GƯƠNG CHÚA GIÊSU

Gương Chúa Giêsu là cuốn sách đã góp phần nên thánh của các thánh nhân như thánh Inhaxiô, Phanxicô, Têrexa,… Gương Chúa Giêsu hàm chứa một giáo lý đầy đủ, minh bạch và những phương pháp thực hành thích dụng cho mọi tầng lớp và mọi thời đại.

Cuốn sách Gương Chúa Giêsu còn là một khoa triết học thực hành, vì không kể những lời thánh kinh – nguồn mạch mọi khôn ngoan, thông thái – mà độc giả có thể gặp thấy trong hầu hết mọi trang sách, chính những kinh nghiệm của những người từng trải mà tác giả đã khéo léo thu thập, thêm vào những nghiệm xét bản thân của tác giả, đã làm cho mỗi câu của Gương Chúa Giêsu trở nên áp dụng cho bất cứ trường hợp nào của đời sống.

Cùng với quyển Thánh Kinh, đây là quyển sách được Thánh Têrêxa yêu thích. Thánh Têrêxa không rời quyển sách Gương Chúa Giêsu và đã học thuộc lòng từ khi lên 13 tuổi. Tu sĩ Thomas a Kempis thường được cho là tác giả quyển Gương Chúa Giêsu, tác phẩm của tấm lòng mộ đạo được bán nhiều nhất từ thời Trung cổ cho đến bây giờ.

“Từ lâu tôi được nuôi dưỡng tuyền thức ăn của quyển Gương Chúa Giêsu, đó là quyển sách duy nhất nuôi dưỡng tôi vì tôi chưa tìm được gia tài ẩn giấu trong Thánh Kinh. Tôi thuộc lòng gần như mỗi chương, tôi không bao giờ rời xa quyển sách này; mùa hè tôi để nó trong túi, mùa đông trong tay áo, và trở nên như thói quen, khi đến nhà dì tôi, tôi rất thích, khi mở ra một trang nào, dì kêu tôi đọc thuộc lòng cả chương trước mắt dì”.

Thánh Têrêxa được tặng quyển sách này nhân ngày rước lễ lần đầu và từ đó quyển sách này đi theo Thánh Têrêxa mãi mãi. Trong khát khao đi theo Chúa Giêsu và nhất là bắt chước ngài, Thánh Têrêxa đã đọc ngấu nghiến quyển sách đến thuộc lòng! Khi vào Dòng Kín, mẹ bề trên Marie de Gonzaguek kêu Thánh Têrêxa đọc một đoạn tùy thích, Thánh Têrêxa đọc chương 7, sách II : “Phải yêu Chúa Giêsu Kitô trên tất cả mọi sự”. Một đoạn mà nữ Thánh đọc không một chút do dự.

Một “quyển sách bán chạy” thời Trung cổ

Được viết lại vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, từ lâu Gương Chúa Giêsu được cho là vô danh, nhưng sau đó tu sĩ Thomas a Kempis được cho là tác giả. Đầu thế kỷ 17, nhiều nước, nhiều Dòng tự cho mình có dòng họ thân thuộc với tác phẩm này. Ở Pháp người ta nói đến ông Jean Gerson. Ở Ý là tu sĩ Dòng Biển Đức Verceil. Cho đến năm 1921 một nhân vật khác được đề nghị là ông Gérard Groote.

Quyển sách Gương Chúa Giêsu được chia thành bốn Sách nhỏ gồm nhiều chương, mỗi sách nhỏ có một chủ đề riêng: Những nguyên tắc hướng dẫn đời sống thiêng liêng, Đời sống nội tâm, An ủi thiêng liêng, Lời mời đến sự hiệp thông thánh thiện.

Giáo sư Ghislain Waterlot phân khoa Triết và Luân lý Đại học Genève giải thích, đây là tác phẩm của lòng mộ đạo và của minh triết, Gương Chúa Giêsu là thức ăn thiêng liêng phong phú và cần thiết để phát triển đời sống nội tâm. Nhưng làm sao giải thích được sự thành công của quyển sách này? Tính phổ thông của quyển sách được giải thích qua sự dễ hiểu, ngược với các quyển sách thần nghiệm khô khan mà ngày xưa chỉ dành cho giới tu sĩ: “Gương Chúa Giêsu từa tựa như loại sách ‘dành cho những người không biết gì’, là quyển sách dành cho đại chúng. Độc giả đọc một cách dễ dàng”.

“Đây là quyển sách hay nhất từ bàn tay của một người”

Chắc chắn Gương Chúa Giêsu là quyển sách tiếng la-tinh được dịch nhiều nhất ra tiếng Pháp, chẳng hạn, từ thế kỷ thứ 17, ấn bản Louis-Isaac Le Maistre de Sacy có đến gần hai trăm nhà xuất bản. Quyển sách được các nhà truyền giáo dịch ra nhiều thứ tiếng, được xem như quyển cẩm nang hay nhất về đời sống thiêng liêng. Đúng thật là “quyển sách bán chạy”, quyển sách đã quá phổ thông trong các tu viện Âu châu đến mức các bản được sao chép vượt cả quyển Thánh Kinh.

Nếu quyển sách hướng dẫn thiêng liêng này không thể thay thế Lời Chúa thì đây là quyển sách người ta giữ bên cạnh để đem ra đọc bất cứ lúc nào, giúp chúng ta nhớ điều thiết yếu: kết hợp với Chúa. Văn sĩ Pháp Fontenelle đã nói: “Gương Chúa Giêsu là quyển sách hay nhất từ bàn tay một con người, bởi vì Thánh Kinh không được như vậy”. (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch)

ĐẶT MUA SÁCH GƯƠNG CHÚA GIÊSU