MÃ SỐ: 38-V16
VỆ SĨ VƯỜN NHO
Gâu! Gâu! Gâu! Chú chó nhỏ của tôi cứ hướng về cuối khu vườn mà sủa, tôi nhẹ nhàng để tràng chuỗi Mân côi vào túi áo rồi dẫn nó đi về hướng ấy. Nó sủa dữ dội hơn, dường như nó đã nhìn thấy cái gì đó hay ai đó và quả đúng như thế. Nó đã giật tung sợi dây khỏi tay tôi và chạy tới phía cuối bờ thành để vồ vào một người đang nhanh nhẹn trèo qua bức tường thành. Tôi vội dừng chân và gọi chú chó quay lại với mình vì tôi chợt nhận ra người anh em tôi đang đói. Người anh em tôi đang đói về thể lý hay đói về tình thương hoặc thiếu sự quan tâm hay một lý do nào đó chăng? Có lẽ đây là lý do mà người ta sinh ra trộm cắp hay nghịch phá…
Tôi dẫn chú chó quay lại lều canh, bóng người chạy trốn ấy như cuốn phim quay chậm, gợi nhớ cuộc đời tôi. Nghiệm lại, tôi mới nhận ra Chúa đã viết thẳng trên những đường cong của cuộc đời tôi. Bởi tôi là con út trong gia đình nhưng lại là con của người vợ thứ hai của ba tôi, mẹ tôi mất khi tôi còn rất nhỏ. Tôi nghĩ mình là đứa con riêng ít được quan tâm nên tôi tìm đủ cách để chứng tỏ tôi, để thể hiện mình. Thay vì con ngoan, trò giỏi thì tôi lại chọn cách nghịch ngợm, ngông cuồng, chọc phá người khác ở trường lớp hay xóm làng, trộm trái cây nhà người ta không phải vì đói mà vì thích chơi nổi, gây sự chú ý. Chạy xe một bánh dang hai tay, hút thuốc, uống rượu khi tuổi đời còn nhỏ. Ba tôi phiền lòng, anh chị mệt mỏi bởi thầy cô thường xuyên mời gặp phụ huynh để “mắng vốn”, làng xóm khó chịu, chửi rủa. Tôi đã từng chịu nhiều trận đòn nhưng điều đó chẳng thay đổi cá tính ngang ngược của tôi.
Cho tới ngày kia, tôi cùng với đám bạn đánh lộn với một nhóm khác và gia đình bên ấy đã đến nhà gặp ba tôi để đòi bồi thường và xử phạt tôi. Trong lúc nóng giận, ba và các anh chị tôi đã la mắng và đuổi tôi ra khỏi nhà. Với cá tính nóng nảy của cái tuổi dậy thì, cùng cái thói ngang ngược đang muốn thể hiện mình để mong mọi người quan tâm chú ý. Nay, tất cả như đổ vỡ, thất bại… Tôi vỡ oà trong tiếng khóc!!! Buồn bã và thất vọng! Tôi trèo lên chiếc xe đạp chạy đi mà không biết mình đi đâu, cũng không muốn quay về căn nhà ấy nữa vì tôi nghĩ chẳng còn ai thương tôi, chẳng ai muốn đón nhận tôi.
Thế rồi, tôi đứng lên quyết tâm làm lại cuộc đời. Tôi đi tới tiệm sửa xe bán chiếc xe đạp của mình, được một triệu đồng. Tôi đón xe đi lên Đà Lạt suốt một ngày phiêu bạt trên vùng đất mới lạ không tìm được công việc và chỗ ở. Tôi lại lên xe đi tiếp, chuyến xe định mệnh của cuộc đời: Đi một lúc thì bác phụ xe lại hô lên: “Sắp tới Lăng Cô ai xuống thì chuẩn bị hành lý”.
Tôi không nghe rõ điểm nào và khi đến những điểm có vài người ồn ào tìm kiếm và kiểm tra hành lý để xuống xe, chỉ riêng mình tôi ngồi im bất động vì tôi không có điểm nào để xuống. Lần lượt hết người này đến người kia xuống xe, chỉ còn vài người lác đác, và tôi vẫn ngồi im nhìn qua ô cửa sổ một cách mông lung. Bỗng, tôi nghe bác phụ xe hô lên: “Ai xuống La Vang thì chuẩn bị hành lý nghen!”. Tiếng hô làm tôi giật mình tỉnh lại, tôi nhẩm lại trong trí: La Vang – một cái tên nghe quen quen. Và khi chiếc xe dừng bánh ở điểm La Vang, một cách vô thức tôi cùng chung đoàn người bước xuống xe, mà tôi không biết tôi xuống đây để làm gì?
