MÃ SỐ: 59-V24
CHỦNG SINH TRONG TIẾN TRÌNH ĐÀO TẠO
LINH MỤC – CON NGƯỜI CỦA PHÁN ĐOÁN
Bên cạnh việc tìm kiếm tri thức, khi nhìn lại tiến trình đào tạo ứng sinh Linh mục, các nhà đào tạo nhận ra rằng Đào tạo tri thức là một trong bốn chiều kích quan trọng của tiến trình đào tạo nên một Linh mục như lòng Chúa mong ước gồm: Nhân bản, Thiêng liêng, Tri thức và Mục vụ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong cuốn Đào tạo Linh mục số 125 đã viết: Trong đào tạo nhân bản, thiêng liêng, mục vụ, điều đầu tiên bao giờ cũng là sự hiểu biết, sự nhận thức. Có thể nói, đào tạo Tri thức có nhiều đóng góp cho việc đào tạo Linh mục, một trong những đóng góp đó liên quan đến sự đào luyện phán đoán tri thức cho ứng sinh Linh mục. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi Giáo đoàn Côrintô đã viết: “Thưa anh em, về mặt phán đoán thì đừng sống như trẻ con; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành.” (1Cr 14, 20). Thật vậy, vai trò của người có hiểu biết là: dùng sự hiểu biết của mình để góp phần giúp trước hết là chính bản thân mình, sau là cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng-sai, phải-trái, thật-giả, thiện-ác, hay-dở, tốt-xấu, nên-không nên…
Có thể hiểu, phán đoán là vận dụng các khái niệm nhằm mục đích phân biệt, so sánh những đặc tính, bản chất của sự vật và tìm mối liên hệ giữa đặc tính chung và đặc tính riêng của các sự vật đó.[1] Có thể nói, đời sống con người nói chung và đời sống của người ứng sinh linh mục nói riêng rất cần đến phán đoán đúng.
Tác giả Lê Tôn Nghiêm đã viết: “Chức vụ của lý trí là ở khả năng phán đoán hay phán quyết”[2] vì phán quyết là một chức vụ suy luận để thiết lập một tương quan và để đi đến một sự tin tưởng, một sự tham gia. Để có một phán đoán đúng đắn, chính xác và đúng lúc cần:
- Tập khả năng quan sát
Mọi tri thức đều bắt đầu từ giác quan. Trong đó, mỗi giác quan có nhiệm vụ và cách thức tiếp nhận các thông tin khác nhau. Do đó, để có một phán đoán đúng, trước tiên cần phải rèn luyện cho mình một khả năng quan sát chính xác và đúng đắn. Tác giả Armand Cuvillier nhận địch: “Các giác quan của ta rất chính thực và rất đích xác để cho ta biết các tương quan giữa các vật thể chung quanh ta với thân thể ta”.[3]
Aristote đã đưa ra mười phạm trù để xác nhận Hữu Thể. Sự khác nhau giữ vật này và vật khác đều dựa trên sự thay đổi của các tùy thể. Hay có thể nói như tác giả Nguyễn Ước: Tri thức của chúng ta về thế giới bắt đầu bằng sự nhận biết các phẩm tính. Hầu hết phán đoán của chúng ta về đối tượng nhận thức đều dựa trên sự nhận biết một ít phẩm tính của nó.[4] Hay có thể nói, chính sự kết hợp của các phẩm tính mà chúng ta nhận biết được sự vật đem lại cho chúng ta cái nhìn khách quan và chính xác hơn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng có cái nhìn chính xác và đúng đắn về sự vật. Tác giả Nguyễn Ước nhận xét rất đúng về vấn đề này: “Dù đồng ý phẩm tính là thành tố quyết định trong tri thức của chúng ta về thế giới ngoại tại chúng ta cũng phải chấp nhận rằng những thông tin được tiếp nhận như thế có khả năng sai vì các giác quan bị giới hạn”.[5] Do đó, để có được phán đoán đúng, ta phải rèn luyện khả năng quan sát, phải làm thế nào để cái nhìn của mình về một vật, một sự việc luôn chân thực, rõ ràng và chính xác.
Theo tác giả Lê Tôn Nghiêm: “Phán đoán là một chức vụ suy luận để thiết lập một tương quan và để đi đến một sự tin tưởng, một sự tham gia.”[6] Có thể hiểu, Phán đoán của ta sẽ chính xác khi ta có được một sự giáo dục đúng đắn, chính điều đó sẽ giúp điều chỉnh những suy luận, cách đánh giá để đưa ra những phán đoán chính xác. Qua đó, ta có thể thấy rằng để có được một phán đoán đúng đắn, đó là cả một quá trình học hỏi, suy luận. Khả năng suy lý cần được tôi luyện, phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện để có thể đưa đến một phán đoán chính xác.
Theo Tuân Tử: Biện luận là diễn tả tư tưởng, tư tưởng đúng biện luận mới đúng. Thật vậy, làm sao có tư tưởng đúng nếu chúng ta không được giáo dục, không được đào tạo. Có thể thấy rằng, phán đoán đúng là kết quả những đồng thời cũng là một động lực để ta cố gắng trau dồi tri thức, tạo động lực học tập.
Tác giả Nguyễn Hiến Lê – Giản Chi cũng cho biết thêm, theo Tuân Tử: “Mục đích của tri thức là cầu Đạo, tức hiểu cái đạo lí của sự vật, đạo lí của sự vật nắm được rồi thì cân nhắc, phân định thị phi sẽ không sai.”[7] Thật vậy, người ứng sinh linh mục phải học hỏi để biết được chân lý thật sự. Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 trong tác phẩm thứ II nghiên cứu về Đức Giêsu với tựa đề: “Jesus Nazareth: Tuần thánh – từ biến cố vào đền thánh Jerusalem đến biến cố Phục sinh _ phát hành giữa tháng 3 năm 2011, đã nhắc lại câu hỏi Philatô đặt ra cho Đức Giêsu: “Chân lý là gì?”. Theo ngài, đây là câu hỏi rất hệ trọng, liên quan chặt chẽ tới số phận loài người. Ngài nhắc lại định nghĩa của thánh Tôma Aquinô “Chân lý là sự tương ứng giữa trí năng và thực tại”, ngài giải thích thêm: Nếu trí năng con người phản ánh được thực tại tự thân (thực tại vượt trên kinh nghiệm giác quan) thì con người sẽ khám phá được chân lý, mặc dù chưa phải là chân lý toàn diện, mà chỉ là một phần thực tại. Ngài cũng nhắc lại khẳng định của thánh Tôma Aquinô: “Chân lý nơi trí năng Thiên Chúa là chân lý đích thực và nguyên thủy, còn chân lý nơi trí năng con người cũng đích thực nhưng chỉ là thứ phát (derivatively).” Ngài than phiền Ngày nay chỉ có chân lý chức năng (functional truth) về con người là được quan tâm và khám phá (như mã di truyền chẳng hạn). Còn chân lý về chính con người: Con người là ai? Từ đâu tới? Điều gì đúng, điều gì sai, thì con người thường tránh né, không muốn giáp mặt như chân lý chức năng.[8]
Phán đoán đúng rất quan trọng, không những thế nó còn phải đúng lúc, đùng thời điểm thì mới đem lại hiệu quả. Không thể đưa ra phán đoán khi chúng ra chưa có đầy đủ thông tin, quá nóng vội, chưa nhìn nhận thấu đáo sự việc hay có thể là quyết định đưa ra phán đoán của ta chưa đúng lúc, chưa hợp lý. Kinh nghiệm của người xưa trải qua nhiều sai lầm trong cái nhìn của mình trong đời sống đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho đời sau: Đừng vội xét đoán điều gì, cho dù điều ta nhìn thấy rành rành trước mắt nhưng điều đằng sau nó mới là sự thật, nhìn vậy nhưng không phải vậy. Câu chuyện trong Cổ học Tinh Hoa – Chuyện nồi cơm của Khổng Tử là một bằng chứng minh họa của chính Khổng Tử khi nói về cái nhìn sai lầm của mình đối với người đệ tử mà mình rất yêu mến và tin tưởng khi ông thốt lên: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình nhìn thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”[9]
