MÃ SỐ: 63-V26
Tiếng Chuông Mời Gọi
Trong một hội dòng nhỏ, nép mình giữa cánh đồng lúa mênh mông, có ngôi nhà nguyện linh thiêng. Xung quanh là hàng cây cao to đồ sộ, những bãi cỏ xanh tươi pha trộn với những hạt cát vàng óng ánh, và đặc biệt là các cô gái độc thân đang chăm lo vườn nho của Chúa mỗi ngày. Vào mỗi buổi sáng, khi ánh bình minh nhẹ nhàng len qua những tán cây, tiếng chuông nhà nguyện vang lên khắp nơi, nhắc nhở mọi người rằng đã đến lúc bắt đầu công việc nhà Chúa. Ai ai cũng thức dậy và vui vẻ dâng mình cho Chúa, chuẩn bị tham dự bữa tiệc tại vườn nho qua việc tham dự thánh lễ, đọc kinh, nguyện gẫm, lao động, giải trí, hay những hy sinh khác nhằm phục vụ Chúa và mọi người.
Tại không gian tĩnh lặng này, nhiều du khách từ khắp nơi đến để hành hương hoặc du lịch. Hầu như ai đã từng đặt chân đến đây cũng đều thích phong cảnh và không khí bình yên, cùng với kiến trúc của ngôi nhà và ngôi nhà nguyện linh thiêng, hòa quyện với những mùi hương thánh thiện và sự dễ thương của các cô gái trẻ độc thân. Họ thấy các cô gái trẻ, mà đa số có khuôn mặt khá giống nhau, nhìn hiền từ, đơn sơ, giản dị, như thể họ thuộc về một thế hệ khác. Họ sống khác biệt so với những cô gái bên ngoài, nơi mà các thiếu nữ thường thích ăn mặc màu mè, thay đổi mốt liên tục, và trang điểm cầu kỳ. Còn các cô gái ở đây chỉ có hai, ba bộ đồ để mặc đi mặc lại, với trang phục kín đáo, màu sắc đơn giản, vải tầm thường, không giày guốc hay túi sách hàng hiệu, và không trang điểm.
Khách du lịch tò mò và sầm xì với nhau: “Tôi thấy mấy chị này cứ đọc kinh cầu nguyện mãi, mà không thấy ai đọc một mình, lúc nào cũng đông người.” Có lần, tôi thấy vậy nên cũng quỳ xuống và đọc nhẩm theo họ. Tuy không hiểu ý nghĩa của kinh nhưng có một chị bày tôi cầu nguyện, và sau đó tôi cảm thấy tâm hồn bình an, được bồi dưỡng thêm sức mạnh và nghị lực. Từ đó, mỗi khi rảnh hoặc tâm hồn bất an, tôi lại đến đây cầu nguyện và bồi dưỡng tâm hồn.
Khách A: “Bà có muốn vào trong xem thử không?”
Khách B: “Tôi không biết cầu nguyện như thế nào.”
Khách A: “Hôm bữa, chị kia bày cho tôi như thế này: Hãy ngồi xuống, để lòng mình lắng động, nhìn lên bàn thờ, và tưởng tượng người đang treo trên đó là người bạn thân của mình. Mình có những điều buồn phiền, lo lắng hay trắc trở gì cứ kể hết cho người đó và bảo người đó giúp mình. Yên tâm, người đang treo trên đó sẽ không nói cho ai biết những điều bà kể đâu. Rồi bà tin rằng người đó sẽ luôn dõi theo và ủng hộ bà.”
Khách B: “Tôi cũng làm như vậy và cảm thấy bình an sau những giờ tâm sự đó. Tôi thấy ấn tượng và ngưỡng mộ với những cô gái trẻ ở đây. Tôi tò mò về đời sống và lý tưởng sống của họ. Vậy tôi có thể nói chuyện với các sơ trẻ này không?”
Khách A: “Được chứ! Cứ tự nhiên, mấy sơ này hiền lành và dịu dàng lắm, bà mau hỏi đi.”
Khách B: “Chị ơi! Cho tôi hỏi chút chuyện được không?”
Pha: “Dạ được ạ!”
Khách B: “Các chị làm gì ở đây mà đông thế? Các chị không về nhà à?”
Pha: (cười mỉm) “Dạ, nhà tụi con ở đây rồi ạ! Chứ về đâu nữa ạ?”
Khách B: “Thật hả? Sao tôi thấy toàn là con gái không à? Nhà chị không có con trai à? Bố mẹ của chị sinh được nhiều vậy sao?”
Pha: (cười rúc rỉu một hồi lâu rồi mới giải thích) “Dạ, các chị em trong nhà tụi con không phải là chị em ruột. Tụi con đến từ nhiều vùng miền khác nhau, cùng nhau tụ họp tại đây để xây dựng ngôi nhà chung của Chúa.”
Khách B: “Ủa, Chúa là ai vậy?”
Khách A: “Chị không biết sao? Là người mà hồi nãy chị nói chuyện trong đó.”