Lang thang theo dòng người đông đúc tôi chợt thấy một tấm bảng ghi TRUNG TÂM THÁNH MẪU LA VANG. Khi bước vào tôi nhận ra đây là một Thánh địa mà trên quê tôi thỉnh thoảng có một vài đoàn thể rủ nhau đi hành hương nơi này. Bước tới chân Mẹ La Vang, tôi thầm thỉ : “Mẹ ơi! giờ con phải làm sao? Con về thì không được mà đi thì không biết đi đâu???”.
Thế rồi tôi quanh quẩn trong Thánh địa cả ngày hôm ấy, hết ngồi ghế đá lại ngồi gốc cây, đi chỗ này rồi đến chỗ kia… Lúc này trời đã xế chiều tôi cũng thấm mệt vì cả ngày không ăn uống gì cả. Cái nắng khiến tôi mệt nhoài, bước chân vô thức đưa tôi đến bên ghế đá trước linh đài Mẹ. Tôi ngồi bệt xuống không nói gì, chỉ nhìn lên Mẹ trong buổi chiều tà đang dần đi vào đêm tối. Ánh đèn điện đã lên, tôi vẫn ngồi thinh lặng trong vô vọng.
Bỗng tôi nghe có tiếng ai đó nói bên tôi: “Tại sao con còn ngồi đây?”. Tôi giật mình nhìn lên thì đó là một Linh mục.
Tôi trả lời: “Con không có chỗ nào để đi”.
Ngài hỏi tiếp: “Con đã ăn gì chưa?”. Tôi lắc đầu. Ngài bảo tôi đi theo ngài.
Và một bữa cơm tối tuy đơn sơ nhưng ấm lòng cho một đứa trẻ lang thang như tôi. Vị linh mục ngồi đó nhìn tôi ăn và không hỏi gì thêm. Sau bữa cơm ngài nói: “Con không có chỗ nào đi thì ở lại đây với cha”. Rồi ngài chỉ cho tôi chỗ ở trong một căn phòng nhỏ và lấy quần áo của ngài cho tôi tắm rửa, nghỉ ngơi.
Ngày kế tiếp của tôi được ngài đón nhận như một người đã quen biết từ lâu. Ngài bảo tôi: “Công việc của con là quét dọn xung quanh nhà thờ, hành lang nhà hành hương và tưới cây, tới giờ cơm thì vào ăn với cha nhé!”. Bảy ngày trôi qua tôi sống với ngài trong sự thân tình vui vẻ như người cha với đứa con, mọi nỗi buồn, cô đơn hay tức giận trong tôi dần tan biến.
Vào buổi chiều thứ Bảy hôm ấy, khi hai cha con cùng đi dạo bên linh địa Mẹ, tôi kể cho ngài cuộc đời của tôi. Kết thúc câu chuyện ngài chỉ hỏi tôi một câu: “Bây giờ con tính sao?”.
Tôi chỉ biết nhẹ đáp: “Dạ, con cũng không biết sao nữa?”.
Ngài lại hỏi tiếp: “Vậy con có muốn đi tu không?”.
Tôi ngập ngừng đáp: “Đi tu là gì?”. Ngài giải thích một chút cho tôi, mặc dù tôi không hiểu gì, vì trong tôi chưa có một khái niệm nào về chữ “tu”.
Rồi ngài kết một câu: “Con cứ đi thử, không được thì về đây với cha”.
Hôm sau, ngài chuẩn bị cho tôi một ít tư trang trong một cái ba lô gọn gàng và chở tôi đến ĐAN VIỆN THIỆN AN. Bước vào Đan viện là một chân trời mới trước mắt tôi, và tôi thấy: “Sao nơi đây yên tĩnh đến lạ thường”, bước theo ngài đi đến phòng khách của Đan viện. Có lẽ đã có cuộc hẹn trước, có một vị tu sĩ đón gặp ngài và tôi, sau này tôi mới biết đó là cha giáo coi lớp Đệ tử, tôi thấy hai ngài nói vài câu qua lại vui vẻ, rồi ngài quay sang tôi và nói với cha kia: “Cha cho tôi gởi em này tìm hiểu xem có ơn gọi ở đây không nhé!”.
