MÃ SỐ: 108-V36
MIỆT MÀI GIEO HI VỌNG
- Mày có trả tiền tao không? Thằng Tâm đen kia?
- Bọn này sòng phẳng lắm. Một là mang tiền về, hai là mang một ngón tay của thằng Tiến – con trai mày về để trình cho ông chủ của bọn tao.
- Dạ..dạ.. cho tôi khất đến tháng sau, tôi bán được nhà của tôi thì tôi dồn tiền trả các anh.
- Á…á..á..!
Choàng tỉnh giấc sau cơn mê sảng, Tiến toát mồ hôi hột. Cậu rùng mình khi nhớ lại giấc mơ vừa xong. Cậu bần thần ngồi nhớ lại từng chi tiết. Ôi! Thật ghê sợ. Cậu nhớ đến người ba đáng thương của cậu. Cậu định trốn học buổi hôm nay để bắt xe buýt lên thăm ba. Nhưng lại thôi…
***
Ánh nắng chiều đan xen trên những cành khô của bụi tre già đang nhạt dần, nhường chỗ lại cho một buổi chiều tàn êm dịu. Bà Năm đang lom khom thu lượm mẻ đậu đã phơi được ba cái nắng già. Bà ngước mắt lên nhìn đám mấy trôi lững lờ, lấy tay đập đập sau cái lưng mỏi đang khòm dần theo năm tháng. Bà tiếp tục quét những hạt đậu còn sót lại. Bà Lim đi làm đồng về, tạt ngang qua hỏi:
- Bà Năm, sao rồi?
- Sao là sao? – Bà Năm ngơ ngác nhìn.
- Thì chuyện cái thằng Tiến bữa trước đó, nó có còn xuống xin tiền bà nữa không?
Bà Năm dừng tay lại, thả cái chổi xuống sân, ngồi xuống cái bậc cấp đã sần sùi lổm chổm những viên sỏi đá cũ kĩ. Bà chép miệng, thở dài:
- Khổ thân nó. Từ ngày gia đình gặp sự cố, ba nó vô tù, mẹ nó chán nản cũng hóa ra tâm thần và giờ nó bơ vơ, cù bất cù bơ đó.
Mở cái nón lá trên đầu xuống, bà Lim tần ngần, hỏi thêm:
- Thế… bà còn cho tiền nó không?
- Có chứ! Nhưng tôi già rồi, cũng đâu có nhiêu tiền để cho nó đâu. Khi nào có dăm ba đồng thì gói dành lại đưa cho nó. Chứ nó đang tuổi đi học, đừng ép nó nghỉ. Tội nghiệp nó. Nó còn phải chăm mẹ nó nữa, tôi giúp được chút thì giúp thôi.
Bà Lim quay sang bà Năm, nguýt một cái thật dài:
- Gớm. Bà toàn lo chuyện bao đồng. Bà một thân một mình còn lo chưa xong, giờ còn đi lo cho thiên hạ. Có mảnh vườn sau nhà ngon thế cũng biếu không cho nhà thờ xứ. Rồi thằng Nam nó đi tu, làm cha quản xứ, cũng lo một đống chuyện chưa đủ hay sao mà giờ bà đòi dang tay lo chuyện nữa. Nhà cái thằng Tâm đó, còn nợ tôi mấy chục triệu. Giờ nó đi tù rồi. Thằng Tiến con nó, lớn lên lo mà trả. Ai quên thì quên chứ! Tôi là tôi không bao giớ quên đâu. Hừm.!
- Thằng Nam đi tu là chuyện của thằng Nam. Còn tôi đây là chuyện của tôi. Mọi sự để Chúa lo. – Bà Năm đăm chiêu nhìn xa xăm ra phía bờ ao.
- Ối giời ơi! Chúa? Chúa có cho bà tiền để giúp đỡ người ta không?
- Chúa cho tôi sức khỏe, cho tôi gia đình, cho tôi bình an. Thế là đủ rồi.