Hơn nữa, khi ta có cái nhìn càng nhiều thiên kiến thì càng khó nhìn thấy được chân lý. Theo cái nhìn của Locke: “Tâm trí phải bị động, bằng không nó có thể làm méo mó, thương tổn thông tin nhận được ấy, đưa đến kết quả chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng các ý tưởng của mình quả thật tiêu biểu cho các thực thể nội tại.”[10]
Về vấn đề này, Linh mục Phêrô Nguyễn Xuân Phong nhận xét khi nói về tri thức theo Tuân Tử: “Nếu ta chấp trước các trạng thái đối vật đó mà thiên về một phía tức là ta bị che lấp mà sự phán đoán của ta mất hết công bằng.”[11] Còn theo Tuân Tử, Tâm có định thì tri thức mới chính xác, tâm mà phân, khuynh thì bị giằng co, lênh đênh giữa những tương phản chằng chịt, làm sao thấy rõ được “đại lý”[12]
Như vậy, để có được phán đoán đúng, chúng ta cần tôn trọng “Thế giới riêng tư của người khác”. Soeur Sourire đã viết: “Trên thực tế, chúng ta thường nhìn người khác bằng quan niệm và thành kiến của riêng ta và dễ có xu hướng bắt người khác suy nghĩ theo lối nhìn của ta. Tệ hơn, chúng ta thường lấy bản thân ta làm thước đo, làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Sâu xa hơn, chính là ta không muốn tôn trọng thế giới riêng của người khác, cái thế giới mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền biết. Do đó, để tiến đến đón nhận và yêu thương tha nhân, trước hết ta phải tôn trọng mỗi người như một nhân vị cá biệt, độc đáo, bất khả tương nhượng”.[13]
Phân định (hoặc “biện phân”) dùng để dịch discernere trong tiếng Latinh. Động từ này gồm bởi “dis” có nghĩa là tách, và “cernere” có nghĩa là chọn. Một cách khái quát, phân định là “phán đoán” về phẩm chất của sự vật, “phân biệt và tách rời” điều tốt và điều xấu, điều lợi và điều hại, điều chính và điều phụ. (Một giải thích khác)[14]
Sự phân định còn có thể hiểu như một khả năng (habitus), một thái độ liên tục, luôn luôn sẵn sàng tìm ý Chúa; hoặc như một quyết định (actus) chọn lựa dứt khoát. Người ta thường hiểu phân định theo nghĩa “quyết định” chọn lựa một hướng đi, để đáp trả tiếng Chúa gọi. Tuy nhiên, “thái độ sẵn sàng” giúp cho ta đi tới quyết định cách sáng suốt hơn. Mặt khác, cuộc đối thoại với Thiên Chúa mang tính cách liên tục: Cho dù đã một lần thưa “xin vâng” cách dứt khoát, nhưng sự đáp trả có thể được kiện toàn, không những để trung thành với ơn gọi mà còn để trở nên luôn luôn sâu đậm và mới mẻ hơn.
Phân định là một việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt khi con người tìm kiếm ơn gọi của mình trong cuộc đời, cần phải hiểu rõ và đưa ra những quyết định đúng đắn và chính xác cho ơn gọi của mình. Đây là việc làm xảy ra khá thường xuyên trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là trong những hoàn cảnh quan trọng. Thường thì ơn gọi lúc đầu không được rõ ràng cụ thể, nhưng dần dần do tìm hiểu và học hỏi, con người sẽ hiểu được nó. Phân định trong trường hợp này, không nên hiểu như là một nỗ lực cá nhân nhằm mục đích hiểu rõ hơn về bản thân mình; mà cần phải ý thức vấn đề: Ơn gọi là một lời mời gọi đến từ Thiên Chúa, và phân định trong bối cảnh này chủ yếu là do chính bản thân người phân định mở lòng trước Đấng Gọi Mời. Vì thế, “Cần phải thinh lặng cầu nguyện để nghe tiếng Chúa vang lên trong tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa gõ cửa cõi lòng chúng ta như Ngài đã làm với Maria; Chúa mong muốn thiết lập tình bạn với chúng ta qua cầu nguyện, trò chuyện với chúng ta qua Sách Thánh, để ban cho chúng ta lòng thương xót trong Bí Tích Hòa Giải, và cùng ở với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.” (Sứ điệp của Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2018).
