Làm vườn nho cho Chúa: 03-V03: Chủng sinh tham gia đời sống giáo hội

MÃ SỐ: 03-V03

NGƯỜI CHỦNG SINH THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

BẰNG CON ĐƯỜNG HỌC TẬP

 

MỤC LỤC

DẪN NHẬP. 1

  1. VAI TRÒ CỦA TRI THỨC TRONG ĐỜI SỐNG CHỦNG SINH.. 1

1.1. Tầm quan trọng của việc học. 1

1.2. Hành trình học tập của người chủng sinh. 2

  1. NGƯỜI CHỦNG SINH HIỆP HÀNH, THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI. 3

2.1. Tham gia vào công cuộc truyền giáo. 3

2.2. Tham gia vào đời sống mục vụ. 3

  1. MỘT CHÚT SUY TƯ.. 4

KẾT LUẬN.. 5

TÀI LIỆU THAM KHẢO.. 5

 

 

DẪN NHẬP

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thay đổi diễn ra vô cùng nhanh chóng và phức tạp. Nguồn lực chính cho sự phát triển này là sức mạnh từ việc khai thác lượng tri thức khổng lồ của nhân loại. Do đó, đề cao lý trí và vai trò của chất xám hay nói cách khác là đề cao con đường học tập là những tiêu chí hàng đầu trong cuộc sống xã hội hôm nay.

Trước tình hình và bối cảnh như thế, đối với việc đào tạo linh mục, dẫu biết rằng “dù quan trọng, nhưng việc học cũng chỉ là một khía cạnh – dĩ nhiên không phải là thứ yếu – của công cuộc đào tạo linh mục toàn diện[1], nhưng người chủng sinh cũng không thể chỉ chú trọng mặt tu đức mà lại tách mình ra, đứng bên ngoài thế giới, không quan tâm đến thế giới. Nói cách khác, họ không thể chọn phương án “xuất thế” như một số hiền triết Đông phương đã làm để giữ mình, nhưng ngược lại phải là những con người “nhập thế”, dấn thân xây dựng thế giới theo như tinh thần của Công Đồng Vaticanô II. Do đó, là những linh mục sau này với sứ vụ dẫn dắt, chăm sóc đoàn chiên Chúa, chủng sinh không thể không “update” kiến thức để theo kịp với trình độ học thức ngày càng nâng cao hiện nay. Hơn nữa, việc trau dồi hiểu biết không chỉ giúp chủng sinh có khả năng đứng vững trước những biến động của cuộc sống mà còn là một phương tiện hữu ích để họ có thể tham gia vào đời sống Giáo Hội trong phận vụ của mình, hầu trở nên những mục tử vừa có tâm và vừa có tầm trong tương lai.

Cách riêng trong năm mục vụ 2024, với chủ đề: “Thúc đẩy sự tham gia vào đời sống Giáo Hội”, người chủng sinh lại càng phải tích cực dấn thân hơn nữa. Có nhiều cách, nhiều phương thức để chủng sinh tham gia vào đời sống Giáo Hội, nhưng tôi thiết nghĩ: tính đặc thù của chủng sinh là phần lớn thời gian sống tại chủng viện, mà “thời gian chủng viện là thời gian ở với Chúa[2], để Chúa đào tạo và dạy dỗ. Vì những lý do đó, trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ nêu lên đôi dòng suy tư về sự tham gia vào đời sống Giáo Hội của người chủng sinh dưới phương diện tri thức.

1. VAI TRÒ CỦA TRI THỨC TRONG ĐỜI SỐNG CHỦNG SINH

1.1. Tầm quan trọng của việc học

Như đã nói, trong công cuộc đào tạo linh mục, đời sống tri thức chỉ là một khía cạnh, nhưng nếu không có tri thức, liệu chủng sinh có thể có đời sống nhân bản, đời sống thiêng liêng, đời sống mục vụ tốt không? Chính Ratio 2012, số 381 cũng đã khẳng định: “với sự hỗ trợ đặc biệt của các môn thần học, người chủng sinh có nhiều chất liệu, nhiều phương thế để gặp gỡ, gắn bó với Chúa Kitô”.[3]

