MÃ SỐ: 60-V25
CON NGƯỜI – LINH MỤC VÀ TẤM GƯƠNG
Viết về cuộc thi: Cùng nhau làm vườn nho cho Chúa, tôi lần dở lại từng trang trong cuốn sách: Chia sẻ với em người muốn đi tu làm linh mục của Lm Nhân Tài cộng thêm bài viết Linh mục cũng là con người của Lm Nguyễn Hồng Giáo Ofm đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ.
Con người, một nhân vị trần tục muốn trở nên linh mục cần những gì? Thời gian dài đào tạo liệu có biến một con người tầm thường thành phi thường, từ trần tục nên thánh thiện? nếu tự bản chất họ không muốn thay đổi hay vì tương lai đành ép mình thay đổi tạm thời để rồi khi thành toàn lại mang về muôn vàn tai tiếng thì phải giải quyết thế nào?
Vấn đề ở đây là người linh mục đã thi hành thừa tác vụ với động lực nào, phong cách nào, theo tinh thần Phúc Âm hay theo cách của thế gian; và ngoài lúc thi hành tác vụ, lối sống của ngài có ăn khớp với mầu nhiệm thánh thiêng đã cử hành không?
Bài viết: “Linh mục cũng là con người” của Lm. Nguyễn Hồng Giáo Ofm được ngài khởi đầu như sau: “Người ta thường nhắc lại điều hiển nhiên này “linh mục cũng là con người” khi muốn thông cảm hay biện minh cho những yếu đuối, lỗi lầm của linh mục. Nhưng tôi muốn nói tới điều hiển nhiên này ở đây như một đòi hỏi đối với người linh mục và như một thứ nguyên tắc cư xử thường ngày của linh mục.”[1]
Phần lớn, những người dấn thân trên con đường tu trì đã khởi đi từ những lý tưởng cao đẹp. Nhưng đời sống tu trì làm tôi chắc chắc một điều rằng không phải ai đi tu cũng đều xuất phát từ lòng yêu mến Chúa, yêu mến các linh hồn và nổ lực nên thánh mỗi ngày như mình đã từng lý tưởng.
Có những người xuất phát từ những điều xem ra là khá vật chất, nhưng sau này họ lại được đánh động yêu mến Chúa và dấn thân mạnh mẽ. Thật đáng mừng cho họ.
Bên cạnh đó cũng có những người lại dùng đời tu để vinh thân phì gia, dùng chức phận để đạt được những mục đích cá nhân. Cái này thể hiện khá rõ trong đời sống nhân bản, đời sống thiêng liêng, việc trau dồi tri thức và công việc mục vụ của chính đương sự nữa.
Bài viết của Lm Hồng Giáo đáng để các linh mục, đặc biệt là những ai đang trên tiến trình đào tạo linh mục cần đọc và suy ngẫm xem mình cần làm gì, cần thay đổi thế nào để biến đổi mình mỗi ngày trong hiện tại và cả tương lai phải là một linh mục thánh thiện, đẹp lòng Chúa và được mọi người yêu mến.
Trong bài biết của mình, tôi muốn nêu lên cảm nhận của bản thân về người linh mục của Chúa khởi đi từ chính những lần ngắm mình trước gương, một vật dụng quen thuộc: CON NGƯỜI – LINH MỤC VÀ TẤM GƯƠNG.
Thiết nghĩ là một linh mục, người cần dành thời gian nhìn mình trong gương nhiều hơn không phải để ngắm nghía bản thân theo kiểu thế gian nhưng theo một cách thế linh thánh.
- Linh mục nhìn mình trong gương trước hết để xem gương mặt mình, bản thân mình hiện tại thế nào so với quá khứ đã qua
Linh mục là con người. Là con người, linh mục cũng sẽ già đi theo thời gian, nhưng những gì họ để lại, những thứ chẳng bao giờ phai mờ theo năm tháng mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.
Người ta thường chọc nhau: Nét mặt của người linh mục, tu sĩ thường rất sáng, rất đẹp vì toát lên nét thánh thiện. Câu chọc vui nhưng linh mục cần phải để tâm suy nghĩ. Gương mặt toát lên nét thánh thiện, rực rỡ vì những linh mục là những người gần Chúa nhất, là người có Chúa trong mình, là hình ảnh của Chúa nơi trần gian ví như gương mặt ông Môsê sau khi gặp Chúa từ trên núi xuống.
