MÃ SỐ: 23-V11
THÁCH ĐỐ TỪ TRIẾT LÝ NHO GIÁO
ĐẾN TINH THẦN THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI CỦA KITÔ HỮU VIỆT NAM
Mục Lục
- Những đường nét cơ bản trong triết lý Nho giáo. 1
- Thách đố từ triết lý Nho giáo đến sự tham gia vào đời sống Giáo Hội của các Kitô hữu Việt Nam.. 2
- Một chút suy tư về giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia vào đời sống Giáo Hội 4
Trong Thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa về Giáo Hội tham gia, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã viết: “Tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống và cách hiểu giáo lý chưa đúng, một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương. Với họ, đời sống đức tin chỉ bao hàm trong việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Do đó, thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết”.[1] Có thể thấy, chỉ qua đoạn trích ngắn trên nhưng HĐGMVN đã khái quát được toàn bộ hiện trạng đời sống đức tin của Kitô hữu Việt. Vì thế, trong phạm vi bài viết này, tôi không dám mong sẽ thêm tư tưởng gì mới mẻ, chỉ mong được phân tích kỹ hơn vấn đề đã được đặt ra: “do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống […] một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương”. Bởi đây là điều tôi xét thấy là quan trọng, cần thiết, và liên quan trực tiếp đến chúng ta. Có thể nói đây là một thách đố. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến thách đố này, đó là từ nền triết lý Nho giáo – một triết lý đã tồn tại lâu dài ở Việt Nam dưới chính sách Hán tộc hóa dân Việt. Mãi cho tới nay triết lý Nho giáo vẫn còn ảnh hưởng nhiều về mặt tinh thần đến người Việt nói chung và Kitô hữu Việt nói riêng. Để bắt đầu, ta cùng nhìn lại 1) những đường nét chính trong triết lý Nho giáo, rồi từ đó nhận ra 2) những thách đố của chúng đến việc tham gia của các Kitô hữu Việt Nam, sau đó sẽ là phần 3) suy tư về giải pháp.
1. Những đường nét cơ bản trong triết lý Nho giáo
Nếu như toàn bộ triết lý Nho giáo được ví như một cái cây thì có thể nói bộ rễ chính là siêu hình học, thân được cấu thành từ chính trị luận và đạo đức học, rồi từ đó mới phát sinh ra các học thuyết xem như là các cành, các nhánh của cây. Sở dĩ nói như vậy, vì lẽ những lý do sau đây:
Thứ nhất, trong xã hội Trung Hoa thời Thượng cổ và đặc biệt là trong triết lý Nho giáo, siêu hình học luôn đóng vai trò định hình cho toàn bộ đời sống chính trị (res publica). Người Trung Hoa thời đó thừa nhận có một Thực tại siêu việt làm chủ vũ trụ, sáng tạo ra muôn vật với tất cả những vẻ phong phú, tinh vi, diệu kỳ. Họ gọi thực tại ấy là Thiên (Trời).[2] Cách riêng, trong thế giới quan của Nho giáo, bản nguyên của thế giới, vạn vật và con người đều có nguồn gốc từ Trời: “Vạn vật bản hồ thiên”. Trời có vai trò sinh thành, hóa sinh vạn vật. Trời cũng là thực thể có ý chí, có quyền năng vô hạn quyết định số phận con người: “Sống chết do số mệnh”; “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Do đó, con người phải tri (biết), kính (kính trọng) và úy (sợ) Trời. Chính niềm tin này đã đặt nền tảng cho sự ra đời của hình thức chính trị: “quân quyền phải được trao cho một người. Người đó là ông vua. […]. Nắm quyền hành trong chính nghĩa được gọi là cầm quyền do Mệnh Trời”.[3] Từ đó, nhà vua được gọi là “Thiên tử”[4] (con Trời) – người con duy nhất của Trời có được sứ mệnh “thay Trời trị dân”, mưu đồ phúc lợi cho dân để hợp với ý Trời. Bởi thế, địa vị và quyền uy của vua là tối cao và tuyệt đối. Người dân có tri, kính, úy Trời thì cũng phải tri, kính, úy vua, vì ý vua là ý Trời. Từ đó mới sinh ra tư tưởng đòi buộc phép tắc, lễ nghĩa trong đất nước và cả trong gia đình. Tư tưởng này quan trọng đến mức không dừng lại ở lý thuyết, ở những lời giáo huấn mà tiếp tục đi sâu vào tận lương tâm của con người. Từ lương tâm dẫn đến hành động. Điều này thể hiện rất rõ trong các triều đại phong kiến xưa, nhiều người thà chết chứ không bỏ lễ.
