Làm vườn nho cho Chúa: 08-V04 – CON ĐƯỜNG CHA ĐI

MÃ SỐ: 08-V04

CON ĐƯỜNG CHA ĐI

Gió từng đợt ùa về trong tâm trí tôi một cảm giác se lạnh của những ngày cuối đông. Dọc theo hành lang từ nhà nguyện về nhà Thanh tuyển sau giờ kinh tối, tôi lắng suy về hình ảnh “con đường” vừa lóe lên trong đầu. Dừng chân bên cửa sổ phòng học, khung cảnh bên ngoài thật mênh mông vô tận, dải ngân hà tựa một dòng sông ánh sáng đổ vào biển ở cuối chân trời. Vầng sáng trắng ngà mầu nhiệm trên kia càng làm rõ lên độ sâu của đêm đang chìm ngập ánh sáng tinh khiết. Dường như không có hình ảnh cụ thể nào nói về con đường tôi đang suy. “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi” (Lỗ Tấn). Đúng vậy, ngay từ ban đầu làm gì có đường đi rõ ràng, chỉ khi nào có dấu chân người đi qua nhiều lần mới để lại lối mòn trên đó. Để được như vậy đòi buộc phải có người dám cất bước ra đi khai phá con đường ấy. Trong tôi lúc này bỗng hiện lên hình ảnh con đường của các vị thừa sai xưa kia. Bởi đâu mà họ đã dám bứng mình ra khỏi một châu Âu hoa lệ để đến với một vùng trời Viễn Đông xa lạ này. Đặc biệt đối với người cha khai sinh ra Hội dòng Mến Thánh Gía – Đức cha Pierre Lambert de La Mott thì tôi lại càng muốn được tìm hiểu về con đường cha đã đi xưa kia hay đúng hơn là sứ mạng truyền giáo của cha trên mảnh đất Việt Nam thân yêu.

“Sứ mạng là tiếng gọi lên đường để loan truyền tình thương Thiên Chúa” (lời mở đầu Mục đồng số 28) là thực hiện lệnh truyền xưa kia của Chúa Giê su “Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Chính Đức Giêsu là vị thừa sai đầu tiên được Chúa Cha sai đi “Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến, chứ không phải Ngài tự ý đến” (Hr 5, 5). Dấu chân cuả Ngài đã in trên khắp các nẻo đường xứ Galilê để loan truyền tình yêu Thiên Chúa. Ngài cũng chọn các tông đồ để sai đi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về hành trình truyền giáo, họ không sống cho riêng mình nhưng là sống cho Thiên Chúa. Phải chăng truyền giáo chính là đam mê của Đức Giêsu. Ngài muốn tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu của mình mở rộng để ôm ấp toàn thể nhân loại. Chỉ khi nào thực sự say mê Đức Kitô mới có sức thúc giục Đức cha yêu mến và gắng công làm cho người khác yêu mến Thiên Chúa. Bởi vì “sự dấn thân truyền giáo nảy sinh như một ngọn lửa tình yêu từ việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu và sự lôi cuốn của Người. Chỉ các kitô hữu đã chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô mới có thể cảm thấy bị mê mẩn bởi vẻ huy hoàng của Người và làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại…” (ĐGH Gioan Phaolô II, bài giảng ngày Quốc tế truyền giáo 20/10/2000). Thật tuyệt vời khi những điều trên lại rất đúng và phù hợp với lý tưởng của Đức cha Pierre Lambert de La Motte trên bước đường truyền giáo của ngài.

Ngược dòng thời gian cùng trở về mùa xuân năm 1624 khi vạn vật đang tưng bừng đón những tia nắng đầu năm mới thì ở Lisieux vùng Normandie nước Pháp, cậu bé Pierre Lambert cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng của gia đình. Chẳng ai biết được cậu bé Lambert ấy sẽ như thế nào nhưng lịch sử cho ta thấy được những tương giao thật đặc biệt của một con người trong khoảng thời gian nhất định.Theo nhiều sách thuật lại có thể thấy tương lai của Lambert thật rạng ngời và đang trên đường rất đỗi thành công. Cậu bước chân vào đời khi vừa tròn 22 tuổi với chức vụ Thẩm phán đầy triển vọng cả về danh và lợi. Nhưng rồi cuộc đời của cậu đã được dành riêng cho một sứ mạng. Hình ảnh những người say mến bước theoThánh giá Chúa xuất hiện trong tâm trí lúc 9 tuổi đã luôn thôi thúc cậu từ bỏ mọi thứ để bước theo tiếng gọi yêu thương lên đường truyền giáo.