- Thôi. Tôi về đây. Nói chuyện với bà chán quá. Họ về già họ lo tích trữ để dưỡng già. Còn bà, bà lo thân người ta. – Bà Lim quay người, với cái nón quạt quạt mấy cái rồi đội lên đầu bước đi ra cổng.
- Bà về nghe. – Bà Năm nói với theo.
- À. Bà mà có chuyện gì thì đừng có trách tôi là không lo trước cho bà nhé. – Bà Lim ngoái lại nói một cách lạnh lùng.
Bà Lim dường như vẫn chưa muốn dừng cuộc đối thoại đầy cam go này. Bà bực bình, tự dưng thấy bà Năm không lo vun vén chuẩn bị về già cho mình mà lại giúp đỡ người ta thấy mà khó chịu. Bà rảo bước thật nhanh để về nhà trước khi trời chuyển sang màn tối.
Bà Năm lủi thủi bước vào trong nhà. Ánh đèn heo hắt chập chờn trong căn nhà cấp bốn bắt đầu phát sáng. Tiếng chuông tối của nhà thờ vang lên. Tiếng dế mèn, tiếng muỗi vo ve và tiếng các sinh vật khá cũng bắt đầu ca hát. Bà Năm nhớ lại hình ảnh của Tiến lúc sáng, lúc cậu đi lượm ve chai về. “Bà ơi! Hôm nay cháu lượm được 25 ngàn tiền ve chai. Cháu sẽ cố gắng chăm chỉ lượm thêm thật nhiều, bán kiếm tiền để mua một chiếc máy tính ạ.” Bà thao thức bồn chồn. Bà đi ra đi vào, nhìn con Lu nằm dưới gầm trường, đang cho đàn con bú. Bà Năm như lóe nên một tia hi vọng nào đó.
***
Mới 6h30 sáng, nhà bà Năm đã xôn xao tiếng người, tiếng người đàn ông lạ, tiếng những người hàng xóm sáng sớm sang tám chuyện.
- Bộ trường này cũng mấy chục năm rồi. Ngày xưa ông Năm thích nó lắm. Ai hỏi giá nào dù cao đến mấy cũng nhất định không chịu bán.
- Chuyện. Cả xã này có ai còn bộ trường vừa lâu năm, vừa có gỗ tốt như thế này đâu.
- Thế sao giờ lại nổi hứng bán vậy? Bà Năm?
- Giờ thì nó cũng được đi đến một nơi mới rồi, bà Năm nhỉ.
- Tôi mà có tiền tôi cũng mua rồi về bán lại cho mấy ông chuyên sưu tầm đồ cổ.
Bà Năm đi ra đi vào, lòng thấp thỏm không yên. Tâm trạng bây giờ của bà không sao diễn tả được. Bà nghe lời người ta nói, rồi bà nhìn bộ trường đã gắn bó với gia đình bà mấy chục năm nay. Bà nhớ lại những kỉ niệm đẹp của gia đình bà ngày xưa, những bữa cơm thân mật, những ngày mà chi họ của bà cùng nhau hội họp. Nhưng, hơn thế nữa, nó còn là món quà vô giá của người chồng quá cố. Không biết từ bao nhiêu thế hệ, không biết được làm từ những chất liệu gỗ gì và qua đôi bàn tay của những nghệ nhân đục đẽo nào. Bộ trường này như là chứng nhân lịch sử vững vàng trong dòng họ của bà cũng như nơi xóm nghèo thân thương. Ngước mắt lên di ảnh của ông, bà thì thầm:
- Ông Năm, tôi xin lỗi ông nhé. Tôi đã không giữ lời hứa với ông rồi…!
- Sao? Bà có muốn thay đổi ý định không? – Người đàn ông lạ ngập ngừng hỏi.
- Tôi…tôi…Tôi không biết nữa. – Bà Năm ngậm ngùi.