Khách B: “À, nhưng tôi vẫn chưa biết người đó là ai mà?”
Pha: “Không sao đâu ạ! Mời bà vào đây xem. Chúng con theo đuổi và yêu người đang bị treo trên đó. Người mà chúng con gọi là Cha, là Chúa. Người sống rất hiền từ và thương xót loài người. Người đã chịu treo trên đó một cách nhục nhã chỉ vì chữ ‘yêu’, để nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài mà chúng con được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi.”
Khách B: “Thế hết mọi sơ trong đây đều chỉ yêu một người đó thôi à?”
Pha: (cười ngượng) “Đúng vậy ạ!”
Khách B: “Ủa, kỳ vậy, nhiều người mà chỉ yêu một người thôi sao? Thế đâu gọi là yêu? Người kia biết chọn ai bây giờ?”
Pha: (cười mỉm) “Một người có thể yêu được nhiều người, thì nhiều người cũng có thể yêu được một người, nếu như mọi người đều có chung một niềm tin, một chí hướng và một mục đích, đó là xây dựng vườn nho nhà Chúa.”
Khách B: “Ồ, thì ra là vậy.”
Sau giờ kinh chiều, khi tiếng chuông reo, các chị em ai ai cũng háo hức mặc bộ đồ lao động. Người cầm quốc, cầm liềm, cầm kéo, cầm cào, đẩy xe rùa, và cầm toa tưới nước, hăng hái cùng nhau ra làm. Những chị em sức khỏe yếu thì làm cỏ, những ai có sức một chút thì quốc đất, khiêng phân, tưới nước. Những ai có tay nghề thì làm luống, căng dây, trồng rau, gieo hạt, căng lưới. Các chị em khác thì dạy nhau cách tỉa cây, cắt lá, uốn cây… Vừa làm vừa trò chuyện cười vui nên mọi người quên đi những mệt mỏi hay mùi hôi của phân. Ai cũng nhiệt tình làm tốt công việc của mình.
Kết thúc giờ làm việc, chị em chúng tôi ngồi nghỉ giải lao một chút cho mồ hôi bớt. Một lát sau, tiếng chuông lại reo lên, nhắc chúng tôi đã đến giờ giải trí. Ai ai cũng phấn khởi ra sân, tuy con gái nhưng chúng tôi lại thích chơi đá banh. Mặc dù chơi không chuyên nghiệp nhưng chúng tôi cùng mang lại cho nhau những tiếng cười rộn rã, sảng khoái, khiến các khách du lịch xung quanh cũng dừng chân lại xem. Có mấy người khách, cả trẻ em lẫn người lớn, cũng tham gia chơi chung với chúng tôi. Họ nói đã lâu rồi chưa tìm được nguồn vui nào thân mật, gần gũi, nhẹ nhàng và đơn giản như thế này.
Buổi chiều vui vẻ dần khép lại, trước giờ cơm là giờ tắm rửa và sinh hoạt là lúc thích hợp để chị em cùng nhau trò chuyện với nhau. Pha hỏi một chị đi xứ mới về.
Pha: “Chị ơi, chị đi xứ có vui không ạ?”
Chị: “Có chứ, vui lắm em ơi.”
Pha: “Wow, thế chị kể cho nghe với.”
Chị: “Lúc đầu chị cứ ngỡ ở bên ngoài người dân sẽ sống buông thả nhiều, họ sẽ ít nghĩ tới Chúa hơn. Nhưng khi đi rồi mới biết, ở giáo xứ khác chị không biết, nhưng ở giáo xứ chị đi thì thấy giáo dân rất siêng năng và đạo đức. Cứ vào mỗi buổi sáng, tiếng chuông nhà thờ cất lên là họ đã có mặt tại nhà thờ để đọc kinh và tham dự thánh lễ. Nhìn trong nhà thờ có đầy đủ các thành phần, từ người già, trẻ em, phụ nữ đến đàn ông. Những người bị tật cũng ngồi xe lăn đến, có những người chân đi lại khó khăn nhưng họ cũng gắng lết đến nhà Chúa cho bằng được. Tất cả đều hào hứng tham dự tiệc Thánh Thể linh thiêng. Nhưng chị thấy giáo xứ đó đông người nhưng ca đoàn và các hội đoàn chỉ có ít người tham gia, chị thấy lạ. Nên chị mới hỏi một số người dân, họ nói không phải họ không muốn tham gia mà họ sợ mình hát không hay, không đủ khả năng, không đủ sự thánh thiện để phục vụ nhà Chúa. Thế nên ngày hôm sau, khi thánh lễ kết thúc, chị và Thầy xứ xin phép Cha xứ cho phép được kêu gọi người dân tham gia vào ca đoàn và hội đoàn. Sau đó, chị gặp gỡ và động viên những người dân rằng chẳng có ai sinh ra đã hát hay cả. Nếu ai cũng nghĩ mình không hát được, thì cả thế giới này sẽ không có ca sĩ. Tuy những người sinh ra đã được Chúa cho khả năng hát hay, nhưng để trở thành ca sĩ, họ cũng phải trải qua quá trình tập luyện đầy thử thách mới có danh hiệu ca sĩ. Thế nên chúng ta đừng buồn hay e ngại về việc mình dọng dỡ hay không có khả năng. Mà chỉ cần chúng ta muốn cộng tác vào vườn nho nhà Chúa qua việc làm những điều mình nghĩ mình không thể. Vậy tối nay con xin mời mọi người cùng nhau tham gia buổi tập hát để chuẩn bị cho lễ bổn mạng của giáo xứ sắp tới nhé!”