Thế rồi, ngài từ biệt tôi và ra về, tiễn cha ra cổng mà đoạn đường ấy sao quá xa. Lần đầu tiên trong đời của một đứa trẻ ngông nghênh, không sợ trời, sợ đất mà nay tim đập nhanh, nước mắt chảy ngược thương tiếc, xót xa khi chia tay một người quen chưa đến hai tuần.
Trở vào Đan viện với con tim bồi hồi một chút lo sợ, nếu trước kia tôi tự tôn mình như một anh hùng, như một đại ca, không sợ ai thì nay lại nhút nhát rụt rè như con rùa thu mình vào tấm bia an toàn. Kìa, một tràng pháo tay của anh em chào đón thành viên mới cùng tiếng nói cười rộn rã kéo tôi vào cuộc, làm tôi bớt đi sự ngượng ngùng. Cộng thêm sự quan tâm, hoà nhập vui vẻ của các anh em mà tôi chưa gặp bao giờ làm cho tôi suy nghĩ “Tại sao lại có những con người vui vẻ, hiền lành và dễ gần đến vậy nhỉ ?”.
Nhìn anh em mà trăm nghìn câu hỏi đến trong đầu tôi. Tối hôm ấy là cái đêm mà tôi nhớ như mới hôm qua. Lần đầu tiên trong đời tôi thức trắng, trong đêm đen của căn phòng trống rỗng, lặng thinh, tôi nằm mà để nước mắt chảy tự do, đêm ấy tôi khóc như chưa từng được khóc. Nếu lúc ở gia đình tôi khóc vì những lần bị đòn quá nặng thì nay, tôi khóc vì nhớ những trận đòn ấy mà thương người phải đánh tôi, tôi nhớ ba, nhớ các anh chị và muốn thốt lên lời xin lỗi, nhớ da diết người cha mới quen… Tôi muốn chạy đến bên cha nói lời cảm ơn. Một đêm dài của thao thức và nhớ thương.
Sau bữa ăn sáng, cha Đặc trách rất tâm lý, ngài đến bên tôi, nhìn tôi và nói khẽ: “Con học làm quen với các anh em rồi cuối tuần cha cho về thăm cha xứ nhé!”. Tim tôi như mở hội và việc làm quen, hội nhập với đời sống Đan viện không quá khó. Vì nơi đây, ai cũng xem tôi như người em trong nhà, ân cần chỉ vẻ và vui tươi chơi đùa cùng nhau trong giờ thể thao. Rồi, ngày cuối tuần cũng đã đến, mới sáng sớm mà tôi đã đắn đo không biết mở lời như thế nào để xin cha giáo về thăm cha xứ, lúc này tôi đang rất muốn gặp ngài để nói với ngài lời cám ơn.
Đang loay hoay với công việc thường nhật, thì có một anh đến nói với tôi, em ra nhà khách có người gặp. Tôi như muốn nhảy lên vui sướng vì tôi đoán chắc là cha xứ chứ không còn ai khác. Bước ra phòng khách thì đúng là cha thật. Cha trao cho tôi một nụ cười chất chứa bao thương nhớ, tôi cảm thấy thật ấm lòng. Nụ cười đong đầy tình người mục tử dành cho con chiên lạc như tôi, câu cám ơn trong lòng hằng ấp ủ giờ đây gặp cha chẳng nói nên lời. Tôi và cha mới quen thôi, nhưng sao tôi cảm thấy tình cha thương tôi từ rất lâu và Chúa đã chuẩn bị cha để dẫn đường cho tôi.
Hai cha con chuyện trò thăm hỏi trong giây lát rồi cha hỏi tôi: “Con muốn ở lại đây hay về với cha”.
Dù trong vô thức nhưng sao tôi mạnh dạn đáp: “Dạ, con ở lại”.
Mỉm cười và bắt tay tôi, cha nói: “Chúc con ở lại bình an trong Chúa và vui vẻ với anh em nhé!”.
Tôi gật đầu: “Dạ!”.