Nhìn bộ trường kỉ đã phai màu sơn dầu, bà Năm đưa tay rờ lên mặt trường, nó bóng bảy và nhẵn hín. Bởi nó đã được sống nơi đây qua mấy thế hệ. Bởi nó đã là chỗ dựa của biết bao con người trong gia đình bà cũng như vô vàn vị khách quý ghé thăm nhà bà.
- Các chú…các chú chuyển đi đi. Tôi…không thay đổi quyết định nữa đâu. – Bà Năm khẽ thều thào, nước mắt rơm rớm lăn xuống đôi gò má cao lốm đốm thâm nâu.
- Đây. Tôi gởi tiền bà. Cám ơn bà đã rộng lượng bán lại cho chúng tôi bộ trường quý này.
Cuộn những đồng bạc trong tay, bà Năm không còn thiết tha gì đến ăn sáng. Bà đi thẳng ra nhà Tiến. Gặp Tiến vừa đang sấp mải cầm chiếc cặp sách đang định chạy để cho kịp giờ học. Bà Năm dúi cuộn tiền vào tay Tiến:
- Cháu cầm lấy cái này, đi mua cái máy tính để mà học. Chứ giờ cháu sắp lên Đại học rồi, cần máy tính lắm.
Tiến ú ớ, mở miệng định nói gì đó nhưng không sao nói được. Cậu lấy tay dụi mắt xem mình đang tỉnh hay là nằm mơ. Cậu nhìn số tiền tám triệu trong tay. Cậu vui mừng mà không sao diễn tả nổi. Cậu cám ơn bà Năm rối rít:
- Ôi! Cháu cám ơn bà nhiều ạ. Số tiền lớn quá. Bà đã giúp cháu nhiều rồi, giờ còn cho cháu tiền mua máy tính nữa.
Bà Năm xoa đầu Tiến:
- Ôi dào ơi! Bõ bèn gì. Đây là Chúa cho bà nên bà chia sẻ lại cho cháu đó. Chỉ cần cháu học ngoan và luôn biết đọc kinh cầu nguyện, cám ơn Chúa là được. Biết đâu sau này Chúa gọi cháu đi tu giống cha Nam nhà bà ấy chứ. Thôi cháu đi đi.
- Dạ. – Tiến cười tươi.
Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của cậu thanh niên đang tuổi mới lớn. Bao nhiêu bạn bè khác cùng trang lứa được gia đình chăm chút, tạo điều kiện học thêm học bớt để chuẩn bị cho tương lai sau này. Trong khi đó, Tiến, một vai theo đuổi việc học trên trường, một vai thất thểu lo kiếm bữa ăn qua ngày cho cậu cùng với người mẹ đang bị bệnh ở nhà. Cậu không còn thời gian để trau truốt cho vẻ đẹp của một chàng thanh thiếu niên, cũng càng không có thì giờ nói chuyện để tán tỉnh hay làm quen với những bạn nữ xinh đẹp khác.
Thời gian học đại học, những lần gặp bà Năm cũng ít dần. Giờ cậu sinh viên trẻ có thể vừa học vừa kiếm tiền để trang trải cho mình. Cứ đến Chúa Nhật cuối tuần, cậu đi xe máy về nhà để đi lễ, tiện thể ghé xuống bà Năm để thăm hỏi. Nhưng đã ba tháng nay, bà Năm không nghe thấy tiếng xe máy đến nhà, cũng chẳng thấy Tiến đi lễ vào ngày Chúa Nhật hàng tuần nữa. Bà nghĩ chắc Tiến bận học và đi làm thêm. Đang suy nghĩ vẩn vơ thì có tiếng gọi thất thanh:
- Bà Năm…bà Năm. Đấy. Tôi nói rồi có sai đâu. Bao nhiêu công sức của bà ra công cốc. Gớm. Tiền bạc, của cải bà đổ hết xuống biển, xuống ao rồi. Bà Lim hối hả báo tin.