Hơn thế nữa, trong xã hội ngày nay, đời sống tri thức của con người có phần phát triển nhưng cũng đặt ra không ít những vấn nạn mà Giáo Hội phải đối mặt. Chẳng hạn như việc “con người tin tưởng thái quá vào những phát minh hiện đại đến độ tự mãn và không còn kiếm tìm những giá trị cao hơn[4], họ đề cao và chỉ chấp nhận những chân lý khoa học hiển hiện rõ ràng. Điều đó dẫn đến vẫn còn nhiều người cho rằng niềm tin vào Thiên Chúa chỉ tồn tại bao lâu con người còn ở trình độ văn hóa thấp kém. Không những thế, chủ nghĩa bất khả tri trong lãnh vực văn hóa và triết học hiện nay cũng phần nào dẫn đến thái độ dửng dưng Thiên Chúa, lẫn tránh vấn đề tối hậu của cuộc hiện sinh. Từ đó, họ rơi vào chủ thuyết tương đối, xem mọi sự, mọi điều, mọi vật đều chỉ là tương đối. Hậu quả theo như ĐTC Gioan Phaolô II: “Đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự thiếu nhiệt thành loan báo Tin Mừng và truyền giáo”.[5] Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sứ vụ giảng rao và làm chứng cho Đức Kitô của Giáo Hội.

Trước những vấn đề như vậy, Giáo Hội không phủ nhận vai trò của lý trí nói chung, vai trò của việc học tập nói riêng, nhưng đã kết nối đức tin và lý trí làm nên một thực tại: “Đức tin và Lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”.[6] Không những vậy, Giáo Hội còn đặt lý trí vào đúng vị trí, cho cân xứng với vai trò của nó: “Lý trí được mở ra đối với mầu nhiệm Thiên Chúa và quy hướng về Người cho phép chúng ta đón nhận Mặc khải cách đúng đắn, lý trí ấy cũng giúp chúng ta đào sâu nội dung của Mạc khải và cung cấp cho chúng ta những công cụ và ngôn ngữ để loan báo Mạc khải cho thế gian”.[7]

Dĩ nhiên, ta vẫn biết không phải cứ học giỏi là sứ vụ linh mục tương lai sẽ chu toàn tốt. Nhưng nếu không có học vấn, ai dám chắc mục tử ấy có thể hướng dẫn đúng đắn và hiểu được lối suy nghĩ của đoàn chiên trong từng bối cảnh thời đại. Vì lý do này, Giáo luật đòi hỏi các chủng sinh phải trải qua những năm tháng học triết và thần học.[8]

1.2. Hành trình học tập của người chủng sinh

Tri thức có một vị trí quan trọng như vậy, nhưng là người chủng sinh, ta không thể chỉ lo tìm kiếm tri thức – thứ tri thức tách biệt với Thiên Chúa như lời Đức Phanxicô trong dịp tiếp đón các thành viên thuộc các cộng đoàn chủng viện giáo phận và chủng viện “Redemptoris Mater” của Seville ở Tây Ban Nha: “Nhân đức và tri thức là hai điều phải được dạy ưu tiên cho những người ước muốn trở thành linh mục”, bởi vì “tri thức mà không có nhân đức thì phồng lên và không xây dựng được, và nhân đức không có tri thức thì xây dựng được nhưng không giáo dục được”.[9] Do đó, tri thức phải luôn đi đôi với nhân đức.

Khởi đầu hành trình ơn gọi, Giáo Hội mời gọi người chủng sinh bước vào giai đoạn dự bị với năm Tu Đức. “Mục tiêu chính của thời kỳ này là đặt nền tảng vững chắc cho đời sống thiêng liêng và tạo thuận lợi cho việc hiểu biết chính mình hơn, để giúp khai tâm và trưởng thành trong đời sống thiêng liêng[10]. Người chủng sinh được chính Chúa Giêsu mời gọi đến và ở lại với Chúa. “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài” (Ga 1,39). Đến và ở lại với Chúa, không phải để ăn không ngồi rồi, nhưng là để học cùng Chúa, lắng nghe lời Chúa và sống với Chúa.

