Làm vườn nho cho Chúa: 36-V15-Lời về quê hương

MÃ SỐ: 36-V15

 LỜI VỀ QUÊ HƯƠNG

Cuộc đời là những chuyến đi.

Tuổi thơ ai cũng có những kỷ niệm thật đẹp, thật thơ bé. Hình ảnh cây đa giếng nước đầu làng hay đâu đó, lấp ló những chú bé thả diều, chăn trâu trên những cánh đồng dài và xanh ngắt. Đám trẻ thơ đang nô đùa xung quanh những gốc cây phượng vĩ đỏ rực giữa cái nắng gay gắt của tiết trời vào hạ. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ của thời ấu thơ nay lại gợi lên trong Bảo một nỗi niềm thao thức. Em muốn quay trở về với tuổi thơ. Về với quê hương. Nơi mà em đã chôn giấu bao nhiêu kỷ niệm khi còn là một đứa trẻ.

Xa quê hương năm lên mười sáu tuổi. Em theo ba má vào sống ở tại một giáo xứ cách quê khoảng hàng nghìn cây số. Mọi thứ đối với em đều trở nên lạ lẫm. Cảnh vật xung quanh khác hẳn nơi em đã từng sinh sống. Nó không có cây đa giếng nước, không có những bạn nhỏ tung tăng trong sân trường, không có những cánh hoa phượng đỏ đang lượn bay là là theo chiều gió, rất nhiều và còn rất nhiều điều mà em chưa kịp nghĩ tới. Vì thế, em cũng như ba má phải bắt đầu cuộc sống mới từ đây.

Ngày ấy, Bảo là một đứa con ngoan trong gia đình. Ba má và em trai Bảo đều lấy Bảo làm vui vì em học giỏi, đạo đức và thánh thiện. Từ lúc còn tấm bé, em đã là một đứa trẻ ngoan. Em cũng thích nô đùa, vui chơi trên những cánh đồng dài như bao đứa trẻ khác ở đầu xóm. Điều lạ thường là em luôn luôn có mặt tại nhà thờ vào giờ đọc kinh chiều hàng ngày tuy cuộc chơi của các bạn em vẫn đang diễn ra khá hấp dẫn và thích thú trên những cánh đồng kia.

Trong ngôi nhà thờ đã quá tuổi, tường vách để lộ ra nhiều vết loang lổ và đâu đó rong rêu bám đầy bốn góc chân tường nhà thờ. Cung lòng nhà thờ chỉ chứa đủ tầm cỡ sáu mươi người trở lại. Mười dãy ghế được đặt sát vách tường. Những hàng ghế nâu đã bạc phếch theo tháng năm. Bảo ngồi ở dãy ghế đầu tiên. Nhìn từ xa không ai có thể trông thấy em được, vì thân em quá bé nhỏ. Trên tay em lúc nào cũng có cuốn Kinh nhỏ kèm theo. Em thích đọc sách Thánh và nghe Lời Chúa hằng ngày. Ngước mắt nhìn, đọc kinh hội nhà thờ loe nghoe mấy mạng người ta. Các cụ các bà chiếm phần lớn, duy chỉ mình em là người trẻ nhất đang hiện diện trong ngôi nhà thờ. Thấy cảnh này chắc Chúa cũng phải lấy làm buồn. Thế nhưng, dù cho dòng thời gian cứ mãi lặng trôi, tiết trời có đổi thay thế nào đi nữa vẫn không thể lay chuyển lòng yêu mến Chúa, người bạn tốt nhất cuộc đời em.

Tại nơi sân trường đầy nắng và gió. Qua những tháng ngày chăm chỉ học tập, Bảo luôn là một cậu học sinh giỏi ở trường. Em siêng năng học tập và nghiên cứu bài vở trước khi đến lớp. Em luôn vận động các bạn tích cực tham gia xây dựng tinh thần tập thể lớp hằng vững mạnh và phấn đấu trong thi đua học tập. Thầy cô giáo và bạn bè luôn thương yêu và quý mến em. Em xứng đáng là con ngoan trò giỏi.

Lớn lên ai cũng có những hoài bão, điều em mơ ước là được dâng hiến cuộc đời em cho Chúa. Điều ấy đã ăn sâu vào tâm trí em. Chắc có lẽ, nó khởi đi từ lúc em đặt chân đến với Chúa qua những giờ kinh tối mỗi ngày. Quả đúng như thế, Lời Chúa như nhắn thầm em:

– “Bảo ơi! Ta đã gọi con, con hãy theo Ta”.

Nhiều bạn trẻ muốn đi tu thường có những nỗi sợ và niềm băn khoăn tự hỏi là Chúa có gọi mình thật hay không. Họ e rằng nếu đi theo Chúa được vài ba năm kẻo Chúa không gọi mình nữa thì cuộc đời mình sẽ trở nên đen tối. Tôi phải tìm cho mình một công việc xứng hợp để phụ giúp gia đình hay đi tiếp trên con đường thánh hiến khác. Liệu rằng tôi có thể sống hạnh phúc trong đời sống hôn nhân của mình mai sau? Những câu hỏi dường như đang ùa vào tâm trí họ khiến họ phải phân vân.