Thứ hai, siêu hình học cũng đặt nền tảng cho khía cạnh đạo đức học trong triết lý Nho giáo. Nho giáo lấy con người làm trung tâm, bởi con người từ Trời mà ra và bản tính thiện nơi con người cũng từ Trời mà đến. Do đó, triết lý Nho giáo cũng vô cùng đề cao chữ Nhân – chữ yêu thương. Điều này thể hiện rất rõ trong học thuyết “Thiên – nhân tương dữ”:
“Người ta sinh ra ai cũng bẩm-thụ cái tính của Trời. Cái tính ấy tức là một phần thiên-lý. Vậy Trời với người quan-hệ nhau rất mật-thiết lắm. Bởi thế mới lấy pháp-tắc tự-nhiên của Trời làm cái mô-phạm của người và cho thiên-luân là nhân-luân, thiên-đạo là nhân-đạo. Kinh Thi nói rằng: « Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức 天 生 蒸 民,有 物 有 則,民 之 秉 彞,好 是 懿 德: Trời sinh ra dân, có hình phép, dân giữ tính thường, muốn có đức tốt. » Trời sinh ra người, cho người có lòng muốn đức tốt, thì người phải lấy Trời làm gốc, phải kính Trời, sợ Trời, và phải theo cái bản-tính của Trời đã phú cho, mà ăn-ở cho hợp với đạo trời. Do đó, Nho giáo rất chú trọng dạy đạo làm người, giáo dục con người sao cho thành thiện.”[5]
Để thực hành, Nho giáo đề ra tam cương và ngũ thường nhằm giúp luyện tập và uốn nắn con người. “Tam cương” – tam là ba, cương là đầu mối, tức chỉ ba kiểu mối quan hệ trong xã hội. “Tam cương” là những lý luận giữa cha con, vua thần, phu thê với nhau. Trong “cha – con”, “vua – thần” và “phu – thê” người đứng trước sẽ có vị trí chủ đạo, lãnh đạo, người phía sau cần phải tôn kính người phía trước. “Ngũ thường” là năm đức tính cần có của mỗi người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đây cũng là thước đo, đánh giá con người thế nào là tốt dựa trên tiêu chuẩn người quân tử trong triết lý Nho giáo.
Qua đây, một cách khái quát ta có thể thấy: từ hai phương diện chính trị và đạo đức, yếu tố siêu hình đã gián tiếp định hình cho toàn bộ đời sống của con người trong xã hội Nho giáo. Do đó, trong suốt một thời gian dài sống trong tư tưởng này, người Việt nói chung, Kitô hữu Việt nói riêng tiếp thu được nhiều cái hay cái đẹp, nhưng đồng thời cũng chịu nhiều thách đố. Vậy, cụ thể những thách đố này là gì?
2. Thách đố từ triết lý Nho giáo đến sự tham gia vào đời sống Giáo Hội của các Kitô hữu Việt Nam
Như đã nói: tính siêu hình là nhân tố chủ chốt trong triết lý Nho giáo, định hình cho mọi khía cạnh đời sống con người. Khi nền triết lý này được truyền sang Việt Nam, cách riêng đối với Kitô hữu, nó đã góp phần tích cực cho việc vun đắp đời sống đức tin. Tuy nhiên, đâu đó cũng còn tồn tại những thách đố, chẳng hạn:
Đầu tiên, khởi đi từ tinh thần “thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, các Kitô hữu Việt cũng rất tôn kính cho các đấng bậc (bao gồm cả hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh) như là những người của Chúa. Đặc biệt với hàng giáo sĩ, họ hết lòng tôn kính như những vị đại diện Thiên Chúa nơi trần gian. Do đó, vị trí của chữ Lễ trong đời sống của các Kitô hữu cũng quan trọng không kém so với con người trong xã hội Nho giáo. Điều này mang đến nhiều ý nghĩa tích cực: giúp cho các giáo xứ, giáo phận tại Việt Nam đi vào khuôn phép, bảo đảm một hệ thống