Lambert chọn điểm đến cho mình là Canađa nhưng rồi thánh ý Chúa nhiệm mầu lại đưa cha đến với một vùng đất hoàn toàn mới lạ lúc bấy giờ. Đường đi ấy chỉ có cỏ lạ chứ chưa thấy hoa thơm. 36 tuổi chẵn Pierre Lambert xuống tàu sang Châu Á và cha là người mở ra con đường bộ đi từ Châu Âu sang vùng Viễn Đông xa xôi. Lớn lên theo nhịp thăng trầm, cộng với sự trưởng thành khá sớm mà cha biết rõ con đường mình chọn không phải là ước mơ hão huyền mà đó là một quyết định của chọn lựa táo bạo cho một hành trình không rõ tương lai.

Như Apraham nghe tiếng Chúa vâng lời ra đi; đi trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh thúc bách cha đã yêu mến Thiên Chúa, Đấng là Cha của mọi người thì cha không thể không yêu mến đồng loại, không thể không nhận ra họ là anh chị em của mình. Vì vậy, khi thấy nhiều người chưa được biết tình yêu Chúa tỏ bày trọn vẹn trong Đức Kitô thì cha không thể ngồi yên, cha lên đường để đem Tin mừng đến với mọi người và giúp họ tìm về vùng trời tình yêu là Thiên Chúa. Bởi thế, con đường cha đi không chỉ là 2 năm 2 tháng 4 ngày mới đến được Ayuthaya hoặc chỉ đến được Việt Nam 2 lần trên con tàu nhỏ đơn sơ nhưng đó là cả một quá trình của một đời thừa sai mang trong mình ngọn lửa truyền giáo.

Đúng thật đường cha đi có quanh co khúc khuỷu của những nghi ngờ, chống đối của các vị thừa sai trước đó, có những ý tưởng đen tối muốn hãm hại, ám sát, có những khó khăn về văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ. Cha quỳ cầu nguyện hàng giờ dưới chân Thánh giá và con đường khúc khuỷu, gồ ghề không cản được bước chân sứ giả Tin mừng của cha. Bởi lẽ, cha không chỉ đi được đến bến bờ thành lập Hàng giáo sĩ bản địa cho giáo hội Việt Nam mà nó còn tỏa hương thơm nhân đức kết thành Hội dòng Mến Thánh Gía trên đất Việt hôm nay.

Thật vậy, chỉ những ai thực sự yêu mến Đức Giêsu mới không bị lung lay trước sóng gió “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” trên đường truyền giáo. Cha Lambert đã ôm trọn thánh giá để “thông đạt cho người khác kinh nghiệm của mình về Đức Kitô” (Redemptoris Misio, số 24). Để rồi “từng bước cha đi qua núi non ngàn trùng, từng bước người đi tung gieo Tin mừng muôn nơi…” (Ghi ơn Đức Cha Lambert của Magnificat-MTGQN) lời bài hát ấy vang lên như thúc giục tôi lên đường trong cuộc sống hôm nay.

Tôi sẽ làm gì đây? Thực sự giữa thế giới vô cảm hôm nay, dường như ai cũng dễ dàng né tránh lời mời gọi của bác ái, của dấn thân lên đường vì nại đến những lý do xem ra chính đáng để thu mình trong vỏ bọc vô tâm. Nhưng là ki tô hữu, một khi đã gặp Chúa, một khi có Chúa trong tâm hồn, tôi được mời gọi, được thúc đẩy để ra đi, để lên đường trở thành người đem Chúa đến cho người khác. Một cây đèn dù đẹp, sang trọng đến đâu mà không có dầu, không thắp lên, không tỏa sáng sẽ trở nên vô dụng và bị quên lãng nơi một xó xỉnh nào đó. Đời tôi cũng như cây đèn cần được châm vào chút dầu tình yêu và sự bao dung, dám cho đi tất cả thì sẽ tỏa sáng và sưởi ấm lòng người. Vì một Hội thánh hiệp hành, ước mong rằng con đường truyền giáo không chỉ dừng lại nơi bước chân của các nhà truyền giáo như Đức Cha Lambert mà nó còn được tiếp nối nơi bạn, nơi tôi để rồi ai trong chúng ta cũng có thể tặng Chúa Giê su cho mọi người.