Nhìn mình trong gương để kiểm tra mình mỗi ngày có còn rạng ngời thánh thiện trước mặt Chúa và mọi người. Gương mặt ấy có còn vui tươi, thân thiện như lúc còn là dự tu, chủng sinh hay thay bằng gương mặt nhiều vết nhăng vì những lần khó chịu với mọi người vì họ làm sai ý mình; mặt thêm vết thâm bầm vì những lần uống quá chén gây sự mà chẳng còn biết mình là ai; mặt nổi gân xanh, gân cổ vì những lần cãi nhau tay đôi với ai đó mà quên mất căn tính của mình; hay gương mặt niềm nở, cởi mở khi có người đẹp, đại gia thăm viếng…
Mặc dù biết rằng thiên chức linh mục là một trọng trách và là một ân huệ cao cả được trao ban cho một con người trước sau vẫn chỉ là người, và không thay đổi gì nơi con người tự nhiên của họ càng không bứt họ ra khỏi thân phận phàm nhân. Tuy nhiên khi đã quyết định dấn thân trở thành linh mục, người linh mục ấy đã phải uốn nắn, tu sửa mình mỗi ngày từ những ngày còn là dự tu, tiểu chủng sinh, đại chủng sinh đến khi làm linh mục, chẳng có lý do gì mà khi đã là linh mục lại biến mình thành một người khác. Chỉ có trường hợp nín thở qua sông mới làm cho họ nhịn một thời gian dài như vậy để đạt được mục đích của mình.
Vậy còn đâu là hình ảnh một linh mục đẹp, thánh thiện, một mục tử như lòng Chúa mong ước. Người linh mục cần nhìn lại mình trong gương để biết gương mặt mình đã thay đổi thế nào so với trước đây để biết quay đầu trở lại, giã từ những gì là trần tục để thánh hóa bản thân.
- Linh mục nhìn mình trong gương để xem mình hiện nay thế nào trong thiên chức đã lãnh nhận
Ngày 6-6-2021, nhân dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã viết một thư gửi các linh mục trong Tổng Giáo phận với chủ đề “Linh mục nên thánh”.
Đức Tổng đã bắt đầu bức thư như sau: “Tình trạng ‘Nhà Giáo hội’ hôm nay cũng có rất nhiều điều đáng ưu tư: tội lỗi nơi các thành phần Dân Chúa, thậm chí các xì căng đan nơi hàng giáo sĩ, hiện tượng xa rời và không thực hành đức tin, đời sống luân lý sa sút, lối sống thực dụng theo kiểu vô thần thực tiễn, tình trạng nguội lạnh thiếu lòng nhiệt thành dấn thân loan báo Tin Mừng… và rồi Đức Tổng Giu-se đã nêu ra điểm nhấn của vấn đề, đó là việc nên thánh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của linh mục, được xem là chìa khóa vạn năng để giải quyết những khủng hoảng hiện nay trong đời sống Hội thánh nói chung và trong đời sống của các mục tử nói riêng.[2]
Linh mục – Con người của cầu nguyện. TGM timothy Dolan trong cuốn linh mục cho ngàn năm thứ 3 đã nhấn mạnh quá nhiều linh mục đã xin hòa tục trở về đời sống bình thường vì đã từ lâu rồi họ không còn cầu nguyện. Linh mục không còn cầu nguyện sao có thể múc lấy ân sủng, múc lấy tình yêu và sức mạnh từ Thiên Chúa. Không cầu nguyện, người linh mục không còn dành thời gian để trải lòng với Chúa, chẳng còn biết tâm sự những vất vả, khó khăn, hay cả thành công để xin Chúa chúc lành hay ban ơn mà thay vào đó sẽ có những thứ tầm thường nhảy vào thay thế.
Linh mục cũng là con người, cũng muốn sống gần gũi với mọi người nhưng nếu không có đời sống cầu nguyện người linh mục sẽ dễ dàng bị đồng hóa thay vì hòa đồng với mọi người. Thật vậy, sự xa cách hay gần gũi không cốt ở những cái bề ngoài, nhưng tùy thuộc chủ yếu vào một thái độ bên trong: cởi mở, cảm thông, sẵn sàng chia sẻ.