- Sao? Có chuyện gì mà bà mắng tôi như tát nước thế? – Bà Năm ngơ ngác.
- Thì cái thằng Tiến đó. Từ sáng đến giờ xóm mình đồn ầm lên kìa. Không biết có chuyện gì mà sân nhà nó đang có đông người lắm. Cả bác sĩ, cả thầy cô giáo của nó nữa, từ phố xuống. Tôi nghe mấy lão xe thồ nói là hình như nó sắp chết nên bệnh viện trả về. Eo ôi! Sợ quá…Chết yểu…- Bà Lim nhăn nhó.
- Ôi Chúa ơi! Sao vậy chứ ?
Vơ vội cái nón vào tay, bà Năm rảo những bước thật nhanh để đi lên nhà Tiến. Vừa vào tới đầu ngõ, thấy hàng xóm đứng chen chúc trong nhà Tiến. Bà Năm nhẹ nhàng len lỏi qua lớp người để tiến sâu vào trong xem có chuyện gì. Bà dường như không thể tin vào mắt mình được nữa, một cảnh tượng thật hãi hùng. Tiến người gầy nhom, đầu rụng hết tóc. Cậu đang phải thở bằng bình Oxy. Những tiếng thở của máy cứ phì phò, phì phò, hoà vào tiếng bàn tán xôn xao của xóm làng. “Hình như nó chơi bời với bạn bè nên lây bệnh đó…?”. “Hình như tôi nghe ai đó nói là nó bị bệnh phổi mà không có tiền chữa mà..”. “Ơ! Tôi tưởng nó bị sốc thuốc chứ”. “Khổ, thằng bố nó chưa đi mà giờ nó đi trước đấy..”. Bà vẫn chưa hình dung ra nổi chuyện gì đang diễn ra. Bà nắm lấy tay Tiến, nhìn vào khuôn mặt tái mét của cậu, bà xoa xoa vào cái đầu trọc trơ không còn đến một cọng tóc. Tiến dường như cảm nhận được điều gì đó, hai hàng nước mắt từ khoé mi chảy ra. Đôi bàn tay gầy gò ốm yếu, cậu cố gắng đưa lên để cầm lấy tay bà Năm. Ngón tay cậu nhúc nhích, cậu viết vào bàn tay bà Năm những nét chữ: “xin ..lỗi ..bà”. Cánh tay mệt mỏi rơi “bịch” xuống chiếc giường xếp. Tâm, cũng đang ngồi bên cạnh giường của Tiến, con trai anh. Anh không còn phong độ như thời trai trẻ. Nhìn anh già quá so với số tuổi thực của anh. Có lẽ vì bao năm sống trong không gian của những thanh sắt, trong những bộ đồ mang số mà giờ Tâm đã tiều tuỵ hẳn. Không ngăn nổi những giọt nước mắt nóng hổi, bà Năm khóc thút thít, thương cho số phận đáng thương của cậu và gia đình. Bà tháo cỗi tràng hạt trên tay, trao cho Tiến. Bà đưa vào lòng bàn tay rồi nắm những ngón tay của cậu lại. Bà tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa, bà hi vọng Tiến cũng như nhiều người đáng thương khác sẽ được bình an nghỉ yên trong Chúa. Rồi không bao lâu nữa, bà cũng được cảm nhận giây phút tuyệt diệu này. Bà lững thững bước đi trong nỗi ưu tư sầu muộn, ngước mắt lên trời, bà thầm thĩ:
- Lạy Chúa, con không thất vọng vì những hi sinh của con, nhưng vì vườn nho của Chúa ban rộng mênh mông và phức tạp quá. Chúa biết sức con yếu đuối và mỏng giòn. Con vun, con xới, anh chị em cùng giúp sức. Còn Chúa cho mọc hay không là tuỳ ý Chúa. Con xin phó thác mọi sự cho Chúa. Amen.