tôn ti trật tự và thống nhất. Tuy nhiên, lễ cũng là sợi dây ràng buộc các Kitô hữu, làm cho suy nghĩ và hành động của họ trở nên cứng nhắc và rập theo khuôn phép cũ. Hơn thế nữa, thách đố trực tiếp từ mô hình chính trị của Nho giáo (đứng cao nhất là vua, và mọi người phải tuân hành tuyệt đối theo kiểu “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”) còn làm cho đa số Kitô hữu Việt Nam sống thụ động, chỉ chờ các đấng bậc bảo gì thì làm nấy. Thậm chí còn không dám đưa ra sáng kiến, chỉ biết chấp nhận ở trạng thái nhu thuận, phục tùng theo chủ trương “thuật nhi bất tác”. Từ đó, khi không được bề trên “gọi tên chỉ việc”, các Kitô hữu cũng ít khi tự giác tham gia vào các sinh hoạt chung của Giáo Hội. Thậm chí còn có tâm thức tránh né, đùn đẩy, vịn cớ “không mợ thì chợ cũng đông” để lẩn tránh, phủi tay. Đây hẳn là một thiếu sót lớn, mà trách nhiệm trước tiên thuộc về hàng giáo sĩ. Bởi vì cũng do ảnh hưởng của triết lý Nho giáo mà hàng giáo sĩ đôi khi cũng không chú tâm đào tạo giáo dân trở thành những người cộng tác, cùng chia sẻ trách nhiệm với mình. Đồng thời, cũng từ sự hạn chế đó mà nhiều khi giáo sĩ lại coi thường giáo dân, không giao trách nhiệm cho họ. Dần dà, thực trạng giáo sĩ trị hình thành – điều mà đã nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý khi nói về phẩm trật của Giáo Hội:
“Chúa Giêsu đã thành lập Giáo hội bằng cách đặt một tông đồ đoàn đứng đầu Giáo hội, trong đó Thánh Tông đồ Phêrô là “đá tảng” (x. Mt 16,18), là người phải “củng cố” các anh em của mình trong đức tin (x. Lc 22,32). Nhưng trong Giáo hội này, như trong một kim tự tháp ngược, đầu nằm dưới chân đế. Do đó, những người thực thi quyền bính được gọi là “thừa tác viên”, vì, theo nghĩa gốc của từ ngữ, họ là người chót nhất trong tất cả. Chính trong việc phục vụ dân Thiên Chúa, mỗi giám mục – đối với đoàn chiên được ủy thác – trở nên người đại diện của Chúa Kitô (vicarius Christí), Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ trong bữa Tiệc ly (x. Ga 13, 1-15). Và ở một góc độ tương tự, người kế vị của Thánh Phêrô không là gì khác, nếu không phải là tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa (servus servorum Dei).” [6]
Thứ đến, một thách đố khác cũng đến từ tư tưởng triết lý Nho giáo đó là tâm thức lớp già coi thường lớp trẻ (không dám giao hoặc thậm chí không muốn giao quyền và nghĩa vụ cho lớp trẻ), còn lớp trẻ thì cũng “sợ” lớp già, chỉ biết “nín thở qua sông” mà thôi. Điều này dễ dàng thấy ở mọi lứa tuổi trong mọi sinh hoạt của giáo xứ, giáo phận. Chẳng hạn trong việc học giáo lý: Thiếu nhi tham dự học thì thụ động, không dám phát biểu ý kiến trong học tập; giáo lý viên thì theo phương thức truyền đạt kiểu giáo điều. Hay trong các cuộc họp tại các ban, ngành, đoàn thể, hầu như lớp trẻ cũng không dám ý kiến gì, chỉ có lớp già đưa ra vấn đề rồi tự quyết. Từ đó, dẫn đến tâm thức “kẻ cả”, vịn cớ “chuyện đó không xứng với mình”. Tư tưởng này là một trong những nguyên nhân khiến cho giáo xứ, giáo phận trở nên trì trệ, kém phát triển vì thiếu đi những làn gió mới, những phương thức làm việc mới hầu thích nghi với thời đại mới hôm nay.