Đến với giai đoạn tiếp theo – giai đoạn Triết học. Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 52 khẳng định: “Triết học đóng góp rất nhiều để giúp ứng sinh làm giàu việc đào tạo trí thức nhằm đạt tới sự “suy tôn chân lý”.[11] Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho giai đoạn thần học, hướng đến việc lựa chọn dứt khoát chức linh mục và đào luyện nhân cách chủng sinh một cách có hệ thống, qua việc mở lòng ra với Chúa Thánh Thần.[12] Những năm triết học không chỉ giúp người chủng sinh thấu đạt được những tư tưởng triết lý của nhân loại, học biết cách suy tư, phân định (vai trò của Triết Tây) mà còn cho họ  biết dùng con tim của mình để sống, để nghiệm ra đâu là ý nghĩa trong từng hoàn cảnh cuộc sống (vai trò của Triết Đông).

Sau nữa, giai đoạn thần học là học những môn bắt buộc cho tất cả những ai muốn làm linh mục. Mục đích đặc biệt của giai đoạn này là “đào tạo chủng sinh về mặt thiêng liêng để xứng hợp với chức linh mục”.[13] Bên cạnh đó, nhờ học tập “trong ánh sáng đức tin và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, […] họ có thể loan truyền và biện hộ cho giáo lý ấy một cách đúng đắn trong khi thi hành thừa tác vụ.[14]

2. NGƯỜI CHỦNG SINH HIỆP HÀNH, THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

2.1. Tham gia vào công cuộc truyền giáo

Sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu, mà đặc biệt là các chủng sinh trong thế giới hôm nay là làm sao cho người ta thấy được sự vượt trội về đức thánh thiện, tốt lành, yêu thương nơi yếu tính chủng sinh của mình. Bên cạnh đó, chủng sinh cũng cần vượt trội về mặt tri thức nữa. Vì học tập là phương tiện quan trọng để tham gia vào công cuộc truyền giáo và minh chứng cho niềm tin của Giáo Hội. Ratio 2016 số 116 khẳng định: “Ứng sinh linh mục phải chuẩn bị kỹ để “trả lời về niềm hy vọng” nơi họ (x. 1Pr 3, 15), hầu làm cho Mạc khải của Thiên Chúa được nhận biết và dẫn đưa tất cả mọi dân nước đến sự vâng phục đức tin (x. Rm 16, 26). Vì thế, họ phải đào sâu triết học và thần học, và bắt đầu học cho tốt giáo luật, cũng như các ngành khoa học xã hội và sử học”.[15] Quả vậy, khi có kiến thức, chủng sinh sẽ dễ dàng trình bày về Đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo cho những người không cùng niềm tin. Bởi lẽ, để trả lời cho các vấn nạn của con người thời đại này, có thiện chí thôi tự nó vẫn chưa đủ, nhưng phải kèm theo những hiểu biết mới có thể hiểu được các hiện tượng văn hóa đang ảnh hưởng tới đời sống, đặc biệt là các vấn nạn về sự dữ, đau khổ là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hiện sinh con người. Biết ở đây không phải là biết một cách lơ mơ, đại khái, nhưng là biết chính xác, chi tiết và sâu sắc tri thức về mầu nhiệm Đức Kitô. Để từ đó, họ mới có thể giới thiệu Chúa đến cho người khác – nhất là những người vẫn đang tìm kiếm Chúa bằng con đường lý trí, tức là những người đang khao khát truy tầm về nguồn gốc của sự khôn ngoan. Chính đây là dịp để người chủng sinh góp phần tham gia chút sức lực của mình vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

2.2. Tham gia vào đời sống mục vụ

Hiện nay, xã hội tục hóa là vấn nạn hàng đầu mà Giáo Hội phải đối diện. “Nền văn hóa tục hóa dần đánh mất nhu cầu và khát vọng đối với những gì họ cho là không còn giá trị thực tiễn”.[16] Từ đó dẫn đến thái độ thực dụng, coi thực tại trần thế trước mắt là những thực tại tuyệt đối giá trị và loại trừ mọi quy chiếu về Thiên Chúa. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến đời sống Đức tin của nhiều Kitô hữu, đặc biệt các bạn trẻ đi học, những anh chị em đi làm ăn xa ở chốn thị thành. Đứng trước một vấn nạn như vậy, con người, cách riêng là các Kitô hữu dường như cũng bị cuốn theo cơn sóng ấy. Lúc này, cần lắm những lời hướng dẫn, dạy dỗ từ phía Giáo Hội, để họ hiểu được đâu là điều Chúa muốn.