Đức Tổng Giuse còn viết: “Cách đây vài năm, sau khi báo chí phổ biến danh sách thật dài các vụ lạm dụng tình dục tại Mỹ, một phóng viên đã hỏi các linh mục, chủng sinh tại Học viện Bắc Mỹ ở Roma nghĩ thế nào về khủng hoảng này, một linh mục trẻ đã trả lời: “Chúng tôi sẽ là giải pháp chứ không trở thành vấn đề”, nghĩa là chúng tôi sẽ sống tốt để lấy lại uy tín cho Giáo hội chứ không gây nên xì căng đan nữa. Nói cách khác, trước tình trạng suy giảm đức tin với tất cả những hậu quả về phương diện luân lý, tinh thần, xã hội và văn hóa, giải pháp cho sự suy thoái không hệ tại ở sự cải tổ trên bình diện xã hội, cơ cấu, hay pháp lý, nhưng ở nỗ lực trở về với Tin Mừng, tức là đời sống thánh thiện.”[3]
Cầu nguyện là cầu nối người linh mục với Chúa, họ sẽ trở nên thánh thiện hơn mỗi ngày sống nếu họ biết đặt tin tưởng vào Chúa, biết được lý tưởng mình đã đặt ra là đúng đắn và con đường mình đang đi là con đường dẫn tới sự sống đời đời thì người linh mục sẽ hăng hái hơn trong đời sống tu trì qua những hoạt động mục vụ đầy tình Chúa và tình người.
- Linh mục nhìn mình trong gương để xét mình mỗi ngày vì một ngày mai sắp tới
Đức GM Phê-rô Nguyễn Soạn, nguyên GM chính tòa giáo phận Qui Nhơn, trong bài giảng về đề tài “Khủng hoảng trong đời sống linh mục”, đã chia sẻ như sau:
“Trong khi thi hành mục vụ, các linh mục thích đi vào chính trị, thích làm các công tác chuyên môn ở đời, muốn làm bác sĩ, kỹ sư, phi hành gia, nhà xã hội, nhà văn v.v… Trong lúc đó người ta cần nơi chúng ta không phải là điều họ có, mà là điều họ không có. Jean Guitton có lần viết trong báo Le Christ au Monde: “Chúng tôi không cần các linh mục làm những việc như chúng tôi, mà các linh mục làm sao làm các điều ấy có hiệu năng như chúng tôi được. Chúng tôi là những nhà chuyên môn. Còn các linh mục phải lo những chuyện của mình như bận đọc kinh, bận dâng lễ và các công tác mục vụ khác nữa. Điều chúng tôi cần, là đời sống chứng tá và các lời rao giảng của các linh mục…”
Quả vậy, điều mà giáo dân cần linh mục “ban cho” họ chính là gương sáng về đời sống nội tâm sâu xa, về cuộc đời từ bỏ, về đam mê phục vụ, về tình liên đới tha nhân, về chứng tá Tin Mừng Ki-tô giáo, về nếp sống tu trì khó nghèo khiêm hạ, về những thao thức truyền giáo vv.[4]
Linh mục cũng là con người, thật khó để làm tốt mọi thứ. Nhưng với ơn Chúa chẳng có gì là không thể được. Người linh mục cần xét mình mỗi ngày xem bản thân mình cần làm gì để thay đổi, vì chẳng có ai có thể thay đổi được nếu chính bản thân họ chẳng muốn, chẳng có một chút quyết tâm.
Câu chuyện: “Đầu bạc” đáng để các linh mục nhìn lại chính mình về những quá khứ đã qua, giây phút hiện tại và những nổ lực cho một tương lai phía trước. Hãy sống sao cho đáng sống, là một con người mẫu mực, một linh mục thánh thiện.
Một ngày đẹp trời, cha xứ vừa bước ra khỏi cửa, một đám thiếu nhi lóc nhóc chạy ùa đến quây quần bên cha, nói cười vui vẻ…bỗng có một đứa thốt lên, ngạc nhiên:
⁃ Ơ, sao đầu cha tóc bạc lốm đốm hết vậy kìa?!
⁃ Cha mỉm cười dễ dãi trả lời:
⁃ Đầu cha bạc đi nhiều vì có mấy đứa trong bọn con không được ngoan lắm đó.
⁃ Một phút yên lặng trôi qua, bỗng dưng một đứa phát biểu:
⁃ Vậy hả cha, con thấy Đức Cha giáo phận về ban phép Thêm Sức hôm rồi, tóc sao cũng trắng xoá hết vậy???
⁃ Cha xứ: !!!
[1] https://giaophanvinhlong.net/Linh-Muc-Cung-La-Con-Nguoi
[2] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tgm-giuse-nguyen-nang-thu-gui-cac-linh-muc-nhan-dip-le-thanh-tam-2021
[3] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tgm-giuse-nguyen-nang-thu-gui-cac-linh-muc-nhan-dip-le-thanh-tam-2021
[4] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tgm-giuse-nguyen-nang-thu-gui-cac-linh-muc-nhan-dip-le-thanh-tam-2021