Thêm vào đó, thách đố từ tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quan điểm triết lý chính trị Nho giáo đã dẫn đến một số nơi tại các giáo xứ, giáo dân vẫn còn ngại tiếp nhận nữ giới tham gia vào các chức vụ dành cho thừa tác viên không có chức thánh, đặc biệt là thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa. Trong khi đó, Giáo Hội đã khẳng định qua Công Đồng mọi người đều có phẩm giá ngang nhau, dù chức năng có khác nhau: Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Phép Rửa, một dân riêng của Thiên Chúa, cùng chung một phẩm giá của những chi thể đã được tái sinh trong Đức Kitô, cùng có một ân huệ làm con cái Thiên chúa, một ơn gọi nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế trong Đức Kitô và trong Giáo Hội không có sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ.[7]
Ngoài ra, thách đố còn đến từ chính lối sống quá “duy tình” của các Kitô hữu Việt. Điều này đã gián tiếp làm cho hoạt động của Giáo Hội không đạt được nhiều hoa trái. Nguyên do của lối sống này có thể nói đôi phần trách nhiệm cũng từ triết lý đạo đức học Nho giáo. Thật vậy, đôi khi vì sống quá “duy tình” trong khi tham gia làm việc tại các ban, ngành, đoàn thể của giáo xứ, giáo phận, Kitô hữu hay có thái độ buông lỏng kỷ cương phép tắc. Nhiều người vì kiêng nể mà không dám phê bình, chỉ ra những điều còn hạn chế nơi người khác. Thậm chí cũng vì sống “duy tình”, Kitô hữu chỉ thích làm việc chung với những người mình ưa. Còn đối với những ai mình không thích, hay những người làm mình không hài lòng thì thôi tìm cách tránh né, không muốn làm việc chung, dẫn đến tình trạng “phe nhóm”. Thậm chí, đôi khi còn phát sinh tâm thức “thù dai”, không muốn tham gia vào bất cứ công tác nào của giáo xứ, giáo phận nữa, chỉ vì bất mãn, tự ái, ghim gút. Đây hẳn là một thách đố nan giải của Giáo Hội Việt Nam.
Như vậy, chúng ta vừa đi qua một vài thách đố nổi bật từ sự ảnh hưởng của triết lý Nho giáo đến các Kitô hữu Việt. Nhận ra những điều hạn chế không phải để bi quan, chán nản, thất vọng nhưng nhận ra để ta biết đó là những điểm yếu “do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống”, cái mà ta cần phải tránh đi, đừng để mình mắc vào, đồng thời cố gắng tìm ra giải pháp khắc phục. Do đó, phần tiếp theo đây, tôi sẽ đề ra một chút suy tư về giải pháp cho vấn đề này.
3. Một chút suy tư về giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia vào đời sống Giáo Hội
Như những gì đã đề cập trong Thư mục vụ về Giáo Hội tham gia, HĐGMVN đặc biệt lưu ý đến sự thúc đẩy tinh thần tham gia vào đời sống Giáo Hội cho mọi thành phần dân Chúa. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự cộng tác đến từ cả hai phía: giáo sĩ và giáo dân. Bởi lẽ, tham gia là một hoạt động mang tính biện chứng. Đã là biện chứng thì phải có ít nhất từ hai trở lên. Và chỉ khi các bên thành phần tích cực tham gia, Giáo Hội mới có thể đi lên, hay nói cách khác, chỉ khi có biện chứng, Giáo Hội mới có thể phát triển được. Quả vậy, nhìn lại lịch sử, Giáo Hội phát triển được như ngày hôm nay thì cũng đã nhờ trải qua không biết bao nhiêu cuộc biện chứng. Giáo Hội chấp nhận trở thành một Giáo Hội chịu thương tích vì những cuộc biện chứng để có thể lớn lên. Vì chưng cứ như một định luật chung của tự nhiên, vạn vật không thể phát triển, thậm chí không thể sống nếu không có những cuộc biện chứng. Từ cây cối đến thú vật và cả con người cũng không nằm ra khỏi quy luật này. Thậm chí chính Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa làm người cũng đã thực hiện những cuộc biện chứng trong suốt hành trình sứ vụ của Ngài để cứu độ trần gian. Do đó, sự tham gia mang tính biện chứng là điều vô cùng cần thiết để giáo xứ, giáo phận và cả Giáo Hội đi lên. Nhưng điều đó chỉ làm được một khi tính “giáo điều” bị loại bỏ. Hàng giáo sĩ cần hiểu rằng: “Mặc dù theo ý Đức Kitô, một số người được đặt làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của toàn thể các tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô”.[8] Còn phía giáo dân cũng phải ý thức về tinh thần đồng trách nhiệm của mình trong đời sống Giáo Hội. Họ phải cố gắng phát huy những “nén bạc” mà Chúa đã phú ban cho mỗi người tùy theo khả năng để góp phần xây dựng vườn nho của Chúa.
