MÃ SỐ: 64-V27
“THỢ LÀM VƯỜN NHO”…?
Chiếc xe lăn bánh. Mới đây mà đã gần ba năm nó gắn bó với tụi nhỏ trong môi trường cô nhi viện. Giờ thì chính thức chia xa. Có ánh mắt ngây thơ hồn nhiên, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nụ cười vẫn tỏa nắng. Nắng mai. Có ánh mắt rưng rưng ngấn lệ. Có ánh mắt không ngăn được dòng thác lũ. Và nó cũng không ngoại lệ. Có những cái chạm tay không muốn rời,… cảnh tượng khác xa lúc nó mới tới.
- Thương chào tất cả!
Chiếc xe mỗi lúc một xa hơn. Tạm gác tất cả vào trong, vào một miền xa nhớ cho “mối tình đầu” của đời dâng hiến.
Bài sai năm nay nó được đến phục vụ tại một cộng đoàn truyền giáo phía bắc Bình Định, nơi mảnh đất hùng thiêng được thấm đẫm dòng máu của các anh hùng tử đạo. Cảm xúc thật khó tả. Sau thời gian gắn bó với “mối tình đầu”, nó có chút cứng cáp hơn nhưng cũng không thoát khỏi sự bồi hồi, lo lắng. Bao viễn tượng đang thay nhau diễn ra trong tâm trí nó.
…………………………
Một tuần trôi qua, hôm nay lần đầu nó theo chị đưa Chúa (trao Mình Thánh Chúa) đến với các cụ ông cụ bà già yếu không thể đến nhà thờ tham dự thánh lễ được. Tất cả là mười hai. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà là mỗi câu chuyện với những nỗi niềm chất chứa.
Đang đau, đang bệnh, đang mệt lã người, thế nhưng, thấy “Chúa đến” vẻ mặt ai nấy đều hiện rõ niềm hân hoan, vui sướng. Cái nắng nôi, xa xôi đã không còn là gì. Họ tươm tất từng câu kinh tiếng hát, dù không còn rõ chữ nhưng miệng vẫn không ngớt lời.
Bà Tám nằm trên giường thì thào, phải ghé sát tai mới nghe được điều mà bà muốn nói. “Bà không ao ước gì hơn là trong giờ sau cùng được lãnh nhận đủ hết các phép”. Giọng bà run run, sức khỏe đang yếu dần. “Sao bà không ước được Chúa cho nhiều sức khỏe, được Chúa chữa lành bệnh tật, đươc Chúa ban cho điều này điều kia,…..mà chỉ ước trong giờ sau cùng được lãnh nhận hết các phép?” Cổ họng nó bỗng nghẹn ứ với dòng suy nghĩ. Đó có phải là ước mong chung của con cái Chúa lúc tuổi xế bóng, lúc đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết? Hay sâu xa hơn là ước muốn được lên thiên đàng cùng với Chúa. Nó bất giác: vậy tham sân si trên cõi đời này để làm gì? Cái chết đâu có loại trừ một ai, nó đến như chiếc lưới chụp xuống bất ngờ? Giàu cũng như nghèo,… cũng nhắm mắt xuôi tay. Đúng như lời thánh vịnh 48 : “Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số? Kià thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác……”
Nắng bắt đầu gắt hơn. Những cơn gió thi thoảng lẻn vào, làm vật vờ hai ngọn nến đang cháy sáng trên bàn thờ. Ngọn lửa đức tin trong bà, chắc có lẽ, không một cơn gió nào có thể làm tắt đi. Bà Tám, một chứng nhân sống động của đức tin.
Bà tiếp: kinh kệ hôm nay có nhiều cái mới quá, mắt con không còn đủ sáng để nhìn đọc nên con nói với Chúa: con thuộc kinh gì thì con đọc kinh đó nghen Chúa”. Ôi! Sao mà đơn sơ, chất phát quá. “Người nhà quơ” hay vậy. Chắc có lẽ… Trong nghẹn ngào, bà nói tiếp: “hôm ông nhà chết, còn có con đọc kinh sớm tối, cầu nguyện. Tới lúc con, e là không còn ai? Các con của con bây giờ bê tha lắm. Con cầu nguyện và khuyên miết mà vẫn chưa được”. Bà nói trong nghẹn ngào. Hình ảnh của “người mẹ Mônica” như đang ở trước mặt nó. Bà cố hướng mắt lên phía có bàn thờ Chúa. Lấp ló ngoài cửa có bóng dáng của người con mà bà đang cầu nguyện. Và đâu đó, phải chăng vẫn còn có những đốm than hồng trong đống tro tàn.
……………………….
Đứng trước cả vùng Bắc Bình Định mênh mông với nhiều ngôi nhà thờ nay chỉ còn là nỗi nhớ, nỗi khát khao, rất rất nhiều người chưa nhận biết Chúa, cả “những con chiên đi lạc” và những tâm hồn đầy tràn những ưu tư chưa được giải gỡ… Tâm hồn nó miên man trôi về quá khứ: bao trang sử hào hùng, những giọt máu đào thời Văn Thân, rơi xuống làm cho mảnh đất tươi tốt về đức tin, về đời sống đạo và đã thu lượm được nhiều trái ngọt. Dòng máu ấy, ngày đêm vẫn âm ỉ trong lòng đất. Nhưng tiếc thay, qua dòng thời gian, đất không còn tươi tốt vì thiếu những người thợ. Rất cần những người chung tay cày xới. Rất cần những người thợ đi làm vườn nho cho Chúa. Bất kể là giờ nào, sáng sớm tinh sương, giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín hay cả giờ thứ mười một, miễn sao có người bước vào “làm vươn nho cho Chúa”.
Kinh kệ giờ đây, phần lớn chỉ còn là những lời kinh của các cụ ông cụ bà. Nhưng đâu đó, có nơi vẫn còn giữ các lời kinh xưa, bằng nhiều cách giữ và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Tháng Mân Côi về, lời kinh “Hôm nay lớn mọn đều chầu. Cảm ơn trọng Đức Bà thương đoái…” và cả kinh cầu Đức Bà được cất lên. Cả “lớn, mọn” đều ngân nga, vang dội cả thánh đường.
…………………………..
Quay lại câu chuyện của bà Tám, nó chỉ biết thêm lời cầu nguyện, nói lời động viên và “đưa” Chúa đến với bà trong niềm vui thật sự có Chúa.
Ngẫm lại đời mình, nó tự hỏi: “tôi có đang thật sự là người thợ làm vườn nho cho Chúa không?”