Đối với chủng sinh, tuy chỉ đang ở giai đoạn đầu của chặng đường mục tử, nhưng điều này không có nghĩa là chủng sinh có quyền từ chối mọi yêu cầu xin được hướng dẫn, giúp đỡ từ phía giáo dân. Cũng không có nghĩa là họ sẽ trả lời được khắp mọi vấn đề, nhưng chỉ trong mức độ và trong sự hiểu biết đang có của mình. Sống trong một xã hội mà vô vàn những vấn đề, những “dấu chỉ thời đại” phức tạp như hiện nay, đòi hỏi Giáo Hội phải thấu đáo, cách riêng là các thành phần thánh hiến trẻ. Người chủng sinh nếu chỉ nhiệt thành mà thiếu hiểu biết, chẳng khác gì tình trạng của “người mù dắt người mù” (x. Lc 6, 39 – 42). Do đó, để được như vậy, ngay từ bây giờ chủng sinh cần phải đào sâu nghiên cứu học tập, đặc biệt là triết học và thần học: “triết học và thần học có vai trò xem xét, nhận biết và giải thích những tiếng nói khác nhau của thời đại, rồi nhận định dưới ánh sáng của Lời Chúa, để chân lý mạc khải luôn được nhận thức tốt hơn, được hiểu rõ hơn và được trình bày dưới một hình thức thích hợp hơn”.[17] Để từ đó “họ có thể loan báo sứ điệp Tin Mừng cho những người đương thời một cách đáng tin cậy và dễ hiểu, để họ đối thoại với thế giới hiện tại một cách hiệu quả, cũng như để họ dùng ánh sáng lý trí mà bảo vệ chân lý đức tin bằng cách chỉ cho thấy vẻ đẹp của chân lý ấy”.[18] Do đó, học tập chính là cách chủng sinh đang hiệp hành và sống động thật sự trong Giáo Hội.

3. MỘT CHÚT SUY TƯ

Khi bàn về tri thức của người đi tu, tác giả của bài viết Tu sĩ không thể mù tri thức nhận định:

Tri thức quan trọng, nhưng suy cho cùng, nó cũng chỉ là phương tiện để đạt được mục đích tối hậu là nhận biết Chúa Kitô. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số Tu sĩ lại quá coi trọng tri thức mà quên đi căn tính đời tu và nhân cách của mình. Không thiếu những Tu sĩ vì được sở hữu một vốn tri thức sâu rộng, đã quay lưng lại với Giáo hội, khi nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, suy nghĩ lệch lạc, khủng hoảng lòng tin, thậm chí dẫn đến bội giáo, ly giáo. Cũng không thiếu những Tu sĩ vì quá đề cao kiến thức, dẫn đến thái độ cạnh tranh, ghen tương, đố kỵ về thành tích học tập, theo tinh thần thế tục không xứng bậc tu trì. Thái độ và lối suy nghĩ ấy vô cùng nguy hiểm, không nằm trong ý định của Thiên Chúa.”[19]

Từ đó nhìn lại vấn đề tri thức của người chủng sinh, đâu đó cũng tồn đọng những điểm tối như trên. Nguyên do đến từ đâu? Phải chăng mục đích của việc học tập nơi người chủng sinh đã bị lệch lạc, không còn đặt nền tảng vào Thiên Chúa nữa. Đấng Đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhắc rằng “Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu mến. Chưa học để phục vụ đúng mức, con chưa mến Chúa đủ”.[20] Việc học của người chủng sinh chỉ có giá trị khi gắn liền với Thiên Chúa. Người xưa thường nói: “Vô tri bất mộ”, quả thật như vậy, càng học tập ta càng thấu hiểu, càng thấu hiểu ta càng thêm yêu mến. Dĩ nhiên, trên hành trình theo Chúa, không phải tất cả mọi thứ đều có thể hiểu được dưới ánh sáng của lý trí, để chờ hiểu trước rồi mới yêu sau, chẳng hạn như điều gần gũi nhất với ta đây chính là Ơn Gọi. Nói theo triết gia Gabriel Marcel (1889 – 1973), rõ ràng Ơn Gọi không phải là một vấn đề mà lý trí có thể nghiên cứu như một đối tượng khách quan; nhưng Ơn Gọi lại là một huyền nhiệm, chỉ khi dấn thân vào, ta mới có thể cảm được. Do đó, học tập chỉ đạt đến giá trị tuyệt đối của nó khi được liên kết với Thiên Chúa – nguồn mạch của sự khôn ngoan.