Riêng Bảo thì khác, em đã quyết định đi theo Chúa ngay từ lúc nhỏ. Đến lớn, em càng khôn ngoan và hiểu lẽ về sự thật hơn. Em vững bước đi theo Chúa dẫu Chúa có bỏ rơi em. Em vẫn nhớ về cái ngày ấy. Cứ sắp hết hè, tầm cỡ vào cuối tháng Tám là em phải đi chào mọi người trong gia tộc để đi học xa. Các cha trong chủng viện thường dạy cho các chú là biết đi thưa về chào. Vì đó là bài học nhân bản của một chủng sinh. Thấy cháu lại sắp đi học xa thì cô, dì, chú, bác lại cho tiền như làm món quà hành trang cho cháu lên đường nhập học. Duy chỉ có Bác hai, người anh của ba thì không làm như vậy. Bác lại gần nắm chặt lấy tay em. Bác dẫn em ra gần khu vườn rau sau nhà, bác dúi vào túi em một tràng Hạt Mân Côi bằng gỗ thơm được bọc trong tấm khăn đã ố màu. Bác nói nhỏ với em:

– Bác chỉ có cái này làm quà cho cháu, cháu cố gắng tu học mà sớm làm ông cha nhà thờ nha!

Em gật đầu đáp lời bác trong sự lễ độ và vâng lời. Điều làm em bối rối lúc này là tại sao bác Hai không cho tiền mình như bao người khác. Tràng hạt này rồi để làm gì? Em đâu thiếu những thứ này? Những suy nghĩ ấy cứ dồn vào trong đầu em. Chưa kịp đưa ra sự thắc mắc, bác đã vội quay lưng trở lại nhà. Bước đi của bác có vẻ nặng nề hẳn ra. Khuôn mặt bác lộ rõ nét buồn buồn hơn lúc trước khi gặp em. Bác nói bác không kiếm ra được tiền như các cậu và dì của con, vậy khi nào có, bác sẽ cho bù lại con. Lời bác chân thật làm sao. Bác đã làm em thật sự xúc động. Em bỗng nên nghẹn ngào.

Về nhà trường, vào những ngày đầu tiên của năm học. Khi đêm tối đã xuống dần trên cõi thế. Nhiều hôm em phải suy nghĩ về bác Hai. Thấy bác tội nghiệp và đáng thương lắm. Bác nghèo mà chẳng bao giờ thấy bác than vãn. Từ lúc bác gái mất tới nay đã được tám năm tròn, bác Hai phải một mình đơn côi. Nhà không con. Bác phải tự mưu sinh. Hằng ngày, hình ảnh bác được in bóng đầy ở nơi đầu làng. Bác chạy xe xích lô. Hễ ai kêu là bác phải chạy xe, cuộc sống của bác lệ thuộc vào những chuyến xe như thế. Có hôm vì mệt quá và lại không khách, bác phải chờ đợi tới tối hôm mới về đến nhà. Bác ngã lăn ra đất mà trong bụng chưa có được một hạt cơm nào lót dạ. Có bữa vì thời tiết quá khắc nghiệt đã làm cho bác trở bệnh nặng phải đi nhập viện suốt mấy ngày liền. Cuộc đời là thế đó, không ai cho không mình điều gì cả, có làm thì mới có ăn. Tới đây, Bảo chợt nhớ lại câu Kinh Thánh mà Thánh Phaolô đã có lần viết thư gửi cho cộng đoàn tín hữu Thêxalônica:

– “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Th 3, 10)

Càng nghĩ về bác, em thấy ân hận về những gì mà em đã nghi ngờ về bác lúc trước. Vội chạy tới Đức Mẹ, em quỳ xuống. Lấy trong túi ra tràng hạt mà bác Hai đã gửi cho em, em dâng tràng hạt Mân Côi này lên cho Mẹ Maria. Em tha thiết cầu xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa ban cho bác Hai muôn ơn lành hồn xác và hằng gìn giữ bác trên mọi dặm đường bác đi cũng như xin Chúa tha thứ những lỗi phạm trong tư tưởng của em. Tràng hạt bỗng trở nên khí cụ vững chắc và đem lại lợi ích thật sự cho đời em. Niềm hạnh phúc trong lòng em cứ dâng cao. Căn nhà cầu nguyện tối mịt phút chốc trở nên sáng rực.

Thời gian trôi qua, những tháng ngày học tại chủng viện cũng đã kết thúc. Bảo lên xe về thăm lại quê xưa. Em hỏi thăm nhà bác Hai. Bước vào sân nhà, đi qua cánh cửa em bất ngờ khi nhìn thấy di ảnh bác được đặt trên bàn thờ. Bác đã đi rồi. Bác đi mà em không hề hay biết. Hai dòng nước mắt đùn đục của em nhỏ thấm xuống đất. Em quỳ xuống. Lòng nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Em khóc thút thít. Miệng em đọc vài ba lời Kinh để cầu nguyện cho chú. Lời Kinh ấy trở nên trong vắt:

– “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn Phêrô vừa mới qua đời được lên chốn nghỉ ngơi – Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen”.

Em đợi cho những ngày đầu tạm trôi đi. Em chờ những cơn sóng tình cảm tích lũy trong lòng mấy năm qua dịu lại, rồi em sẽ về lại với Ba má. Em buồn vì không được gặp bác vào những ngày cuối đời. Em sẽ im lặng mà giấu kín kỷ niệm cũ trong tâm hồn em. Ngày em trở lại, cánh cửa kia đã vội đóng. Tình yêu này em xin gửi lại quê hương. Đúng như lời bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên:

-“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

   Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.”

Nhìn lại quá khứ đã trôi qua, em gọi những kỷ niệm ấy là Lời của Quê hương.