Tiễn cha ra về, lần này nhìn cha đi mà lòng tôi thanh thản, tuy vẫn còn một chút nhớ thương nhưng tôi cảm thấy vui trong lòng. Trong giây phút lưu luyến ấy, tôi đang thầm hứa với cha: “Con sẽ sống nơi đây trong Chúa, cùng với anh em phục vụ âm thầm cho danh Chúa cả sáng”.
Quay đầu đi vào Đan viện hay phải nói: hơn bao giờ hết, Đan viện đã đi vào lòng tôi từ ngày ấy. Để rồi hôm nay khi cánh cửa lớp Thần IV của Đại Chủng viện khép lại cũng là lúc tôi trở lại với công việc thường nhật của gia đình Đan viện này, cùng với anh em cầu nguyện, lao tác, cùng thay phiên canh giữ vườn cam với tràng chuỗi Mân côi trên tay. Con thầm thỉ với Mẹ chuyển cầu cùng Chúa, tạ ơn Chúa đã thương chọn gọi con, khi con là tội nhân để rồi Chúa dẫn con vào Đan viện này để sống với Chúa trong cô tịch và nguyện cầu, để cùng với Chúa xây đắp vườn nho cho Giáo Hội.
Bỗng, tiếng chuông reo lên từ cổng Đan viện, nhưng không phải phiên trực của tôi. Tôi chỉ đứng nhìn theo bóng người anh em của tôi đi ra mở cổng, có hai người đàn ông bước vào. Người anh em dẫn họ đến vườn cam. Có lẽ họ mua cam.
Tôi quay người định đi vào nhà, thì tôi nghe rõ mồn một tiếng ai nói giống tiếng của ba tôi quá. Tôi ngoái cổ để nhìn. Ồ, đúng là ba của tôi rồi. Còn người kia, anh Tư. Anh Tư của tôi. Chân tôi run lên. Lòng vừa mừng, vừa sợ. Tim tôi đập mạnh như muốn vỡ lồng ngực. Đúng là ba và anh Tư của tôi rồi. Tôi muốn chạy lại ôm ba và nói lời xin lỗi nhưng chân tôi tê cứng, tôi không thể nhấc lên được. Họ tiến về phía tôi.
Sao đây??? Chạy trốn hay ra mặt. Tôi chưa kịp xử lý ra sao thì người anh em của tôi nói: “Tú ơi, lại giúp anh một tay”.
Nghe gọi tên Tú, hai người đàn ông quay phắt lại và cùng ồ lên một tiếng: “Tú! ”
Tôi lúng túng, muốn chạy lại ôm ba, nắm tay anh Tư và nói lời xin lỗi nhưng miệng tôi nghẹn cứng, hai hàng nước mắt tuôn trào. Tôi mếu máo trong tiếng nấc: “ Ba ơi!”
Hai người đàn ông chạy đến ôm lấy tôi. Họ sung sướng như tìm thấy báu vật. Họ hân hoan vì đã tìm được người con hoang, nay trở về trong tu phục của một Đan sĩ. Khiêm tốn và bình an. Họ hãnh diện trong nước mắt và mãn nguyện tạ ơn Thiên Chúa: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136)
Anh em trong Đan viện vui lây niềm vui của tôi. Bữa trưa hôm ấy, họ cùng dùng cơm chung với hai vị khách quý. Thật bất ngờ và thú vị.
Vâng, kể từ đó, tôi cảm nhận trách nhiệm của mình rõ nét hơn: giữa lòng Giáo Hội trong thân phận yếu hèn con sẽ là vệ sĩ tình yêu. Con khao khát được cộng tác vào công việc bảo vệ vườn nho trong những đêm khuya thanh vắng, khắc lên những tiếng kẻng, tiếng chuông báo động xua tan kẻ thù bằng tiếng hát lời kinh, lao tác hằng ngày như dọn dẹp vệ sinh cho vườn nho Giáo Hội thêm tươi mát, xiết hàng rào bảo vệ vườn nho thêm chặt nhờ tràng chuỗi Mân côi mỗi ngày, hằng đêm thầm thỉ với Chúa bên Thánh Thể để cầu cho những con chiên lạc lối. Và con thầm khấn nguyện được làm vệ sĩ vườn nho cho Chúa đến suốt cuộc đời trong Đan viện này.
Nữ tu Maria Y Dúy – Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn