TỦ SÁCH NƯỚC MẶN XUẤT BẢN 2 QUYỂN SÁCH
CỦA GS. TRẦN DUY NHIÊN
“Cuốn Phúc âm thứ năm và 6 kịch bản khác” và
“13 người thay đổi thế giới”
- Tác giả Trần Duy Nhiên
Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên sinh năm 1941 tại Kontum. Năm 1967, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sàigòn, dạy học tại Cần Thơ. Năm 1973, chuyển lên dạy ở Đà Lạt đến năm 1988. Sau đó về Sài Gòn dạy ngọai ngữ ở Trung tâm Nguyễn Trường Tộ và Đại Học Luật. Qua đời ngày 08/02/2009.
- “Cuốn Phúc âm thứ năm và 6 kịch bản khác”
“Tôi đã lầm khi nghĩ rằng Cuốn Phúc Âm Thứ Năm chưa được viết. Quả thật từ Gioan tông đồ cho tới nay, không có ai dùng giấy trắng mực đen để viết một cuốn phúc âm, nhưng thực ra Thiên Chúa đã dùng Thánh Linh viết trên tim của những người tín hữu chân thành. Và Ngài đã không viết một cuốn mà thôi, nhưng hàng chục triệu cuốn. Các bạn ở đây là những cuốn đầu tiên tôi được đọc.”
(Trích: Cuốn Phúc Âm Thứ Năm của Trần Duy Nhiên)
Nếu tôi không lầm, năm 1985, lần đầu tiên, tôi cầm được tập đánh máy kịch bản mang tên “Cuốn Phúc Âm Thứ Năm”. Tôi háo hức mở ra đọc-bằng-mắt ngay lập tức. Tôi xin lập lại: đọc-bằng-mắt, bởi vì chỉ sau một vài trang, tôi đã bị cuốn hút vào tuyến kịch đến mức đọc-to-lên-bằng-miệng! Vâng, tôi đã nhập vai lúc nào không biết…
Chiều hôm ấy, được mời giảng thánh lễ cho giới trẻ tại một giáo xứ khá lớn tại Sài Gòn, tôi quyết định gác lại bài giảng đã soạn nghiêm túc, để thay vào đó là đọc kịch bản “Phúc Âm Thứ Năm”. Dĩ nhiên, trên tòa giảng chỉ có mình tôi độc diễn hơn một chục vai của Phần I. Cử tọa gần 1.000 người gồm đủ mọi giới (kể cả trẻ em) đã phải ngồi nghe suốt gần một giờ đồng hồ. Ấy vậy mà tôi nhận ra mình đã đánh động không ít những tâm hồn lâu nay xem ra ơ hờ với Lời Chúa. Tôi càng xác tín hiệu quả của hình thức hoàn toàn mới lạ này so với truyền thống một bài homélie trong thánh lễ. Một thời gian dài sau đó, tôi tiếp tục vận dụng phương cách này trong nhiều dịp, nhất là với giới trẻ, suốt từ Nam chí Bắc, ở thành thị lẫn thôn quê, trong một nhóm nhỏ hay trước một cộng đoàn đông đảo. Tôi cũng cải tiến đôi chút bằng cách kéo theo số bạn trẻ (lúc bấy giờ) như anh P. Kim, thầy H. Phúc, thầy Q. Uy, chị A. Hiền, chị T. Ngọc, chị L. Thúy… và cả chính tác giả, nếu gặp lúc anh từ Đà Lạt về.6 Trần Duy Nhiên Cho đến một ngày, tại lớp giáo lý trung cấp Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, một em học viên xin ý kiến tôi chọn diễn một vở kịch nào đó trong lễ bế giảng sắp tới.
Tôi đề nghị một số bạn trong lớp cùng đến với tác giả (bấy giờ đã về Sài Gòn) để tập vở kịch độc đáo này. Thế là một nhóm trẻ mang tên Rabbôni chào đời từ đấy để rồi gắn liền sinh hoạt của mình với “Phúc Âm Thứ Năm”, không chỉ Phần I mà cả Phần II: Ra đi và Trở về, Đón nhận và Rao giảng… Tôi chia sẻ cảm nhận mình với các bạn ấy là: với “Phúc Âm Thứ Năm” không chỉ nên đọc-bằng-mắt, đọc-bằng-miệng, mà còn phải đọc-bằng-cả-tâm-hồn. Khi ấy, kịch bản sẽ không còn là kịch bản, sân khấu sẽ chính là cuộc đời, diễn viên hóa thân thành nhân vật Tân Ước để hòa nhập với khán giả và nội dung thì không gì khác hơn Lời Chúa cho hôm nay và của hôm nay.
Thật vậy, cuốn “Phúc Âm Thứ Năm” không hề nằm trong quy điển Thánh kinh, lại cũng chẳng là một ngụy thư nào đó, mà là chính mỗi người chúng ta, bởi “Thiên Chúa đã dùng Thánh Linh viết trên tim của những người tín hữu chân thành, và Ngài đã không chỉ viết một cuốn mà thôi, nhưng hàng chục triệu cuốn…” (trích đoạn cuối Phần I) Lời cuối cùng tôi muốn ngỏ là “Tạ ơn Chúa”, bởi một cách nào đó, Ngài đã tặng cho chúng ta một món quà dễ thương qua ngòi bút của anh Trần Duy Nhiên, người bạn gần gũi của tôi và chắc là của các bạn nữa, vì các bạn cũng là những cuốn Phúc âm sống động của ngày hôm nay. Bây giờ thì xin mời các bạn hãy cùng tôi nhập cuộc.
(Yuse Tiến Lộc, DCC)
- “13 người thay đổi thế giới”
Mới nghe qua tựa đề của quyển sách, bạn nghĩ họ là ai? Họ có phải là những vị vua quyền uy, nhà khoa học nổi tiếng, những vị tướng tài, nhà văn, nhà nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn? Không, họ không tham gia những lĩnh vực đó. Có phải họ là: Isaac Newton, Aristotle, Alexander đại đế, Adolf Hitler, hay Albert Einstein? Không, đó không phải là tên của họ.
Câu trả lời được thể hiện trên chính trang bìa của quyển sách: hình ảnh các vị Tông đồ của Chúa Giêsu. Họ gồm nhóm 12 được Chúa Giêsu tuyển chọn: Phêrô, Anrê, Giacôbê Tiền, Gioan, Philípphê, Batôlômêô (Nathanaen), Tôma, Matthêu (Lêvi), Giacôbê Hậu, Giuđa (Tađêô), Simon nhiệt thành, Giuđa Itcariôt và Phaolô được Chúa Giêsu Phục sinh chọn trên đường đi Đamat.
Nếu chúng ta đồng ý rằng Giáo hội đã mang đến cho thế giới một gương mặt mới, đậm chất Tin mừng, thì chúng ta cũng đồng ý rằng 13 người vừa được kể trên đã thay đổi thế giới. Bởi lẽ, Giáo hội được Chúa Giêsu thiết lập trên nền tảng 13 vị tông đồ mà chính Chúa đã chọn gọi họ cách trực tiếp.
Cách thức mà những người này thay đổi thế giới không phải bằng những phát minh vĩ đại, không phải là những cuộc cách mạng hay dùng quyền lực mà thống trị thế giới. Tuy nhiên, họ đã thay đổi thế giới bởi được Chúa Giêsu chọn gọi và họ đã trung thành đáp trả lời mời gọi đó, ngoại trừ trường hợp của Giuđa Itcariôt đã phản bội Chúa.
Họ đã đáp trả trọn vẹn với con người của mình. Còn đó những tính cách rất đặc trưng của mỗi người. Một Anrê, vị tông đồ giàu tình bạn; một Philíp, vị tông đồ thực tiễn; một Nathanael, vị tông đồ mơ mộng hay một Gioan, vị tông đồ của tình yêu,…
Quyển sách “13 người thay đổi thế giới” sẽ kể lại câu chuyện cuộc đời của mỗi người trong số họ dựa theo Kinh thánh và theo chính cảm nghiệm của tác giả. Nhờ đó, hình ảnh các vị tông đồ vừa thân thuộc với chúng ta gặp trong Tin mừng, vừa trở nên mới mẻ và độc đáo theo lời kể của tác giả.
Đọc lại cuộc đời của mỗi vị tông đồ, chúng ta cũng nhận ra rằng, việc thay đổi thế giới không có gì vượt quá tầm tay của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta quảng đại đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu dành riêng cho mỗi người chúng ta. Theo cách mà Mathias, vị tông đồ giờ thứ 11 đã đáp trả:
“Qua Mathias, chúng ta có bằng chứng rằng mọi người đều được kêu gọi để trở nên đồng hàng với nhau trước mặt Thiên Chúa. Vì Ngài không xét đoán theo tài năng và công trạng đóng góp của chúng ta, nhưng chỉ xét theo Tình yêu của Ngài. Qua Mathias, chúng ta được an ủi, nhưng cùng một lúc, chúng ta cũng nhận được một sứ điệp.
Mathias không nhận lãnh nhiệm vụ trực tiếp từ Chúa Giêsu nhưng qua sự đề cử của cộng đoàn.
Mathias là chứng tích cho sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội Thánh của Ngài…
Có một người thay thế Giuđa Iscariốt, đó là Mathias…
Và câu chuyện về Mathias vẫn còn tiếp diễn đến nay, thế kỷ XX…”
(Trích cuốn ’13 người thay đổi thế giới’ của Gs Trần Duy Nhiên)
(Lm. FA LÊ)
Sách “Cuốn Phúc âm thứ năm và 6 kịch bản khác”, “13 người thay đổi thế giới” và những quyển sách thuộc Tủ sách Nước Mặn được bán tại văn phòng Mục Đồng và trên trang web tusachnuocman.com, giảm giá 20%. Xin liên hệ sđt: 0987 566 735.