Trong cuốn sách Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo khi trả lời một câu hỏi về vấn đề ơn gọi, Linh mục Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ cũng đã viết: “Mọi ơn gọi đều xuất phát từ Chúa, chứ không phải từ người phàm, và nhiệm vụ của mình là cố gắng khám phá ra tiếng nói của Chúa vẫn nhẹ nhàng vang lên trong lòng mình.”[15] Như vậy, người ứng sinh linh mục cần xác định rõ ràng ơn gọi qua việc nhận ra ý nghĩa nguyên thủy và loại biệt của việc đào tạo các Ứng sinh linh mục không phải nhắm về những tài năng để có lợi lộc vật chất, nhưng trong cái nhìn đức tin đào tạo con người có những tình cảm cao đẹp vươn lên đạt được điều thiện hảo, đạt đến hạnh phúc đích thực.[16]
Nhấn mạnh hơn về điều này, trong Tông huấn Đời sống Thánh Hiến, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Nhờ năng tiếp xúc với Lời Thiên Chúa, họ được soi sáng để biện phân cho chính bản thân và cho cộng đoàn, để tìm ra đường lối của Chúa trong các dấu chỉ của thời đại. Nhờ có một thứ bản năng siêu nhiên, họ không rập theo não trạng thế tục, mà đổi mới tâm thần, để “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: Cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”(Rm 12,2).[17]Tông huấn nhấn mạnh việc người ứng sinh linh mục phải rèn luyện cho mình không những có một phán đoán đúng mà còn rèn luyện trên cả 4 chiều kích của quá trình đào tạo linh mục.
Thật vậy, trong cuộc sống hiện sinh, đặc biệt trong tiến trình đào tạo Linh mục để trở nên những mục tử trong tương lai như lòng Chúa mong ước, trở nên những người thợ lành nghề trong vườn nho Chúa, người ứng sinh phải cố gắng học tập, rèn luyện để tự đào luyện cho mình những khả năng cần thiết nhất, nhằm giúp ơn gọi của mình luôn thăng tiến, và giúp ích nhiều cho Giáo Hội như triết gia Marcel đã lấy Socrate làm gương mẫu cho việc đi tìm chân lý: Theo ông, ta phải tránh xa những quyết định vội vàng và hình thức, vì sẽ làm tê liệt tất cả sức truy tầm và óc tiến thủ của con người, không bao giờ được phép cho rằng mình đã đạt tới chân lý toàn vẹn, không bao giờ được phép an nghỉ, như thể mình đã biết tất cả những gì có thể biết về mình, về vũ trụ và về siêu việt.[18]
[1] Vô danh. Khái niệm phán đoán. Truy cập ngày 18/12/2020. http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/
[2] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử Triết học Tây phương (Quyển 2), 389
[3] Armand Cuvillier soạn, Các vấn đề triết học (Viện Đại học Huế, 1962), 108
[4] x. Nguyễn Ước, Các chủ đề Triết học, 99
[5] Ibid., 102
[6] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử Triết học Tây phương (Quyển 2), 390
[7] Nguyễn Hiến Lê – Giản Chi, Tuân Tử, 146
[8] x. Nguyễn Đăng Trực, Bài viết về Tri Thức Luận (Gnoseology), (Nguồn tin: Học viện Đa Minh)
[9] Vô danh. Chuyện nồi cơm của Khổng Tử. Truy cập ngày 25/2/2021. http://www.hoavouu.com/a21101/Chuyen-noi-com-cua-Khong-Tu – Điển Tích
[10] Nguyễn Ước, Các chủ đề Triết học, 105
[11] Nguyễn Xuân Phong, Triết học Đông phương – Triết Trung Hoa, 168
[12] x. Nguyễn Hiến Lê – Giản Chi, Tuân Tử, 150
[13] Soeur Sourire, Tu sĩ lớn lên trong tương quan cộng đoàn
[14] JM. Lam Thy ĐVD. Định nghĩa về phân định. Truy cập ngày 15/1/2021. https://www.thanhlinh.net/node/127855
Tác giả JM. Lam Thy ĐVD cũng đã giải thích cụm từ này như sau: “Phân định” là: phân chia và xác định một cách rõ ràng, cụ thể (vd: đường biên giới được phân định rõ ràng). Còn hành vi của “phân định” là: nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác, nhận thức bằng trí tuệ; nhờ đó, nhận ra sự khác biệt, tách biệt nhau của các sự kiện. Có thể hiểu việc phân định thường bao gồm hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán.
[15] Phạm Đình Ngọc (Chủ biên), Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công Giáo – Tập 1 (NXB Tôn Giáo, 2020), 13
[16] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (NXB Tôn Giáo, 2012), số 1762
[17] Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, Tông huấn Đời sống thánh hiến, 179-180
[18] x. Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh (Nxb Văn Học, 2005), 259