Khi suy tư về về học tập, ta có thể nghĩ: học tập chính là phương thức để ta cụ thể hóa tình yêu đối với Chúa và với Giáo Hội. Khi còn nhỏ, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng được nghe ông bà, cha mẹ dạy phải cố gắng học tập, học là học cho mình chứ chẳng phải cho ai. Nhưng khi lớn lên, khi đã bước theo Chúa rồi, nhờ ơn Chúa, ta dần nhận ra việc học đã không còn là học vì mình nữa, nhưng là học vì Chúa, vì Giáo Hội và vì các linh hồn. Hơn thế nữa, việc học tập đối với người chủng sinh không chỉ đơn thuần là một lời khuyên, nhưng còn là trách nhiệm như lời ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã khẳng định: “Ai có mười nén phải làm lợi mười nén. Ai có năm nén phải làm lợi năm nén. Ai có một nén cũng phải làm lợi một nén. Con mang trách nhiệm nặng nếu con từ chối học hỏi khi có thể được”.[21] Còn cách riêng với bản thân tôi, học tập vừa là trách nhiệm, cũng vừa là bổn phận mà cũng vừa là cách thể hiện của đức công bằng đối với Chúa, với Giáo Hội và với tha nhân. Công bằng đối với Chúa, vì Chúa đã cho tôi vô vàn hồng ân. Học tập là cách tôi biết ơn để không bỏ phí mất một ơn nào Ngài đã ban cho. Công bằng đối với tha nhân, vì tôi được thương yêu, dạy dỗ, giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần của biết bao người từ Gia Đình, Giáo Xứ đến Giáo Phận. Học tập là cách tôi sống lòng biết ơn vì những trông mong, hoài bão và niềm mong chờ mà mọi người đang đặt nơi tôi. Do đó, qua việc học tập, tôi muốn được làm vinh danh Chúa và mưu ích phần rỗi cho các linh hồn, để rồi tôi được hiệp hành và được tham gia vào đời sống của Giáo Hội một cách sống động.

KẾT LUẬN

Tham gia vào đời sống Giáo Hội, không là nhiệm vụ của riêng ai nhưng là của tất cả mọi thành phần Dân Chúa. Mỗi bậc sống có mỗi cách tham gia khác nhau. Cách riêng, nơi người chủng sinh, đóng góp sức lực của mình qua con đường tri thức có lẽ là sự tham gia đơn giản, dễ làm và cụ thể nhất.

Tri thức rất quan trọng cho người chủng sinh hiện tại và càng quan trọng hơn cho sứ vụ mục tử tương lại. Học là học luôn mãi, vì “thế giới biến chuyển luôn, công việc của Hội Thánh mới mẻ luôn, khí cụ của Hội Thánh phải tối tân mãi. Chúa không ban sự khôn ngoan của Salomon và ơn thông hiểu thiên phú của Đức Mẹ Maria cho người làm biếng”.[22] Nhưng phải lưu ý rằng tri thức của người chủng sinh chỉ đúng đắn và có giá trị khi chúng được xây dựng trên nền tảng vững chắc là chính Đức Kitô, dưới sự hướng dẫn của vị thầy tối cao là Chúa Thánh Thần, như lời thánh Phaolô: “từ ngày chúng tôi nghe biết về anh em, chúng tôi không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho” (Cl 1,9). Tuy nhiên, việc học sẽ không có ích gì nếu không gắn liền với việc phục vụ như lời Đức Thánh Cha Phaolô IV: “Thế giới ngày hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”, “Không phải tất cả mọi thầy dạy đều là chứng nhân, nhưng mọi chứng nhân đều là thầy dạy”.[23] Do đó, mục đích học tập của chủng sinh không phải là để đạt đến sự sung mãn cho bản thân nhưng là để yêu mến và phục vụ Đức Kitô nơi tha nhân.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sách

Antôn Nguyễn Bình, Thần Lý Học, Đại chủng viện Sao Biển, 2023.

Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb Tôn Giáo, 2016.

Công Đồng Vaticanô II, Vui mừng và Hy vọng.

ĐTC Gioan Phaolô II, Đức tin và lý trí – Fides et Ratio.

ĐTC Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis.

ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng.

HĐGMVN, Bộ Giáo Luật 1983, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.

HĐGMVN, Đào tạo Linh mục – Định hướng và Chỉ dẫn, Nxb Tôn Giáo, 2012.

 

 

Trang Web

TGM Giuse Vũ Văn Thiên, Thư mục vụ tổng giáo phận hà nội – Nên thánh đối với giới trí thức và sinh viên, truy cập ngày 01/05/2024. (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nen-thanh-doi-voi-gioi-tri-thuc-va-sinh-vien-40544)

Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ, Linh Mục Tốt Cần Học Suốt Đời, truy cập ngày 29/04/2024. (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/linh-muc-tot-can-hoc-suot-doi)

Vatican News, François: la vertu et la science, deux choses à enseigner aux séminaristes, truy cập ngày 28/04/2024. (https://www.vaticannews.va/fr/pape/news/2024-04/le-pape-invite-des-seminaristes-a-etre-des-bergers-selon-le-c-ur.html)

Tâm Thành, Tu sĩ không thể mù tri thức, truy cập ngày 30/04/2024. (https://giaophanvinhlong.net/tu-si-khong-the-mu-tri-thuc.html)

Ha Lặng, Chứng nhân hơn thầy dạy, truy cập này 01/05/2024. (https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/chung-nhan-hon-thay-day-14502.html)

 

 

[1] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb Tôn Giáo, 2016, số 118.

[2] Idem., số 256.

[3] HĐGMVN, Đào tạo Linh mục- Định hướng và Chỉ dẫn, Nxb. Tôn Giáo, 2012, số 381.

[4] Công Đồng Vaticanô II, Vui mừng và Hy vọng, số 57.

[5] Antôn Nguyễn Bình, Thần Lý Học, Đại chủng viện Sao Biển, 2023, tr. 177 – 179.

[6] ĐTC Gioan Phaolô II, Đức tin và lý trí – Fides et Ratio, số 1.

[7] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb Tôn Giáo, 2016, số 116.

[8] Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ, Linh Mục Tốt Cần Học Suốt Đời, truy cập ngày 29/04/2024. (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/linh-muc-tot-can-hoc-suot-doi)

[9] Vatican News, François: la vertu et la science, deux choses à enseigner aux séminaristes, truy cập ngày 28/04/2024. (https://www.vaticannews.va/fr/pape/news/2024-04/le-pape-invite-des-seminaristes-a-etre-des-bergers-selon-le-c-ur.html)

[10] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb Tôn Giáo, 2016, số 59.

[11] ĐTC Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, số 52.

[12] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb Tôn Giáo, 2016, số 63.

[13] Idem., số 69.

[14] HĐGMVN, Bộ Giáo Luật 1983, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, điều 252.

[15] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb Tôn Giáo, 2016, số 116.

[16] Antôn Nguyễn Bình, Thần Lý Học, Đại chủng viện Sao Biển, 2023, tr. 204.

[17] Bộ Giáo sĩ, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb Tôn Giáo, số 116; Công Đồng Vaticanô II, Vui mừng và Hy vọng, 2016, số 44.

[18] Ibid.

[19] Tâm Thành, Tu sĩ không thể mù tri thức, truy cập ngày 30/04/2024. (https://giaophanvinhlong.net/tu-si-khong-the-mu-tri-thuc.html)

[20] ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 560.

[21] Ibid., số 561.

[22] Idem., số 580.

[23] Ha Lặng, Chứng nhân hơn thầy dạy, truy cập này 01/05/2024. (https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/chung-nhan-hon-thay-day-14502.html)