Đi vào thực hành, ta có một số những hướng dẫn cụ thể từ các văn kiện của Giáo Hội như sau:
- Về phía các giáo sĩ: Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) dạy rằng “các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội; các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động, hơn nữa, cũng nên khuyến khích họ đảm nhận các công việc do chính họ khởi xướng. Với tình hiền phụ, và trong Đức Kitô, các ngài hãy quan tâm nghiệm xét những đề nghị, thỉnh cầu và khát vọng của họ”.[9] Thêm vào đó, trong Thư mục vụ về Giáo Hội tham gia, HĐGMVN cũng đã đề ra những chỉ dẫn hết sức cụ thể. Các linh mục cần tổ chức những lớp đào tạo giáo dân, để họ biết họ phải làm gì và phải làm như thế nào. Vì lẽ, như một định luật tồn tại từ bao đời nay: không biết cộng với “nhiệt thành” thì chỉ là phá hoại. Hơn nữa, tại các giáo xứ, linh mục và tu sĩ cũng không nên kiêm nhiệm hết mọi việc thay thế giáo dân, nhưng hướng dẫn và đồng hành để giúp họ chu toàn ba chức năng của Bí tích Thanh tẩy.[10]
- Còn phía giáo dân, Hiến chế cũng nhấn mạnh: “phần các tín hữu cũng phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và thầy dạy của mình”.[11] “Họ nên trình bày cho các chủ chăn những nhu cầu và khát vọng của mình với thái độ tự do và tín nhiệm thích hợp, với tư cách là con cái Thiên Chúa và anh chị em trong Đức Kitô. Tùy theo kiến thức, khả năng chuyên môn và địa vị của mình, giáo dân có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ ý kiến của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội”.[12] Bên cạnh đó, Hiến chế cũng lưu ý về phía giáo dân: “giáo dân nên mau mắn chấp nhận những điều các chủ chăn là đại diện Đức Kitô đã quyết định với tư cách là thầy dạy và người lãnh đạo trong Giáo Hội, với tinh thần vâng phục Kitô hữu, noi gương Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết”.[13]
Kết luận
Qua những phần đã trình bày, ta có thể thấy được một cách tổng quan thực trạng tham gia vào đời sống Giáo Hội của Kitô hữu Việt Nam. Để từ việc nhận biết những thách đố đã và đang đặt ra cho việc tham gia tại các giáo xứ, giáo phận, mỗi Kitô hữu chúng ta thêm ý thức về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo Hội. Ta thuộc về Giáo Hội, do đó ta được thôi thúc phải sống tinh thần đồng trách nhiệm, hăng say nhiệt thành cho sứ vụ của Giáo Hội. Chỉ khi ý thức được như thế, ta mới có thể thoát ra khỏi “lũy tre làng” và tạo nên sự đột phá cho chính bản thân mình, cho giáo xứ mình, cho giáo phận mình.
Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium.
ĐTC Phanxicô, Diễn từ Mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17/10/2015.
HDGMVN, Thư mục vụ gửi cộng đồng dân chúa về Giáo hội tham gia, 22/09/2023.
Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển I, NXB Lê Thăng, Hà Nội, 1943.
Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, NXB Thuận Hóa, 2005.
[1] HDGMVN, Thư mục vụ gửi cộng đồng dân chúa về Giáo hội tham gia, 22/09/2023, (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-thu-muc-vu-gui-cong-dong-dan-chua-ve-giao-hoi-tham-gia-52651)
[2] Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu, NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 96-97.
[3] Idem., tr. 178.
[4] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển I, NXB Lê Thăng, Hà Nội, 1943, tr. 53.
[5] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển I, NXB Lê Thăng, Hà Nội, 1943, tr. 57.
[6] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn từ Mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17/10/2015, dịch từ “Jesus founded the Church by setting at her head the Apostolic College, in which the Apostle Peter is the “rock” […] if not the servus servorum Dei.”, (https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2015/october/documents/papa-francesco_20151017_50-anniversario-sinodo.html)
[7] Công Đồng Vaticanô II, LG, số 32.
[8] Công Đồng Vaticanô II, LG, số 32.
[9] Công Đồng Vaticanô II, LG, số 37.
[10] HDGMVN, Thư mục vụ gửi cộng đồng dân chúa về Giáo hội tham gia, 22/09/2023, (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-thu-muc-vu-gui-cong-dong-dan-chua-ve-giao-hoi-tham-gia-52651)
[11] Công Đồng Vaticanô II, LG, số 32.
[12] Công Đồng Vaticanô II, LG, số 37.
[13] Ibid.