Sau lời mời gọi đó, tối đến có rất nhiều người tham gia vào ca đoàn, đến nỗi thiếu ghế để ngồi luôn. Trong quá trình tập hát, chị thấy hầu như mọi người ai cũng hát hay, nhưng có mấy người giọng thì hay đó nhưng họ còn chưa tự tin hát vì họ nghĩ mình hát không hay. Kết thúc buổi tập hát, tất cả mọi người nở nụ cười thoả mãn và hạnh phúc. Chị thấy nụ cười đó tỏa lên niềm hãnh diện vì được hát những bài ca tôn thờ Chúa và sự hạnh phúc vì họ đã làm được điều họ nghĩ mình không đủ khả năng. Sau khi đọc kinh kết thúc, ai cũng chúc nhau ngủ ngon, giữ gìn giọng để ngày mai hát lễ.
Sáng hôm sau, cũng là tiếng chuông đó vang lên, nhưng sao chị lại thấy tiếng chuông nhà Chúa vang lên với âm thanh thoát, trầm ấm và tôn kính. Mỗi lần tiếng chuông đổi, âm thanh như xé tan không gian yên tĩnh, ngân vang dài trong không khí, tạo nên một giác quan thiêng liêng và sâu lắng. Tiếng chuông không chỉ là lời nhắc nhở về giờ lễ, mà còn là tiếng gọi thiêng mời con người đến gần hơn với Chúa, hướng lòng mình về sự cầu nguyện và suy niệm. Âm thanh ấy vang xa, mềm vào lòng người, mang lại sự an ủi, xua tan những lo toan đời thường. Giữa khung cảnh tĩnh lặng, tiếng chuông như lời nhắc về niềm tin và hy vọng, kết nối con người với trời cao, khơi dậy sự bình an trong tâm hồn. Ai ai cũng háo hức cùng nhau tiến vào vườn nho Chúa, nơi có đầy đủ các thành phần dân Chúa, từ người lớn đến trẻ em. Người thì lo chuẩn bị những thứ cần thiết trong nghi thức làm vườn nho, người thì giúp lễ, có một số người lo hát, người thì đánh đàn, bắt nhịp, còn số còn lại thì cùng nhau hướng lên bàn tiệc Thánh Chúa, chào đón ông chủ vườn nho qua những lời hát, câu kinh, và lời cầu nguyện… Tất cả những công việc đó đã góp phần vào việc xây dựng vườn nho nhà Chúa trên trời.
Pha và các chị em khác cùng nhau cười và cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm đi xứ, làm việc hay kinh nghiệm sống tốt.
Khi ngày dài kết thúc, màn đêm buông xuống và tiếng chuông cuối cùng vang lên, mọi người tụ tập lại trong sự tĩnh lặng của nhà nguyện. Những cô gái trẻ, những con người đã dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa, cũng quay về sau một ngày làm việc mệt nhưng đầy ý nghĩa trong vườn nho của Ngài. Không ai cảm thấy mệt mỏi, thay vào đó là niềm vui lan tỏa và sự bình an trong tâm hồn. Tiếng cười, lời cầu nguyện, và sự chăm chỉ của họ không chỉ xây dựng một cộng đồng nhỏ, mà còn là sự đóng góp thầm lặng vào vườn nho vĩnh cửu của Chúa.
Du khách đến đây, dù chỉ một lần, đều cảm nhận được bầu không khí đặc biệt này. Những người có nỗi lo lắng, phiền muộn cũng tìm thấy sự an ủi và yên bình qua chuông và cầu nguyện. Họ nhận ra rằng, giữa cuộc sống bộn bề, vẫn có nơi yên tĩnh để tâm hồn tìm về sự tĩnh lặng và niềm tin. Và dù có thể họ không hiểu hết ý nghĩa của những nghi thức, nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là họ đã tìm thấy sự thanh thản trong chính mình.
Và như vậy, tiếng chuông vẫn vang lên, nhắc nhở mọi người rằng mỗi ngày đều là một món quà, một cơ hội để sống trọn vẹn, để yêu thương và phục vụ, cùng nhau hướng về một lý tưởng cao đẹp là góp phần xây dựng vườn nho nhà Chúa, nơi tình yêu và sự bình an hội tụ, sẽ mãi mãi là nơi chốn bình yên cho mọi tâm hồn.