MÃ SỐ: 111-V37
LỜI CHƯA NÓI
“Ơn cha bóng núi âm thầm,
Nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn.
Một đời dãi nắng dầm sương,
Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào” (Ca dao).
Lời ca dao trầm bổng ngân theo nhịp đập trái tim tôi. Ngoài trời cơn mưa rả rích, những đợt gió lúc nhẹ, lúc mạnh lùa vào, tạo cảm giác lành lạnh. Vậy là mùa đông đã đến. Tay cầm chổi quét nhà mà lòng đắm chìm trong suy nghĩ về ba.
Thật hổ thẹn khi đã hai mươi mấy tuổi đời, tôi vẫn chưa một lần nói lời yêu thương hay bộc lộ tâm tư với ba. Đối với tôi, ba là một người đàn ông “Một đời dãi nắng dầm sương” cho anh em tôi ăn học lớn khôn nên người. Mỗi khi nhắc đến ba, trong tôi lại hiện lên hình ảnh một người đàn ông ốm tong, gương mặt khắc khổ với đầy vết nhăn, quần áo và tay chân lúc nào cũng lấm lem toàn những xi măng với vôi. Phải, ba làm nghề thợ hồ – cái nghề phải dầm mưa giãi nắng với những công việc nặng nhọc, lúc nào cũng tiềm ẩn những tai nạn có thể xảy ra.
Theo như lời kể của bà nội, khi xưa gia đình đông con lại không đủ ăn, nên nội không thể cho các con tiếp tục việc học, thế là đến lớp chín ba phải nghỉ học để theo người ta phụ hồ rồi học nghề. Có lẽ vì vậy mà ba luôn tâm niệm một điều: dù có phải làm lụng khổ nhọc đến đâu, vẫn phải cố gắng để cho các con được ăn học đàng hoàng. Nên anh em tôi nhắc nhở nhau phải lo mà học để không phụ lòng mong mỏi của ba.
Mặc dù gia đình chẳng mấy khá giả, tất cả việc sinh hoạt và học tập của bốn anh em tôi đều phụ thuộc chủ yếu vào đồng lương ít ỏi của ba, nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì tình thương vô bờ ba dành cho chúng tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày tôi mới học lớp hai. Lúc nửa đêm, khi ai nấy đều say giấc nồng, tôi lại lên cơn sốt cao, cơn nóng lạnh ập đến dữ dội, tôi chẳng thể gượng dậy nổi. Ấy thế mà ba lại nghe được tiếng rên của tôi, vội vàng chạy tới, vẻ mặt đầy lo lắng, túc trực chăm tôi đến gần sáng. Hôm sau nhắm tình hình không mấy khả quan, ba mẹ vội đưa tôi vào bệnh viện, tôi phải nhập viện. Mẹ tôi phải về để lo cho các anh chị: “Nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn”. Thế là một mình ba ở lại với tôi, chạy đôn chạy đáo lo từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc vệ sinh, chưa kể nhiều đêm phải thức trắng, vật vã với cơn sốt run giường của tôi. Mệt mỏi là thế, vất vả là thế nhưng tôi chưa bao giờ nghe được một lời than vãn nào từ miệng của ba. Thật “Ơn cha bóng núi âm thầm”. Trong tất cả mọi sự, ba vẫn luôn âm thầm chịu đựng, lặng lẽ hy sinh. Cứ thế, những đứa con của ba đã dần khôn lớn. Nhưng chưa báo hiếu cho ba mẹ được ngày nào thì chị tôi phải đi lấy chồng nơi xa, anh hai thì lên đường theo tiếng gọi của Chúa, tôi cũng tiếp bước theo anh mình khi vừa mới hoàn thành chương trình đại học, còn mỗi đứa em út đang học lớp mười hai. Thế là, ba lại phải tiếp tục lo cho em tôi ăn học trong khi đã ngót nghét tuổi sáu mươi.
Không một câu cấm cản, cũng chẳng hề có một tiếng thở than. Mặc kệ những lời đàm tiếu từ miệng người đời, ba vẫn ủng hộ hết mình và âm thầm cầu nguyện cho anh em chúng tôi. Đó là điều mà tôi cảm thấy mình thật may mắn. Cho đến bây giờ khi nghiệm lại, tôi nhận ra rằng ơn gọi của anh em chúng tôi được gieo và lớn lên trong lòng đạo đức của ba. Ba luôn nhắc nhở chúng tôi phải siêng năng tham dự Thánh lễ. Mỗi buổi tối, dù mệt mỏi đến đâu, ba vẫn chờ và qui tụ chúng tôi lại để cùng nhau đọc kinh tối, cùng cầu nguyện. Mẫu gương thánh thiện của ba đã lặng lẽ “Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào”, để rồi ý hướng dâng mình cho Chúa trong tôi mỗi ngày một lớn hơn.
Ngày tiễn tôi vào nhập Dự tu tại Cộng đoàn Giuse – Gò Vấp vì một vài sự cố mà chuyến xe bị hoãn đến một tiếng, cha con tôi ngồi chờ trên chiếc ghế đá ven đường. Không gian lặng im, chỉ nghe từng đợt gió rít lên ớn lạnh, cả hai chẳng nói với nhau câu nào, nhưng lén nhìn tôi thấy mắt ba đỏ hoe, có cái gì đó cứ nghèn nghẹn ở cổ. Thế rồi thời giờ cũng đã điểm, tôi phải lên xe đi thực hiện ước mơ của mình. Tôi tạm biệt ba mà chẳng nói nên lời, ba gọi với theo “Đến nơi thì gọi điện cho ba”. Tôi chỉ vội gật đầu rồi bước lên xe, hai hàng nước mắt thi nhau chảy dài trên má…
Thấm thoát đã hơn hai năm trên con đường theo Chúa, giờ đây, tôi đang trong giai đoạn Thanh tuyển – giai đoạn giúp tôi rèn luyện các nhân đức một cách kỹ càng hơn và nhìn nhận lại bản thân mình. Trải qua một chặng đường không phải là quá dài nhưng cũng đủ để tôi cảm nếm được những vui buồn của đời tu và cũng đủ để tôi nhận ra rằng mình phải làm một điều tốt trước khi quá muộn, đó là bộc lộ tâm tình biết ơn đối với ba: “Ba ơi, ắt hẳn là ba chưa được nghe những lời này từ con trước đây, bởi ba và con đều thuộc típ người trầm lặng, chẳng dễ để thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Con cảm ơn ba, người đã cùng với mẹ sinh thành và dưỡng dục con, cảm ơn ba vì đã dành cả tuổi thanh xuân, cả mồ hôi, nước mắt lẫn máu để đổi lấy sự trưởng thành của chúng con hôm nay. Cảm ơn ba đã cho chúng con được lớn lên trong mái ấm đạo đức. Cảm ơn ba đã âm thầm chịu đựng, bỏ ngoài tai tất cả những lời dèm pha mà hết lòng ủng hộ cho ước mơ của chúng con. Cảm ơn ba đã luôn là điểm tựa vững chắc, âm thầm cầu nguyện cho chúng con. Con thương ba nhiều!”
Dù cho hiện tại, con không biết chắc mình sẽ đi được đến đâu, nhưng con hứa, con sẽ luôn nỗ lực và thật kiên cường như cách mà ba đã đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Tạ ơn Chúa đã thương cho con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cả ba lẫn mẹ. Tuy giờ đây, con không thể thường xuyên ở bên ba mẹ, nhưng con tin chắc Chúa quan phòng luôn gìn giữ và thay con chăm sóc cho ba mẹ được bình an.