từ như buồn rầu, nhàn, cô đơn, bất lực…. Tôi thầm nghĩ đối với những ai đã đi vào đoạn dốc bên kia cuộc đời, hay thậm chí với cả những người trẻ về sự lụi tàn mất mát, thường chẳng mấy ai muốn nghe, muốn ghé qua, muốn dừng chân. Nhưng đó là một sự thật, là một phần sẽ nằm ở đâu đó trong hành trang con người lớn lên mà ta không thể từ chối hiểu hay kháng cự. Quan trọng là cách chúng ta chọn để đối diện với những gì đang thực sự diễn ra quanh mình.
Thời gian học viện, thời gian của “đời sinh viên”, bao nhiêu ước mơ hoài bão, bao nhiêu dự định và nỗ lực các mối quan hệ, tình chị chị em em ở một cái nhìn khác. Hay sau bao hiểu lầm của đời sống chung, sau bao khó khăn của chuyện học hành, của sự đổ vỡ, của sự hơn thua của con người trần thế, sau bao niềm vui vỡ òa của đời dâng hiến …. Khi đã can đảm đối diện với tất cả những vấn đề được đưa ra, điều quan trọng hơn bao giờ hết là sự thinh lặng nội tâm.
Có thể trước Thánh Thể Chúa, tôi trống rỗng, tôi vô hồn, ngồi trước Thánh Thể vì bổn phận, vì luật chung, hay có khi “thư thái bình an vừa ngồi con đã ngủ”, hay nhiều lúc con nhìn Ngài, nhưng con chỉ thấy Ngài giang tay, gục đầu và im lặng. Hồn con cũng vô cảm vì lúc này Ngài như trống vắng trong cuộc đời con. Cứ đến đi, đem hết tất cả đặt trước mặt ở giữa Chúa và bạn. Cứ đến đi, ngồi đó mà chẳng nói gì. Cứ đến đi, khi trí óc cứ bay xa với những bộ phim kịch tính. Cứ đến đi vì một câu nói bâng quơ nào đó, một lời trách móc nào đó, vì những bất đồng nào đó, vì những đố kị, ích kỷ, chậm trễ, lỗi luật nào đó. Cứ đến đi, trong khoảng không gian ngôi nhà nguyện, trước nhà tạm đơn sơ bé nhỏ. Chúa vẫn luôn chờ, Chúa mời bạn tháp nhập trái tim thương tích, bé nhỏ ấy vào trái tim thương tích của Người. Ở trạm cuối điểm dừng chân này hãy luôn ở bên nhau, quan tâm nhau như thể đó là lần cuối ta gặp nhau. Chúng ta có hàng ngàn cơ hội bên nhau, nhưng không biết bao giờ là lần cuối cùng. Bởi vậy chúng ta hãy yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12).